YouMed

Polyp đại tràng: Bao lâu cần nội soi lại?

bác sĩ lê mai thùy linh
Tác giả: Bác sĩ Lê Mai Thùy Linh
Chuyên khoa: Đa khoa

Polyp là một trong những bệnh lý thường gặp ở đại tràng nhưng không phải ai cũng hiểu rõ. Phát hiện và điều trị sớm polyp đại tràng sẽ giúp giảm nguy cơ tiến triển thành ung thư. Ở bài viết này, hãy cùng tìm hiểu polyp đại tràng sẽ được chẩn đoán, điều trị ra sao và theo dõi sau điều trị như thế nào nhé.

1. Polyp đại tràng là gì?

Polyp đại tràng là một khối tế bào hình thành từ lớp niêm mạc của đại tràng. Hầu hết polyp đại tràng không nguy hiểm. Tuy nhiên, qua thời gian, một vài khối polyp có thể phát triển thành ung thư đại tràng. Nếu phát hiện ung thư đại tràng ở giai đoạn trễ thì khá nguy hiểm.

Ai cũng có khả năng mắc bệnh. Nguy cơ tăng lên sau 50 tuổi ở những người thừa cân hay hút thuốc lá. Đặc biệt, nguy cơ sẽ cao hơn ở những người tiền căn gia đình có polyp hay ung thư đại tràng.

Bệnh thường không có triệu chứng. Một số polyp ở giai đoạn sớm có thể được phát hiện qua nội soi đại tràng và có thể cắt bỏ an toàn. Cách ngăn ngừa ung thư đại tràng tốt nhất là tầm soát và điều trị polyp ở giai đoạn sớm (nếu có).

Đại tràng ở người bình thường và người mắc polyp
Đại tràng ở người bình thường và người mắc polyp

2. Triệu chứng

Polyp đại tràng thường không gây triệu chứng. Nhiều người không hề biết mình có polyp cho đến khi vô tình phát hiện chúng qua nội soi.  Nếu có, polyp thường biểu hiện những triệu chứng sau:

  • Đi tiêu ra máu. Có thể là tiêu ra máu đỏ tươi hay đỏ sẫm, máu chảy thành giọt hay những vệt máu dính theo phân. Đôi khi, máu trộn lẫn vào phân nên bệnh nhân đi tiêu phân đen, sệt, dính như bã cà phê và có mùi tanh.
  • Thay đổi thói quen đi tiêu. Táo bón hay tiêu chảy kéo dài hơn một tuần. Đôi khi, bệnh nhân có triệu chứng tiêu chảy xen kẽ táo bón.
  • Đau bụng. Một khối polyp lớn có thể gây hẹp lòng ruột và đau bụng từng cơn. Nặng nề hơn, khi khối polyp quá lớn gây tắc ruột, bệnh nhân sẽ đau bụng dữ dội, không đi tiêu hay xì hơi được, có thể kèm theo nôn ói. Đây là những triệu chứng nguy hiểm cần phải cấp cứu ngay.
  • Thiếu máu. Khối polyp chảy máu mà không được phát hiện sẽ khiến người bệnh mất máu rỉ rả, hậu quả là thiếu máu mạn. Triệu chứng thiếu máu mạn thường là xanh xao, mệt mỏi và giảm hoạt động cũng như trí nhớ.
Một số dấu hiệu thường gặp của polyp đại tràng
Một số dấu hiệu thường gặp của polyp đại tràng

3. Bác sĩ làm gì để chẩn đoán?

Những phương tiện chẩn đoán đóng vai trò quan trọng để phát hiện và điều trị polyp trước khi chúng diễn tiến thành ung thư. Có thể tìm thấy polyp đại tràng bằng:

3.1. Nội soi đại tràng

Đây là thủ thuật vừa để chẩn đoán vừa điều trị polyp. Trước khi nội soi, bác sĩ sẽ làm sạch đường ruột bằng thuốc. Bạn cần uống thuốc này cùng với nhiều nước theo hướng dẫn. Một ống nhỏ, mềm kèm camera sẽ được đưa qua hậu môn và gần như toàn bộ khung đại tràng được quan sát qua màn hình.

