Vitamin B6 và những điều bạn có thể chưa biết
Nội dung bài viết
Vitamin B6 là gì? Nó được dùng trong những trường hợp nào? Cần lưu ý gì về những tác dụng phụ có thể xảy ra trong quá trình dùng? Hãy cùng tìm hiểu về thuốc vitamin B6 trong bài viết được phân tích dưới đây của dược sĩ Nguyễn Ngọc Cẩm Tiên nhé!
Thành phần hoạt chất: pyridoxin.
Vitamin B6 là gì?
Các dạng dùng và hàm lượng cụ thể:
- Viên nén: 10 mg, 25 mg, 50 mg, 100 mg, 250 mg, 500 mg.
- Viên nén tác dụng kéo dài: 100 mg, 200 mg, 500 mg.
- Và viên nang tác dụng kéo dài: 150 mg.
- Hỗn dịch uống: 200 mg/5 ml (120 ml).
- Thuốc tiêm: 100 mg/ml.
Công dụng của vitamin B6:
Vitamin B6 còn có tên gọi là pyridoxin. Đây là vitamin nhóm B tan trong nước, tồn tại dưới 3 dạng: pyridoxal, pyridoxin và pyridoxamin.
- Khi vào cơ thể, vitamin B6 biến đổi thành dạng hoạt động pyridoxal phosphat và pyridoxamin phosphat.
- Vitamin B6 hoạt động như những coenzym trong chuyển hóa protein, glucid và lipid. Ngoài ra, pyridoxin tham gia tổng hợp acid gamma aminobutyric (GABA) trong hệ thần kinh trung ương và tham gia tổng hợp hemoglobin.
Công dụng thuốc vitamin B6
Giúp phòng và điều trị tình trạng thiếu hụt vitamin B6.
Vitamin B6 giúp điều trị hội chứng lệ thuộc pyridoxin di truyền ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
Ngoài ra, pyridoxin còn giúp phòng ngừa và điều trị nhiễm độc thần kinh do dùng các thuốc như isoniazid, hydralazin, ethionamid hoặc capecitabin.
Không những vậy, vitamin B6 điều trị ngộ độc cấp tính (hôn mê, co giật) do sử dụng quá liều isoniazid, hydralazin, cycloserin, ngộ độc nấm thuộc chi Gyromitra có độc chất Gyromitrin.
Người bệnh bị thiếu máu nguyên bào sắt di truyền.
Đồng thời, thuốc giúp điều trị rối loạn chuyển hóa nguyên phát:
- Điều trị tăng acid oxalic trong nước tiểu.
- Homocystin niệu.
- Cystathionin niệu.
- Hoặc nước tiểu có chứa acid xanthurenic.
Không nên dùng vitamin B6 nếu
- Dị ứng với pyridoxin hoặc bất cứ thành phần nào có trong công thức của thuốc.
- Không nên sử dụng pyridoxin tiêm tĩnh mạch cho những đối tượng bị bệnh tim.
Cách dùng thuốc vitamin B6 hiệu quả
1. Cách dùng
- Vitamin B6 có thể được dùng theo đường uống, tiêm bắp, tĩnh mạch hoặc tiêm dưới da.
- Trong tất cả đường dùng thì đường uống là dùng phổ biến và thường xuyên nhất.
- Đối với dạng tiêm, sẽ có chuyên gia sức khỏe (bác sĩ/y tá) phụ trách tiêm thuốc.
2. Liều dùng
2.1 Nhu cầu cung cấp hằng ngày pyridoxin được khuyến cáo (đối với người bình thường khỏe mạnh)
- Trẻ < 6 tháng tuổi: 0,1 mg (0,01 mg/kg)/ngày.
- 6 – 12 tháng tuổi: 0,3 mg (0,03 mg/kg)/ngày.
- 1 – 3 tuổi: 0,5 mg/ngày.
- 4 – 8 tuổi: 0,6 mg/ngày.
