Sẹo lồi vành tai là gì? Có chữa được không?
Nội dung bài viết
Nhiều bạn gái chắc hẳn rất thích xỏ lỗ tai phải không nào? Tuy nhiên các bạn cần cẩn thận vì ở một số người do cơ địa có thể dễ hình thành sẹo lồi vành tai. Vậy sẹo lồi vành tai là gì? Làm cách nào để phòng ngừa và điều trị? Hãy cùng ThS.BS Trần Thanh Long tìm hiểu vấn đề này trong bài viết sau đây nhé.
Sẹo lồi là gì?
Sẹo lồi là sự tăng trưởng quá mức của mô sẹo gây ra do tổn thương trên bề mặt da. Tình trạng này thường gặp sau khi bấm lỗ tai. Sẹo lồi có thể hình thành ở cả phần dái tai lẫn phần sụn tai. Sẹo lồi có thể có nhiều màu sắc khác nhau từ hồng nhạt cho đến nâu đậm.
Bạn hãy đọc tiếp phần sau để biết thêm nguyên nhân gây ra sẹo lồi và cách loại bỏ nó.
Sẹo lồi do bấm lỗ tai
Bấm lỗ tai nghe có vẻ không có gì là nghiêm trọng, nhưng đôi lúc cơ thể của bạn lại không nghĩ vậy.
Khi vết thương bắt đầu lành, mô sẹo xơ sẽ thay thế phần da cũ. Đôi khi cơ thể tạo ra quá nhiều mô sẹo, dẫn đến sẹo lồi. Phần mô dư thừa này bắt đầu lan rộng ra khỏi phạm vi vết thương ban đầu, gây ra một khối sưng có kích thước lớn hơn so với vết bấm lỗ tai ban đầu.
Ở tai, sẹo lồi thường là một khối tròn nhỏ mọc quanh vị trí bấm lỗ tai. Có khi chúng xuất hiện rất nhanh, nhưng thường là chúng sẽ hình thành khoảng vài tháng sau khi bạn bấm lỗ tai. Sẹo lồi có thể tiếp tục tăng trưởng từ từ trong vài tháng tiếp theo.
Các nguyên nhân khác gây sẹo lồi vành tai
Sẹo lồi có thể hình thành do bất kỳ tổn thương nào trên da. Tai của bạn có thể gặp những tổn thương do:
- Sẹo phẫu thuật.
- Mụn trứng cá.
- Thủy đậu.
- Côn trùng cắn.
- Xăm mình.
Ai dễ bị sẹo lồi vành tai?
Mặc dù ai cũng có thể bị sẹo lồi nhưng có một số đối tượng dường như có nguy cơ cao hơn do một số yếu tố như:
- Màu da. Người có màu da sậm có nguy cơ cao bị sẹo lồi gấp 15 đến 20 lần.
- Di truyền. Bạn sẽ dễ bị sẹo lồi nếu trong gia đình cũng có người bị như vậy.
- Tuổi. Sẹo lồi thường gặp hơn ở người dưới 30 tuổi.
Loại bỏ sẹo lồi vành tai bằng cách nào?
Sẹo lồi đặc biệt rất khó loại bỏ. Ngay cả khi sẹo lồi đã được mổ cắt đi thì chúng vẫn có khuynh hướng mọc lại sau đó. Nhiều bác sĩ da liễu khuyên rằng nên kết hợp nhiều biện pháp điều trị khác nhau để có được kết quả lâu dài.
1. Phẫu thuật lấy bỏ
Bác sĩ có thể phẫu thuật để lấy bỏ sẹo lồi vành tai bằng dao mổ. Tuy nhiên, điều này cũng sẽ tạo nên một vết thương mới có nguy cơ hình thành sẹo lồi. Nếu chỉ điều trị phẫu thuật thì sẹo lồi thường sẽ tái phát. Đó là lí do tại sao bác sĩ sẽ sử dụng thêm các phương pháp khác để ngăn ngừa sẹo lồi tái phát.
