Thuốc Nootropyl (piracetam) tác dụng như thế nào tới não bộ?
Nội dung bài viết
Não là bộ phận quan trọng điều khiển mọi hoạt động của cơ thể. Những tác động bên ngoài cộng với sự lão hóa theo thời gian làm não bộ của bạn bị tổn thương gây ra các tình trạng bất thường. Nootropyl được sử dụng trong các trường hợp tổn thương não bộ. Vậy cụ thể Nootropyl (piracetam) được chỉ định trong những trường hợp như thế nào? Cách sử dụng thuốc và những lưu ý gì để đạt hiệu quả điều trị? Bài viết sau của Dược sĩ Trịnh Anh Thoa sẽ giải thích rõ hơn về loại thuốc này.
Thành phần hoạt chất: piracetam.
Thuốc có thành phần tương tự: Neutropyl, Pracetam, Toptropin.
Nootropyl (piracetam) là thuốc gì?
Thuốc Nootropyl có hoạt chất là piracetam. Piracetam tác động lên hệ thần kinh và mạch máu, giúp bảo vệ và phục hồi nhận thức của não bộ sau những tổn thương như giảm oxy tới não, ngộ độc… Ngoài ra piracetam còn làm giảm kết dính hồng cầu, ức chế sự co mạch máu. Thuốc có các dạng bào chế như:
- Viên nén hàm lượng 800 mg/viên.
- Dung dịch tiêm truyền hàm lượng 200 mg/ml với các thể tích 60 ml, 15 ml, 5 ml.
Tác dụng thuốc Nootropyl (piracetam)
Thuốc được sử dụng khi bệnh nhân mắc các bệnh:
- Chứng tâm thần thực thể, có các đặc điểm như mất trí nhớ, rối loạn tập trung.
- Đơn trị hoặc phối hợp các chứng rung giật do nguyên nhân ở vỏ não.
- Điều trị chóng mặt và chứng rối loạn thăng bằng đi kèm.
- Phòng ngừa và làm giảm các đợt nghẽn mạch cấp ở bệnh hồng cầu hình liềm
- Kết hợp trong điều trị chứng khó đọc ở trẻ em.
Liều lượng khi dùng thuốc Nootropyl (piracetam)
Tùy theo tình trạng bệnh nhân mà bác sĩ sẽ có chỉ định phù hợp. Bệnh nhân cần tuân theo chỉ định của bác sĩ trong mọi trường hợp. Liều dùng tham khảo như sau:
- Chứng tâm thần thực thể: liều thường dùng 2,4 g – 4,8 g/ngày (3 đến 6 viên/ ngày), chia đều 2 – 3 lần/ ngày.
- Điều trị rung giật do nguyên nhân ở vỏ não: liều bắt đầu là 7,2 g sau đó tăng thêm mỗi 4,8 g mỗi 3 – 4 lần, liều tối đa là 20 g, chia làm 2 – 3 lần/ngày. Đối với bệnh nhân có tiến triển tốt nên thử giảm liều hoặc ngưng điều trị sau mỗi 6 tháng. Nên giảm 1,2 g mỗi 2 ngày nhằm phòng ngừa khả năng tái phát đột ngột do ngưng thuốc.
- Điều trị chóng mặt: liều khuyến cáo 2,4 – 4,8g chia làm 2 – 3 lần/ngày.
- Điều trị chứng khó đọc: với trẻ 8 tuổi trở lên và thanh thiếu niên liều khuyến cáo 2 viên nén 800 mg vào sang và tối.
- Nên hiệu chỉnh liều ở bệnh nhân suy thận.
Xem thêm: Thường xuyên chóng mặt: Nguyên nhân do đâu?
Tác dụng phụ có thể gặp khi dùng thuốc
Tác dụng phụ phổ biến
- Tăng cân.
- Bồn chồn.
- Chứng tăng động.
Ngoài ra còn có các tác dụng phụ ít gặp
- Trầm cảm.
- Suy nhược.
- Buồn ngủ.
Khi xuất hiện dấu hiệu bất thường nào bệnh nhân cần báo ngay cho bác sĩ, dược sĩ để được tư vấn.
Không sử dụng thuốc Nootropyl (piracetam) ở bệnh nhân nào?
- Quá mẫn với thành phần thuốc.
- Suy thận nặng.
- Xuất huyết não.
- Không nên sử dụng piracetam cho phụ nữ có thai, phụ nữ cho con bú vì thuốc qua được nhau thai và sữa mẹ.
Xem thêm: Hướng dẫn khám, chữa bệnh tại bệnh viện Tâm Thần TPHCM
Lưu ý khi dùng chung thuốc Nootropyl (piracetam) với thuốc khác
Thuốc ít tương tác với những thuốc khác. Tuy nhiên cũng cần lưu ý khi sử dụng Nootropyl với:
- Hormon tuyến giáp vì nguy cơ xuất hiện các triệu chứng lú lẩn, rối loạn giấc ngủ, dễ kích thích.
- Thuốc chống động kinh.
- Rượu.
- Acenocoumarol: thuốc chống đông máu.
Cách xử lý khi bạn dùng quá liều thuốc Nootropyl (piracetam)
Các dấu hiệu khi quá liều thường không rõ ràng để nhận biết. Dấu hiệu rõ nhất là tiêu chảy có máu kèm đau bụng.
Trong trường hợp dùng quá liều bạn có thể được chỉ định thuốc gây nôn để làm trống dạ dày.
Bảo quản thuốc
- Bảo quản thuốc ở nơi khô ráo, không quá 30oC, tránh ánh sáng trực tiếp.
- Để xa tầm tay trẻ em.
Thuốc Nootropyl (piracetam) thường được kê cho người lớn tuổi với tác dụng tăng cường chức năng não đặc biệt là với các trường hợp não bị tổn thương. Tuy YouMed đã cung cấp những thông tin về Nootropyl là thuốc gì, nhưng bạn cần tuân theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa Thần kinh. Khi thấy các dấu hiệu bất thường về thần kinh, sa sút trí tuệ, các tổn thương tới não bạn cần đến ngay bác sĩ để được chẩn đoán đúng bệnh.