Bằng lăng: Bất ngờ tác dụng chữa bệnh của loài cây quen thuộc
Nội dung bài viết
Bằng lăng không chỉ là loài cây quen thuộc đối với chúng ta mà còn được sử dụng để điều trị bệnh rất hiệu quả. Bài viết sau sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về đặc điểm, công dụng và cách dùng của vị thuốc dược liệu này.
1. Giới thiệu về Bằng lăng
- Tên gọi khác: Săng lẻ, Bằng lang, Truol, Thao lao (Rađê, Tây Nguyên), Kwer (dân tộc Ma, Tây Nguyên).
- Tên khoa học: Lagerstroemia calyculata Kurz.
- Họ khoa học: Tử vi – Lythraceae.
Tên Bằng lăng dùng chỉ nhiều cây thuộc cùng chi khác loài và thường thêm đuôi để chỉ nơi mọc hay giống một cây nào khác hoặc công dụng như Bằng lăng ổi, Bằng lăng chèo (vì gỗ để làm bơi chèo), Bằng lăng tía (hoa màu tía), Bằng lăng trắng (hoa màu trắng)…
1.1. Đặc điểm sinh trưởng và thu hái
Bằng lăng được tìm thấy ở Lào, Campuchia, Miến Điện, Ấn Độ, Thái Lan, Việt Nam… Ở nước ta, cây mọc hoang dại hầu như ở khắp nước ta nhưng nhiều nhất ở Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh Quảng Bình, Quảng Trị…Chủ yếu thấy loại cây thân hồng sắc, hoa tím.
Dược liệu Bằng lăng có thể thu hái quanh năm, đặc biệt là vào mùa thu. Vỏ cây, lá và thân cây được ứng dụng làm dược liệu. Dùng tươi, hoặc có nơi phơi vỏ thân phơi khô, sắc nước, dùng uống.
Sau khi thu hoạch, rửa sạch và cạo bỏ lớp vỏ bên ngoài, phơi hoặc sấy khô, bảo quản trong túi thoáng khí, dùng dần
Mùa hoa quả tháng 5 – 7.
1.2. Mô tả toàn cây
Hầu hết các loại Bằng lăng đều là cây cho bóng mát, cho gỗ. Thân cây có thể cao 30 – 35 mét, thân gỗ, đường kính khoảng 40 – 80 cm, cành mỏng, nhỏ, mảnh khảnh. Bên ngoài thân có phủ một lớp lông mềm màu hung, lông hình sao, phổ biến ở ngọn cây.
Lá cây mũi mác, thuôn dài, từ ở gốc, hẹp dần đến ngọn lá. Lá dài khoảng 7 – 14 cm, rộng 20 – 50 mm. Khi còn non lá có hình sao, phía trên không có lông, nhiều lông mềm ở phía dưới. Bên dưới lá có khoảng 10 – 13 đôi gân phụ.
Cụm hoa thường mọc ở ngọn, màu hồng tím. Mỗi cụm thường có 6 – 9 hoa, nụ hình trái xoan hoặc hình nón, cánh hoa có cuống. Đài hoa có hình chuông, có nhiều lông mềm, nhiều nhị. Hoa có 6 chùy ba cạnh, 6 cánh hoa. Cánh hoa hình mắt chim, có nhiều nhị mọc gần nhau, thường có 5 – 6 ô. Bầu có lông ở đỉnh, vòi nhụy dài.
Quả nang, thuôn, có hình trứng, độ dài khoảng 12 mm, tụt vào vào trong dài khoảng 1/3 quả. Đầu có mũi nhọn, khi chín nứt thành 6 mảnh.
1.3. Bảo quản
Nên bảo quản vị thuốc nơi khô ráo, thoáng mát, tránh mối mọt.
Ngoài Bằng lăng, cây Bông gòn cũng là loài cây quen thuộc, có tác dụng trị bệnh. Tham khảo thêm bài viết: Cây Bông gòn: Không chỉ là loài cây tạo bóng mát.
2. Thành phần hóa học và tác dụng dược lý
2.1. Thành phần hóa học
Trong vỏ thân Bằng lăng chứa một số thành phần hóa học như:
- Axit hữu cơ, Tamin, Saponin, Cumarin, Gallic, Sterol, Ancaloid…
- Trong đó Tamin Catechic và Gallic chiếm khoảng 30.5% và được biểu thị dưới dạng Axit Malic 4,22%, chất nhầy 2,76%, Pectin 2,81%.
