YouMed

Châm cứu là gì? Tìm hiểu những công dụng mà châm cứu mang lại

Bác sĩ Nguyễn Thị Lệ Quyên
Tác giả: ThS.BS Nguyễn Thị Lệ Quyên
Chuyên khoa: Y học cổ truyền

Khi nhắc đến Y học cổ truyền, ắt hẳn “châm cứu” là một thuật ngữ mà bạn không thể không nghĩ đến. Châm cứu là một hình thức điều trị có từ rất lâu của y học phương Đông. Với hiệu quả điều trị cao phương pháp này dần trở nên rất phổ biến. Hãy cùng tìm hiểu về nguồn gốc, cơ chế và một số lưu ý của kỹ thuật này qua bài viết của ThS.BS chuyên khoa Y học cổ truyển Nguyễn Thị Lệ Quyên nhé!

Tổng quan về phương pháp châm cứu

Châm cứu là gì?

Châm cứu là liệu pháp không dùng thuốc phổ biến nhất của Đông Y. Đồng thời, nó cũng là một trong những liệu pháp điều trị thay thế được chấp nhận rộng rãi nhất ở phương Tây.

Thực tế, châm cứu là sự kết hợp của 2 phương pháp Đông Y khác nhau gồm “châm” và “cứu”.

châm cứu là sự kết hợp của 2 phương pháp Đông Y khác nhau gồm châm và cứu.
Châm cứu là liệu pháp không dùng thuốc phổ biến nhất của Đông Y

Châm là dùng kim có độ dài, kích thước khác nhau để châm vào các huyệt vị trên cơ thể. Tên tiếng anh của châm cứu là “Acupunture”, bắt nguồn từ tiếng La-tinh. Trong đó, “acus” là nhọn, “punturus” là điểm, dấu chấm. Theo đó, nghĩa của “acupuncture” là dùng vật nhọn tác động vào điểm huyệt.

Cứu là dùng sức nóng kích thích vào các huyệt trên da. Cứu tác động vào huyệt trong thời gian dài hay ngắn, ấm hay nóng tùy thuộc trạng thái của bệnh.

Cứu là dùng sức nóng kích thích vào các huyệt trên da
Phương pháp cứu không dùng kim như châm

Châm và cứu đều có mục đích điều hoà khí huyết, thông kinh lạc để phòng và chữa bệnh.

Châm cứu bắt nguồn từ đâu?

Thời kỳ cổ đại

Một số tài liệu khảo cổ cho thấy phương pháp bắt nguồn vào khoảng hơn 4000 năm trước Công Nguyên. Từ thời đồ đá, người ta đã dùng đá (biêm thạch), xương mài nhọn (cốt châm) hoặc tre vót nhọn (trúc châm) để tác động lên cơ thể. Vào các thế kỷ sau, các loại kim châm bằng đồng, bạc, vàng xuất hiện. Kim châm được thiết kế nhỏ hơn, dài hơn. Ngày nay, kim châm thường được làm bằng các hợp chất kim loại không gỉ, độ bền cao, có tính mềm dẻo.

“Nội kinh linh khu” được viết khoảng thế kỷ 5 – 3 TCN được coi là cuốn sách đầu tiên có hệ thống về châm cứu. Tiếp đó, Hoàng Phủ Mật (đời Tấn – Trung Quốc cổ) dựa vào “Nội Kinh” và “Minh Đường Khổng huyệt châm cứu trị liệu” soạn ra “Châm Cứu Giáp Ất kinh”. Đây là quyển sách có hệ thống, cách xác định vị trí của 349 huyệt đầu tiên.

Tại Việt Nam, lịch sử châm cứu đã được kế thừa và phát triển từ trước công nguyên. Vào thời các vua Hùng và An Dương Vương, trong “Lĩnh Nam chích quái” có đề cập việc các thầy thuốc dùng kỹ thuật này để chữa bệnh.

Thời kỳ trung đại

Châm cứu tiếp tục phát triển ở các giai đoạn lịch sử tiếp theo. Cho đến thế kỷ thứ 14, trong “Hồng nghĩa giác tư y thư”, Tuệ Tĩnh khái quát về hệ kinh lạc và một số phương pháp châm, cứu. Tiếp đến đời nhà Hồ (thế kỷ thứ 15), Nguyễn Đại Năng đã hệ thống hóa về phương pháp này trong “Châm cứu tiệp hiệu diễn ca”.

Thế kỷ thứ 16, Dương Kế Châu (thời Minh), dựa theo “Huyền Cơ bí yếu” và các kinh nghiệm, tinh hoa từ các cuốn sách trước đó soạn ra “Châm Cứu Đại Thành”. Sách gồm 10 quyển, có giá trị học thuật và lịch sử rất cao. “Châm Cứu Đại Thành” được coi là sách nền tảng của phái cổ điển.