2. Bông tai áp lực
Nếu bạn đã phẫu thuật lấy bỏ sẹo lồi vành tai, bác sĩ có thể đề nghị bạn đeo một loại bông tai áp lực. Loại bông tai này tạo một áp lực lên tai của bạn, giúp ngăn ngừa sẹo lồi hình thành trở lại sau mổ.
Tuy nhiên, bông tai áp lực có thể rất khó chịu cho phần lớn người dùng. Bệnh nhân cần phải đeo bông tai 16 giờ một ngày trong 6 đến 12 tháng.
3. Xạ trị
Xạ trị có thể làm giảm kích thước sẹo lồi. Phương pháp này thường được sử dụng kết hợp với phẫu thuật.
4. Các phương pháp không phẫu thuật
Có một số biện pháp điều trị không phẫu thuật bạn có thể thử. Mặc dù có thể không loại bỏ hoàn toàn sẹo lồi nhưng các phương án này có thể giúp thu nhỏ đáng kể sẹo lồi.
5. Chích corticoid
Bác sĩ có thể tiêm thuốc trực tiếp vào sẹo lồi để giúp thu nhỏ nó, giảm triệu chứng và làm nó mềm đi. Bạn sẽ được tiêm mỗi 3 đến 4 tuần cho đến khi có cải thiện.
Khoảng 50 đến 80 phần trăm sẹo lồi co nhỏ lại sau khi điều trị tiêm thuốc. Tuy nhiên vẫn có nhiều người bị tái phát trong vòng 5 năm sau đó.
6. Liệu pháp đông lạnh
Liệu pháp đông lạnh sẽ làm đông lạnh sẹo lồi. Phương pháp này hiệu quả nhất nếu kết hợp với các điều trị khác, đặc biệt là tiêm thuốc. Bác sĩ có thể sử dụng từ 3 đợt liệu pháp đông lạnh trở lên, trước hay sau liệu trình tiêm thuốc.
7. Điều trị bằng laser
Điều trị laser có thể làm giảm kích thước và phai màu sẹo lồi. Cũng như phần lớn điều trị khác, điều trị laser thường được dùng kết hợp với các phương pháp khác.
8. Buộc thắt
Đây là một thủ thuật dùng chỉ phẫu thuật buộc quanh gốc của sẹo lồi. Qua thời gian, chỉ sẽ cắt vào sẹo lồi và làm chúng rời ra. Bạn sẽ cần phải buộc chỉ mới mỗi 3 đến 4 tuần cho tới khi sẹo lồi rời ra ngoài.
Làm cách nào để phòng ngừa sẹo lồi vành tai?
Sẹo lồi rất khó để điều trị hoàn toàn. Nếu bạn có cơ địa sẹo lồi thì cần làm theo các hướng dẫn sau để giảm nguy cơ hình thành sẹo lồi:
- Nếu bạn cảm thấy da xung quanh chỗ bấm lỗ tai dày lên thì cần có can thiệp ngay để ngăn ngừa sẹo lồi. Tháo khuyên tai và hỏi ý kiến bác sĩ về việc dùng bông tai áp lực.
- Nếu bạn từng có sẹo lồi vành tai thì đừng bấm lỗ tai nữa.
- Nếu có ai trong gia đình bị sẹo lồi thì hãy gặp bác sĩ da liễu để tư vấn trước khi bấm lỗ tai, xăm mình hay phẫu thuật thẩm mỹ.
- Nếu bạn biết bạn bị sẹo lồi và cần phải phẫu thuật thì hãy thông báo cho bác sĩ. Bác sĩ có thể sử dụng các kĩ thuật đặc biệt để làm giảm nguy cơ.
- Chăm sóc kĩ lưỡng vết bấm lỗ tai hay vết thương. Giữ vết thương sạch có thể giúp giảm nguy cơ tạo sẹo.
Sẹo lồi rất khó điều trị hoàn toàn. Bạn cần đi khám bác sĩ để có được tư vấn tốt nhất. Những người có cơ địa sẹo lồi thường có đáp ứng tốt nhất khi kết hợp nhiều cách điều trị khác nhau.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
How Do I Get Rid of a Keloid on My Ear?https://www.healthline.com/health/keloid-ear
Ngày tham khảo: 11/05/2020