Trẻ bị sốt sau khi tiêm phòng 6 trong 1 và cách chăm sóc trẻ sau tiêm
Nội dung bài viết
Sau tiêm vắc-xin, việc cơ thể trẻ xuất hiện các triệu chứng là điều thường gặp. Đặc biệt là loại vắc xin có nhiều công dụng như vắc xin 6 trong 1. Tuy nhiên nếu gặp các trường hợp đó bố mẹ cần xử trí như thế nào? Làm gì khi trẻ bị sốt sau khi tiêm phòng 6 trong 1? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây của Dược sĩ Nguyễn Ngọc Cẩm Tiên.
Phản ứng có thể xảy ra sau tiêm vắc xin 6 trong 1
Tình trạng trẻ bị sốt sau khi tiêm phòng 6 trong 1

- Trẻ bị sốt sau khi tiêm phòng 6 trong 1 là phản ứng thường gặp.
- Phần lớn trẻ thường sốt nhẹ và có thể tự khỏi và thường ít khi kéo dài quá 2 ngày. Tuy nhiên, khi trẻ sốt, mẹ cần kiểm tra nhiệt độ của trẻ khoảng 2 – 3 giờ/ lần. Hoặc nếu trẻ bắt đầu sốt > 38° C cần kiểm tran 15 – 30 phút/ lần.
- Trường hợp trẻ sốt > 38,5° C thì cần dùng thuốc hạ sốt (uống hoặc đặt hậu môn). Nếu nhiệt độ của trẻ < 38° C, chỉ cần theo dõi và chườm ấm cho trẻ (lưu ý chỉ chênh lệch từ 1 – 2° C). Hoặc hạ sốt cho trẻ bằng miếng dán hạ sốt.
Phản ứng tại vị trí tiêm

Sau khi tiêm phòng, tại vị trí tiêm có thể bị sưng, đỏ, đau hoặc tình trạng chai cứng tại vị trí tiêm. Tuy nhiên, triệu chứng này cũng thường tự khỏi sau vài ngày và không cần điều trị gì.
Lưu ý tuyệt đối không được đắp bất cứ gì vào vị trí tiêm. Chẳng hạn như dùng chanh, khoai tây…hoặc chườm bằng đá, chườm nước nóng. Trường hợp trẻ sưng đau vị trí tiêm, thì tình trạng quấy khóc nhiều. Do vậy, có thể cho trẻ sử dụng paracetamol với liều hạ sốt cũng có thể giúp trẻ giảm đau.
Chú ý trong một số ít trường hợp có thể xuất hiện vết bầm tím tại vị trí tiêm, đặc biệt đối với trẻ có bệnh lí về máu hoặc giảm tiểu cầu. Trường hợp trẻ bị thiếu yếu tố đông máu hoặc giảm tiểu cầu quá mức có thể truyền các yếu tố đông máu hoặc truyền tiểu cầu trước khi tiêm phòng.
Nguyên nhân của những phản ứng này
Thứ nhất là do sức đề kháng của trẻ còn rất yếu. Do đó, khi tiêm bất cứ loại vắc xin nào cũng có thể gặp phản ứng phụ như gây sốt, sưng đau và quấy khóc… Trong đó, tình trạng trẻ bị sốt sau khi tiêm phòng 6 trong 1 là phản ứng rất bình thường của cơ thể cho biết hệ miễn dịch của trẻ đang đáp ứng với vắc xin. Vì thế, không nên quá lo lắng vì việc con sốt hay hay không sốt sau chích ngừa không quyết định hiệu quả của vắc xin.
Tùy vào từng thể trạng khác nhau mà biểu hiện trên từng trẻ cũng khác nhau
Sau khi tiêm mũi 5 trong 1 trong chương trình tiêm chủng mở rộng, thông thường các bé sau khi tiêm về đều bị sốt nhẹ khoảng 38 – 38.5º C kèm tình trạng quấy khóc và/ hoặc ăn uống kém. Tuy nhiên, theo bác sĩ, đây là những triệu chứng rất bình thường và trẻ sẽ tự hết sau 1 – 2 ngày.
Nguyên nhân của tình trạng sốt này chủ yếu sau khi trẻ tiêm mũi 5 trong 1 là do:
- Thành phần ho gà trong vắc xin Quinvaxem và ComBE Fine.
- Đây là thành phần ho gà loại toàn tế bào. Điều này có nghĩa là vắc xin tinh chế từ vi khuẩn ho gà sau khi được nuôi cấy tăng sinh trong môi trường và làm chết bằng nhiệt độ. Chúng được giữ nguyên cấu trúc vi khuẩn nên sẽ gây nhiều phản ứng cho trẻ nhỏ.
Các điểm cần lưu ý khi đưa trẻ đi tiêm vắc xin
Vắc xin 6 trong 1 cũng không ngoại lệ, nghĩa là trẻ bị sốt sau khi tiêm phòng 6 trong 1, quấy khóc hoặc bỏ ăn bỏ bú. Tuy nhiên, trong vắc xin có thành phần ho gà vô bào. Chính vì vậy, sau tiêm vắc xin này sẽ ít gây phản ứng phụ. Chính vì thế, vắc xin 6 trong 1 đang được bố mẹ yêu cầu để chích cho trẻ nhiều hơn
Ngoài ra, để đảm bảo an toàn cần đưa trẻ đến trung tâm tiêm chủng uy tín. Điều này có nghĩa là nơi tiêm phòng có nguồn vắc xin đảm bảo và khám sàng lọc cho trẻ cẩn thận trước tiêm. Lưu ý, không tiêm phòng cho trẻ nếu đang trong các trường hợp sau
- Đang bị bệnh hoặc sốt cao
- Trẻ đang sử dụng thuốc kháng sinh để điều trị.
- Hoặc có thể trẻ phản ứng với một số thành phần trong vacxin.
Do vậy, trước khi tiêm, mẹ cần thông tin đầy đủ cho bác sĩ về tình trạng sức khỏe của trẻ, cụ thể
- Trẻ có bị suy dinh dưỡng
- Có bệnh mãn tính hay không?
- Đã từng mắc bệnh gì trước đó? Có dị ứng với bất cứ thành phần nào không?
Xử trí khi trẻ bị sốt sau khi tiêm phòng 6 trong 1