Nếu thấy có polyp ở khung đại tràng, bác sĩ có thể lấy sinh thiết hoặc cắt bỏ. Sinh thiết là lấy một hoặc nhiều mẫu mô, sau đó phân tích xem bản chất của nó có phải ung thư hay không.

3.2. Chụp cắt lớp vi tính đại tràng (CT Scan đại tràng)

Đây là xét nghiệm ít xâm lấn sử dụng tia X để dựng lại hình ảnh của đại tràng theo nhiều lát cắt. Ngoài quan sát được khối polyp hay khối u ở đại tràng, CT SCan còn giúp đánh giá tình trạng di căn của các khối ác tính (nếu có nghi ngờ).

3.3. Tìm máu ẩn trong phân

Xét nghiệm này nhằm tìm xem trong phân có hiện diện máu mà mắt thường không thể thấy không. Nếu có máu ẩn, cần phải nội soi đại tràng để tìm nguyên nhân. Ở những bệnh nhân cần tầm soát các bệnh đại tràng, bác sĩ có thể chỉ định xét nghiệm này mỗi năm.

Nội soi đại tràng có thể dùng để chẩn đoán và điều trị polyp
Nội soi đại tràng có thể dùng để chẩn đoán và điều trị polyp

4. Có thể cắt bỏ polyp bằng cách nào?

Các khối polyp gây triệu chứng hoặc trên 5mm đều nên được cắt bỏ. Sau đây là những phương pháp có thể được áp dụng:

  • Cắt polyp qua nội soi đại tràng. Trong khi nội soi đại tràng, nếu phát hiện polyp, bác sĩ sẽ dùng dụng cụ để lấy khối polyp ra ngoài. Đây là phương pháp điều trị hiệu quả và an toàn.
  • Phẫu thuật nội soi cắt polyp. Trong nhiều trường hợp khối polyp không cắt được qua nội soi đại tràng, bác sĩ sẽ cần làm phẫu thuật. Bác sĩ sẽ xẻ những lỗ nhỏ trên thành bụng, đưa camera và các dụng cụ qua những lỗ nhỏ này. Sau đó, bác sĩ xẻ ruột để lấy khối polyp ra và khâu lại.
  • Cắt đoạn đại tràng thường áp dụng cho những trường hợp khẩn cấp như tắc ruột hoặc trong trường hợp có nhiều polyp trên đoạn ruột.

Các khối polyp sau khi được cắt bỏ sẽ được gửi đi phân tích bản chất, có nguy cơ hóa ung thư cao không. Những khối polyp có nguy cơ cao cần được tầm soát theo hướng dẫn của bác sĩ.

 
Có thể cắt những khối polyp nhỏ qua nội soi đại tràng
Có thể cắt những khối polyp nhỏ qua nội soi đại tràng

5. Nên ăn gì sau khi cắt polyp đại tràng?

Sau khi thực hiện cắt polyp đại tràng hay sinh thiết qua nội soi đại tràng, người bệnh cần nghỉ ngơi vài tiếng trước khi về nhà. Trong vài trường hợp đặc biệt, người bệnh cần phải ở lại bệnh viện để kiểm tra sâu hơn.

Ngay sau khi thực hiện thủ thuật, bệnh nhân không nên ăn bất kỳ thứ gì mà chỉ nên uống nước và nghỉ ngơi, tránh vận động mạnh. Nên bắt đầu bằng vài thìa nước sau mỗi 1 đến 2 giờ đồng hồ, sau đó tăng dần lượng nước.

Những ngày tiếp theo, bệnh nhân có thể bổ sung năng lượng bằng sữa, nước trái cây và thức ăn mềm như súp, cháo. Cần chia nhỏ bữa ăn trong ngày, sử dụng thức ăn có nhiều rau củ, chất xơ và uống đủ nước để tránh táo bón.

