Nữ lang: Loài cây thuốc quý đến từ thời cổ đại
Nội dung bài viết
Nữ lang đã được sử dụng từ thời cổ đại, và được ông tổ ngành y Hipocrates sử dụng điều trị các vấn đề về tiêu hóa, tiết niệu. Mãi đến thế kỉ 16 người ta mới ghi nhận tác dụng cải thiện giấc ngủ của cây Nữ lang. Vậy hiệu quả điều trị của cây Nữ lang như thế nào? Mời bạn cùng ThS.BS Y học cổ truyền Dư Thị Cẩm Quỳnh tìm hiểu về chủ đề này qua bài viết dưới đây.
Mô tả dược liệu
Nữ lang có tên khoa học là Valeriana officinalis L., là loài cây bản địa ở các nước châu Âu.
Nước ta tìm thấy loài cây tương tự, được người Mèo gọi là Sì to, có tên khoa học là Valeriana jatamansi Jonse. Loài cây này mọc hoang dại và được người Mèo sử dụng như Valeriana officinalis L.
Còn một loại cây khác cũng mọc hoang và có cùng tên Nữ lang, nhưng tên khoa học của nó lại là Valeriana hardwickii Wall.
Cả ba loài cây này đều cùng họ Valerianaceae. Có hơn 200 loài được biết đến nhưng Valeriana officinalis là loài phổ biến nhất trong làm thuốc.1
Đặc điểm thực vật
Nữ lang thường phát triển ở vùng đất ẩm, chiều cao từ 7 – 12 cm (thỉnh thoảng cao tới 15 cm). Nổi bật với một cụm các tán lá chia thùy sâu từ gốc, thân mảnh mai, lá thưa. Lá hình lông chim, lẻ, mỗi lá có 7 – 10 cặp lá chét hình mũi mác có răng cưa. Lá có mùi thơm khi bị vò nát. Hoa nở vào tháng 6 – 7, có mùi thơm, màu trắng đến hồng nhạt và có dạng chùy phân nhánh, ở ngọn cây.2
Phân bố, thu hái
Nữ lang phân bố chủ yếu ở châu Âu và Bắc Mỹ. Thời gian thu hái: Hoa được thu hoạch vào tháng 7 – 8; rễ cây vào tháng 10.1
Bộ phận sử dụng
Rễ và thân rễ của cây. Có thể dùng dạng nước sắc, nước trà hoặc được chiết xuất thành các dạng thực phẩm chức năng.1
Thành phần hóa học
Các thành phần được xác định trong cây Nữ lang bao gồm:3
- Iridoid được gọi là valepotriat (valtrat, isovaltrat, didrovaltrat và acevaltrat).
- Thành phần tinh dầu bao gồm monoterpen, sesquiterpenes.
- Các hợp chất cacboxylic (axit valeric / isovale ), lignans, flavonoid, axit γ-aminobutyric (GABA).
Tác dụng dược lý của Nữ lang
Cây Nữ lang được sử dụng từ thời Hipocrates trong các bệnh về tiêu hóa, đầy hơi, bệnh đường tiết niệu. Tác dụng điều trị mất ngủ và các bệnh thần kinh của loài cây này được công bố từ cuối thế kỉ 16. Từ đó đến nay, cây Nữ lang đã được cho là hữu ích như một loại thuốc an thần gây ngủ, giải lo âu, chống co thắt, chống trầm cảm và chống co giật.4
Nữ lang đã được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) phê duyệt trong danh mục thực phẩm chức năng.5
1. Nữ lang đối với giấc ngủ
Người ta đã nhận thấy rằng loài cây này hữu ích để cải thiện chất lượng giấc ngủ trên người khỏe mạnh, bệnh nhân mất ngủ, bệnh nhân RLS, bệnh nhân tâm thần, bệnh nhân ung thư, bệnh nhân dương tính với HIV, phụ nữ sau mãn kinh, người cao tuổi. Tuy nhiên, cần duy trì sử dụng khoảng từ 1 – 8 tuần để đạt được hiệu quả đáng kể.
Chiết xuất cây Nữ lang ở nồng độ tiêu chuẩn không ảnh hưởng đến tỉnh táo ban ngày; và đã được chứng minh tính an toàn hơn so với triazolam, temazepam (benzodiazepines) và diphenhydramine (kháng histamine).3
Xem thêm: Những loại thảo dược trị mất ngủ phổ biến và hiệu quả
2. Nữ lang giúp giảm lo âu
Valepotriat là thành phần có tác dụng giảm lo âu trong cây Nữ lang.
Dùng rễ, thân rễ của cây này mỗi ngày trong 4 tuần làm giảm lo lắng ở bệnh nhân HIV. Cũng như có thể ngăn ngừa các tác dụng phụ về tâm thần kinh do thuốc kháng vi rút gây ra.
Dùng rễ, thân rễ hoặc chiết xuất cây nữ lang trong 60 phút trước khi bắt đầu phẫu thuật; giúp giảm triệu chứng ở những bệnh nhân lo lắng trải qua phẫu thuật nha khoa.
Chiết xuất Nữ lang mỗi ngày trong 7 ngày của 3 chu kỳ kinh nguyệt liên tiếp làm giảm chứng lo âu trước kỳ kinh nguyệt.
