Những điều bạn cần biết về tiêm phòng khi mang thai
Nội dung bài viết
Việc tiêm phòng khi mang thai có thực sự quan trọng hay không? Điều này liệu có ảnh hưởng gì trên thai? Nếu việc tiêm chủng là cần thiết vậy phụ nữ mang thai cần dùng những loại vắc xin nào? Hãy cùng YouMed tìm hiểu nội dung này theo bài viết được phân tích dưới đây!
Vì sao cần tiêm phòng khi mang thai?
Mức độ cần thiết
Vắc-xin có thể giúp bảo vệ cả phụ nữ mang thai và em bé khỏi các bệnh có thể phòng ngừa được bằng vắc-xin. Khi mang thai, các bà mẹ được tiêm vắc-xin truyền các protein chống nhiễm trùng được gọi là kháng thể cho con.
Kháng thể giúp tăng khả năng miễn dịch (bảo vệ) chống lại một số bệnh trong vài tháng đầu đời, khi con còn quá nhỏ để tiêm vắc-xin. Ngoài ra, cũng giúp cung cấp sự bảo vệ quan trọng cho bạn trong suốt thai kỳ.
Để bảo vệ bản thân và thai nhi, mẹ bầu cần phải hiểu loại vắc-xin nào có thể cần trong khi quá trình mang thai.
Mức độ an toàn
Việc tiêm phòng của người mẹ đang mang thai gây tăng nguy cơ cho thai nhi chỉ là lý thuyết. Hiện vẫn chưa có bằng chứng nào về nguy cơ đối với thai nhi từ việc tiêm vắc-xin cho phụ nữ mang thai với các loại virus bất hoạt hoặc vắc-xin vi khuẩn hoặc độc tố.
Tuy nhiên, vắc-xin sống dùng cho phụ nữ mang thai có nguy cơ về mặt lý thuyết cho thai nhi. Do đó, chống chỉ định tiêm phòng các loại vắc-xin chứa virus sống, suy yếu và vắc-xin vi khuẩn sống trong thai kỳ.
Hầu hết các loại vắc-xin đều được kiểm tra an toàn dưới sự giám sát của FDA. Trong đó, các vắc-xin được kiểm soát một cách chặt chẽ về mức độ tinh khiết, hiệu lực cũng như an toàn.
Một số phụ nữ mang thai có thể bị dị ứng với một hoặc nhiều thành phần trong vắc-xin (trứng trong vắc-xin cúm). Do đó, cần đánh giá và nhận tư vấn của bác sĩ trước khi tiêm phòng.
Vắc-xin cần thiết khi mang thai
1. Vắc-xin Cúm
Nguyên nhân
Cúm có nhiều khả năng gây bệnh nặng ở phụ nữ mang thai so với phụ nữ trong độ tuổi sinh sản không mang thai. Ngoài ra, những thay đổi trong hệ thống miễn dịch, tim và phổi khi mang thai khiến phụ nữ mang thai dễ bị bệnh nặng hơn do cúm (có thể phải nhập viện).
Đặc biệt, cúm cũng có thể gây hại cho thai nhi đang phát triển. Triệu chứng cúm phổ biến là sốt, có thể liên quan đến khuyết tật ống thần kinh và các kết quả bất lợi khác cho em bé đang phát triển. Do đó, việc tiêm vắc-xin cúm trong quá trình mang thai cũng có thể giúp bảo vệ bé.
Độ an toàn
Vắc-xin cúm an toàn cho phụ nữ mang thai và thai nhi. Ngoài ra, việc tiêm phòng cúm đã được thực hiện trên hàng triệu phụ nữ mang thai trong nhiều năm với thành tích an toàn tốt. Không những vậy, còn có một lượng lớn nghiên cứu hỗ trợ sự an toàn của vắc-xin cúm ở phụ nữ mang thai và em bé.
Lợi ích
Việc tiêm vắc-xin làm giảm nguy cơ nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính liên quan đến cúm ở phụ nữ mang thai khoảng 50%.
Một biểu tượng nghiên cứu (đánh giá mùa cúm từ 2010-2016) chỉ ra rằng tiêm phòng cúm giúp giảm nguy cơ nhập viện do cúm của phụ nữ mang thai trung bình khoảng 40%. Nghiên cứu khác đã cho thấy ngoài việc giúp bảo vệ bà bầu, vắc-xin cúm được cung cấp khi mang thai giúp bảo vệ em bé khỏi cúm trong vài tháng sau khi sinh, khi bé chưa đủ tuổi để được tiêm vắc-xin.
