Bấm huyệt có tác dụng gì đối với sức khỏe?
Nội dung bài viết
Bấm huyệt, hay xoa bóp bấm huyệt là một phương pháp phòng bệnh và trị bệnh phổ biến hiện nay. Trên thế giới cũng như ở nước ta, xoa bóp bấm huyệt đã được sử dụng từ lâu đời. Tác dụng của xoa bóp bấm huyệt như thế nào, có những rủi ro nào khi xoa bóp bấm huyệt? Hãy tham khảo bài viết của Thạc sĩ Bác sĩ Y học cổ truyền Dư Thị Cẩm Quỳnh dưới đây để có những thông tin bạn cần.
Tổng quan về bấm huyệt
Bấm huyệt hay xoa bóp bấm huyệt là một phương pháp phòng và trị bệnh dựa theo lý luận Y học cổ truyền phương Đông. Đặc điểm chính của xoa bóp bấm huyệt là khi trị liệu người ta sử dụng bàn tay, ngón tay với thủ thuật xoa xát, day ấn, vận động khớp… để tác động lên da, cơ, gân, các khớp của người bệnh nhằm đạt mục đích điều trị mong muốn.
Trên thế giới, bấm huyệt đã được lịch sử ghi nhận từ rất lâu đời từ thời cổ đại như Ai Cập, Hy Lạp, La Mã, Ấn Độ, Trung Quốc. Ở Việt Nam, phương pháp xoa bóp bấm huyệt được sử dụng trong chữa bệnh từ các danh y như Tuệ Tĩnh, Hải Thượng Lãn Ông,…
Hiện nay, xoa bóp bấm huyệt được sử dụng rộng rãi, phát triển mạnh mẽ. Không chỉ ở các nước phương Đông với nền Y học cổ truyền lâu đời như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Việt Nam,… mà còn phổ biến ở các nước phương Tây với nền y học hiện đại như Anh, Đức, Mỹ,…
Tác dụng của bấm huyệt
Xoa bóp bấm huyệt thông qua thủ thuật xoa xát, day ấn, vận động khớp… đã tác động lên da. Từ đó, dẫn truyền tín hiệu của tác động này lên nhiều hệ cơ quan trong cơ thể người.
1. Đối với hệ thần kinh
Xoa bóp bấm huyệt tác động lên đầu tận các dây thần kinh cảm giác ở da là cơ quan xúc giác. Sau đó, các kích thích này lan truyền đến các trung khu thần kinh ở tủy sống và não bộ. Giúp giảm đau, thư giãn thần kinh.
2. Đối với hệ tuần hoàn
Xoa bóp bấm huyệt tác động bằng lực nông sâu khác nhau mà luân chuyển một lượng lớn máu từ nội tạng ra da và ngược lại. Làm máu trong hệ thống tĩnh mạch lưu thông dễ dàng.
3. Đối với hệ hô hấp, trung khu hô hấp
Xoa bóp bấm huyệt thông qua tác động lên khoanh thần kinh ở các đốt sống vùng cổ, vùng lưng. Sau đó, tạo nên các phản xạ liên quan đến hô hấp.
4. Tác động lên hệ tiêu hóa
Xoa bóp bấm huyệt làm tăng lưu lượng máu đến các cơ quan tiêu hóa. Tăng bài tiết dịch tiêu hóa, tăng nhu động ruột. Hỗ trợ tiêu hóa tốt hơn.
5. Đối với cơ bắp
Xoa bóp bấm huyệt làm tăng sức mạnh và sự dẻo dai của cơ bắp. Nhanh lành các vi chấn thương và ít để lại di chứng sau chấn thương.
6. Đối với khớp xương
Xoa bóp bấm huyệt kèm vận động khớp giúp tăng lưu lượng tuần hoàn máu. Giúp nuôi dưỡng gân khớp. Giảm sưng phù khớp, giúp phòng ngừa cứng khớp.
7. Đối với hệ da
Xoa bóp bấm huyệt như một phương pháp massage (mát-xa), làm cho các tuyến ở da hoạt động tốt hơn. Đồng thời, làm bong các lớp da chết, cải thiện tuần hoàn máu ở da. Từ đó, da được nuôi dưỡng tốt hơn.
Bệnh nào có thể điều trị bằng bấm huyệt?