Trong lá và hoa Bằng lăng có chứa thành phần hóa học tương tự như vỏ thân nhưng tỷ lệ thấp hơn rất nhiều:
- Tamin Catechic và Gallic 5,42%.
- Đường 5,8%, trong đó đường khử 5,22%, Saccaroza 0,57%.
- Axit hữu cơ 2,83%.
- Chất nhầy 3,25% (cao hơn ở vỏ thân).
- Pectin 6,51%.
2.2. Tác dụng Y học hiện đại
Kháng khuẩn: hiệu quả với nhiều giống vi khuẩn hay gặp trên vết thương và vi khuẩn gây bệnh đường ruột. Tamin là một trong các thành phần có tác dụng kháng khuẩn của cây.
Kháng nấm: Các loại nấm gây tổn thương ngoài da như Candida Albicans, Trichophyton Gypseum…
Tác dụng liền sẹo, làm co sẹo lồi.
2.3. Tác dụng Y học cổ truyền
Vị thuốc có vị chát, mùi thơm đặc trưng, chát, không độc.
Có tính làm săn chắc da.
3. Cách dùng và liều dùng
Tùy thuộc vào mục đích sử dụng và từng bài thuốc mà có thể dùng vị thuốc với nhiều cách khác nhau. Dược liệu Bằng lăng có thể dùng ngoài hoặc dạng thuốc sắc.
Liều dùng:
- Dùng ngoài, liều lượng không cố định.
- Dạng thuốc sắc: 50 – 100g mỗi ngày.
4. Kiêng kỵ
Dị ứng với bất kỳ thành phần có trong dược liệu.
Phụ nữ có thai, cho con bú cần cẩn trọng khi sử dụng.
5. Một số bài thuốc kinh nghiệm
5.1. Hỗ trợ điều trị nấm ngoài da
Dùng cồn Bằng lăng 30% bôi lên vùng da bị tổn thương, mỗi ngày 2 lần. Gia thêm Cồn chút chít và Bạch hạc để tăng kết quả điều trị.
5.2. Hỗ trợ điều trị bỏng da, hạn chế tình trạng nhiễm khuẩn
Sử dụng một lượng lá, vỏ thân Bằng lăng vừa đủ rồi cô đặc lại thành cao. Sau đó hâm nóng cao để tạo thành một lớp màng bóng, dai, bám chắc vào vết thương để bảo vệ và làm lành vết thương. Nếu sử dụng bột dược liệu thì thuốc dễ nứt nẻ, độ bám dính không cao, dễ gây tổn thương.
Cao Bằng lăng dùng bôi lên vết thương để giảm tình trạng nhiễm khuẩn và tạo một lớp màng bảo vệ vết thương. Ngoài ra, bôi cao dược liệu còn có thể hạn chế đau đớn khi thay băng ở các vết thương lớn.
5.3. Hỗ trợ điều trị chứng lỵ
Bằng lăng khô 1,5g sắc lấy nước, dùng uống. Sử dụng liên tục trong 5 – 7 ngày đối với trẻ em, người lớn 10 – 15 ngày.
Bằng lăng không chỉ là loài cây tạo bóng mát mà còn là một vị thuốc cổ truyền được sử dụng từ rất lâu trong dân gian. Nhờ có nhiều tác dụng quý mà dược liệu này được dùng nhiều trong các bài thuốc chữa bệnh cũng như cuộc sống hằng ngày. Tuy nhiên, để có thể phát huy hết công dụng của vị thuốc đối với sức khỏe, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ để kiểm soát rủi ro và những tác dụng không mong muốn.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
- Đỗ Tất Lợi (2006). Những cây thuốc và vị thuốc VIệt Nam. Nhà xuất bản Y học
- Đỗ Huy Bích, Đặng Quang Chung, Bùi Xuân Chương, Nguyễn Thượng Dong, Đỗ Trung Đàm, Phạm Văn Hiền, Vũ Ngọc Lộ, Phạm Duy Mai, Phạm Kim Mãn, Đoàn Thị Nhu, Nguyễn Tập, Trần Toàn. Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam. Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội