YouMed

Rong kinh: Những điều bạn cần biết!

bác sĩ lê mai thùy linh
Tác giả: Bác sĩ Lê Mai Thùy Linh
Chuyên khoa: Đa khoa

Rong kinh là một dấu hiệu của chảy máu kinh nặng. Đây là một trong những tình trạng chảy máu kinh nguyệt bất thường rất thường gặp. Vậy triệu chứng này có nguy hiểm không và do những nguyên nhân nào? Khi nào thì bạn cần đến gặp bác sĩ? Tìm câu trả lời trong bài viết này nhé!

1. Rong kinh là gì? Chảy máu kinh nguyệt nặng là gì?

Chảy máu kinh nguyệt nặng là tình trạng chỉ chung các trường hợp chảy máu kinh nguyệt kéo dài hoặc lượng máu kinh nhiều hơn. Chảy máu kinh nguyệt nặng rất thường gặp. Có khoảng một phần ba phụ nữ cần điều trị vì lí do này.

Để dễ dàng phân biệt các triệu chứng, Liên đoàn Sản phụ khoa Quốc tế đã quy định một vài thuật ngữ như sau:

  • Chảy máu kinh nặng: Là chảy máu kinh quá mức, gây ảnh hưởng đến sinh hoạt của phụ nữ. Bao gồm rong kinh và cường kinh.
  • Rong kinh là chảy máu kinh kéo dài về số ngày. Chu kì vẫn đều nhưng mỗi lần hành kinh đến 7 ngày hoặc hơn.
  • Cường kinh là lượng máu kinh chảy nhiều. Chu kì vẫn đều, số ngày hành kinh dưới 7 ngày nhưng lượng máu chảy trong 1 chu kì nhiều hơn 80ml.
  • Rong huyết là chảy máu bất thường kéo dài không liên quan đến chu kì. Có thể là chảy máu giữa chu kì kinh, chảy máu kéo dài không phân biệt được chu kì.

Đây là tình trạng bất thường ảnh hưởng đến cuộc sống của bạn và có thể là dấu hiệu của những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.

1. Rong kinh là gì? Chảy máu kinh nguyệt nặng là gì?
Rong kinh là gì? Chảy máu kinh nguyệt nặng là gì?

2. Đâu là dấu hiệu của chảy máu kinh nguyệt nặng?

Bất kì dấu hiệu nào sau đây đều được xem là chảy máu kinh nguyệt nặng:

  • Chu kì kinh nguyệt kéo dài hơn 7 ngày.
  • Mỗi giờ cần thay nhiều hơn 1 băng vệ sinh hay 1 tampon trong nhiều giờ liên tiếp.
  • Cần sử dụng 2 hay 3 băng vệ sinh cùng lúc để ngăn máu tràn ra ngoài.
  • Cần thay băng vệ sinh hay tampon giữa đêm khi đang ngủ.
  • Chảy máu kinh với cục máu đông lớn.

Chảy máu kinh nặng có thể là tình trạng cấp tính hay mãn tính. Chu kì của bạn trước đó rất bình thường nhưng đột nhiên bị kéo dài ra. Hay lượng máu kinh đột ngột nhiều lên và gây ảnh hưởng đến sinh hoạt cá nhân. Hoặc ở nhiều phụ nữ, chảy máu kinh nặng xuất hiện ngay từ những chu kì đầu tiên. Cách tốt nhất để phát hiện các dấu hiệu này chính là theo dõi chu kì kinh nguyệt và ghi chép lại những bất thường.

rong kinh 4
Rong kinh – Hiện tượng chảy máy kinh nguyệt

3. Chảy máu kinh nặng có nguy hiểm không?

Đầu tiên, tình trạng rong kinh – cường kinh có thể gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, thể chất và tâm lý phụ nữ. Đôi khi, họ không thể duy trì các sinh hoạt thông thường hay thậm chí không thể ra ngoài. Chảy máu kinh nặng còn có thể kèm theo những triệu chứng khác như đau bụng kinh dữ dội, mệt mỏi nhiều, nôn ói. Nếu có một trong những dấu hiệu trên, đã đến lúc cần gặp bác sĩ.

