Tiêm sởi có sốt không? Những phản ứng sau tiêm vắc-xin sởi
Nội dung bài viết
Sởi là bệnh dịch nguy hiểm do vi rút sởi gây ra. Bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng. Đây là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ nhỏ. Do vậy, vắc-xin Sởi là một trong những vắc-xin quan trọng mà mọi trẻ em nên được tiêm ở giai đoạn đầu đời. Tuy nhiên, tiêm phòng sởi có sốt không? Hãy cùng YouMed theo dõi các vấn đề được phân tích và trình bày trong bài viết dưới đây nhé!
Vắc-xin phòng sởi
Trước khi trả lời câu hỏi “tiêm sởi có sốt không?”, bạn cần hiểu rõ về vắc-xin phòng sởi là gì. Tiêm phòng vắc-xin là một lựa chọn hàng đầu để phòng bệnh sởi một cách chủ động. Vắc-xin có mặt trên thị trường ở cả dạng đơn và dạng phối hợp với vắc-xin khác như:
- Vắc-xin phòng bệnh rubella.
- Vắc-xin phòng bệnh quai bị.
- Vắc-xin phòng bệnh thủy đậu.
Tuy nhiên, vắc-xin phòng bệnh sởi đều có hiệu quả giống nhau trong tất cả các dạng chế phẩm. Theo tổ chức Y tế Thế Giới (WHO) khuyến nghị việc tiêm chủng vắc-xin vào lúc 9 tháng tuổi ở những vùng có bệnh lưu hành. Ở những khu vực địa lí ít xảy ra bệnh thì nên tiêm chủng vào lúc 12 tháng tuổi.1
Tại Việt Nam, ở vùng dịch, có thể tiêm vắc-xin phòng bệnh sởi đơn MVVAC cho trẻ từ 6 tháng tuổi. Sau khi tiêm một liều, hiệu quả miễn dịch của trẻ phụ thuộc từng độ tuổi.
Với vắc-xin kết hợp sởi – quai bị – rubella MMR, hiệu quả của vắc-xin cụ thể như sau:2
- Một liều MMR có hiệu quả 93%
- Hai liều MMR có hiệu quả lên đến 97%.
Hầu như tất cả những người không miễn dịch sau một liều đơn đều đạt miễn dịch sau mũi thứ hai. Ngoài ra, khi tỷ lệ tiêm chủng trong vùng trên 93% thì thường không còn bùng phát dịch nữa. Nhưng dịch có thể tái phát nếu tỷ lệ tiêm chủng lại giảm.
Chú ý: Vắc-xin phòng sởi đơn hay kết hợp đều là loại vắc-xin sống giảm độc lực. Vắc-xin ở dạng bột đông khô cần được pha hồi chỉnh trước khi tiêm.
Tiêm sởi có sốt không?
Sau tiêm vắc-xin, tình trạng khiến nhiều bố mẹ lo lắng nhiều đó là tiêm phòng sởi có sốt không? Trẻ có thể sốt sau tiêm vắc-xin sởi.
Phần lớn các tác dụng phụ của vắc-xin xảy ra trong khoảng từ 24 – 48 giờ đầu sau tiêm, với các biểu hiện sau:3
- Sốt.
- Đau, đỏ hoặc sưng vị trí tiêm.
- Phát ban nhẹ.
- Đau khớp tạm thời, cứng khớp.
- Ngoài ra, trẻ có thể quấy khóc, dễ nôn sau bú, khó ngủ,…
Đối với tình trạng sốt, trẻ có thể sốt nhẹ hoặc sốt cao sau tiêm. Tuy nhiên, đa số những trường hợp này sẽ tự khỏi. Nhưng có một số trường hợp sẽ phải dùng thuốc hạ sốt để điều trị triệu chứng.
Lưu ý, trong vòng 24 tiếng sau tiêm phòng vắc-xin đơn (MVVAC) hoặc vắc xin phối hợp sởi-quai bị-rubella (MMR) có thể gây tình trạng đau nhẹ và nhạy cảm ở vùng tiêm.3 4 Tuy nhiên, phần lớn các triệu chứng thường tự khỏi sau 2 – 3 ngày mà không cần can thiệp về y tế.
Cụ thể, sau tiêm sẽ xảy ra các tình trạng như:
- Sốt nhẹ: Có thể xảy ra trong 7 – 12 ngày và kéo dài 1 – 2 ngày (kèm theo phát ban giả sởi). Trường hợp sốt cao sau 2 – 3 ngày là rất hiếm vì tác dụng phụ từ vắc-xin rất thấp và hầu như không đáng kể.
- Phát ban: thường bắt đầu từ 7 – 10 ngày và kéo dài 2 ngày.
Trường hợp trẻ sốt cao sau tiêm
Trong trường hợp trẻ bị sốt cao khi tiêm phòng cha mẹ cần áp dụng những biện pháp như sau:
- Cho trẻ mặc thoáng mát.
- Cho trẻ uống thêm nước hoặc cho bú sữa nhiều hơn.