2. Vắc-xin Tdap (Uốn ván, bạch hầu, ho gà) và Td (uốn ván, bạch hầu)
Lợi ích
Tiêm phòng cúm và vắc-xin Tdap trong khi mang thai có thể bảo vệ khỏi bị nhiễm trùng và cũng có thể giúp bảo vệ em bé sau khi sinh trước khi trẻ có thể được chủng ngừa. Điều này rất quan trọng vì cúm và ho gà có thể đặc biệt nguy hiểm đối với trẻ sơ sinh.
Việc tiêm vắc-xin này là an toàn trong thời gian mang thai và sẽ giúp bảo vệ cho thai nhi khỏi bị bệnh ho gà trong vài tháng đầu tiên sau khi sinh ra, khi trẻ dễ bị mắc bệnh nhất.
Lịch tiêm phòng
- Phụ nữ đang mang thai cần một liều vắc-xin Tdap trong mỗi lần mang thai, tốt nhất là vào giai đoạn đầu của 3 tháng cuối của thai kỳ.
- Sau khi chủng ngừa Tdap, cần một liều Td tăng cường 10 năm/ lần. Hãy hỏi ý kiến bác sĩ nếu chưa từng được tiêm ít nhất là 3 mũi vắc-xin uốn ván và bạch hầu trong đời hoặc trường hợp có vết thương sâu.
- Một liều vắc-xin Tdap được khuyến nghị trong mỗi lần mang thai để bảo vệ trẻ sơ sinh khỏi ho gà, bất kể khi nào đã tiêm vắc-xin Tdap hoặc uốn ván (Td) lần cuối .
Để đảm bảo bảo vệ chống uốn ván cho mẹ và trẻ sơ sinh, phụ nữ mang thai chưa bao giờ được tiêm phòng uốn ván nên tiêm ba mũi tiêm phòng uốn ván và giảm độc tố bạch hầu. Lịch tiêm khuyến nghị là 0, 4 tuần và 6 – 12 tháng. Tdap nên thay thế 1 liều Td, tốt nhất là trong khoảng thời gian từ tuần 27 – 36 của thai kì.
Vắc-xin có thể tiêm phòng trong mang thai
Viêm gan A
Sự an toàn của vắc-xin viêm gan A trong khi mang thai chưa được xác định. Tuy nhiên, do vắc-xin viêm gan A được sản xuất từ HAV bất hoạt, nên nguy cơ về mặt lý thuyết đối với thai nhi đang phát triển dự kiến sẽ thấp.
Nguy cơ liên quan đến tiêm chủng nên được cân nhắc với nguy cơ mắc bệnh viêm gan A ở phụ nữ mang thai có nguy cơ cao bị phơi nhiễm với HAV.
Viêm gan B
Một số nghiên cứu cho thấy thai nhi đang phát triển không có nguy cơ gặp phải các tác dụng phụ khi vắc-xin viêm gan B được tiêm cho phụ nữ mang thai. Vắc-xin có sẵn chứa HBsAg không nhiễm trùng và không gây nguy cơ nhiễm trùng cho thai nhi.
Phụ nữ mang thai được xác định là có nguy cơ nhiễm HBV trong thai kỳ (có nhiều bạn tình trong 6 tháng trước đó, được đánh giá hoặc điều trị STD, sử dụng thuốc tiêm gần đây hoặc hiện tại hoặc đã có HBsAg- bạn tình tích cực) nên được tiêm phòng.
Hib (viêm màng não mủ do Haemophilus influenzae tuýp b)
Một số người lớn có một số tình trạng nguy cơ cao nhất định như lách không hoạt động, cần phải chủng ngừa Hib. Nếu cần tiêm vắc-xin Hib thì tiêm vắc-xin này là an toàn vào bất cứ thời điểm nào trong thời gian mang thai.
Viêm màng não cầu khuẩn ACWY
- Vì phụ nữ mang thai có nguy cơ mắc bệnh viêm màng não mô cầu A, C, W hoặc Y. Do đó, nếu có chỉ định hãy thực hiện chủng ngừa vắc-xin MenACWY.
