Những phương pháp châm cứu có thể bạn chưa biết
Nội dung bài viết
Ngày nay, cùng với sự phát triển của khoa học, các phương pháp châm cứu ngày càng được tối ưu hóa đem lại hiệu quả điều trị và sự tiện lợi cho người bệnh. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu các phương pháp châm cứu trong bài viết dưới đây.
Sơ lược về châm cứu
Theo Y học cổ truyền, con người tồn tại hệ thống kinh mạch chạy khắp cơ thể giúp khí huyết vận hành. Châm cứu là sử dụng kim châm vào vị trí huyệt trên kinh mạch đang bị bệnh. Kích thích huyệt đạo của người bệnh là thầy thuốc khơi thông kinh mạch đang có bệnh làm bệnh tật thoái lui.
Các loại hình châm cứu hiện nay
Hào châm
Hào châm là phương pháp châm cứu sử dụng kim nhỏ thường từ 4 – 6 cm châm vào huyệt trên cơ thể. Hào kim là loại kim có thân kim rất nhỏ, mảnh như tóc, mũi kim nhọn, có nhiều loại dài ngắn khác nhau. Hình thức châm cứu này được dùng phổ biến hiện nay.
Chỉ định
Bệnh cơ năng và triệu chứng của một số bệnh như rối loạn thần kinh thực vật, mất ngủ chưa rõ nguyên nhân, chán ăn, đầy bụng khó tiêu, tiêu chảy, táo bón, bí tiểu cơ năng, nấc cụt,…
Các chứng đau: đau do chấn thương đụng dập, đau sau phẫu thuật, đau khớp hoặc phần mềm quanh khớp, đau trong các bệnh lý thần kinh…
Một số bệnh viêm nhiễm như chắp, lẹo, viêm tuyến vú….
Chống chỉ định
Cơ thể suy yếu, sức đề kháng kém, phụ nữ có thai.
Không châm vào những vùng huyệt đang viêm nhiễm, lở loét ngoài da.
Tất cả những cơn đau nghi ngờ do nguyên nhân ngoại khoa…
Mai hoa châm
Một trong các phương pháp châm cứu hiện nay là mai hoa châm. Mai hoa châm là phương pháp dùng kim hoa mai (5 – 7 kim nhỏ gắn cán gỗ) gõ trên mặt da, dọc theo đường kinh.
Chỉ định
Cơ bản, gõ kim hoa mai có thể dùng để chữa trị các bệnh như hào châm vẫn thường làm. Phương pháp thích hợp đối với các loại bệnh: đau đầu, mất ngủ, đau thần kinh liên sườn, liệt thần kinh VII, đau dạ dày tá tràng, đầy bụng khó tiêu, thống kinh, đái dầm, sa trực tràng, mẩn ngứa…
Chống chỉ định
Những trường hợp sau không được gõ kim hoa mai: vừa ăn no, say xỉn quá, đói quá, vã mồ hôi, phụ nữ có thai, vùng da bị viêm loét chảy nước, chảy mủ.
Mãng châm
Mãng châm là kỹ thuật dùng kim cỡ lớn, kim dài châm xuyên từ huyệt này sang huyệt kia trên cùng một đường kinh hoặc trên hai đường kinh khác nhau có tác dụng điều khí nhanh, mạnh hơn. Kim có độ dài từ 15cm, 20cm, 30cm, 60cm, đường kính kim từ 0.5 đến 1mm.
Chỉ định
Các chứng liệt: sau đột quỵ (tai biến mạch máu não), di chứng bệnh bại liệt, liệt dây thần kinh ngoại biên…
Các chứng đau: đau do chấn thương đụng dập, đau sau phẫu thuật, đau khớp và phần mềm quanh khớp, đau trong các bệnh lý thần kinh…
Châm tê trong các phẫu thuật.
Chống chỉ định
Cơ thể suy yếu, sức đề kháng kém, phụ nữ có thai.
Không châm vào những vùng huyệt đang viêm nhiễm, lở loét ngoài da.
Tất cả những cơn đau nghi ngờ do nguyên nhân ngoại khoa…
Điện châm
Điện châm là phương pháp châm cứu chữa bệnh phối hợp giữa tác dụng chữa bệnh của châm cứu với kích thích bằng dòng điện.
