Rối loạn kinh nguyệt có nguy hiểm không?
Nội dung bài viết
Rối loạn kinh nguyệt có nguy hiểm không? Đây có lẽ là một vấn đề gây đau đầu cho rất nhiều chị em phụ nữ. Những vấn đề xoay quanh kinh nguyệt tưởng chừng đơn giản nhưng lại khá đa dạng trên từng người, dễ gây hoang mang lo lắng. Vậy rối loạn kinh nguyệt là gì? Nguyên nhân do đâu? Nguy hiểm như thế nào? Làm sao để kinh nguyệt trở lại bình thường? Cùng tìm hiểu qua bài viết sau đây nhé!
Như thế nào được coi là rối loạn kinh nguyệt?
Rối loạn kinh nguyệt là gì?
Để trả lời cho câu hỏi “rối loạn kinh nguyệt có nguy hiểm không?”, đầu tiên chúng ta phải hiểu rõ rối loạn kinh nguyệt là gì.
Rối loạn kinh nguyệt dùng để chỉ những bất thường khi hành kinh ở nữ giới. Trên thực tế, rối loạn kinh nguyệt là một thuật ngữ chung, bao gồm nhiều vấn đề khác nhau về kinh nguyệt. Để có thể đánh giá chu kỳ kinh nguyệt của một người cần xét trên nhiều yếu tố khác nhau:
- Độ tuổi bắt đầu có ỳì kinh đầu tiên.
- Thời gian hành kinh (thời gian ra máu âm đạo).
- Khoảng cách giữa các chu kỳ kinh.
- Lượng máu mất trong mỗi kì kinh.
- Tính chất máu ra khi hành kinh (máu loãng hay máu cục, màu sắc đỏ tươi hay đỏ bầm, lượng máu ra trong các ngày…).
- Triệu chứng đi kèm trước, trong và sau khi hành kinh: Đau bụng kinh (thống kinh), căng tức bầu ngực, đau lưng, đau đầu, nổi mụn…
Phân loại rối loạn kinh nguyệt
Rối loạn kinh nguyệt được chia thành thành các nhóm như sau:
- Vô kinh: Không có kinh nguyệt dù đã dậy thì hoặc mất từ 3 chu kì kinh liên tiếp trở lên.
- Rong kinh: Thời gian hành kinh kéo dài trên 1 tuần, khoảng cách giữa các chu kỳ đều đặn. Lượng máu mỗi lần hành kinh có thể ít hoặc nhiều.
- Rong huyết: Ra máu âm đạo lượng ít, không đúng chu kỳ kinh bình thường.
- Thống kinh: đau bụng khi hành kinh một cách dữ dội.
- Cường kinh: Số lượng máu khi hành kinh nhiều hơn các kì kinh trước đó. Nhiều trường hợp rong kinh và cường kinh đi chung với nhau.
- Thiểu kinh: Ngược với cường kinh, lượng máu ra mỗi lần hành kinh rất ít.
- Kinh mau (đa kinh): Các kì kinh gần nhau. Thông thường các lần hành kinh trên người bình thường sẽ cách nhau 21-35 ngày. Nếu khoảng cách giữa các kì kinh ngắn hơn 21 ngày thì gọi là kinh mau.
- Kinh thưa: Ngược lại, khi khoảng cách giữa các kì kinh dài trên 35 ngày thì rối loạn kinh nguyệt thuộc dạng kinh thưa.
Trên thực tế những dạng rối loạn kinh nguyệt này có thể xuất hiện riêng lẻ hoặc kết hợp với nhau. Có nhiều nguyên nhân gây ra những triệu chứng này. Vì vậy, khi phát hiện kỳ kinh bất thường, chị em phụ nữ nên thăm khám sớm để được thăm khám và chẩn đoán đúng cách.
Vì sao người phụ nữ bị rối loạn kinh nguyệt?
Tìm hiểu nguyên nhân gây ra sẽ góp phần lý giải cho câu hỏi “rối loạn kinh nguyệt có nguy hiểm không?” Có khá nhiều nguyên nhân gây rối loạn kinh nguyệt. Theo đó, những nguyên nhân phổ biến nhất bao gồm:
Nguyên nhân không liên quan đến bệnh lý
Có nhiều người bị rối loạn kinh nguyệt khi vừa bước vào tuổi dậy thì hoặc vừa bước vào thời kỳ mãn kinh. Ở cả hai giai đoạn này, chu kỳ kinh nguyệt thường không ổn định. Dẫn đến những biểu hiện khi hành kinh ít nhiều có sự thay đổi.
Cụ thể, nguyên nhân không liên quan đến bệnh lý điển hình là:
- Thai kỳ: Thai kỳ là lý do phổ biến gây mất kinh nguyệt.
- Do căng thẳng, lo âu và các vấn đề tâm lý khác.
- Do chế độ dinh dưỡng, cân nặng bất hợp lý.
- Do chế độ sinh hoạt, vận động không phù hợp.
Nguyên nhân liên quan đến bệnh lý
Những nguyên nhân gây rối loạn kinh nguyệt do bệnh lý bao gồm:
- Hội chứng buồng trứng đa nang.