Chiết xuất này cũng giúp tăng cường GABA – A và dùng mỗi ngày trong 4 tuần làm tăng tính liên kết alpha vùng não trước (vị trí tương ứng với chứng lo âu).3
3. Các tác dụng điều trị khác
Bên cạnh hiệu quả trong chứng mất ngủ và lo âu, một số lợi ích điều trị khác của cây Nữ lang đã được nghiên cứu như sau:
- Dùng chiết xuất của nó mỗi ngày trong 8 tuần có hiệu quả trong việc giảm các triệu chứng của rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD).
- Dùng rễ, thân rễ cây mỗi ngày trong 1 tháng cải thiện nhận thức ở bệnh nhân chạy thận nhân tạo.
- Dùng rễ, thân rễ cây mỗi ngày trong 8 tuần ngăn ngừa rối loạn chức năng nhận thức sau phẫu thuật bắc cầu mạch vành.
- Dùng rễ cây hoặc chiết xuất mỗi ngày trong 8 tuần làm giảm mức độ nghiêm trọng và tần suất bốc hỏa ở phụ nữ mãn kinh và sau mãn kinh.
- Ngoài ra, dùng rễ hay thân rễ mỗi ngày trong 3 ngày của 2 chu kỳ liên tiếp, làm giảm mức độ đau và ngất ở phụ nữ trẻ bị đau bụng kinh.3
Xem thêm: Bấm huyệt chữa đau bụng kinh một cách khoa học
Tương tác của Nữ lang với các thuốc khác
Tương tác thuốc là vấn đề cần lưu ý khi sử dụng không chỉ riêng Nữ lang mà còn nhiều loại thuốc khác nhau. Hiện nay chưa tìm thấy tác động đáng kể nào của loài cây này lên hệ thống cytochrome p450 (CYP) ít nhất là đối với CYP1A2, CYP2D6, CYP2E1 và CYP3A4/5. Nhìn chung, loài cây này an toàn ở mọi lứa tuổi.3
Cách sử dụng
Theo Cơ quan Y học Châu Âu (EMA):6
- Liều uống được khuyến nghị là 400 đến 600 mg đối với dạng chiết xuất thành thực phẩm chức năng.
- Hoặc từ 0,3 đến 3 g, tối đa 3 lần mỗi ngày đối với dạng rễ khô.
Kiêng kỵ khi sử dụng Nữ lang
Cây Nữ lang được coi là tương đối an toàn và dung nạp tốt. Tuy nhiên, các chuyên gia của EMA lưu ý các triệu chứng tiêu hóa, ví dụ như buồn nôn, đau quặn bụng,… là những tác dụng không mong muốn khi sử dụng.
Thận trọng khi dùng cùng với rượu bia, benzodiazepine, barbiturat, oipioids, thuốc kháng histamine. Khi sử dụng Nữ lang, cần thông báo cho bác sĩ điều trị biết để cân nhắc cho phù hợp với các loại thuốc điều trị bệnh khác.3
Hy vọng bài viết trên đã giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về những tác dụng của cây Nữ lang. Mặc dù được FDA xếp vào nhóm thực phẩm chức năng nhưng việc sử dụng loài cây này và chiết xuất của nó cần tuân thủ liều lượng, lưu ý nhất định. Nếu bạn có nhu cầu sử dụng cây Nữ lang, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng nhằm tránh những nguy cơ nguy hiểm có thể xảy ra.
Câu hỏi thường gặp
Mẹ bầu có thể dùng Nữ lang chữa mất ngủ không?
Mẹ bầu có thể dùng Nữ lang chữa mất ngủ. Tuy nhiên, mất ngủ khi mang thai có thể từ nhiều nguyên nhân như bụng lớn, đi tiểu nhiều… nên hiệu quả không thể đảm bảo. Do đó, mẹ bầu nên tham khảo ý kiến bác sĩ để có phương pháp phù hợp nhất.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
- Đỗ Tất Lợi (2006). Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam. Nhà xuất bản Y học, trang 792.https://youmed.vn/tin-tuc/wp-content/uploads/2022/04/nhung-cay-thuoc-va-vi-thuoc-viet-nam-2006.pdf#page=808
-
Valeriana officinalishttps://www.missouribotanicalgarden.org/PlantFinder/PlantFinderDetails.aspx?taxonid=287433
Ngày tham khảo: 09/12/2021
-
Valerian Root in Treating Sleep Problems and Associated Disorders—A Systematic Review and Meta-Analysishttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC7585905/
Ngày tham khảo: 09/12/2021
-
Valerian: Valeriana officinalishttps://academic.oup.com/ajhp/article-abstract/57/4/328/5150545
Ngày tham khảo: 09/12/2021
-
CFR - Code of Federal Regulations Title 21https://www.accessdata.fda.gov/scripts/cdrh/cfdocs/cfcfr/cfrsearch.cfm?fr=172.510
Ngày tham khảo: 09/12/2021
-
European Union herbal monograph on Valeriana officinalis L., radixhttps://www.ema.europa.eu/en/documents/herbal-monograph/final-european-union-herbal-monograph-valeriana-officinalis-l-radix_en.pdf
Ngày tham khảo: 09/12/2021