Thời kỳ hiện đại

Khoảng thời gian sau này, châm cứu ở đất Việt vẫn được áp dụng nhưng ít có các tài liệu hệ thống. Mãi đến thời kỳ Pháp thuộc, chính sách của thực dân Pháp cấm các thầy thuốc công khai hành nghề, đồng thời loại bỏ hết các tài liệu y văn. Điều này khiến kỹ thuật này bị thụt lùi và không được phát triển rộng rãi.

Năm 1974, “Châm Cứu Học” ra đời tại Trung Quốc, giới thiệu nó cách hệ thống hơn. Đặc biệt về phương diện tương quan giải phẫu, thần kinh. Đồng thời, sách giới thiệu một số kỹ thuật châm mới như: Châm tê, nhĩ châm, mai hoa châm,…

Quá trình phát triển của châm cứu “thăng trầm” qua nhiều giai đoạn. Từ không có huyệt với các dụng cụ châm thô sơ, sau đó xác định, hệ thống được vị trí các huyệt, đường đi của kinh lạc. Cho tới bây giờ, hiệu quả của nó được giải thích thông qua tương quan với giải phẫu, sinh lý y học hiện đại.

Loại hình châm cứu

Trải qua quá trình kế thừa và phát triển qua nhiều thời đại, hiện nay có rất nhiều phương pháp châm khác nhau. Các loại hình châm này được áp dụng tuỳ vào tình trạng bệnh lý, sức chịu đựng người bệnh. Dưới đây là một số loại hình châm cứu thông dụng:

1. Hào châm

Phương pháp sử dụng các kim mỏng, nhỏ. Kim có chiều dài – ngắn khác nhau từ 1 – 7cm, thân tròn làm bằng thép không gỉ. Hào kim châm trực tiếp vào các huyệt trên cơ thể, dùng các phương pháp vê kim để kích thích huyệt.

2. Điện châm

Phương pháp dùng một dòng điện nhất định tác động lên các huyệt vị. Dòng xung điện được lựa chọn dựa vào bệnh lý của bệnh nhân. Dòng điện được tác động lên huyệt qua kim châm, hoặc qua các điện cực nhỏ đặt lên da vùng huyệt.

3. Kim tam lăng

Kim tam lăng là kim có mũi nhọn có 3 cạnh (tam lăng), đốc kim thô ráp. Ba mặt bên đầu kim đều có phần sắc, nhỏ dùng để châm nặn máu. Loại hình này phù hợp với các loại bệnh cấp, nhiệt, thực, ứ.

4. Mai hoa châm

Kim hoa mai là loại gồm 7 – 9 kim nhỏ buộc thành bó, cắm trên 1 cái cán gõ lên mặt da. Mũi kim nằm trên 1 mặt phẳng và thẳng góc với mặt da.

5. Thủy châm

Thuỷ châm là một trong những phương pháp Tân châm được biết đến gần đây. Thuốc được tiêm vào huyệt như vitamin B1, B6, B12, Novocain, Lidocain… Ưu điểm của phương pháp này là kết hợp được y học cổ truyền và y học hiện đại.

6. Nhĩ châm

Phương pháp điều trị sử dụng kim châm tại vị trí các kinh huyệt tương ứng với các bộ phận của cơ thể trên vùng loa tai.

Ngoài ra còn có các hình thức châm khác như cấy chỉ, chích nặn máu, diện châm,… Với sự phát triển của khoa học, hiện nay các thầy thuốc còn dùng tia lazer, tia hồng ngoại, điện từ (nam châm) để kích thích lên vùng huyệt.

Châm cứu có công dụng gì?

Theo lý luận Đông Y, châm cứu giúp tái lập lại sự cân bằng động âm dương cơ thể. Từ đó, điều hoà lại hoạt động bình thường của hệ kinh lạc. Ví dụ như khí hư thì giúp bổ khí, ngoại tà xâm phạm thì giúp khu tà.

Theo y học hiện đại, châm cứu giúp giảm đau, hỗ trợ điều trị liệt và một số rối loạn cơ thể. Kỹ thuật này có khả năng giảm đau ở cả các bệnh cơ xương khớp và đau do nguyên nhân thần kinh, mạch máu. Nghiên cứu cho thấy nó hỗ trợ điều trị liệt tốt, rút ngắn thời gian phục hồi chức năng.

Cơ chế tác dụng của châm cứu

Châm cứu là phương pháp điều khí huyết thông qua kích thích những vị trí giải phẫu đặc biệt (huyệt vị), bởi nhiều kỹ thuật khác nhau. Cơ chế của nó được nghiên cứu thông qua y văn và các nghiên cứu khoa học.