Chỉ định
Các chứng liệt: liệt sau đột quỵ (tai biến mạch máu não), di chứng bệnh bại liệt, liệt dây thần kinh ngoại biên,…
Các bệnh lý đau như đau đầu, đau cổ vai lưng, đau thần kinh tọa, thất ngôn, …
Các chứng đau cấp và mạn tính: đau do chấn thương đụng giập, đau sau phẫu thuật, đau khớp và phần mềm quanh khớp, đau trong các bệnh lý thần kinh…
Bệnh cơ năng và triệu chứng của một số bệnh như rối loạn thần kinh thực vật, mất ngủ chưa rõ nguyên nhân, chán ăn đầy bụng khó tiêu, tiêu chảy mạn tính, táo bón, bí tiểu cơ năng, nấc,…
Một số bệnh viêm nhiễm như chắp, lẹo, viêm tuyến vú,….
Châm tê phẫu thuật.
Chống chỉ định
Cơ thể suy yếu, sức đề kháng kém, phụ nữ có thai.
Không châm vào những vùng huyệt đang viêm nhiễm, lở loét ngoài da.
Tất cả những cơn đau nghi ngờ do nguyên nhân ngoại khoa…
Thủy châm
Thủy châm hay tiêm thuốc vào huyệt đạo là phương pháp kết hợp Đông – Tây y, phối hợp tác dụng chữa bệnh của châm kim theo học thuyết kinh lạc với tác dụng chữa bệnh của thuốc tiêm.
Chỉ định
Thủy châm được dùng để chữa một số bệnh mạn tính như: bệnh khớp mạn, viêm dạ dày mạn, hen phế quản, đau đầu, mất ngủ, đau thần kinh tọa…
Chống chỉ định
Giống chống chỉ định của châm cứu: Người bệnh đau bụng nghi ngờ, theo dõi ngoại khoa, bệnh lý tim mạch nặng, tinh thần không ổn định, vừa lao động nặng, mệt, đói.
Không dùng thuốc mà người bệnh có dị ứng, các thuốc gây xơ cứng, hoại tử các vùng có dây thần kinh và các cơ…
Không thủy châm vào những huyệt ở vùng cơ mỏng, phía dưới là nội tạng, khớp, dây chằng, gân cơ, dây thần kinh, mạch máu…
Cấy chỉ
Cấy chỉ phương pháp châm cứu kết hợp cổ truyền và hiện đại, dùng một loại protein lạ (chỉ tự tiêu) chôn vùi vào huyệt để phòng và chữa bệnh. Bản chất chỉ tự tiêu là một protein, do đó trong quá trình tự tiêu luôn tạo ra kích thích cơ học lên huyệt, phát huy tác dụng chữa bệnh của huyệt đó.
Chỉ định
Các bệnh mạn tính: thoái hóa khớp, viêm dạ dày mạn, hen phế quản mạn, …
Béo phì, thừa cân.
Chống chỉ định
Cơ thể suy yếu, sức đề kháng kém, phụ nữ có thai.
Không châm vào những vùng huyệt đang viêm nhiễm, lở loét ngoài da.
Tất cả những cơn đau nghi ngờ do nguyên nhân ngoại khoa…
Dị ứng với chỉ.
Ôn châm
Ôn châm là phương pháp châm cứu là vừa châm kim vừa cứu trên cùng một huyệt.
Chỉ định
Bệnh lý có nguyên nhân hư hàn: ăn kém, chậm tiêu, tiêu chảy mạn (khi ăn đồ sống lạnh), dễ cảm lạnh do đề kháng kém, viêm mũi xoang mạn khi trời lạnh,…
Chống chỉ định
Các trường hợp bệnh lý có nguyên nhân thực nhiệt: có sốt cao, khát nước, nhiễm trùng toàn thân,…
Không tiến hành ôn châm ở các vùng có nhiều gân, da sát xương, đặc biệt vùng bị mất cảm giác… vì có thể gây bỏng.
Laser châm
Laser châm là sử dụng ánh sáng đơn sắc phát ra từ thiết bị laser công suất thấp chiếu lên các huyệt đạo giúp cơ thể lập lại thăng bằng âm – dương.
Chỉ định
Trên lâm sàng laser châm được chỉ định chủ yếu để điều trị các chứng đau và các chứng liệt. Laser châm có thể dùng đơn độc, có thể kết hợp laser châm với điện châm, laser châm với xoa bóp bấm huyệt.