Ngoài ra, nếu lượng máu mất quá nhiều, có thể gây thiếu máu thiếu sắt. Thiếu máu thiếu sắt ở phụ nữ tuổi sinh sản có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi. Thiếu máu nặng còn gây các triệu chứng như khó thở, mệt mỏi, giảm tập trung. Tuy hiếm gặp, đôi khi người bệnh cần phải truyền máu. Tình trạng thiếu máu kéo dài cũng làm tăng nguy cơ các vấn đề tim mạch.

Chảy máu kinh nặng có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe phụ nữ ở nhiều mức độ. Triệu chứng này cũng có thể là dấu hiệu của một bệnh lý tiềm ẩn cần được điều trị. Vậy những bệnh nào có thể gây chảy máu kinh nặng?

4. Nguyên nhân gây chảy máu kinh nặng?

Có nhiều nguyên nhân gây cường kinh hay rong kinh. Những nguyên nhân đó có thể là:

4.1. Bệnh lý tại cơ quan sinh sản

4.1.1. Mất cân bằng hóc-môn

Một chu kì bình thường có sự cân bằng giữa estrogen và progesteron (những hóc-môn sinh dục nữ). Những hóc-môn này làm lớp tế bào lót mặt trong tử cung (nội mạc tử cung) dày lên, sau đó bong ra trong những ngày hành kinh. Nếu mất cân bằng hóc-môn, lớp tế bào này tăng sinh quá mức và kết quả là rong kinh hay cường kinh.

Những tình trạng có thể gây mất cân bằng hóc-môn bao gồm: hội chứng buồng trứng đa nang, rối loạn chức năng buồng trứng, béo phì, đề kháng insulin như bệnh tiểu đường, bệnh tuyến giáp.

4.1.2. U xơ cơ tử cung và polyp tử cung

Đây là những loại u lành tính của tử cung xuất hiện ở tuổi sinh sản. U xơ cơ tử cung và polyp có thể gây rong kinh hay cường kinh.

U xơ cơ tử cung và polyp tử cung 
U xơ cơ tử cung và polyp tử cung
  • Bệnh tuyến cơ tử cung – Adenomyosis là tình trạng các tế bào tuyến của lớp nội mạc tử cung bị lạc vào trong lớp cơ. Triệu chứng thường gặp là chảy máu kinh nguyệt bất thường, đau bụng kinh. Nặng nề hơn bệnh có thể gây biến chứng hiếm muộn hay vô sinh.
  • Các bệnh lý ác tính: Ung thư cổ tử cung hay ung thư nội mạc tử cung có thể gây rong kinh rong huyết. Nguyên nhân này cần đặc biệt chú ý ở phụ nữ sắp mãn kinh hoặc đã mãn kinh.

4.2. Liên quan đến thai kì

  • Dụng cụ tránh thai: Rong kinh là một trong những tác dụng phụ thường gặp của dụng cụ tránh thai, đặc biệt là vòng tránh thai chứa đồng. Rong kinh thường sẽ ổn định sau vài chu kì. Nếu triệu chứng kéo dài hay ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ.
  • Thuốc tránh thai khẩn cấp: Sau khi dùng thuốc tránh thai khẩn cấp, có thể có chảy máu âm đạo bất thường. Đây có thể là tác dụng phụ của thuốc nhưng cũng có thể là báo hiệu sớm của thai kì. Do đó, để chắc chắn rằng mình có mang thai hay không và triệu chứng này liệu có nguy hiểm, hãy đến gặp bác sĩ.
  • Biến cố liên quan đến thai kì: Nếu rong huyết theo sau trễ kinh một đến vài tuần có thể là dấu hiệu của sẩy thai. Ngoài ra, các nguyên nhân gây chảy máu nặng trong thai kì liên quan đến vị trí của bánh nhau như nhau bám thấp hay nhau tiền đạo. Nếu nghi ngờ có thai, hãy đến gặp bác sĩ sản khoa. Bất kì chảy máu âm đạo nào trong khi đang mang thai đều cần được thăm khám và theo dõi.

