Ốm nghén: Những điều cần biết
Nội dung bài viết
Nếu như các bạn là tín đồ của phim truyền hình thì đa phần các bạn sẽ nhận thấy rằng ốm nghén là một dấu hiệu rất hạnh phúc và đáng mong đợi. Thật vậy, đó là dấu hiệu gợi ý rằng bạn đã có thai. Đặc biệt hơn nếu đó là lần đầu tiên bạn cấn thai. Đó là một trong những cột mốc thiêng liêng nhất trong cuộc đời của vợ chồng bạn. Tuy nhiên, không phải lúc nào ốm nghén đều đem lại cảm giác tuyệt vời đó.
Khoảng 0.3 – 5% thai kỳ bị tình trạng nghén nặng, trở thành nỗi sợ kinh hoàng cho các cặp vợ chồng son. Thậm chí có những cặp vợ chồng vợ lên ý định bỏ thai vì tình trạng nghén không thể vượt qua nổi. Vì vậy, thông qua bài viết này, mình muốn truyền tải đến các bạn những thông tin căn bản nhất về ốm nghén nhằm trang bị những kiến thức cho một thai kỳ khỏe mạnh.
Ốm nghén là gì?
Ốm nghén là tình trạng rất phổ biến trong thai kỳ với các triệu chứng như: buồn nôn, nôn ói, mệt mỏi, ăn uống kém ngon miệng, giảm cân, mất nước… Ốm nghén thường xảy ra vào buổi sáng nên có tên tiếng Anh là “morning sickness”, tuy nhiên nó có thể xảy ra vào bất cứ buổi nào trong ngày.
Ốm nghén thường xảy ra vào trước tuần thai thứ 9 và kết thúc trước tuần 12 –14. Tuy nhiên cũng có một số trường hợp nghén kéo dài qua vài tháng và có thể suốt thai kỳ.
Khoảng 0,3 – 3% thai kỳ bị tình trạng ốm nghén nặng (Hyperemesis gravidarum), mẹ nôn ói nhiều làm giảm trên 5% cân nặng và các biến chứng khác của tình trạng mất nước, suy dinh dưỡng. Lúc này mẹ cần được điều trị để giảm nôn ói, bồi hoàn nước và điện giải. Nếu nặng hơn nữa có thể cần nhập viện điều trị. Một số trường hợp cần phải chấm dứt thai kỳ (bỏ thai) nhằm chấm dứt tình trạng ốm nghén.
Các yếu tố nguy cơ làm nặng cơn ốm nghén
- Mang đa thai (song thai, tam thai…)
- Mang thai là con gái
- Bệnh lý nguyên bào nuôi thai kỳ (thai trứng)
- Sinh sản có hỗ trợ (điều trị hiếm muộn)
- Thai kỳ trước đã bị ốm nghén
- Có mẹ hoặc chị em gái bị ốm nghén nặng
- Tiền sử bị chóng mặt khi thay đổi tư thế hay đau đầu Migraine
Nguyên nhân
Nguyên nhân gây ra ốm nghén vẫn chưa được làm rõ nhưng nó có thể liên quan đến việc thay đổi nồng độ nội tiết sinh dục của con người. Vì vậy, chẩn đoán ốm nghén chỉ nên được chắc chắn sau khi các nguyên nhân gây nôn ói khác đã được loại trừ.
Các nguyên nhân khác có thể gây nôn và buồn nôn trong thai kỳ
Ngoài nghén do thai thì nôn và buồn nôn còn có thể do một số nguyên nhân khác như: bệnh lý đường tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm, bệnh tuyến giáp, bệnh túi mật, bệnh lý tâm thần kinh…
Cần báo cho BÁC SĨ biết để phát hiện những bệnh lý này nếu mẹ bị nôn, buồn nôn với tính chất không giống như thông thường:
- Nôn và buồn nôn xảy ra lần đầu ở sau tuần thai thứ 9
- Nôn và buồn nôn kèm với các triệu chứng bất thường khác: sốt, đau bụng, tiêu chảy, đau đầu, bướu cổ…
Ốm nghén ảnh hưởng như thế nào đến thai kỳ
Ốm nghén thường không ảnh hưởng đến thai nhi và không phải là dấu hiệu cho thấy là em bé bị nguy hiểm. Ngược lại, thai nghén cho thấy bé đang phát triển tốt, bánh nhau tăng tiết một số nội tiết tố như beta-hCG, estrogen vào máu mẹ và làm mẹ bị ốm nghén. Một vài nghiên cứu cho thấy những mẹ bị ốm nghén trong thai kỳ có tỷ lệ sẩy thai thấp hơn người không ốm nghén.
Tuy nhiên nếu mẹ bị nghén quá nhiều có thể bị mất nước cấp, sụt cân, suy dinh dưỡng cần phải điều trị cấp cứu để cải thiện tình trạng dinh dưỡng trong cơ thể. Một số trường hợp ốm nghén nặng có thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, mất khả năng làm việc, gây lo lắng cho sản phụ và các thành viên khác trong gia đình. Ngoài ra, nếu mẹ bị sụt cân quá nhiều, dinh dưỡng kém thì có thể làm bé bị nhẹ cân lúc sanh.
Một điều đáng lưu ý là những trường hợp mẹ đang ốm nghén bỗng đột ngột hết ốm nghén thì mẹ nên đi khám lại để kiểm tra tình trạng sinh tồn của thai. Đó có thể là dấu chỉ thai kỳ đã ngưng tiến triển (thai lưu, sẩy thai).