- 9 – 13 tuổi: 1 mg/ngày.
- 14 – 19 tuổi: 1,3 mg/ngày đối với nam và 1,2 mg/ngày với nữ.
- 20 – 50 tuổi: 1,3 mg/ngày với cả hai đối tượng nam và nữ.
- > 50 tuổi: 1,7 mg/ngày đối với nam và 1,5 mg/ngày với nữ.
2.2 Điều trị thiếu hụt do thức ăn: Uống:
Trẻ em:
- 5 – 25 mg/ngày x 3 tuần.
- Sau đó: 1,5 – 2,5 mg/ngày dưới dạng sản phẩm vitamin hỗn hợp.
Người lớn:
- 2,5 – 10 mg/ngày.
- Đến khi không còn các triệu chứng thiếu hụt, sau đó dùng 2 – 5 mg/ngày dưới dạng sản phẩm vitamin hỗn hợp.
2.3 Điều trị viêm dây thần kinh ngoại biên do thuốc
Trẻ em:
- 10 – 50 mg/ngày.
- Dự phòng: 1 – 2 mg/kg/ngày.
Người lớn:
- 100 – 200 mg/ngày.
- Dự phòng: 25 – 100 mg/ngày.
2.4. Điều trị co giật lệ thuộc pyridoxin
Trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ:
- Tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch: 10 – 100 mg.
- Co giật thường hết trong vòng 2 – 3 phút sau khi tiêm.
Trẻ nhỏ co giật có đáp ứng với pyridoxin thường phải uống pyridoxin suốt đời với liều 2 – 100 mg/ngày.
2.5. Điều trị thiếu máu nguyên bào sắt di truyền
- Uống liều 200 – 600 mg/ngày.
- Nếu sau 1 – 2 tháng điều trị mà bệnh không thuyên giảm, phải xem xét phương pháp điều trị khác.
- Nếu có đáp ứng, có thể giảm liều pyridoxin xuống còn 30 – 50 mg/ngày.
- Có thể phải điều trị bằng vitamin này suốt đời để ngăn ngừa thiếu máu ở những người mắc bệnh.
2.6. Điều trị rối loạn chuyển hóa
- Uống liều 100 – 500 mg/ngày.
- Nếu đáp ứng, kéo dài điều trị suốt đời.
- Một số bệnh nhân tăng oxalat – niệu tiên phát tuýp I có thể điều trị với liều thấp hơn (liều sinh lý hoặc < 100 mg/ngày).
Lưu ý: liều trên chỉ mang tính chất tham khảo. Tùy độ tuổi, tình trạng sức khỏe và bệnh lý mà bác sĩ chỉ định dùng liều khác nhau. Người bệnh phải luôn tuân theo chính xác liều lượng mà bác sĩ đã đưa ra.
5. Các tác dụng phụ có thể xảy ra
- Đau đầu, co giật (sau khi tiêm tĩnh mạch liều cao), lơ mơ buồn ngủ.
- Nhiễm acid, acid folic giảm.
- Buồn nôn và nôn.
- Tăng men gan.
- Dùng liều 200 mg/ngày và dài ngày (> 2 tháng) có thể gây viêm dây thần kinh ngoại vi nặng, tiến triển từ dáng đi không vững và tê cóng bàn chân đến tê cóng và vụng về bàn tay. Có thể hồi phục khi ngừng thuốc, mặc dù vẫn còn để lại ít nhiều di chứng.
- Xuất hiện phản ứng dị ứng.
- Cảm giác nóng rát, ngứa có thể xảy ra khi tiêm bắp hoặc tiêm dưới da.
Tương tác khi dùng chung với vitamin B6
- Levodopa.
- Phenytoin và phenobarbital.
- Hydralazin.
- Isoniazid.
- Penicilamin.
- Thuốc tránh thai uống.
