Tả: Dịch bệnh nguy hiểm đến từ thói quen hằng ngày
Nội dung bài viết
Bệnh tả hay còn gọi là thổ tả rất thường gặp ở nước ta. Đây là một bệnh truyền nhiễm lây lan rất nhanh. Từ lúc xuất hiện cho đến nay, tả đã gây ra 7 đại dịch lớn trên thế giới. Ở nước ta, mỗi năm vẫn có hàng ngàn ca mắc với triệu chứng đa dạng. Vì sao tả lại lây lan nhanh chóng như vậy? Triệu chứng của bệnh là gì và làm sao để phòng tránh? Nguồn bệnh của tả đến từ đâu? Những câu hỏi trên sẽ được giải đáp qua bài viết sau đây của Thạc sĩ, Bác sĩ Thái Việt Nguyên.
Bệnh tả là gì? Nguyên nhân gây bệnh tả
Bệnh tả được xếp vào bệnh truyền nhiễm nhóm A. Đây là phân nhóm các bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm. Chúng có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng. Ngoài ra, nhóm bênh này có tỷ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh.
Đặc trưng của bệnh tả ở người là tình trạng nhiễm trùng cấp tính đường tiêu hóa. Cụ thể là ở ruột non. Tác nhân gây bệnh là phẩy khuẩn tả, do hình dáng chúng dưới kính hiển vi gần giống dấu phẩy. Tên khoa học của nó là Vibrio cholera. Khi nhiễm vào bên trong cơ thể, phẩy khuẩn tả sẽ bám dính lên niêm mạc ruột non. Tại đây, chúng sinh sôi nảy nở và tiết ra độc tố. Từ đó gây ra nhiều triệu chứng đường tiêu hóa cho con người.
Phẩy khuẩn tả có mặt ở đâu?
Mầm bệnh tả hiện diên trong phân của người nhiễm. Nếu không được vệ sinh tốt, mầm bệnh có thể lây ra nguồn nước và thực phẩm. Từ đó tạo thành nguồn lây từ người sang người. Dịch tả rất có thể xảy ra ở những nơi xử lý nước không đạt chuẩn, môi trường kém vệ sinh.
Phẩy khuẩn tả cũng có thể sống trong môi trường ở các vùng ven biển, vùng nước lợ. Các loài thủy hải sản như tôm cua, các loại sò,… là nguồn chứa mầm bệnh tả trong tự nhiên. Nếu không được chế biến kỹ, con người có thể mắc bệnh sau khi ăn các loài động vật này.
Cách thức lây truyền bệnh tả
Đường lây quan trọng nhất là từ người sang người qua trung gian nước uống, thực phẩm nhiễm vi khuẩn. Lây trực tiếp từ người sang người qua tiếp xúc rất hiếm gặp. Vì vậy, không cần quá lo lắng khi tiếp xúc thông thường với người bệnh hay nhân viên y tế,…
Người bệnh đào thải vi khuẩn theo phân và chất nôn. Phân người bệnh chứa phẩy khuẩn tả trong khoảng thời gian 17 ngày nếu không được điều trị kháng sinh. Nếu được điều trị kháng sinh đặc hiệu, phẩy khuẩn tả sẽ hết dần. Nhanh nhất là 2 ngày, dài nhất 6 ngày. Một số bệnh nhân sau khỏi vẫn tiếp tục thải vi khuẩn ra bên ngoài, có thể từ 3 – 6 tháng. Lượng chất thải này nếu thải thẳng ra cống, mương, sông,… sẽ thành nguồn chứa mầm bệnh.
Cần lưu ý rằng có những người nhiễm vi khuẩn tả mà không có triệu chứng, hoặc đã điều trị khỏi. Phẩy khuẩn tả vẫn hiện diện trong phân của họ. Nếu những đối tượng này lơ là vệ sinh, họ có thể trở thành nguồn lây quan trọng.
Những vùng nào thường xảy ra dịch tả?
Tả thường xảy ra ở các nước chậm và đang phát triển. Đặc biệt là những vùng dân cư đông đúc, điều kiện vệ sinh kém, thiếu nước ngọt. Châu Phi, Đông Nam Á và Haiti vẫn luôn có nhiều ca bệnh hằng năm. Nguồn nước ô nhiễm là yếu tố giúp tả lây lan rộng rãi và nhanh chóng trở thành dịch.
Tình hình dịch tả tại Việt Nam:
Từ năm 1993 – 2004 | Dịch xảy ra ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam với khoảng vài nghìn ca bệnh được báo cáo hàng năm. Tuy nhiên, bệnh không bùng phát thành dịch lớn, có rất ít trường hợp tử vong. |
2005 – 2006 | Cả nước không ghi nhận trường hợp nào. |
Từ cuối năm 2007 | Dịch lại bùng phát ở 19 tỉnh/thành phố phía Bắc. Đã có hàng ngàn trường hợp mắc nhưng không có trường hợp nào tử vong.
|
Ngoài ra, bệnh tả có tính thay đổi theo mùa rõ rệt. Ở vùng dịch lưu hành bệnh thường tăng cao vào mùa hè, mùa thu. Ở nước ta thường vào mùa nắng, khoảng tháng 2,3,4. Khí hậu thay đổi theo mùa ảnh hưởng đến các loài động vật thủy hải sản chứa mầm bệnh. Mặt khác, nó còn liên quan đến các hành vi tăng nguy cơ (đi hành hương, du lịch). Và tạo ra các tình huống dễ tiếp xúc mầm bệnh như thực phẩm kém vệ sinh, thiếu nước sạch.
