Ho là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách trị ho hiệu quả
Nội dung bài viết
Ho là một trong những triệu chứng bệnh của đường hô hấp rất phổ biến. Từ trẻ nhỏ, người lớn cho đến người già đều có thể mắc phải. Đây có thể là biểu hiện của một bệnh lý nhẹ. Cũng có thể là một bệnh lý nặng, đòi hỏi phải được điều trị khẩn cấp. Vậy thì cách trị ho như thế nào là hiệu quả và phù hợp? Hãy cùng đi tìm câu trả lời qua bài viết sau đây của Bác sĩ Nguyễn Lâm Giang nhé!
Khái niệm về ho
Trước khi tìm hiểu cách chữa ho thì chúng ta nên biết qua về ho là gì. Ho là cách cơ thể bạn loại bỏ chất kích thích. Khi có thứ gì đó kích thích cổ họng hoặc đường thở của bạn, hệ thần kinh sẽ gửi cảnh báo đến não của bạn. Bộ não của bạn phản ứng bằng cách ra lệnh cho các cơ ở ngực và bụng co lại và tống khí ra ngoài.1
Ho là một phản xạ phòng thủ quan trọng giúp bảo vệ cơ thể bạn khỏi các chất kích thích như:1
- Chất nhầy.
- Khói.
- Chất gây dị ứng, chẳng hạn như bụi, nấm mốc và phấn hoa.
Ho là một triệu chứng của nhiều bệnh và rối loạn. Đôi khi, đặc điểm của cơn ho có thể cho bạn manh mối về nguyên nhân của nó. Ho có thể được mô tả bằng:
- Hành vi hoặc kinh nghiệm: Khi nào và tại sao ho xảy ra? Đó là vào ban đêm, sau khi ăn, hoặc trong khi tập thể dục?
- Nét đặc trưng: Tiếng ho của bạn nghe hoặc cảm thấy thế nào? Ho có đờm hay ho khan?
- Thời lượng: Cơn ho của bạn kéo dài dưới 2 tuần, 6 tuần hoặc hơn 8 tuần?
- Các triệu chứng kèm theo: Ho của bạn có gây ra các triệu chứng liên quan như tiểu không tự chủ, nôn mửa, mất ngủ không?
- Sự cấp tính: Thực hư ra sao? Nó có gây khó chịu, dai dẳng hoặc suy nhược không?
Xem thêm: Bệnh xơ phổi điều trị như thế nào?
Những giai đoạn của một động tác ho
Ho có ba giai đoạn:2
- Hít vào.
- Tăng áp lực trong cổ họng và phổi với các dây thanh âm đóng lại.
- Một luồng khí bùng nổ khi dây thanh âm mở ra, tạo ra âm thanh đặc trưng của ho.
Nếu ai đó ho nhiều, đó có thể là dấu hiệu của một căn bệnh. Nhiều cơn ho do các bệnh truyền nhiễm, như cảm lạnh thông thường. Tuy nhiên, cũng có những nguyên nhân không lây nhiễm. Nói chung, họ là một triệu chứng biểu hiện của một bệnh lý hoặc phản xạ. Hiểu như thế sẽ đúng hơn.
Tuy nhiên, theo cách gọi dân gian thì mọi người thường gọi là “bệnh ho”. Từ ngữ này dùng để ám chỉ những trường hợp ho do một bệnh lý cơ thể nào đó. Thông thường là bệnh thuộc hệ hô hấp như viêm thanh quản, phế quản, viêm phổi. “Bệnh ho” không được mọi người dùng để biểu thị ho do phản xạ. Chẳng hạn như ngứa họng, sặc thức ăn, nước,…
Xem thêm: Những điều cần lưu ý về bệnh viêm phế quản cấp
Những nguyên nhân gây ra ho
Trước khi biết về cách chữa ho thì chúng ta nên nắm qua những nguyên nhân gây ra ho. Nếu ho là biểu hiện của một bệnh lý thì những trường hợp bệnh sau đây có thể dẫn đến ho:3
Ho cấp tính (ngắn hạn)
Trong hầu hết các trường hợp, nhiễm trùng ở đường hô hấp trên và ảnh hưởng đến cổ họng, đây được gọi là nhiễm trùng đường hô hấp trên. Những bệnh lý điển hình bao gồm:
- Bệnh cúm (do virus cúm gây ra).
- Cảm lạnh thông thường.
- Viêm thanh – khí – phế quản.
Nếu đó là một bệnh nhiễm trùng đường hô hấp dưới, phổi bị nhiễm trùng hoặc đường thở đi xuống từ khí quản. Những ví dụ bao gồm:
- Viêm phế quản.
- Viêm phổi.
- Phế quản phế viêm.
Nguyên nhân của ho mạn tính (dai dẳng)
Ho mãn tính có thể do một trong những nguyên nhân sau đây:
- Hút thuốc lá.
- Chất nhầy chảy xuống cổ họng từ phía sau mũi (sau khi nhỏ mũi).
- GERD (bệnh trào ngược dạ dày – thực quản).
