Tác dụng chữa bệnh của Thì là
Nội dung bài viết
Thì là hay gọi là Thìa là, cây được biết đến là nguyên liệu dùng để nấu ăn trong các bữa cơm. Ít ai biết rằng cây còn là một vị thuốc chữa bệnh về đường tiêu hóa rất tốt. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ về đặc điểm, tác dụng của vị thuốc này
Thì là là vị thuốc gì ?
Danh pháp
Tên gọi khác: Thìa là
Tên khoa học: Anethum graveolens L
Họ: Hoa tán (Apiaceae)
Mô tả cây
Thì là thuộc thân cây thảo, sống hằng năm, cao chừng 0,8 m đến 1m, có khi cao hơn.
Thân mọc thẳng đứng, ít có phân nhánh, bề mặt thân nhẵn và có khía dọc. Lá cây mọc kiểu so le với nhau, có cuống dài, bẹ to rất phát triển, phiến lá xẻ 3 lần lông chim thành những thùy nhỏ hơn có hình sợi dài từ 10 – 20 mm, rộng khoảng 0,5 mm. Ở ngọn lá tiêu giảm và không có cuống.
Cây có hoa mọc thành cụm ở ngọn thân và đầu cành thành những tán kép có cuống chung, cuống dài, chia thành 10 – 15 nhánh, mỗi tán nhỏ có từ 20 đến 40 nhánh con, không có tiểu bao và tổng bao. Hoa có màu vàng, đài có răng ngắn, tràng hình cong gập vào trong, nhị nằm xen kẽ với những cánh hoa, bầu hạ có 2 lá noãn dính vào với nhau.
Quả Thì là có hình trứng dài 3mm và rộng 1,5mm, dẹt ở lưng, quả tách nhau dễ dàng và có 3 sống dọc nổi.
Mùa hoa quả của cây thường vào tháng 1 đến tháng 3
- Quả Thì là có hình trứng dài, dẹt ở lưng, quả tách nhau dễ dàng và có 3 sống dọc nổi
Phân bố, thu hái.
Cây mọc khắp nơi từ vùng ôn đới ẩm đến vùng cận nhiệt đới và nhiệt đới như Đức, Hungari, Ai Cập, phía Tây Liên Bang Nga, Ấn Độ, Hoa Kỳ, Pakistan, Việt Nam, Trung Quốc và nhiều nước khu vực Đông – Nam Á và Australia.
Ở Việt Nam Thì là phân bố chủ yếu ở các tỉnh phía Bắc, từ Quảng Bình trở ra.
Cây thích mọc ở những nơi có ánh sáng, ưa ẩm ướt với nhiệt độ từ 15 độ đến 20 độ C. Cây chịu được nhiệt độ thấp nhất từ 5 đến 7 độ C nhưng vẫn sinh trưởng tốt trong điều kiện sương mù.
Cây thường được trồng vào mùa đông xuân. Thì là là loại cây sinh trưởng nhanh, trồng từ hạt, sau thời gian 1,5 đến 2 tháng cây bắt đầu ra hoa. Nếu trồng vào mùa đông cây có thể kéo dài thời gian sinh trưởng hơn, trong 1 tán hoa kép, hoa tán đơn ở bên ngoài nở trước, hoa nở từ ngoài vào trong.
Thời gian nở hoa của Thì là thường kéo dài 11 – 14 giờ trong ngày. Hạt của Thì là có thể giữ được lâu 2 – 3 năm, tỷ lệ nảy mầm tới 75%.
Thành phần hóa học
Trong phần ăn được của Thì là có chứa 20g% nước, chất béo 4g%, carbohydrat 44 g%, chất xơ 12g% và acid ascorbid 60mg%. Hàm lượng tinh dầu chiếm 0,1 % đến 1,5 %.
Trong Quả chứa 8g% nước, chất béo 14g%, protein 16g%, carbohydrat 34g%, trong đó lượng tinh dầu chiếm 2 – 6%.
Trong tinh dầu thành phần chính chủ yếu là d.limonen, phellandren, 40 – 60% d.cacvon và một ít paraffin.
Cách sử dụng Thì là
Thì là lấy lá để ăn, thường nấu với cá .
Dùng quả hạt phơi hoặc sấy khô dùng làm thuốc.
Tác dụng của Thì là
Theo y học hiện đại
Tác dụng hạ đường huyết
Trong công nghiệp hương liệu, quả Thì là được dùng với một số quả thơm khác dùng làm thơm chè.
Theo y học cổ truyền
Vị thuốc có vị cay tính ấm, có tác dụng ôn ấm tỳ vị, giúp tiêu hóa dễ dàng, giải độc thức ăn
Thì là trong y học cổ truyền dùng thay cho Tiểu hồi để giải độc thức ăn tanh hôi, chữa bụng đầy trướng nê trệ.
Thì là có tác dụng kích thích trung tiện, lợi sữa
Chữa đau bụng ở trẻ em
Bài thuốc có Thì là
Giúp kích thích tiêu hóa, chữa đầy bụng nê trệ
- Dùng dưới hình thức nước cất: mỗi ngày uống 50 – 100g
- Dùng dưới hình thức nước pha: lấy 4 – 8g thuốc hãm trong 1 lít nước sôi uống
- Nếu dùng tinh dầu thì mỗi ngày dùng 250mg – 1g, sau đó đem nhỏ vào nước đường uống.
Thì là vừa là gia vị trong các bữa ăn vừa là một vị thuốc. Cây được biết đến chữa các bệnh lý tiêu hóa như đầy bụng, giúp kích thích tiêu hóa, giúp ăn ngon miệng. Ngoài ra quả của cây còn được sử dụng làm hương liệu tạo mùi thơm cho chè. Hy vọng qua bài viết này sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ được lợi ích của vị thuốc này. YouMed luôn chắp cánh cùng bạn!
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
- GS. TS Đỗ Tất Lợi. Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam. Nhà xuất bản Y hoc 2006.
- Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam tập I và II. Đỗ Huy Bích, Đặng Quang Chung, Bùi Xuân Chương, Nguyễn Thượng Dong, Đỗ Trung Đàm, Phạm Văn Hiển, Vũ Ngọc Lộ, Phạm Duy Mai, Phạm Kim Mãn, Đoàn Thị Nhu, Nguyễn Tập, Trần Toàn, Viện Dược liệu. Nhà xuất bản khoa học và kĩ thuật.