- Ngoài ra, có thể dùng thuốc hạ sốt để điều trị triệu chứng (nếu sốt trên 38,5°C). Có thể dùng Paracetamol, Ibuprofen,… để giúp trẻ hạ sốt.
Có một số trường hợp sốt sau tiêm không phải là do tiêm vắc-xin mà có thể sốt do một bệnh lí nào đó đã ủ bệnh trước khi tiêm. Vì thế, nên đưa trẻ đến bệnh viện hoặc trung tâm y tế gần nhất để loại trừ các nguyên nhân
- Trẻ sốt cao trên 38,5°C và không đáp ứng với thuốc hạ sốt.
- Tình trạng sốt kéo dài hơn 48 giờ hoặc trẻ sốt 1 – 2 ngày, bị tái diễn tình trạng sốt nhiều lần.
- Sốt kèm theo một số triệu chứng khác: ho, hắt hơi, chảy nước mũi, tiêu chảy, phát ban….
- Trẻ bỏ ăn, tình trạng thở nhanh hoặc trẻ khó thở và trở nên tím tái.
- Ngoài ra, trẻ cũng có thể dễ bị kích thích, quấy khóc liên tục, li bì, hôn mê.
Như vậy, với câu hỏi “tiêm sởi có sốt không“, bố mẹ có thể tìm được câu trả lời cho mình đồng thời có thể biết cách chăm trẻ sau khi tiêm phòng.
Sốt sau tiêm vắc-xin và tác dụng của vắc-xin phòng sởi?
Sốt sau tiêm phòng vắc-xin sởi là điều khiến nhiều bố mẹ rất lo lắng. Tuy nhiên, trong trường hợp trẻ không sốt, bố mẹ cũng lo lắng liệu vắc-xin có vấn đề hoặc hiệu quả của vắc-xin không tốt nên mới không khiến trẻ phản ứng lại bằng biểu hiện sốt.
Sốt là một phản ứng của cơ thể đáp ứng lại vắc-xin. Tuy nhiên, trẻ sốt hay không sốt, sốt nhiều hay ít không ảnh hưởng đến vắc-xin có tạo miễn dịch sau tiêm cho trẻ hay không.
Điều này là do các phản ứng phụ của vắc-xin sau tiêm là rất thấp. Tỷ lệ trẻ sốt sau tiêm sởi khá nhỏ, vào khoảng 10%.5 Do đó, bố mẹ đừng quá lo lắng về vấn đề trẻ sốt sau tiêm phòng vắc-xin sởi.
Một số tác dụng phụ khác của tiêm vắc-xin phòng sởi
Vắc-xin phòng sởi được đánh giá là khá an toàn với tỷ lệ xuất hiện các tác dụng phụ khá thấp. Trong đó, một số tác dụng phụ khác sau tiêm có thể là:3
- Tình trạng sưng, nóng, đỏ và bị đau nhức tại vị trí tiêm.
- Trẻ có thể bị sốt.
- Nổi phát ban.
- Nhưng hầu hết những trường hợp này sẽ hết trong 1 – 2 ngày sau tiêm vắc-xin mà không cần dùng thuốc điều trị.
Ngoài ra, trẻ có thể bị sốc phản vệ sau khi tiêm vắc-xin nhưng với tỷ lệ rất thấp. Nguyên nhân của tình trạng sốc phản vệ này có thể là do cơ thể phản ứng lại với những kháng nguyên của vi rút giảm độc lực trong vắc-xin.
Do vậy, để hạn chế tình trạng này, sau khi tiêm vắc-xin thì mọi người nên nên giữ trẻ ở lại 30 phút để theo dõi sau tiêm tại cơ sở tiêm chủng. Bên cạnh đó, nên tiếp tục theo dõi tại nhà, đặc biệt trong khoảng thời gian từ 24 – 48 giờ. Nếu có triệu chứng bất thường nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần đó để được xử trí kịp thời.
“Tiêm sởi có sốt không?” là câu hỏi được các bố mẹ quan tâm không chỉ riêng mỗi vắc-xin phòng sởi mà hầu như cho các trường hợp tiêm phòng vắc-xin. Nhưng bố mẹ không nên quá lo lắng khi trẻ bị sốt sau tiêm phòng. Cần nhận biết đúng dạng sốt và thời gian sốt của trẻ để tìm hiểu cũng như đánh giá một phần nguyên nhân sốt do vắc-xin hay do bệnh khác để đưa bé đến cơ sở y tế khám kịp thời.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
History of measles vaccinationhttps://www.who.int/news-room/spotlight/history-of-vaccination/history-of-measles-vaccination
Ngày tham khảo: 16/04/2023
-
Vaccine for Measleshttps://www.cdc.gov/measles/vaccination.html
Ngày tham khảo: 16/04/2023
-
Vaccine (Shot) for Measleshttps://www.cdc.gov/vaccines/parents/diseases/measles.html
Ngày tham khảo: 16/04/2023
-
Vắc xin sởi MVVachttps://vnvc.vn/vac-xin-mvvac/
Ngày tham khảo: 16/04/2023
-
Immunization Reactionshttps://www.seattlechildrens.org/conditions/a-z/immunization-reactions/
Ngày tham khảo: 16/04/2023