- Hen suyễn.
- Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD).
- Giãn phế quản.
- Tâm phế mạn.
- Một số loại thuốc (ví dụ: thuốc ức chế men chuyển trong điều trị tăng huyết áp).
- Ho mãn tính ở trẻ em thường là do hen suyễn. Nhưng cũng có thể là do các bệnh như chảy nước mũi sau hoặc trào ngược dạ dày thực quản.
- Các nguyên nhân ít phổ biến hơn gây ho mãn tính ở người lớn bao gồm lao (bệnh lao), nhiễm nấm phổi và ung thư phổi.
Ho ở trẻ em
Ho ở trẻ em thường có nguyên nhân tương tự như những trường hợp nêu trên. Ví dụ, nhiễm trùng đường hô hấp, hen suyễn và trào ngược đều có thể ảnh hưởng đến trẻ em.
Nguyên nhân gây ho thường gặp ở trẻ em hơn người lớn bao gồm:1
- Viêm tiểu phế quản: một bệnh nhiễm trùng đường hô hấp nhẹ thường gây ra các triệu chứng giống như cảm lạnh.
- Dị vật thanh quản: điều này gây ra một tiếng ho rất đặc biệt và một âm thanh chói tai được gọi là tiếng rít thanh quản khi trẻ hít vào.
- Ho gà: nên để ý các triệu chứng như ho dữ dội, liên tục, nôn mửa và âm thanh “khục khục” sau mỗi lần thở mạnh sau khi ho.
- Ho dai dẳng: có thể là dấu hiệu của một tình trạng nghiêm trọng lâu dài ở trẻ, chẳng hạn như bệnh xơ nang.
Những tình huống cấp cứu trong cách giảm ho
Trong một số trường hợp, cơn ho là biểu hiện của một bệnh lý cấp cứu. Nó đòi hỏi người bệnh phải được điều trị cấp cứu kịp thời. Không thôi sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Những nguyên nhân gây ho cấp cứu bao gồm:
- Phù phổi cấp (OAP).
- Thuyên tắc mạch máu ở phổi.
- Tràn dịch màng phổi, tràn khí màng phổi.
- Chấn thương phổi gây đảo ngược hô hấp.
- Xẹp phổi.
- Dị vật đường thở.
- Suy tim.
- Suy hô hấp cấp tính do viêm phổi nặng.
Phân biệt ho có đờm và ho khan
Bên cạnh phân loại ho theo nguyên nhân, một cách phân loại ho phổ biến nữa đó chính là ho có đờm và ho khan.
Bệnh ho khan1
Ho khan là một cơn ho không ra đờm. Bạn có thể cảm thấy nhột nhột ở phía sau cổ họng, kích hoạt phản xạ ho, khiến bạn có những cơn ho kéo dài.
Ho khan thường khó kiểm soát và có thể xuất hiện trong thời gian dài. Ho khan xảy ra do đường hô hấp của bạn bị viêm hoặc kích ứng nhưng không có chất nhầy dư thừa để ho ra. Ho khan thường do nhiễm trùng đường hô hấp trên, chẳng hạn như cảm lạnh hoặc cúm.
Ở cả trẻ em và người lớn, ho khan thường kéo dài trong vài tuần sau khi cảm lạnh hoặc cúm qua đi. Các nguyên nhân khác có thể gây ra ho khan, bao gồm:
- Viêm thanh quản.
- Đau họng.
- Viêm amidan.
- Viêm xoang.
- Hen suyễn.
- Dị ứng.
- Bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD).
- Thuốc, đặc biệt là thuốc ức chế men chuyển.
- Tiếp xúc với các chất kích thích như ô nhiễm không khí, bụi hoặc khói.
Ho có đờm1
Là một cơn ho thường có chất nhầy. Cảm lạnh hoặc cúm thường gây ra những cơn ho có đờm. Chúng có thể đến từ từ hoặc nhanh chóng và có thể kèm theo các triệu chứng khác, chẳng hạn như:
- Sổ mũi, chảy nước mũi.
- Mệt mỏi.
- Ho có đờm nghe ướt át vì cơ thể bạn đang đẩy chất nhầy ra khỏi hệ hô hấp (Họng, Mũi, Đường thở, Phổi).
Nếu bị ho có đờm, bạn có thể cảm thấy như có vật gì đó mắc kẹt hoặc nhỏ giọt ở phía sau cổ họng hoặc ở ngực. Một số cơn ho sẽ đưa chất nhầy vào miệng. Ho có đờm có thể cấp tính và kéo dài dưới 3 tuần hoặc mãn tính và kéo dài hơn 8 tuần ở người lớn hoặc 4 tuần ở trẻ em. Thời gian ho có thể là một gợi ý lớn về nguyên nhân của nó.
Các tình trạng có thể gây ho có đờm bao gồm:
- Cảm lạnh hoặc cúm.
- Viêm phổi.
- Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), bao gồm khí phế thũng và viêm phế quản mãn tính.
- Viêm phế quản cấp.
- Hen suyễn.