Các biện pháp không dùng thuốc có thể cải thiện tình trạng ốm nghén
Một số nghiên cứu cho thấy uống vitamin e 3 tháng trước thụ thai có thể làm giảm tần suất và độ nặng của nghén.
Quá no hay quá đói đều làm tăng cảm giác nôn, buồn nôn. Do đó mẹ nên chia nhỏ cữ ăn thành nhiều bữa thay vì chỉ ăn 3 cữ chính. Thêm các cữ như xế trưa, xế chiều, tối trước khi ngủ. Thử ăn vài cái bánh quy, snack vào buổi sáng khi vừa ngủ dậy để trung hòa acid dạ dày sau một đêm ngủ dài. Tránh các thức ăn nhiều dầu mỡ, thức ăn quá ngọt, nặng mùi… Thử các thức ăn đơn giản, dễ tiêu hóa, không mùi, không dầu mỡ, khô như chuối, cơm, bánh mì, mỳ ý, khoai tây, ngũ cốc… Các loại thực phẩm mát lạnh như sa lát, sữa chua, trái cây hoặc súp lạnh cũng giúp ích cho hệ tiêu hóa trong thai kỳ.
Có thể thử ngậm gừng tươi, mứt gừng, kẹo gừng, trà gừng để giảm cảm giác buồn nôn và nôn. Nên uống nhiều nước. Các loại nước lạnh, chua, có mùi dễ chịu như nước chanh, nước cam, bạc hà, trà xanh…có thể làm mẹ dễ chịu hơn. Nên uống nước 30 phút trước và sau khi ăn thức ăn đặc để tránh làm dạ dày quá đầy sau ăn.
Tránh các loại mùi gây khó chịu có thể khởi phát cảm giác buồn nôn như mùi nước hoa, nước xịt phòng, nước tẩy rửa, mùi tỏi, cà phê… Mở cửa sổ để phòng thông thoáng và tránh nơi ngột ngạt.
Thuốc sắt có thể gây kích thích dạ dày và tăng cảm giác buồn nôn. Do đó mẹ có thể ngưng sắt trong giai đoạn nghén nhiều và bắt đầu uống lại khi nghén giảm đi. Đừng quên vẫn tiếp tục uống viên acid folic đơn thuần trong giai đoạn này.
Điều trị bằng thuốc
Điều quan trọng là các sản phụ và người nhà không nên tự ý kê thuốc theo kinh nghiệm bản thân hoặc của người khác. Tất cả loại thuốc điều có hai mặt tác dụng. Vì vậy, không nên tự ý dùng một cách bừa bãi, đặc biệt trong giai đoạn rất nhạy cảm như thai kỳ. Chúng có thể gây ra một số tác dụng không mong muốn ở bé.
Một điều đáng lưu ý khác là các biện pháp không dùng thuốc đa phần sẽ giúp bạn vượt qua cơn ốm nghén và có được một thai kỳ khỏe mạnh bình thường. Tuy nhiên, nếu sau khi thay đổi sinh hoạt và chế độ ăn vẫn không cải thiện tình trạng và sau khi loại trừ các nguyên nhân khác có thể gây nôn, buồn nôn thì bác sĩ có thể chỉ định một số loại thuốc sau nhằm giúp điều trị:
- Vitamin B6 và doxylamine: Vitamin B6 là thuốc an toàn để giảm buồn nôn nhưng tác dụng khá yếu. Nếu không cải thiện có thể kết hợp thêm doxylamine. Loại viên phối hợp 2 thuốc này không gây nguy hiểm lên thai và đã được FDA công nhận sử dụng tại Mỹ năm 2013 cho điều trị nôn và buồn nôn trong thai kỳ.
- Thuốc chống nôn: nếu vitamin B6 và doxylamine không đủ cải thiện tình trạng thì bác sĩ có thể chỉ định thêm thuốc chống nôn cho mẹ. Một số loại có thể dùng an toàn trong thai kỳ nhưng cũng có nhiều loại cần cân nhắc, chỉ sử dụng khi lợi ích lớn hơn nguy cơ. Do đó mẹ nên đi khám bác sĩ chứ không nên tự mua toa về nhà uống.
Những điểm cần lưu ý
Ốm nghén là một tình trạng ảnh hưởng đến hầu hết các sản phụ từ mức độ nhẹ đến nặng. Ốm nghén là một dấu hiệu rất đáng vui mừng nếu nó không quá nặng nề, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của sản phụ. Ốm nghén hầu hết tự thuyên giảm với điều chỉnh lối sống và không cần điều trị. Sản phụ cần lưu ý các dấu hiệu nguy hiểm hoặc dấu hiệu gợi ý tình trạng nôn ói không phải do ốm nghén đến tìm đến bác sĩ ngay. Sản phụ không nên tự ý kê thuốc theo kinh nghiệm vì thuốc có thể ảnh hưởng đến quá trình phát triển của thai nhi.
>> Để có một thai kỳ khỏe mạnh, các bà bầu cũng nên đi khám sức khỏe định kỳ. Hãy tham khảo kiến thức quan trọng khi mang thai qua bài viết sau: Khám thai như thế nào để đảm bảo một thai kỳ khỏe mạnh?
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
- Erick, M., Cox, J. T., & Mogensen, K. M. (2018). ACOG practice bulletin 189: nausea and vomiting of pregnancy. Obstetrics & Gynecology, 131(5), 935
- Koren, G. (2014). Treating morning sickness in the United States—changes in prescribing are needed. American journal of obstetrics and gynecology, 211(6), 602-606