Các yếu tố nguy cơ
Những đối tượng với các hành vi sau đây có nhiều nguy cơ nhiễm phẩy khuẩn tả:
- Người cùng ăn uống với bệnh nhân tả.
- Sống tại vùng sử dụng hố xí không đạt tiêu chuẩn. Chất thải không qua xử lí mà đổ thẳng ra sông, kênh rạch,…
- Dùng phân tươi trong trồng trọt.
- Người ở vùng ngập lụt, vùng cửa sông, ven biển.
- Có tập quán ăn uống không hợp vệ sinh. Người hay ăn rau sống, thủy hải sản chưa chín, mắm tôm, tiết canh, thịt chó,…
- Người có tình trạng giảm acid dạ dày hay đang dùng thuốc giảm acid dạ dày.
- Những chưa có miễn dịch với tả dễ mắc bệnh hơn.
- Người có nhóm máu O khi nhiễm bệnh có thể diễn tiến nặng hơn.
Những triệu chứng thường gặp
Ở người đã có miễn dịch với tả, biểu hiện bệnh thường là tiêu chảy rất nhẹ, thoáng qua. Miễn dịch có thể được tạo chủ động bằng tiêm vắc – cin, hoặc thụ động trên những người đã nhiễm và khỏi bệnh. Còn những người chưa có miễn dịch với tả, bệnh diễn ra điển hình qua các thời kỳ sau:
1. Thời kỳ ủ bệnh
Là thời gian từ lúc phẩy khuẩn tả xâm nhập cơ thể đến khi có các triệu chứng đầu tiên. Đây là lúc vi khuẩn sinh sôi phát triển, tích lũy độc tố trong cơ thể. Thời kỳ ủ bệnh của tả không có triệu chứng. Thường kéo dài từ 6 – 48 giờ, tối đa 5 ngày. Dù chưa có biểu hiện, thời kỳ này mầm bệnh vẫn có thể phát tán và lây lan.
2. Thời kỳ khởi phát
Là khoảng thời gian các triệu chứng đầu tiên bắt đầu xuất hiện. Ở bệnh tả, thời kỳ này thường đột ngột với cảm giác đầy bụng thoáng qua. Sau đó nhanh chóng chuyển thành tiêu chảy phân nước. Thường không sốt, không đau bụng, không nôn ói.
3. Thời kỳ toàn phát
Đây là lúc xuất hiện đầy đủ các triệu chứng đặc trưng của bệnh. Các biến chứng nếu có sẽ biểu hiện trong khoảng thời gian này. Thời kỳ toàn phát của bệnh tả gồm các triệu chứng sau:
- Tiêu chảy phân nước xối xả, màu trong hoặc đục như nước vo gạo.
- Phân có mùi tanh đặc trưng.
- Nôn ói.
- Khát nước.
- Khô niêm mạc.
- Da lạnh tái, mất độ đàn hồi.
- Mắt trũng.
- Bồn chồn hoặc cáu kỉnh.
- Chuột rút (còn gọi là vọp bẻ).
- Mệt lả.
4. Hậu quả của bệnh tả nếu không điều trị đúng cách
Nếu không được chữa trị kịp thời, người bệnh sẽ mất nước nhiều do nôn ói và tiêu chảy. Mất nước nặng sẽ dẫn đến tụt huyết áp, sốc, suy thận,… Hậu quả xấu nhất là tử vong.
Chẩn đoán bệnh tả như thế nào?
Xử trí và chăm sóc các bệnh nhân tiêu chảy cấp tương tự nhau ở hầu hết các nguyên nhân. Tuy nhiên, xác định chính xác tình trạng nhiễm khuẩn tả là rất quan trọng. Người mắc tả cần được cách ly và báo cáo đầy đủ để tránh dịch bệnh lan rộng.
1. Các thông tin người bệnh cần lưu ý và cung cấp rõ ràng với bác sĩ
- Đặc điểm nơi ở.
- Có lui tới, du lịch ở vùng xảy ra dịch tả hay không.
- Đã từng tiếp xúc với người bệnh hay chưa.
- Quá trình diễn ra và đặc điểm của các triệu chứng
- Những thuốc đã dùng.
2. Một số xét nghiệm cần làm
- Soi và cấy phân tìm phẩy khuẩn tả. Cấy phân có giá trị chẩn đoán xác định. Từ đó các ca bệnh tả được báo cáo đầy đủ và chính xác, ngăn ngừa dịch lan rộng.