- Ho ở trẻ sơ sinh, trẻ mới biết đi và trẻ em kéo dài dưới 3 tuần hầu như luôn luôn do cảm lạnh hoặc cúm.
Chẩn đoán ho
Nếu bác sĩ quyết định rằng ho là do cảm lạnh thông thường hoặc cúm, lời khuyên chung sẽ là nghỉ ngơi, uống nhiều nước và để bệnh tự hết. Trong phần lớn các trường hợp, những cơn ho như vậy sẽ khỏi sau 1-2 tuần.4
Ho do nhiễm virus kéo dài hơn một vài tuần có thể cần được chăm sóc y tế. Bác sĩ có thể yêu cầu một số xét nghiệm chẩn đoán, chẳng hạn như chụp X-quang phổi. Một mẫu đờm có thể được gửi đến phòng thí nghiệm để phân tích nhằm xác định nguyên nhân gây nhiễm trùng.4
Bệnh nhân có thể được yêu cầu thở vào và thở ra bằng một ống gắn với máy. Điều này giúp bác sĩ xác định xem đường thở có bị tắc nghẽn hay không (xét nghiệm này được gọi là đo phế dung ký). Thường gặp trong bệnh hen suyễn hoặc khí phế thũng.4
Nếu được chẩn đoán hen suyễn, bệnh nhân có thể được chỉ định dùng thuốc điều trị hen suyễn. Đôi khi, bác sĩ có thể giới thiệu bệnh nhân đến bác sĩ chuyên khoa phổi hoặc tai mũi họng.4
Xem thêm: Ho mạn tính: Nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị
Cách trị ho hiệu quả
Cách giảm ho tại nhà
Nếu ho do virus, chúng ta không nhất thiết phải uống thuốc kháng sinh. Tuy nhiên, bạn có thể làm dịu cơn ho bằng những cách sau:3
- Uống nhiều nước ấm, hạn chế uống nước đá, nước lạnh.
- Kê cao đầu bằng gối phụ khi ngủ.
- Sử dụng thuốc giảm ho có nguồn gốc thảo dược để làm dịu cổ họng. Chẳng hạn như Eugica.
- Súc miệng bằng nước muối ấm thường xuyên để loại bỏ chất nhầy và làm dịu cổ họng.
- Tránh tiếp xúc các chất kích thích đường hô hấp, bao gồm khói và bụi.
- Thêm mật ong hoặc gừng vào trà nóng để giảm ho và thông đường thở.
- Sử dụng thuốc xịt thông mũi để thông mũi và dễ thở.
Cách điều trị ho từ bác sĩ chuyên khoa
Thông thường, chăm sóc y tế sẽ liên quan đến việc bác sĩ nhìn xuống cổ họng của bạn, lắng nghe tiếng ho của bạn và hỏi về bất kỳ triệu chứng nào khác.
Nếu ho có thể do vi khuẩn, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc kháng sinh uống. Thông thường, bạn sẽ cần dùng thuốc trong một tuần để chữa khỏi hoàn toàn cơn ho. Họ cũng có thể kê toa siro ho long đờm hoặc thuốc giảm ho có chứa codeine, Dextromethorphan.3
Nếu vẫn chưa tìm được nguyên nhân, các bác sĩ sẽ chỉ định một số xét nghiệm cần thiết. Chẳng hạn như X Quang phổi, CT phổi, đo phế dung ký, xem nghiệm đờm,… Từ đó, cách chữa bệnh ho có thể là:
- Thuốc kháng lao nếu bị bệnh lao.
- Điều trị bệnh trào ngược dạ dày thực quản.
- Phẫu thuật, có thể kèm theo hóa trị và xạ trị trong điều trị ung thư phổi, ung thư phế quản,…
- Điều trị các bệnh lý tim mạch,…
Nói chung, ho là một từ ngữ dùng để chỉ những cơn ho do bệnh lý, không phải ho do phản xạ. Tùy theo mức độ nặng và nguyên nhân gây ho mà cách trị ho sẽ khác nhau. Tuy nhiên, nếu ho dai dẳng, kéo dài thì chúng ta nên đi khám để được các bác sĩ chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
What Does My Type of Cough Mean?https://www.healthline.com/health/types-of-coughs
Ngày tham khảo: 15/04/2022
-
Anatomy and neuro-pathophysiology of the cough reflex archttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3415124/
Ngày tham khảo: 15/04/2022
-
Why Am I Coughing?https://www.healthline.com/health/cough
Ngày tham khảo: 15/04/2022
-
All about coughs and their causeshttps://www.medicalnewstoday.com/articles/220349
Ngày tham khảo: 15/04/2022
-
Coughhttps://www.mayoclinic.org/symptoms/cough/basics/definition/sym-20050846
Ngày tham khảo: 15/04/2022
-
Coughhttps://www.nhs.uk/conditions/cough/
Ngày tham khảo: 15/04/2022
-
Why You Coughhttps://www.webmd.com/cold-and-flu/overview#091e9c5e80af84a5-2-4
Ngày tham khảo: 15/04/2022