4.3. Bệnh lý toàn thân

  • Bệnh lý đông cầm máu: Một vài rối loại liên quan đến hệ thống đông cầm máu – như bệnh thiếu các yếu tố đông máu hay xuất huyết giảm tiểu cầu. Rong kinh – cường kinh ở tuổi dậy thì có thể là triệu chứng đầu tiên của bệnh lý huyết học bẩm sinh.
  • Do thuốc: Một vài loại thuốc: bao gồm thuốc kháng viêm, thuốc nội tiết và thuốc chống đông máu trong điều trị bệnh tim mạch có thể gây chảy máu kinh nặng.Nếu triệu chứng rong kinh – rong huyết xuất hiện khi đang điều trị, hãy báo với bác sĩ các tác dụng phụ này để được xem xét.
  • Các bệnh lý khác: Những bệnh lý khác như xơ gan, suy gan hay suy thận cũng có thể liên quan đến rong kinh – rong huyết.

Trên đây là những nguyên nhân thường gặp của các triệu chứng rong kinh , cường kinh hay rong huyết. Nếu có bất kì triệu chứng nào, hãy đến gặp bác sĩ để được thăm khám.

5. Cần cung cấp thông tin gì cho bác sĩ?

Khi đến khám, việc cung cấp thông tin càng chi tiết sẽ giúp bác sĩ chẩn đoán chính xác hơn. Với triệu chứng chảy máu kinh nặng, bác sĩ thường khai thác các thông tin như:

  • Chu kì kinh nguyệt : Nếu có thể, hãy theo dõi chu kì kinh nguyệt qua lịch hoặc ứng dụng trên điện thoại. Các thông tin chi tiết như về sự đều đặn, số ngày hành kinh, lượng và màu sắc mỗi lần hành kinh, cảm giác đau bụng kinh (nếu có).
  • Tính chất của các triệu chứng : Rong kinh – rong huyết xuất hiện từ bao giờ, mức độ, các triệu chứng diễn biến như thế nào? Các triệu chứng này ảnh hưởng đến cuộc sống cá nhân như thế nào?
  • Tiền sử sản khoa : Đã có bao nhiêu con và phương pháp sanh là gì? Bác sĩ cũng có thể muốn biết về kế hoạch sinh sản của bạn trong tương lai.
  • Tiền sử các bệnh phụ khoa từng mắc :  Khi đi khám, đừng quên mang theo giấy tờ khám phụ khoa, xét nghiệm và đơn thuốc cũ (nếu có).
  • Các phương pháp tránh thai đã và đang sử dụng.
  • Các bệnh lý các và điều trị và các phẫu thuật trước đây ( nếu có ) : Ngoài ra, hãy thông báo với bác sĩ nếu bạn đang điều trị bệnh lý hay đang dùng toa thuốc nào khác. Chủ động hỏi bác sĩ về những lo lắng và thắc mắc của bạn để được giải đáp.
Theo dõi chu kì kinh nguyệt để phát hiện bất thường.
Theo dõi chu kì kinh nguyệt để phát hiện bất thường.

Chảy máu kinh nặng hay rong kinh và cường kinh là tình trạng thường gặp và có thể ảnh hưởng đến sức khỏe. Ngoài ra, chảy máu kinh nặng còn là biểu hiện một số bệnh từ bệnh lý của cơ quan sinh sản đến bệnh lý toàn thân.

Hãy chủ động theo dõi chu kì kinh nguyệt thường xuyên để phát hiện các bất thường này. Nếu chu kì kinh nguyệt đang gây trở ngại cho cuộc sống hay khiến bạn lo lắng, hãy gặp bác sĩ ngay nhé!

Bác sĩ Lê Mai Thùy Linh 

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

ACOG (2016) FAQ Heavy Menstrual Bleeding

https://www.acog.org/Patients/FAQs/Heavy-Menstrual-Bleeding

, accesed on October, 9th, 2019.

Mayo Clinic (2017) Menorrhagia (Heavy Menstrual Bleeding)

https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/menorrhagia/symptoms-causes/syc-20352829

, accesed on October, 11th, 2019.

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người