Theo y học hiện đại

Có nhiều lý thuyết giải thích cơ chế châm cứu. Các lý thuyết này đều quy về các cơ chế về thần kinh sinh học, dịch thể, điện sinh vật và giả dược. Theo đó, các phản ứng mà cơ thể xảy ra khi có kim tác động vào bao gồm:

Phản ứng tại chỗ

Kim châm vào huyệt gây kích thích 1 cung phản xạ mới có tác dụng ức chế cung phản xạ bệnh lý. Tác dụng trên giúp làm giảm cơn đau, giải phóng sự co cơ. Những phản xạ đột trục của hệ thần kinh thực vật làm ảnh hưởng đến sự vận mạch, nhiệt và sự tập trung bạch cầu… Châm cứu làm thay đổi tính chất của tổn thương, giảm sung huyết, giảm sưng, đau…

Phản ứng theo tiết đoạn thần kinh

Cơ thể có 31 tiết đoạn thần kinh. Mỗi tiết đoạn gồm đôi dây thần kinh tủy sống, một khoanh tuỷ, đôi hạch giao cảm và 1 số cơ quan khác. Khi một bộ phận trong tiết đoạn có bệnh sẽ gây nên sự thay đổi ở bề mặt da. Kim châm kích thích vào các huyệt ở vùng da đó. Từ đó, điều chỉnh các rối loạn bệnh lý của các cơ quan tương ứng trong cùng tiết đoạn.

Phản ứng toàn thân

Bất cứ một kích thích nào, từ ngoài cơ thể hoặc từ trong các nội tạng đều được truyền lên vỏ não. Châm cứu kích thích vỏ não chỉ định tăng cường tiết các hormone giúp giảm đau, giảm căng thẳng,…

Theo y học cổ truyền

Về sinh lý, bệnh lý

Kinh lạc là đường liên hệ nối thông phần ngoài cơ thể với nội tạng. Trong trạng thái bình thường kinh lạc có thể giữ được sự cân bằng, điều khiển nhịp nhàng hoạt động của cơ thể. Kinh lạc bị tắc trở, khí huyết không lưu thông thì sẽ gây bệnh. Châm cứu có tác dụng điều khí, làm thông kinh lạc do đó lập lại sự cân bằng âm dương trong cơ thể.

Hệ thống kinh lạc, huyệt vị của cơ thể
Hệ thống kinh lạc, huyệt vị của cơ thể

Về chẩn đoán, trị liệu

Mỗi nhánh của kinh lạc đều có đường đi nhất định và liên hệ với một số tạng phủ. Bệnh của tạng phủ có thể biểu hiện qua các đường kinh lạc tương ứng trên bề mặt da. Thông qua châm cứu ta có thể kích thích huyệt. Do đó, khôi phục lại công năng bình thường của kinh lạc, tạng phủ.

Xem thêm: Liệu bạn đã biết vì sao châm cứu có thể chữa bệnh?

Những bệnh lý có thể điều trị bằng châm cứu

Theo Y học cổ truyển, bệnh lý xuất hiện khi cơ thể mất sự cân bằng động của Âm – Dương. Kỹ thuật này giúp lập lại sự cân bằng đó. Do đó, có thể nói phương pháp này có thể điều trị hầu hết các bệnh lý được chẩn đoán theo Y học cổ truyền. Tuỳ vào tình trạng bệnh lý (tạng phủ, kinh lạc) và sức chịu đựng của bệnh nhân mà các bác sĩ, lương y đưa ra các loại hình, công thức huyệt châm khác nhau.

Theo Y học hiện đại, châm cứu cũng được chỉ định hầu hết trên các bệnh lý. Từ thần kinh, tuần hoàn, hô hấp đến tiêu hoá, tiết niệu, sinh dục. Hiện nay, phương pháp này được ứng dụng nhiều nhất trên các bệnh lý cơ xương khớp, thần kinh. Tiếp theo đó là các bệnh lý hệ tiêu hoá và hô hấp. Một số bệnh lý được chỉ định nhiều như thoái hoá khớp, thoái hoá cột sống, vẹo cổ cấp, di chứng liệt sau đột quỵ, liệt VII ngoại biên, viêm dạ dày, hen suyễn,…

Lưu ý khi lựa chọn phương pháp này

Tuy được đánh giá là một trong những phương pháp điều trị an toàn với xâm lấn tối thiểu. Châm cứu vẫn có một số chống chỉ định sau:

  • Các bệnh cấp cứu nội, ngoại khoa.
  • Sức khỏe không ổn định: đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh tim không ổn định, tâm thần …
  • Đang say rượu, quá no hoặc quá đói
  • Vùng da châm cứu bị tổn thương như viêm nhiễm hoặc lở loét ngoài da.

Xem thêm: Những tác hại của châm cứu mà bạn cần lưu ý

Châm cứu là phương pháp điều trị hiệu quả được phát triển qua nhiều thời kỳ của Đông Y. Hiện nay, cơ chế của nó cũng dần được các nghiên cứu hiện đại dần làm sáng tỏ. Phương pháp này ngày càng phổ biến và được nhiều y bác sĩ áp dụng cho bệnh nhân của mình.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Hiểu đúng về châm cứuhttps://suckhoedoisong.vn/hieu-dung-ve-cham-cuu-ky-i-n142219.html

    Ngày tham khảo: 04/06/2021

  2. Acupuncture: How it works, uses, benefits, and riskshttps://www.medicalnewstoday.com/articles/156488

    Ngày tham khảo: 04/06/2021

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người