YouMed

Bạn biết gì về thuốc điều trị bệnh lý về xương Miacalcic (calcitonin)?

Dược sĩ NGUYỄN NGỌC CẨM TIÊN
Tác giả: Dược sĩ Nguyễn Ngọc Cẩm Tiên
Chuyên khoa: Dược

Thuốc Miacalcic (calcitonin) là gì? Cần dùng thuốc như thế nào để đạt được hiệu quả điều trị? Hãy cùng YouMed phân tích bài viết dưới đây để hiểu thật kĩ về thuốc Miacalcic (calcitonin) nhé!

Thành phần hoạt chất: calcitonin.
Tên thành phần tương tự: Bricocalcin; Calcitonin; Calco 50 I.U; Cal-wel; Canxi SBK; Essecalcin 50; Naslim; Rocalcic; Salmocalcin; Skecalin; Volcalci.

1. Thuốc Miacalcic (calcitonin) là thuốc gì?

Biệt dược Miacalcic có chứa hoạt chất calcitonin. Calcitonin thuộc nhóm thuốc được gọi là chất chủ vận thụ thể calcitonin với khả năng:

  • Hoạt động bằng cách tác động lên các thụ thể calcitonin trong xương và có thể tác động lên cả thận và đường tiêu hóa. Điều này giúp ngăn chặn sự phá vỡ xương và tăng mật độ của xương.

Ngoài ra, calcitonin tuy là hormone của con người nhưng cũng được tìm thấy trong cá hồi. Tuy nhiên, đối với calcitonin nhân tạo thì được tạo ra bằng công nghệ tái tổ hợp DNA và không sử dụng cá hồi.

2. Chỉ định dùng thuốc Miacalcic (calcitonin)

thuốc điều trị bệnh lý về xương Miacalcic (calcitonin)

  • Bệnh xương Paget (tình trạng viêm xương biến dạng), khi các điều trị khác không mang lại hiệu quả hoặc không phù hợp (suy giảm chức năng thận nghiêm trọng).
  • Giảm nồng độ calci huyết tương ở người bệnh bị tăng calci huyết tương do ung thư.
  • Dự phòng tình trạng mất xương cấp do bất động đột ngột, chẳng hạn người bệnh bị ngã gãy xương do loãng xương.

3. Trường hợp không được dùng thuốc Miacalcic 

  • Giảm calci huyết
  • Dị ứng với calcitonin, protein cá hồi hoặc bất cứ thành
    phần nào trong công thức.

4. Hướng dẫn dùng thuốc Miacalcic (calcitonin)

4.1. Cách dùng

Nên tiêm bắp khi lượng calcitonin tiêm lớn hơn 2 ml.

Với bình xịt thì cách dùng như sau

  1. Đầu tiên, cần xì mũi nhẹ nhàng.
  2. Sau đó, bơm bộ phận phun chắc chắn để phun thuốc vào lỗ mũi.
  3. Bắt đầu với 1 lần xịt vào lỗ mũi trái vào ngày đầu tiên, sau đó là 1 lần xịt ở bên phải lỗ mũi vào ngày thứ hai.
  4. Tiếp tục chuyển lỗ mũi cho mỗi liều xịt mỗi ngày. Lưu ý đừng xì mũi trong ít nhất vài phút sau khi xịt thuốc.
  5. Nếu thuốc xịt vô ý vào mắt hoặc miệng hoặc trên da, hãy rửa sạch với nước.
4.2. Liều lượng

Liều của calcitonin cá hồi được biểu thị bằng đơn vị quốc tế (UI).

Liều của calcitonin người được biểu thị bằng mg.

Bệnh xương Paget

Calcitonin cá hồi:
+ 50 UI x 3 lần/ tuần, cho tới 100 UI hàng ngày tiêm dưới da hoặc tiêm bắp.

Calcitonin (người)
+ Tiêm dưới da hoặc tiêm bắp, liều dao động từ 0,5 mg x 2 – 3 lần/ tuần, cho tới 0,25 mg hoặc 0,5 mg hàng ngày.
+ Trường hợp nặng hơn có thể cần đến 1 mg/ngày chia làm 2 liều.

Chỉ giới hạn ở những người bệnh không đáp ứng, hoặc không dung nạp với liệu pháp khác và thời gian điều trị thông thường tối đa trong vòng 3 tháng hoặc 6 tháng trong trường hợp ngoại lệ như người bệnh mắc bệnh lý gãy xương.

