Bạn biết gì về thuốc điều trị sỏi thận Rowatinex?
Nội dung bài viết
Sỏi thận là vấn đề thường gặp hiện nay do chế độ ăn uống không hợp lý. Khi bị sỏi thận nếu không điều trị kịp thời sẽ dẫn đến các biến chứng nguy hiểm. Thuốc Rowatinex dùng để phòng và điều trị bệnh sỏi thận, sỏi đường tiết niệu. Hãy cùng tìm hiểu về thuốc Rowatinex qua bài viết của Dược sĩ Nguyễn Ngọc Cẩm Tiên nhé!
Thành phần hoạt chất chính: pinene, camphene, cineol, fenchone, borneol, athenol, dầu olive.
Thuốc Rowatinex là thuốc gì?
Thành phần của Rowatinex chủ yếu là các hợp chất terpen có nhiều trong tinh dầu thông, tinh dầu tràm… Các chất này có tác dụng thải trừ sỏi, giảm viêm, tăng luồng máu qua thận và làm tăng thể tích nước tiểu, giảm đau, giảm co thắt đường niệu. Vì vậy có tác dụng thuận lợi cho đào thải sỏi cũng như ngăn ngừa sỏi tái phát.
Chỉ định của thuốc Rowatinex
Thuốc được dùng để dự phòng và điều trị bệnh sỏi đường tiết niệu, sỏi thận. Điều này giúp giảm các cơn đau quặn thận, chứng khó tiểu, ít nước tiểu, nhiễm trùng tiết niệu liên quan đến sỏi thận.
Thuốc còn dùng trong trường hợp dự phòng sỏi tái phát, các rối loạn về đường niệu như viêm, co thắt đường niệu trước và sau phẫu thuật cải thiện chức năng thận.
Bạn có thể tìm hiểu thêm: Tiểu buốt: Những nguyên nhân có thể gặp
Liều lượng dùng thuốc Rowatinex
Thuốc được dùng đường uống.
- Liều khuyến cáo ở người lớn: là từ 1 – 2 viên/lần, ngày 3 lần, dùng trước bữa ăn. Trường hợp bị cơn đau sỏi thận thì dùng 2 – 3 viên/lần, ngày từ 4 tới 5 lần.
- Liều khuyến cáo ở trẻ em: từ 6 tới 14 tuổi liều thông thường là 1 viên/lần, dùng hai lần/ngày, trước các bữa ăn.
Hiện chưa có báo cáo về tác hại của thuốc đối với phụ nữ mang thai và cho con bú. Cân nhắc thận trọng giữa lợi ích và nguy cơ khi sử dụng thuốc Rowatinex.
Trường hợp bạn bị quên liều, uống ngay khi nhớ ra, không dùng gấp đôi liều để bù liều đã quên. Nếu liều bạn quên gần tới liều tiếp theo thì bỏ qua liều đã quên và uống liều tiếp tục như bình thường.
Trường hợp không sử dụng thuốc Rowatinex
- Thuốc không nên dùng ở những bệnh nhân bị đau bụng nặng, ít nước tiểu hoặc nhiễm trùng đường tiết niệu nặng.
- Chống chỉ định nếu bạn mẫn cảm với bất cứ thành phần nào của thuốc.
Bạn cần thận trọng khi dùng thuốc đối với các bệnh nhân đang dùng thuốc chống đông hay các thuốc chuyển hóa và bài tiết qua gan.
Tác dụng phụ khi dùng thuốc
Hiện chưa có báo cáo về tác dụng phụ của thuốc được ghi nhận.
Trong quá trình sử dụng nếu có bất cứ triệu chứng nào lạ cần báo ngay cho bác sĩ biết để được can thiệp kịp thời.
Cách bảo quản thuốc Rowtinex
- Để thuốc ngoài tầm tay trẻ em.
- Bảo quản thuốc dưới 30°C, để nơi khô ráo thoáng mát tránh ánh sáng trực tiếp.
Dấu hiệu khi dùng thuốc quá liều
Khi uống quá liều thuốc có thể gây ra kích ứng dạ dày. Cần báo ngay cho bác sĩ biết trong trường hợp này.
Chế độ ăn uống hợp lý
Để phòng ngừa và điều trị sỏi thận, bạn cần kết hợp chế độ ăn uống hợp lý như:
- Uống nhiều nước: Việc tăng số lượng nước tiểu nhằm mục đích hoà loãng nước tiểu trong thời gian cả ngày và đêm để giảm nồng độ các chất tạo sỏi trong nước tiểu. Lượng nước uống mỗi ngày tuỳ theo thời tiết, các hoạt động cá nhân, trọng lượng cơ thể. Tránh đồ uống có đường hoặc muối.
- Chia đều bữa ăn: Thức ăn cần được phân đều trong nhiều bữa ăn trong ngày nhằm bảo đảm dinh dưỡng.
- Tránh thói quen xấu: Những bệnh nhân bị sỏi tái phát thường có thói quen xấu là ăn quá nhiều muối và đạm trong khi đó lại thiếu rau và nước. Sỏi tái phát thường gặp ở những người chỉ dùng một bữa chính trong ngày, chủ yếu là bữa tối. Bữa sáng thường ít, bữa trưa chủ yếu là thức ăn nhanh trong khi đó bữa tối lại quá nhiều chất bổ, đặc biệt là đạm và chất khoáng.
Việc phân bố các bữa ăn trong ngày rất quan trọng nhằm cung cấp dinh dưỡng và giữ đậm độ nước tiểu hợp lý. Cần có ít nhất 3 bữa trong ngày thay đổi với sự cân đối các loại thức ăn cần thiết sau: Sữa và các sản phẩm của sữa, thịt, cá, trứng; tinh bột; rau xanh; hoa quả; chất béo.
Giá bán tham khảo tại nhà thuốc khoảng 3.700 đồng/viên.
Trên đây là bài viết về thuốc Rowatinex. Bên cạnh việc sử dụng thuốc bạn cũng nên kết hợp với chế độ ăn uống hợp lý để tránh tái phát bệnh. Bạn cũng không nên tự ý mua thuốc sử dụng mà cần đi khám bác sĩ chuyên khoa Tiết niệu để chẩn đoán và có chỉ định chính xác.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
ROWATINEX CAPSULEShttps://www.drugs.com/uk/rowatinex-capsules-leaflet.html
Ngày tham khảo: 10/04/2020
-
Rowatinexhttps://www.mims.com/malaysia/drug/info/rowatinex
Ngày tham khảo: 10/04/2020