Xoa bóp bấm huyệt có ưu điểm chính là đơn giản, tiện lợi, rẻ tiền, hiệu quả, phạm vi chữa bệnh và giá trị phòng bệnh rộng lớn. Đặc biệt là đối với một số người bệnh có tiền sử sợ đau, sợ kim châm cứu. Chính vì vậy, bấm huyệt được ưa chuộng ở nhiều nước trên thế giới.
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế trong quy trình khám bệnh, chữa bệnh chuyên ngành châm cứu năm 2013 thì tác dụng của bấm huyệt được sử dụng trong điều trị nhiều bệnh lý nội khoa khác nhau.
Những bệnh lý có thể điều trị bằng xoa bóp bấm huyệt trong một số bệnh cấp tính; như đau đầu, stress, đau lưng cấp, cảm cúm,… Mạn tính như rối loạn hệ tiêu hóa (ở dạ dày, tá tràng, đại tràng…), cơ thể mệt mỏi, mất ngủ, đau do thoái hóa các khớp, phục hồi liệt vận động sau đột quỵ, sau bại não, tổn thương dây V, dây VII ngoại biên, …
Xem thêm: Những cách bấm huyệt chữa mất ngủ hiệu quả
Tuy nhiên, một số bệnh lý cấp tính, có liên quan đến ngoại khoa như sốt cao, nhiễm trùng cấp tính, đau bụng cấp do ngoại khoa, gãy xương,… thì không nên lựa chọn xoa bóp bấm huyệt để điều trị.
Lưu ý khi xoa bóp, bấm huyệt
Xoa bóp bấm huyệt là phương pháp phòng bệnh; trị bệnh giống với các phương pháp khác trong Y học cổ truyền. Vì vậy, cần có chỉ định và chống chỉ định khi tiến hành xoa bóp bấm huyệt.
Người bệnh muốn điều trị bệnh bằng xoa bóp bấm huyệt; cần được khám và chẩn đoán rõ ràng để có các phương pháp tác động phù hợp. Không nên đến những cơ sở kém chất lượng, không có đào tạo bài bản. Vì những rủi ro tổn thương cơ, vận động khớp có thể xảy ra nếu tác động sai.
1. Tác hại khi lạm dụng
Khi xoa bóp bấm huyệt quá nhiều thường dẫn đến tình trạng “lờn” xoa bóp, “ghiền” xoa bóp. Khi đó, tác dụng của bấm huyệt không hiệu quả cao như những lần đầu. Vì vậy, một liệu trình điều trị hợp lý là cần thiết. Người bệnh nên đến từ 10 – 15 lần trong một đợt điều trị. Không nên thực hiện quá nhiều lần để tránh tình trạng đã nói trên. Tùy theo mức độ cấp hay mạn tính của bệnh lý đang mắc. Người bệnh có thể đến xoa bóp huyệt mỗi ngày hoặc cách ngày hoặc 2 lần trong tuần.
2. Tác dụng phụ
Trong quá trình xoa bóp bấm huyệt có thể xảy ra tác dụng không mong muốn giống như châm cứu. Biểu hiện triệu chứng như người bệnh cảm thấy chóng mặt, vã mồ hôi, sắc mặt nhợt nhạt. Người thầy thuốc cần xử trí kịp thời. Dừng xoa bóp bấm huyệt, lau mồ hôi, ủ ấm. Uống nước chè đường nóng. Nằm nghỉ tại chỗ, theo dõi mạch, huyết áp. Để tránh tình trạng này, người bệnh nên ăn nhẹ; không dùng các chất kích thích trước khi đến điều trị.
Xoa bóp bấm huyệt ngày càng phổ biến và được công nhận hiệu quả điều trị. Quý bạn đọc nên đến những cơ sở uy tín để bấm huyệt phù hợp với tình trạng bệnh của bản thân. Hy vọng bài viết đã mang đến cho độc giả những thông tin hữu ích về tác dụng của bấm huyệt.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
- Phạm Huy Hùng (2015). Xoa bóp.
- Bộ Y tế (2013). Quy trình kỹ thuật khám bệnh, chữa bệnh chuyên ngành Châm cứu.
-
Contemporary acupressure therapy: Adroit cure for painless recovery of therapeutic ailments. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC5388088/
Ngày tham khảo: 26/10/2021