Tăng calci huyết do di căn xương (di căn xương do ung thư tuyến tiền liệt, ung thư vú), carcinom, đa u tủy xương

Calcitonin cá hồi:

  • Tiêm bắp hoặc tiêm dưới da, liều ban đầu 4 UI/ kg, 12 giờ/ lần.
  • Nếu cần sau 1-2 ngày có thể tăng liều tới 8 UI/ kg, 12 giờ/ lần, tối đa 8 UI/ kg, 6 giờ/ lần sau 2 ngày nữa.
Dự phòng mất xương cấp tính do bất động đột ngột (người bệnh mới bị gãy xương do loãng xương)
  • Liều khuyến cáo tiêm dưới da hoặc tiêm bắp 100 UI x 1 lần/ ngày (hoặc 50 UI x 2 lần/ ngày) x 2 – 4 tuần.
  • Có thể giảm liều đến 50 UI/ ngày cho đến khi bắt đầu có khả năng cử động lại.
Lưu ý bạn không được tự ý dùng mà phải tham khảo ý kiến của bác sĩ.

5. Tác dụng phụ của thuốc Miacalcic (calcitonin)

thuốc điều trị bệnh lý về xương Miacalcic (calcitonin)

  • Sốt.
  • Thở dốc.
  • Phù tấy ở chỗ tiêm.
  • Nổi mày đay và gây ngứa.
  • Sốc phản vệ (hiếm khi xảy ra).
  • Choáng váng, cảm giác yếu mệt.
  • Có thể gây ra tình trạng trầm cảm.
  • Tiểu gắt, viêm bàng quang, đa niệu.
  • Đau lưng, đau khớp, đau cơ, dị cảm.
  • Chảy nước mắt bất thường, viêm kết mạc.
  • Ớn lạnh, nhức đầu, chóng mặt, và hoa mắt.
  • Bệnh nhân có thể bị hạ huyết áp, tim đập nhanh.
  • Hội chứng giống cúm, bệnh hạch bạch huyết.
  • Viêm mũi sung huyết, xoang, họng, co thắt phế quản, viêm đường hô hấp trên.
  • Tác động lên tim mạch: gây đỏ bừng, cảm giác châm kim ở mặt, ở tai, tay hoặc chân, tăng huyết áp.
  • Rối loạn tiêu hóa: buồn nôn, nôn, tiêu chảy, chán ăn, rối loạn tiêu hóa, đau bụng, táo bón.

6. Tương tác thuốc với Miacalcic (calcitonin)

  • Dùng đồng thời calcitonin và những chế phẩm có chứa calci hoặc vitamin D (kể cả calcifediol và calcitriol) có thể đối kháng với tác dụng của calcitonin trong điều trị calci huyết.
  • Trong điều trị những bệnh khác, để đạt hiệu quả của thuốc phải dùng những chế phẩm có chứa calci và vitamin D sau khi dùng calcitonin 4 giờ.
  • Calcitonin còn làm tăng độ thanh thải lithi ở thận, do đó cần theo dõi nồng độ lithi huyết thanh khi bắt đầu dùng thuốc.
  • Tránh dùng ethanol trong khi dùng calcitonin, vì có thể làm tăng nguy cơ loãng xương.

7. Lưu ý khi dùng thuốc Miacalcic (calcitonin)

thuốc điều trị bệnh lý về xương Miacalcic (calcitonin)

  • Tiến hành thử test trên da trước khi bắt đầu liệu pháp calcitonin cá hồi trên người bệnh nghi có phản ứng nhạy cảm.
  • Khi dùng thuốc xịt mũi cần theo dõi mũi thường xuyên. Nếu xảy ra loét niêm mạc mũi tạm thời ngừng sử dụng xịt mũi calcitonin.
  • Tránh dùng calcitonin kéo dài vì có nguy cơ bị ung thư. Tốt nhất nên dùng liều thấp nhất có hiệu quả trong thời gian ngắn nhất.

Đã có khuyến nghị, tất cả các chế phẩm có calcitonin không được dùng để điều trị loãng xương sau mãn kinh và các chế phẩm dùng qua mũi rút khỏi thị trường châu Âu. Đối với các bệnh khác, phải dùng liều nhỏ nhất có tác dụng và trong thời gian ngắn nhất.

