Thiên lý: Vị thuốc từ loài hoa nồng nàn về đêm
Nội dung bài viết
Với những người dân thôn dã, hoa thiên lý đã trở nên vô cùng quen thuộc. Loài hoa này đã đi vào văn, vào thơ, vào những bài hát dạt dào tình cảm.
“Ngát hương bông trắng miền quê ngoại
Thiên lý hoa thơm tỏa miệt mài”
Thiên lý không những đặc trưng bởi mùi hương nồng nàn không lẫn lộn. Mà còn vì những món ăn thơm ngon được chế biến từ loài hoa ấy. Thế nhưng, bài viết ngày hôm nay, sẽ giới thiệu về Thiên lý, không phải là một loài hoa, cũng không phải một thứ thực phẩm, mà là một vị thuốc chữa bệnh từ thiên nhiên. Chúng ta hãy cùng theo dõi nhé!
1. Mô tả cây Thiên lý
Thiên lý có tên khoa học Telosma cordata (Burm. F) Merr, thuộc họ Thiên lý Asclepiadaceae. Cây thuộc loại dây leo, leo bằng dây không có tua hay còn gọi là rễ phụ. Thân mềm hóa gỗ, có thể dài từ 1 – 10m, màu lục ánh vàng. Thân non có lông tơ, có nhựa mủ trắng. Còn những đoạn thân của năm trước màu xám nhạt, không lông, thông thường có các mấu xốp nhỏ thưa thớt.
Lá hình tim, đầu nhọn, mép lá cong lên. Cuống lá dài 1,5–5 cm, có lông. Phiến lá hình trứng, dài 6 – 12cm, rộng 4 – 7cm. Trên lá có 3 gân chính, 6 cặp gân phụ, có lông trên gân lá.
Xim hoa kiểu tán (mọc thành chùm), chứa 15-30 hoa; cuống hoa dài 0,5-1,5 cm. Các lá đài hình mũi mác thuôn dài. Tràng hoa màu xanh lục ánh vàng, ống tràng dài 6-10mm và rộng 4-6mm. Các phần này đều có lông măng.
Các thùy của tràng hoa hơi dày, phần gốc hình trứng, nhọn đỉnh, thông thường có khía hay xẻ thùy sâu. Các khối phấn thuôn dài hay dạng thận. Núm nhụy hình đầu. Hoa thiên lý thơm mát, đặc biệt thơm ngát về đêm, nên còn có tên Dạ lan hương.
Quả thuộc loại quả đại, hình mũi mác. Dài 7 – 13cm, rộng 2 – 4cm, nhẵn nhụi, hơi tù 4 góc. Các hạt hình trứng rộng bản, kích thước khoảng 1 × 1 cm, phẳng, cụt đỉnh, mép có màng. Mào lông 3–4 cm.
Thiên lý ra hoa trong khoảng tháng 5 – 10, kết quả trong khoảng tháng 10 – 12.
2. Phân bố
Cây thiên lý được trồng ở các nước Đông Dương, Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Trung Quốc. Ngoài ra ở châu Âu hay quần đảo Hawaii, người ta cũng trồng thiên lý để lấy hoa và làm cảnh.
Ở Việt Nam, cây thường được trồng nhiều trong sân vườn các gia đình ở đồng bằng. Người ta cho cây leo giàn để lấy bóng mát, làm cảnh, lấy hoa để ăn.
3. Bộ phận dùng, thu hái, chế biến
Bộ phận dùng làm thuốc của cây Thiên lý là hoa, lá và rễ. Trong đó phần nhiều sử dụng lá với hoa.
Hoa và lá có thể thu hái quanh năm. Nhưng tốt nhất lá nên lấy trong khoảng từ tháng 6 – 11, hoa khoảng tháng 8 – 9. Còn rễ lấy ở những cây đã trưởng thành.