- Cần chủng ngừa MenACWY nếu là sinh viên năm thứ nhất đang sống tại ký túc xá và trước đây chưa từng được tiêm ngừa hoặc đã được tiêm ngừa trước 16 tuổi.
- Có thể cần vắc-xin MenACWY nếu đang mắc một trong vài tình trạng bệnh lý như lách không hoạt động, rối loạn hệ miễn dịch hiếm gặp.
- Trong thời gian mang thai, nếu cần thiết phải thực hiện thì việc tiêm phòng với vắc-xin MenACWY là an toàn.
Viêm màng não (MenB)
- Phụ nữ đang mang thai có nguy cơ mắc bệnh viêm màng não mô cầu nhóm B.
- Cần cân nhắc tiêm vắc-xin MenB nếu PNMT ≤23 tuổi (ngay cả khi không có tình trạng bệnh lý có nguy cơ cao).
- Ngoài ra, có thể cần tiêm phòng MenB nếu mắc một trong số tình trạng bệnh lý như nếu lách không hoạt động, rối loạn miễn dịch hiếm gặp,..
- Do vẫn chưa có nhiều nghiên cứu về vắc-xin MenB trên phụ nữ có thai. Do đó, bác sĩ cần cân nhắc cẩn thận giữa lợi ích và nguy cơ trước khi tiêm phòng cho PNMT.
Phế cầu khuẩn Pneumovax (PPSV) và Prevnar (PCV)
Bạn có thể cần 1 hoặc cả 2 vắc-xin này nếu có yếu tố nguy cơ nhất định đối với bệnh do phế cầu khuẩn như đái tháo đường (nhưng không phải là đái tháo đường do mang thai). Nếu không chắc chắn về nguy cơ này, hãy hỏi bác sĩ để biết bản thân có cần cả hai vắc-xin này hay không.
Trường hợp cần cả 2 vắc-xin phế cầu, việc tiêm 2 loại này là an toàn trong thời gian mang thai.
Vắc-xin không được tiêm phòng khi mang thai
- Papillomavirus ở người (HPV).
- Vắc-xin sởi, Quai bị, Rubella (MMR).
- Varicella (vắc-xin thủy đậu).
- Vắc-xin Zoster (vắc-xin Zona tái tổ hợp).
Tác dụng phụ một số loại vắc-xin
Lưu ý tác dụng phụ có thể xảy ra đến 3 tuần sau khi tiêm chủng. Nếu gặp bất kỳ tác dụng phụ nghiêm trọng, hãy thông báo ngay cho bác sĩ
- Vắc-xin viêm gan A: đau nhức và đỏ tại chỗ tiêm, nhức đầu, mệt mỏi, phản ứng dị ứng nghiêm trọng trong những trường hợp rất hiếm.
- Vắc-xin viêm gan B: đau nhức tại chỗ tiêm, sốt.
- Vắc-xin cúm: đỏ và sưng tại chỗ tiêm có thể kéo dài đến 2 ngày, sốt; đau đầu, đau cơ; buồn nôn; mệt mỏi.
- Vắc-xin uốn ván/ bạch hầu: sốt thấp, đau nhức và sưng tại chỗ tiêm.
- Vắc-xin phế cầu: gây sốt, đau nhức tại chỗ tiêm.
- Vắc-xin bại liệt bất hoạt (IPV): đỏ, khó chịu tại chỗ tiêm.
Trên đây là những thông tin về các loại vắc-xin cần thiết tiêm phòng trong khi mang thai. Bên cạnh đó là thông tin về một số loại vắc-xin nên dùng theo chỉ định và một số loại không khuyên dùng. Vì thế, hãy đọc kĩ thông tin và hãy gọi điện để nhận sự tư vấn từ bác sĩ trước khi quyết định tiêm phòng nhé!
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
- Vaccines for Pregnant Womenhttps://www.vaccines.gov/who_and_when/pregnant
- Vaccines During and After Pregnancyhttps://www.cdc.gov/vaccines/pregnancy/vacc-during-after.html
- Pregnancy week by weekhttps://www.mayoclinic.org/healthy-lifestyle/pregnancy-week-by-week/expert-answers/vaccines-during-pregnancy/faq-20057799