- Viêm nhiễm vùng sinh dục.
- Các bệnh lý tim mạch, bệnh lý tuyến giáp, tuyến thượng thận.
- Các bệnh lý gây rối loạn đông máu.
- Những vấn đề rối loạn nội tiết tố.
- U xơ tử cung.
- Các loại ung thư vùng sinh dục.
Rối loạn kinh nguyệt có nguy hiểm không?
Vậy rối loạn kinh nguyệt có nguy hiểm không? Với các rối loạn kinh nguyệt không do bệnh lý gây ra thì thường dễ cải thiện và ít nguy hiểm đến sức khỏe.
Tuy nhiên, không nên chủ quan khi kinh nguyệt bất thường vì đó có thể là dấu chỉ cho các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn. Một số nguyên nhân có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe cũng như tốn kém thời gian và tiền bạc để điều trị.
Ảnh hưởng đến tâm lý
Hiện tượng rong kinh, cường kinh hay đa kinh khiến chị em phụ nữ chịu đựng sự hành kinh dài ngày và nặng nề. Từ đó mà kéo theo nhiều phiền toái trong sinh hoạt. Hiện tượng kinh không đều hay rong huyết có thể khiến chị em “trở tay không kịp”. Dẫn đến khó chủ động kiểm soát và ảnh hưởng đến công việc, học tập…
Bên cạnh đó, khi bị thống kinh với những cơn đau dữ dội, nhưng không đáp ứng với thuốc giảm đau cũng gây phiền toái không ít cho chị em. Nhiều trường hợp phải nghỉ làm, nghỉ học trong thời gian hành kinh.
Gây thiếu máu, mệt mỏi
Kinh nguyệt ra nhiều dễ gây mất máu từ nhẹ, trung bình đến nặng. Thêm vào đó, trong kỳ kinh đa số nữ giới thường mệt mỏi, khó chịu, chán ăn. Vì vậy mà tình trạng suy nhược, mệt mỏi càng trầm trọng hơn. Thậm chí có thể dẫn đến ngất xỉu.
Rối loạn nội tiết
Nội tiết sinh dục nữ thay đổi khi hành kinh kéo theo sự thay đổi của cảm xúc và cơ thể. Một trong các biểu hiện thường gặp là nổi mụn viêm. Kinh nguyệt rối loạn có thể kèm theo nổi mụn nhiều, da khô sạm mất sức sống, cơ thể uể oải… Điều này sẽ gây ảnh hưởng đến vẻ đẹp nữ giới. Ngoài ra có thể làm giảm ham muốn tình dục, tác động tiêu cực đến đời sống vợ chồng.
Nguy cơ vô sinh hoặc nguy cơ sinh non, khó khăn khi chuyển dạ
Một số nguyên nhân bệnh lý gây ra rối loạn kinh nguyệt có thể tăng nguy cơ vô sinh. Thường gặp là hội chứng buồng trứng đa nang. Ung xơ tử cung lớn phát hiện khi mang thai có thể gây sanh non, tăng nguy cơ sảy thai… Ung thư cổ tử cung giai đoạn trễ phải cắt tử cung sẽ tước mất khả năng làm mẹ của bệnh nhân.
Làm thế nào để kinh nguyệt trở về bình thường?
Sau khi tìm hiểu rối loạn kinh nguyệt có nguy hiểm không? Chắc hẳn mối quan tâm tiếp theo của nhiều người là vấn đề điều trị như thế nào.
Trong đa số các trường hợp, cải thiện lối sống sẽ ảnh hưởng tích cực đến chu kỳ kinh của phái đẹp. Nên xây dựng thực đơn ăn uống lành mạnh, đa dạng và đủ chất. Thêm vào đó là chế độ vận động, tập luyện vừa sức.
Ngoài ra, cần cân bằng giữ công việc và nghỉ ngơi hợp lý. Khi xây dựng một lối sống lành mạnh và duy trì mỗi ngày sẽ tác động tích cực đến sức khoẻ. Theo đó, góp phần cải thiện tình trạng rối loạn kinh nguyệt.
Đối với các vấn đề bệnh lý, thăm khám sớm và tuân thủ điều trị mới có thể ổn định lại chu kỳ kinh. Đặc biệt đối với những người đang có kế hoạch mang thai, cần được hỗ trợ y tế từ bác sĩ sản khoa. Nếu tình trạng rối loạn không ảnh hưởng quá nhiều đến sức khỏe và sinh hoạt, có thể chưa cần điều trị ngay. Chẳng hạn như người bị thưa kinh có thể chưa cần can thiệp nếu người bệnh chưa muốn có con.
Rối loạn kinh nguyệt là tình trạng bất thường khi hành kinh. Đa phần rối loạn kinh nguyệt không do bệnh lý thì dễ cải thiện, ít gây nguy hiểm. Tuy nhiên, vẫn có một số trường hợp làm tăng nguy cơ vô sinh, gây tốn kém trong điều trị. Vì thế, theo dõi chu kỳ kinh hằng tháng là cách đơn giản mà hiệu quả để phát hiện, chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.