Thảo quả: Vị thuốc có công dụng trị hôi miệng
Nội dung bài viết
Ít người biết rằng, Thảo quả hay còn gọi là đò ho, thảo đậu khấu hay mác hấu là một loại gia vị có mặt trong nhiều món ăn quen thuộc như bánh kẹo, cà phê, chè… Đồng thời, nó cũng là một vị thuốc phổ biến dùng trong Y học cổ truyền. Vậy Thảo quả là gì, có đặc điểm và công dụng ra sao, mời độc giả cùng tìm hiểu thông qua bài viết sao đây.
1. Đặc điểm của Thảo quả
Thảo quả (Fructus Amomi aromatici) là quả chín đã phơi hay sấy khô của cây Thảo quả, họ Gừng (Zingiberaeeae).
Đây là một loài cỏ sống lâu năm, cao chừng 2,5 – 3m, thân rễ mọc ngang, có nhiều đốt, màu hồng, có vảy mỏng, mùi thơm. Lá to dài, mọc so le có bẹ ôm kín thân. Hoa mọc thành cụm từ gốc, màu đỏ nhạt. Quả hình trứng, đường kính 2 – 2,5cm, khi chín có màu đỏ sẫm hoặc xám, có vân dọc sần sùi. Bên trong quả có 3 ngăn, chứa các hạt, rất thơm.
2. Phân bố, thu hái, chế biến
Cây được trồng và mọc hoang ở vùng rừng núi cao, có khí hậu mát, độ ẩm cao như các tỉnh Lào Cai, Hà Giang. Người ta thu hái vào tháng 10 – 11 và kéo dài đến tháng 2 năm sau.
Bộ phận dùng: Quả chín đã phơi hoặc sấy khô. Khi nào dùng mới bóc vỏ ngoài lấy hạt, nếu bóc lấy hạt ngay sẽ chóng mất mùi thơm.
3. Thành phần hóa học
Trong Thảo quả chứa nhiều các chất rất phong phú: carbohydrate, protein, chất xơ, các vitamin như vitamin C, niacin, pyridoxine, riboflavin và thiamin, khoáng chất như phốt pho, đồng, sắt, canxi, magie, mangan, kẽm…
Quả có chứa tinh dầu (1,4 – 1,47%). Tinh dầu màu vàng nhạt, mùi thơm, ngọt, vị nóng cay dễ chịu. Thành phần hóa học chính của tinh dầu này là cineol (31 – 37%).
4. Công dụng thường dùng
Theo Đông y, dược liệu này có vị cay, tính ấm; có tác dụng trừ hàn, trừ đờm. Đây là vị thuốc chữa các chứng về rối loạn tiêu hóa như đau bụng, đầy trướng, nấc cụt, nôn ói, tiêu chảy, sốt rét lách to, hôi miệng.
Trong đời sống, nó chủ yếu được dùng làm gia vị trong kỹ nghệ chế biến bánh kẹo và thực phẩm.
Tinh dầu cất ra không mang mùi đặc trưng của Thảo quả nên ít có ý nghĩa sử dụng. Bạn cũng có thể tìm hiểu thêm công dụng của Long não: Loài cây mang mùi hương và công dụng chữa bệnh.
5. Tác dụng theo Y học hiện đại
Trên động vật thí nghiệm, tiêm nọc rắn hổ mang với liều thích hợp rồi uống dịch chiết Thảo quả và một số vị thuốc khác là cách mà dân gian dùng để chữa nọc rắn cắn. Kết quả cho thấy nâng cao tỉ lệ sống của động vật đã tiêm nọc rắn hoặc kéo dài thời gian cầm cự so với lô đối chứng.
Thành phần Cineol có trong tinh dầu dùng cho chuột cống trắng bằng cách phun xông gây cảm ứng hệ thống cytochrom P450 ở gan.
6. Bài thuốc kinh nghiệm
6.1. Trị bụng đau, đầy trướng lâu ngày
Thảo quả (nướng) 5g, Hậu phác, Hoắc hương đều 10g, Thanh bì, Bán hạ, Thần khúc đều 6g, Lương khương 5g, Đinh hương, Cam thảo đều 3g, Sinh khương, Đại táo đều 10g, sắc uống.
6.2. Trị sốt rét
Thảo quả 6g, hạt Cau 6g, Thường sơn 6g. Sắc nước uống.
6.3. Trị rối loạn tiêu hóa
Ăn uống không tiêu, nôn ói, tiêu chảy.
Dùng bài Thảo quả bình vị tán: Thảo quả (nướng) 5g, Thương truật, Hậu phác, Trần bì, Sinh khương đều 10g, Cam thảo 3g, Đại táo 3 quả sắc uống.
6.4. Trị hôi miệng
Thảo quả giã dập, ngậm nuốt cùng với nước.
7. Liều dùng và chú ý
Dùng 3 – 6g, uống riêng hoặc phối hợp với các vị thuốc khác để sắc.
Những người có thể trạng gầy yếu, thiếu máu tốt nhất không nên dùng.
Thảo quả có thể gây ra đau bụng (đau co thắt) nếu được tiêu thụ nhiều. Vì vậy, bệnh nhân có sỏi ở túi mật nên tránh dùng.
Với đặc tính vừa ngọt, vừa cay lại thơm, Thảo quả không những là “nữ hoàng” của các loại gia vị mà còn là một vị thuốc hay điều trị các chứng rối loạn tiêu hóa, hôi miệng… Tuy nhiên, cũng như các loại thảo dược khác, trước khi sử dụng để chữa bệnh bạn cần tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc người có chuyên môn.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
- Đỗ Huy Bích và cs. (2003). Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam. Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật
- Đỗ Tất Lợi (2006). Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam. Nhà xuất bản Y học
- Bài giảng dược liệu (2004). Nhà xuất bản Giáo dục. Trường đại học Dược Hà Nội, Bộ môn Dược liệu