Hoa đào: Mỹ phẩm thiên nhiên hiếm ai biết
Nội dung bài viết
Không chỉ là một loài cây mang đến bình an và sự trường thọ cho gia chủ trong năm mới. Hoa đào còn là một loại “mỹ phẩm” cổ truyền của phụ nữ phương Đông từ xưa đến nay. Hãy cùng bác sĩ Y học cổ truyền Nguyễn Thị Lệ Quyên tìm hiểu về nguồn gốc và những bí kíp làm đẹp từ loài hoa này nhé!
Giới thiệu về hoa đào
Đào là một loại cây “quen mắt” với người dân Việt Nam, đặc biệt vào dịp Tết cổ truyền. Cây đào có tên khoa học là Prunus persica. Đây là một loài cây thân gỗ, thuộc chi Mận (Prunus), họ Hoa Hồng (Rosaceae). Cây đào được trồng để làm cảnh, lấy quả hoặc lấy hoa.
Cây đào có tên persica có lẽ có từ niềm tin ban đầu của người châu Âu cho rằng đào có nguồn gốc ở khu vực Ba Tư (Persia). Tuy nhiên, dựa vào các bằng chứng khoa học, thổ nhưỡng, các nhà thực vật học ngày nay đồng thuận với ý kiến cây đào có nguồn gốc từ Trung Quốc. Nó được đưa vào Ba Tư, Địa Trung Hải theo con đường tơ lụa từ trước công nguyên.
Cây đào là cây thân gỗ nhỏ, cao tối đa 10 m. Rễ cây là loại rễ cọc, phân nhánh nên có khả năng chịu hạn tốt. Lá hình mũi mác, dài 7 – 15 cm và rộng 2 – 3 cm, thường rụng lá sớm. Hoa nở vào đầu mùa xuân, trước khi ra lá. Hoa mọc ở nách lá, đơn hay có đôi, màu hồng, đậm nhạt tuỳ giống.
Hoa thường nở đúng dịp Tết nguyên đán với màu sắc rực rỡ nên từ xa xưa, chưng đào ngày tết đã là một truyền thống của người dân Việt Nam. Quả đào là một trong những loại quả hạch. Nghĩa là trong thịt quả, hạt được bao bọc bởi một lớp vỏ gỗ cứng. Thịt màu vàng hay ánh trắng. Lớp vỏ quả thường có lông tơ mềm như nhung. Khi chín thường có màu hồng nhạt.
Thành phần hoá học
Chiết xuất của hoa đào rất đa dạng và phụ thuộc nhiều vào dung môi phân tách. Chủ yếu, hoa đào chứ hàm lượng axit oleic và linoleic cao, nhiều hợp chất phenol, flavonoid và tinh dầu. Các chiết xuất của hoa đào chứa nhiều tác nhân chống oxy hoá như DPPH, Ferric- Thiocyanate and Rancimat.
Tác dụng của hoa đào
Theo Y học hiện đại
Qua một số nghiên cứu trong phòng thí nghiệm và động vật, người ta phát hiện ra rằng, chiết xuất từ hoa đào có khả năng ức chế hình thành hắc sắc tố melanin. Từ đó giúp làm mờ nám da, tàn nhang, giúp da trắng hồng mịn màng. Ngoài ra, hoa đào còn giàu chất chống oxy hóa và kháng viêm giúp cải thiện độ săn chắc cho làn da. Một số nghiên cứu còn báo cáo chiết xuất của nó có tác dụng chống lại các tia UVA và UVB.
Những kết quả trên đã tạo điều kiện cho chiết xuất từ loài hoa này được ứng dụng rộng rãi trong ngành công nghiệp mỹ phẩm.
Theo y học cổ truyền
Từ ngàn xưa, hoa đào đã được sử dụng như một dược liệu để làm đẹp cho các phi tần, tiểu thư quý tộc. Trong Nam dược thần hiệu, Tuệ Tĩnh ghi nhận hoa đào có tính bình, vị đắng. Hoa quy kinh Tâm, Can, Tỳ với công năng hoạt huyết lợi thuỷ. Tác dụng thông tiểu tiện, hoạt huyết và nhuận tràng, là vị thuốc dưỡng nhan và điều hoà cơ thể tốt.