8. Đối với phụ nữ có thai và cho con bú

8.1. Phụ nữ mang thai

Một thí nghiệm nghiên cứu trên thỏ có thai đã cho thấy calcitonin cá hồi làm thai thỏ lúc sinh ra bị giảm khối lượng khi cho liều gấp 14 – 56 lần liều khuyến cáo tiêm trên người. Tuy nhiên, đối với động vật mang thai, calcitonin không qua nhau thai, nên tác dụng phụ trên thai này có thể do chất chuyển hóa của calcitonin gây nên.

Bạn chỉ dùng thuốc tiêm calcitonin cá hồi cho người mang thai trừ khi sau khi cân nhắc lợi ích mang lại hơn hẳn nguy cơ có thể gây hại cho thai. Đồng thời không nên dùng thuốc xịt mũi calcitonin cho đối tượng là phụ nữ mang thai.

8.2. Phụ nữ cho con bú

Calcitonin có thể ức chế tiết sữa ở động vật. Hiện vẫn chưa biết liệu calcitonin cá hồi có được bài tiết vào sữa hay không. Tuy nhiên, thuốc phân bố vào sữa và vào đường tiêu hóa của trẻ bú mẹ có thể không được hoạt hóa và do đó mà trẻ đang bú mẹ không thể hấp thu được.

Cho đến nay vẫn chưa có các nghiên cứu chứng minh khả năng hấp thu calcitonin ở đường tiêu hóa của trẻ đang bú. Vì vậy nếu người mẹ cần thiết phải dùng thuốc thì nên ngừng cho con bú.

9. Xử trí khi dùng quá liều thuốc Miacalcic 

Việc quá liều calcitonin có thể gây ra tình trạng hạ calci huyết. Triệu chứng của hạ calci huyết bao gồm: cảm giác kim châm, tê cóng vùng xung quanh miệng, đầu ngón tay và ngón chân.

Khi hạ calci huyết xảy ra, phải ngừng điều trị calcitonin. Bạn có thể làm giảm nhẹ các triệu chứng cấp tính bằng cách tiêm truyền tĩnh mạch calci gluconat hoặc calci clorid. Người bệnh cần phải điều trị thay thế kéo dài, có thể uống calci lactat kèm theo vitamin D hoặc không.

10. Xử lý khi quên một liều thuốc Miacalcic 

  • Nếu có gần kế liều kế tiếp, hãy bỏ qua liều đã quên và dùng theo đúng lịch trình.
  • Dùng ngay sau khi nhớ ra đã quên liều thuốc (trường hợp thuốc tiêm đã có chuyên gia y tế thực hiện, lưu ý liều dùng với thuốc xịt mũi).
  • Tuyệt đối không dùng gấp đôi liều với mục đích bù vào liều đã quên vì sẽ làm tăng nguy cơ tiếp xúc với độc tính của thuốc.

11. Cách bảo quản thuốc

  • Để thuốc tránh xa tầm tay của trẻ em và trẻ nhỏ.
  • Không để thuốc ở nơi tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng hoặc ở những nơi ẩm ướt.
  • Nhiệt độ bảo quản thuốc tốt nhất là ≤25 ºC.
  • Không dùng thuốc đã hết hạn sử dụng. Nên xử lí thuốc không dùng nữa thật cẩn thận trước khi đưa ra ngoài môi trường.

Thuốc tiêm calcitonin cá hồi, bình khí dung xịt mũi Miacalcic (tổng hợp) cần được bảo quản ở 2 – 8 ºC cho đến khi mở bình sử dụng. Trường hợp bình đang sử dụng cần bảo quản ở 15 – 30 ºC ở vị trí thẳng đứng cho đến 35 ngày. Lưu ý không được đông lạnh dung dịch xịt mũi.

Những thông tin trên hy vọng có thể giúp bạn giải đáp được những thắc mắc về thuốc điều trị bệnh lý về xương Miacalcic (calcitonin).

Dược sĩ Nguyễn Ngọc Cẩm Tiên

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

MIACALCIN https://www.rxlist.com/miacalcin-drug.htm Ngày truy cập 21.04.2020 calcitonin salmon (Rx) https://reference.medscape.com/drug/fortical-miacalcin-calcitonin-salmon-342816 Ngày truy cập 21.04.2020 Calcitonin-Salmon https://www.nof.org/patients/treatment/medicationadherence/calcitonin-salmon-fortical-and-miacalcin/ Ngày truy cập 21.04.2020

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người