Lưu ý, sốt là một phản ứng thường gặp sau khi tiêm vắc xin. Tuy nhiên, cần theo dõi sát phản ứng của trẻ để có thể xử lý kịp thời. Ngoài ra, cũng có thể áp dụng một số phương pháp đơn giản và hiệu quả để giúp trẻ giảm đau, hạ sốt sau khi tiêm. Cụ thể:
- Ở lại trung tâm y tế để theo dõi tình trạng của trẻ sau khi tiêm thêm khoảng 30 phút. Để tránh trường hợp sốc phản vệ không được xử lý kịp thời, vì thế không nên đưa trẻ về ngay sau khi tiêm
- Cần theo dõi nhiệt độ của bé thường xuyên, có thể sử dụng nhiệt kế để theo dõi. Trường hợp trẻ sốt cao và kéo dài không hạ thì lập tức đưa trẻ đến bệnh viện để xử trí.
- Không được tự ý sử dụng thuốc hạ sốt. Cần có chỉ định của bác sĩ trước khi dùng.
- Dùng khăn ấm chườm hoặc lau người cho trẻ. Đặc biệt nên chườm ở một số vùng như nách bẹn, bàn tay, bàn chân…
- Cho trẻ mặc quần áo thông thoáng, thấm hút mồ hôi. Không mặc quá nhiều lớp khiến bé khó chịu
- Tạo không gian thoáng mát, thoải mái cho bé.
Việc tiêm phòng vắc xin đầy đủ cho trẻ là điều rất quan trọng. Điều này ảnh hưởng đến việc phòng bệnh cho trẻ trong suốt quá trình bé lớn lên. Tuy nhiên, bố mẹ cần lưu ý theo dõi các triệu chứng sau khi tiêm. Đặc biệt trẻ thường bị sốt sau khi tiêm phòng 6 trong 1. Hãy liên hệ cho bác sĩ để được tư vấn cách xử trí chính xác cho những trường hợp phản ứng của bé.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Phản ứng sau tiêmhttps://vnvc.vn/tiem-mui-6-trong-1-co-sot-khong-bac-si-tiet-lo-cach-cham-soc-tre-sau-tiem-phong/
Ngày tham khảo: 29/04/2021