Tránh những thức ăn chua cay, nhiều dầu mỡ. Tuyệt đối không uống rượu bia và chất kích thích. Cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi uống bất kỳ loại thuốc nào. Thông thường, cần vài ngày đến 1 tuần để đường ruột hoạt động bình thường lại. Sau khi cắt polyp, cần chú ý đến chế độ ăn uống để ngăn ngừa bị tái phát.

Chú ý đến chế độ ăn
Chú ý đến chế độ ăn 

6. Tôi đã cắt polyp, khi nào thì tôi cần kiểm tra lại?

Sau khi cắt bỏ, bác sĩ sẽ gửi khối polyp này để phân tích xem nó thuộc loại nào. Xét nghiệm này sẽ được trả sau một đến vài tuần, do đó đừng quên hẹn gặp bác sĩ để nhận kết quả. Khi đó, hãy trao đổi với bác sĩ về thời gian tái khám và nội soi trở lại.

>> Bạn có thể xem thêm: Chuẩn bị trước khi khám bệnh Polyp đại tràng

Thời gian nội soi đại tràng tùy thuộc vào số lượng, kích thước và bản chất của polyp.

  • Nếu chỉ có 1 hay 2 khối polyp với kích thước nhỏ dưới 5mm, nguy cơ ung thư đại tràng là khá thấp. Có thể nội soi lại đại tràng sau 5 năm, hoặc thậm chí lâu hơn.
  • Nếu kích thước khối polyp từ 1cm trở lên hay có nhiều polyp và/hoặc có kết quả giải phẫu bệnh bất thường, nguy cơ ung thư đại tràng là trung bình. Cần quay lại nội soi kiểm tra sau 3 năm hoặc thậm chí ngắn hơn.
  • Với những khối polyp lớn và/hoặc có kết quả giải phẫu bệnh gợi ý ác tính, bác sĩ có thể yêu cầu nội soi đại tràng sau 1 năm.
  • Trường hợp cắt polyp mà chưa quan sát được khung đại tràng (phẫu thuật cấp cứu hay đại tràng chứa nhiều phân không quan sát được) hoặc cần nội soi đại tràng thì nên kiểm tra sau 3 – 6 tháng hoặc theo hướng dẫn của bác sĩ.

Những trường hợp đặc biệt hơn

  • Những bệnh nhân có tiền căn polyp gia đình nên nội soi đại tràng mỗi 1 – 2 năm từ khi phát hiện theo hướng dẫn của bác sĩ.
  • Người có bố mẹ, anh chị em ruột bị ung thư đại tràng nên tầm soát sớm hơn 10 tuổi khi người đó được chẩn đoán ung thư. Ví dụ, ông X có cha được chẩn đoán ung thư đại tràng từ năm 55 tuổi thì ông X nên được nội soi đại tràng từ năm 45 tuổi.
  • Các bệnh viêm loét đại tràng hay bệnh Crohn’s: Sau 8 năm chẩn đoán, mỗi năm nên làm nội soi đại tràng 1 lần.

Polyp đại tràng là bệnh lý thường gặp và nếu được phát hiện sớm, chúng có thể được điều trị hiệu quả, an toàn. Tuy không phải tất cả nhưng vẫn có tỷ lệ nhỏ những polyp có thể diễn tiến thành ung thư. Do đó, sau khi điều trị polyp, bệnh nhân cần trao đổi với bác sĩ để có hướng theo dõi phù hợp nhất. Ngoài ra, thay đổi lối sống tích cực, khỏe mạnh từ thực đơn ăn uống và tập luyện thể dục cũng góp phần giảm nguy cơ polyp cũng như các bệnh ác tính ở đại tràng.

Bác sĩ Lê Mai Thùy Linh

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

Mayo Clinic (2019) Colon Polyps

https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/colon-polyps/diagnosis-treatment/drc-20352881 , accessed on October 24th, 2019.

Verywell Health (2019) Colon polyps and cancer risk

https://www.verywellhealth.com/colon-polyps-and-cancer-risk-797579, accessed on October 26th, 2019.

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người