Các chứng đau: đau vai gáy, đau quanh khớp vai, đau thần kinh tọa, hội chứng ống cổ tay…
Điều trị các chứng liệt: liệt nửa người, liệt dây thần kinh VII ngoại biên…
Chống chỉ định
Những thay đổi bất thường của da không rõ nguyên nhân.
Ung thư, u ác tính.
Người bệnh đang hoặc sau điều trị với thuốc ức chế miễn dịch, corticoid liều cao kéo dài.
Động kinh.
Suy tim mất bù, loạn nhịp, suy mạch vành.
Cường giáp.
Không chiếu laser vào vùng thóp, đầu xương dài của trẻ em, cạnh các tuyến nội tiết (tuyến giáp, tinh hoàn…)
Từ châm
Từ châm sử dụng nam châm vĩnh cửu thay kim châm cứu để phòng và điều trị rất nhiều chứng bệnh bệnh.
Chỉ định
Giảm đau: đau cổ gáy, đau quanh khớp vai, viêm mỏm trên lồi cầu, hội chứng ống cổ tay, đau thắt lưng – hông, đau thần kinh tọa…
Chống viêm: mụn, nhọt, viêm đại tràng co thắt, viêm loét dạ dày tá tràng.
Hội chứng thần kinh suy nhược, đau đầu, mất ngủ, rối loạn thần kinh tự chủ.
Điều hoà huyết áp.
Chống chỉ định
Người bệnh có máy tạo nhịp tim.
Phụ nữ trong thời kỳ mang thai, phụ nữ trong thời kỳ kinh nguyệt: không điều trị vào vùng bụng, vùng thắt lưng và xương cùng.
Người bệnh sau nhồi máu cơ tim cấp.
Bệnh hệ thống và bệnh huyết học như rối loạn đông cầm máu.
Vùng cơ thể đang chảy máu hoặc có nguy cơ chảy máu.
Nhĩ châm
Nhĩ châm là phương pháp châm cứu ở loa tai. Phương pháp này được ghi nhận trong Y văn Y học cổ truyền và Y học hiện đại.
Bình thường nhìn da ở loa tai thấy đồng màu, cũng có thể thấy những chấm hay những mảng sắc tố. Khi cơ thể có bệnh, từng vùng da trên loa tai có thể thay đổi (điểm phản ứng/loa tai), trở nên đỏ hoặc tái đi, xù xì, thô ráp, bong vảy khác với xung quanh.
Chỉ định
Điều trị các chứng đau, giảm đau và ngăn ngừa tái phát, châm tê phẫu thuật.
Dùng trong một số trường hợp rối loạn chức năng của cơ thể: ổn định huyết áp, nhịp tim, giảm cơn co thắt dạ dày, an thần ngủ ngon, …
Chống chỉ định
Những cơn đau bụng cấp chưa xác định được chẩn đoán.
Đầu châm
Đầu châm là phương pháp chữa bệnh bằng châm ở da đầu. Phương pháp này thể hiện sự kết hợp giữa châm cứu và lý luận y học hiện đại. Đó là tác dụng của mỗi vùng vỏ đại não.
Chỉ định
Các bệnh lý liên quan đến não: Di chứng tai biến mạch máu não, Múa vờn, Parkinson, Chóng mặt, ù tai, …
Những điểm cần chú ý
Không châm bệnh nhân đang sốt, suy tim .
Khi rút kim, luôn ấn chặt bông gòn, tránh để chảy máu.
Trong đầu châm thường kích thích với cường độ mạnh do đó luôn phải theo dõi bệnh nhân để tránh vựng châm.
Các phương pháp châm cứu liệt kệ như trên đã được Bộ Y tế phê duyệt và hướng dẫn thực hành. Quý bạn đọc muốn điều trị bệnh bằng châm cứu nên đến cơ sở y tế được cấp phép.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Quy trình kỹ thuật khám bệnh, chữa bệnh chuyên ngành Châm cứuhttps://kcb.vn/vanban/quyet-dinh-so-792qd-byt-ngay-12032013-cua-bo-y-te-ban-hanh-tai-lieu-huong-dan-quy-trinh-ky-thuat-kham-benh-chua-benh-chuyen-nganh-cham-cuu
Ngày tham khảo: 20/06/2021
- Châm cứu học 1