Hoa và lá thiên lý thường dùng ở dạng tươi. Sau khi hái xuống nên sử dụng ngay, hoặc chỉ nên dùng sau đó 1 ngày. Cất giữ nơi khô thoáng, tránh ánh nắng trực tiếp.
4. Thành phần hóa học và tác dụng dược lý của cây Thiên lý
4.1. Thành phần hóa học
Người ta phân tích thành phần trong cây thiên lý thì thấy có:
- Chất xơ 3%
- Chất đạm 2,8%
- Chất bột đường
- Các vitamin: C, B1, B2, PP, tiền vitamin A (caroten)
- Các khoáng chất: Ca, P, Fe, Zn. Trong đó Zn chiếm hàm lượng khá cao.
- Ngoài ra trong lá và thân có thành phần Alkaloid, trong hoa thì rất ít.
4.2. Tác dụng dược lý
Nhờ hàm lượng cao các khoáng chất, nên cả lá non, ngọn và hoa thiên lý đều có tác dụng bổ dưỡng giúp trẻ chóng lớn. Giúp người già giảm chứng phì đại tiền liệt tuyến và tăng sức đề kháng.
Do sự có mặt của kẽm nên có thể đẩy chì ra khỏi tinh dịch. Chữa chứng vô sinh ở nam giới do nhiễm chì bởi thường xuyên tiếp xúc với vật liệu chứa chì như ắc quy, mực in, xăng pha chì,….
5. Công dụng của Thiên lý
Theo Đông y, hoa thiên lý có vị ngọt, tính bình, có công dụng:
- Giúp giải nhiệt
- Chống rôm sảy
- An thần, giúp ngủ ngon
- Giúp bớt đi tiểu đêm
- Chữa đau mỏi lưng
- Có tính chống viêm làm tan màng mộng
- Trị các chứng viêm kết mạc cấp và mạn, viêm giác mạc, đục màng mắt
- Thúc đẩy lên da non
- Trị giun kim
- Lá thường được dùng ngoài, giã đắp lên đinh nhọt và vết loét, trị lòi dom và sa dạ con
- Rễ nạc của Thiên lý chữa tiểu buốt có máu hoặc có cặn trắng.
6. Một số món ăn – bài thuốc sử dụng Thiên lý
6.1. Phòng rôm sảy ngày hè
Nấu canh hoa thiên lý ăn hàng ngày. Với con nít, có thể nghiền hoa ra nấu lẫn với bột cho trẻ ăn dặm.
6.2. Trị giun kim
Lá thiên lý non nấu canh ăn trong 7 – 10 ngày.
6.3. Chữa lòi dom, sa dạ con
Lấy 1 nắm lá thiên lý rửa sạch, giã nát cho vào 5% muối ăn. Vắt lấy nước cốt tẩm vào bông rịt hậu môn hay âm hộ, ngày thay 1 – 2 lần. Sử dụng trong 5 – 7 ngày sẽ giúp co dần phần dom hay dạ con lòi ra.
6.4. Chữa đinh nhọt
Dùng 30 – 50gr lá thiên lý, giã nhỏ đắp vào chỗ mụn nhọt. Ngày thay 1 lần, dùng vài ba ngày sẽ khỏi.
6.5. Trị tiểu gắt, buốt, tiểu ra máu, cặn trắng
Rễ thiên lý 10 – 20g, sắc nước uống 2 – 3 lần trong ngày.
Thiên lý là loại cây quen thuộc vô cùng với mỗi chúng ta. Tuy nhiên lưu ý không nên ăn hoặc chế biến chung với các món ăn nhiều sắt như gan heo, tiết, rau muống,… vì sắt có thể đẩy kẽm ra khỏi cơ thể. Rất mong nhận được những phản hồi cũng như sự đồng hành của các bạn ở những bài viết kế tiếp. Youmed luôn sẵn sàng hỗ trợ bạn!
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
- Đông y Tuệ Minh, Dương Thiên. Cây thuốc Nam thông dụng trị liệu gia đình.
- Võ Văn Chi. Cây rau làm thuốc.