- Xét nghiệm nhanh, dùng cảnh báo sớm các ca có nguy cơ mắc bệnh tả. Các xét nghiệm nhanh hữu ích trong việc báo cáo dịch trong cộng đồng. Tuy nhiên, vẫn cần cấy phân để chẩn đoán chính xác bệnh tả.
- Các xét nghiệm máu, chức năng thận,.. để tìm và điều trị kịp thời biến chứng.
Những điểm chính trong điều trị tả
1. Nguyên tắc điều trị
- Bù nước và điện giải. Điện giải là những chất rất quan trọng cho hoạt động của các tế bào trong cơ thể. Trong bệnh tả, điện giải thường mất theo nước do tiêu chảy, nôn ói.
- Diệt vi trùng để tránh lây lan bằng kháng sinh đặc hiệu.
- Ngoài ra, bổ sung kẽm cũng được chứng minh là giúp cải thiện triệu chứng của bênh tả ở trẻ em.
2. Các loại dung dịch thường dùng trong điều trị tả
- Oresol: là dung dịch của muối và đường được pha sẵn theo một tỷ lệ nhất định. Dung dịch oresol dùng cho trẻ em và người lớn có thể khác nhau.
- Nước cháo muối. Dung dịch muối đường (8 muỗng cà phê đường + 1 muỗng muối).
- Các loại dịch truyền dùng trong những cơ sở y tế.
Tùy theo mức độ mất nước mà loại dịch và lượng dùng sẽ thay đổi. Khi mất nước nhẹ, dùng oresol theo nhu cầu (uống khi khát) và sau khi đi tiêu. Nếu nôn ói nhiều thì có thể uống từng ngụm nhỏ.
Những trường hợp nặng hơn cần nhập viên để bù nước và theo dõi đúng cách.
Những phương pháp phòng ngừa
1. Các biện pháp phòng bệnh chung
- Đảm bảo vệ sinh và an toàn thực phẩm.
- Sử dụng nguồn nước sạch.
- Đối với trẻ em, cải thiện dinh dưỡng sẽ giúp phòng bệnh. Cho trẻ bú mẹ, thăm khám theo lịch để ngừa và điều trị kịp thời suy dinh dưỡng.
- Tiêm vắc – cin tạo miễn dịch chủ động với tả cho cơ thể.
2. Phòng ngừa khi có dịch tả
Tất cả mọi người sống hoặc lui tới vùng đang có dịch hoặc đã xảy ra dịch cần tuân thủ:
- Chỉ uống nước đã đun sôi để nguội. Hoặc nước đóng chai, đồ uống đóng hộp. Cần kiểm tra kỹ chai, lon nước còn mới, nguyên vẹn.
- Tránh nước máy và đá viên không rõ nguồn gốc.
- Rửa tay thường xuyên với xà phòng và nước sạch. Đặc biệt là trước khi nấu ăn, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
- Nếu không có nước và xà phòng, có thể dùng nước rửa tay có chứa cồn. Nồng độ cồn phải từ 60 độ trở lên mới có hiệu quả.
- Tránh ăn thực phẩm, đồ để nguội quá lâu. Tránh ăn rau sống hoặc rửa thật kỹ trước khi ăn.
- Sử dụng hố xí và nhà vệ sinh đạt chuẩn.
Tả ở người là bệnh truyền nhiễm cấp tính lây lan nhanh chóng. Nguồn nước bẩn và thủy hải sản sống là những nguồn chính chứa mầm bệnh. Thói quen ăn đồ sống và môi trường kém vệ sinh sẽ tăng nguy cơ lây nhiễm tả. Triệu chứng chính của tả là tiêu chảy khiến cơ thể mất nước. Bổ sung nước, điện giải và kháng sinh sẽ cải thiện tình trạng bệnh. Rửa tay thường xuyên, ăn chín uống sôi và dùng nước sạch là vũ khí hiệu quả ngăn ngừa tả.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Bệnh tảhttps://vncdc.gov.vn/benh-ta-nd14498.html
Ngày tham khảo: 20/05/2020
-
Cholera - Vibrio cholerae infectionhttps://www.cdc.gov/cholera/illness.html
Ngày tham khảo: 20/05/2020
- Thông tư ban hành Danh mục bệnh truyền nhiễm, phạm vi và đối tượng phải sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế bắt buộchttps://vncdc.gov.vn/mediacenter/media/files/1012/01-2021/752_1611131187_6236007e933c1084.pdf
- Luật phòng chống bệnh truyền nhiễmhttps://moj.gov.vn/vbpq/lists/vn%20bn%20php%20lut/view_detail.aspx?itemid=12915
- PGS.TS Nguyễn Trần Chính (2016). "Bệnh tả", Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị các bệnh nhiễm trùng thường gặp. Nhà xuất bản Y học, tái bản lần thứ 6, tr. 9-13.
- ThS.BS Phạm Thị Lệ Hoa (2008). "Bệnh dịch tả", Bệnh truyền nhiễm. Nhà xuất bản Y học TP.HCM, xuất bản lần thứ 3, tr. 64-77.