Những lưu ý khi dùng vitamin B6
Lưu ý, sau thời gian dài dùng vitamin B6 với liều ≥ 200 mg/ ngày, biểu hiện độc tính thần kinh xuất hiện:
- Bệnh thần kinh ngoại vi nặng.
- Bệnh thần kinh cảm giác nặng.
Dùng liều ≥ 200 mg/ ngày, kéo dài > 30 ngày có thể gây hội chứng lệ thuộc pyridoxin và hội chứng cai thuốc.
Liều pyridoxin > 10 mg/ngày trong thời gian dài vẫn chưa được chứng minh là an toàn.
Vì trong công thức một số sản phẩm tiêm có chứa nhôm nên cần dùng thận trọng cho người suy thận và trẻ sơ sinh.
Ngoài ra, nên kết hợp với chế độ ăn uống để bổ sung vitamin B6 đầy đủ.
Các đối tượng sử dụng đặc biệt
1. Phụ nữ mang thai
- Pyridoxin có qua nhau thai và đã có bằng chứng về sự an toàn khi dùng cho phụ nữ mang thai.
- Do đó, liều bổ sung theo nhu cầu hằng ngày không gây hại cho thai nhi.
2. Phụ nữ cho con bú
- Pyridoxin được bài tiết vào sữa mẹ.
- Thuốc không gây ảnh hưởng gì khi dùng theo nhu cầu hằng ngày.
- Khi dùng pyridoxin liều cao (600 mg/ngày, chia 3 lần) để làm tắt sữa, mặc dù thường không hiệu quả.
Bạn có thể tham khảo thêm: Neurobion (Vitamin B1, B6, B12) là thuốc gì? Cách dùng và các lưu ý cần biết khi dùng thuốc.
Xử trí khi quá liều vitamin B6
Quá liều pyridoxin thường được đánh giá là không độc. Tuy nhiên, khi dùng liều cao (như > 2 g/ngày) kéo dài (> 30 ngày) có thể gây các hội chứng về thần kinh cảm giác, mất điều phối.
- Biểu hiện mất ý thức về vị trí và run của các đầu chi và mất phối hợp động tác giác quan dần dần.
- Xúc giác, phân biệt nóng lạnh và đau ít bị hơn.
- Không có yếu cơ.
Xử trí:
- Đầu tiên, cần ngừng dùng pyridoxin.
- Sau khi ngừng pyridoxin, dần dần cải thiện tình trạng loạn chức năng thần kinh.
- Theo dõi lâu dài thấy hồi phục tốt. Có thể ngừng thuốc kéo dài tới 6 tháng để hệ thần kinh cảm giác trở lại bình thường.
Xử trí khi quên một liều vitamin B6
- Dùng ngay sau khi nhớ ra đã quên liều vitamin B6.
- Nếu gần kề với liều kế tiếp: bỏ qua liều đã quên và dùng theo đúng lịch trình dùng thuốc.
- Không dùng gấp đôi liều với mục đích bù vào liều đã quên.
Cách bảo quản
- Để tránh xa tầm tay của trẻ em và thú cưng trong nhà.
- Bảo quản ở nơi khô ráo thoáng mát. Tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng hoặc để ở những nơi ẩm ướt.
- Nhiệt độ bảo quản tốt nhất là < 25ºC.
Bên trên là những thông tin về sử dụng vitamin B6. Hãy gọi ngay cho bác sĩ nếu xuất hiện bất kỳ một triệu chứng nào bất thường đã kể trên để có thể được xử trí và hỗ trợ kịp thời nhé!
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
- Dược điển Quốc gia Việt Nam.
-
Pyridoxine 50mg Tabletshttps://www.medicines.org.uk/emc/product/1208/smpc
Ngày tham khảo: 31/05/2020
-
Pyridoxinhttps://www.mayoclinic.org/drugs-supplements/pyridoxine-oral-route-injection-route/description/drg-20065709
Ngày tham khảo: 31/05/2020