Người xưa, sau khi chưng hết qua ngày Tết, thường thu hái hoa đào tươi. Sau đó phơi âm can (phơi khô trong bóng râm) để bảo quản và dùng dần trong năm.
Bài thuốc kinh nghiệm
Giúp sáng da, trị thâm nám
- Tán bột hoa đào khô, bạch dương bì, bạch quả tử theo tỷ lệ 4:1:5. Dùng uống mỗi ngày 3 lần, mỗi lần khoảng 1 muỗng cà phê ngay sau ăn.
- Tán bột hoa đào khô, nhân hạt bí đao tỷ lệ bằng nhau. Khi sử dụng trộn với mật ong và lòng trắng trứng. Dùng để đắp mặt 1 tuần 2 – 3 lần, khoảng 30 phút, sau đó rửa lại bằng nước sạch. Nên đắp vào buổi tối, sau khi rửa mặt sạch.
- Dùng 250 g hoa đào tươi, 30 g bạch chỉ, ngâm với khoảng 1 lít rượu trắng khoảng 1 tháng. Sau đó uống mỗi ngày 2 lần, mỗi lần 1 chén nhỏ khoảng 10 ml.
- Dùng 4 -5 bông hoa đào tươi, phối thêm kim ngân, táo đỏ hãm trà uống trong ngày.
Giúp da mịn màng, nhu nhuận, sạch mụn
Dùng hoa đào khô, nhân hạt bí đao, bạch dương bì theo tỷ lệ 4:4:2.
Các vị sấy khô tán bột, dùng để uống. Pha 1 muỗng cà phê bột dược liệu trên với mật ong và nước. Uống 3 lần mỗi ngày.
Dùng hoa đào khô, nhân hạt bí đao, bạch dương bì theo tỷ lệ 4:5:2. Các vị sấy khô tán bột, dùng để uống.
Uống mỗi ngày 2 lần, mỗi lần 2 muỗng nhỏ với nước ấm sau bữa ăn. Muốn tăng tác dụng trắng da thì thêm nhân hạt bí đao, tăng tác dụng hồng hào nhu nhuận thì thêm hoa đào. Uống 50 ngày thì mặt trắng, uống thêm 50 ngày nữa thì da dẻ toàn thân cũng trở nên trắng trẻo (Nam dược thần hiệu).
Lưu ý khi sử dụng hoa đào
Hiện chưa có báo cáo nào về tác dụng phụ gây hại đối với làn da và sức khỏe người dùng khi sử dụng trong các sản phẩm bôi ngoài da. Tuy nhiên, đối với các làn da dễ kích ứng, trước khi sử dụng, người dân nên thử một lượng nhỏ, mỏng ở mu bàn tay.
Các loại chế phẩm từ loài hoa này với rượu cũng nên sử dụng cách ngày, hoặc 2 – 3 lần/tuần. Không nên sử dụng thường xuyên trong thời gian dài vì có thể làm mỏng da do cồn.
Hoa đào vốn quen thuộc trong cuộc sống chúng ta. Bên cạnh những bài thuốc y học cổ truyền, loài hoa này còn được dùng để chế biến mỹ phẩm, sản phẩm chăm sóc sắc đẹp hoặc những món tráng miệng. Mặc dù chưa ghi nhận nhiều tác dụng phụ song người dùng nên lưu ý khi sử dụng loài hoa này, nhất là các loại mỹ phẩm.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Đàohttps://vi.wikipedia.org/wiki/Đào_(thực_vật)
Ngày tham khảo: 01/06/2021
- Sosinski, B., et al. "Characterization of microsatellite markers in peach [Prunus persica (L.) Batsch]." Theoretical and Applied Genetics 101.3 (2000): 421-428.
- Mante, Seth, Ralph Scorza, and John M. Cordts. "Plant regeneration from cotyledons of Prunus persica, Prunus domestica, and Prunus cerasus." Plant cell, tissue and organ culture 19.1 (1989): 1-11.
- Fukuda, Toshiyuki, et al. "Anti-tumor promoting effect of glycosides from Prunus persica seeds." Biological and Pharmaceutical Bulletin 26.2 (2003): 271-273.