Triệu chứng gai cột sống và những dấu hiệu cần lưu ý
Nội dung bài viết
Gai cột sống là bệnh khá thường gặp hiện nay xuất hiện ở nhiều độ tuổi. Bệnh gây đau nhức, giảm khả năng lao động của người bệnh. Vì vậy nhận biết bệnh qua các triệu chứng gai cột sống ban đầu rất cần thiết. Giúp người bệnh sớm có kế hoạch đến khám và điều trị tại các bệnh viện chuyên khoa. Hãy cùng hiểu hơn về các triệu chứng gai cột sống qua bài viết dưới đây của ThS.BS Vũ Thành Đô.
Tại sao bị gai cột sống?
Cột sống có chức năng giúp cơ thể đứng vững và bảo vệ vùng tủy sống, thần kinh nối trực tiếp với não bộ bên trong.
Gai cột sống là sự hình thành thêm của xương trên mỗi đốt sống của cột sống. Gai cột sống thường hình thành do xương đốt sống bị thoái hoá. Gai xương phát triển nhằm bù trừ lại sự chịu lực bị mất của xương đốt sống đã thoái hoá.
Bất kể phần nào của cột sống đều có thể hình thành nên gai xương. Tuy nhiên chúng ta thường thấy triệu chứng gai cột sống ở vùng thắt lưng hoặc vùng cổ. Nguyên nhân vì hai vị trí này phải chịu nhiều lực tác động vào nhất khi cơ thể thường xuyên gập ưỡn, xoáy trở. Sự chịu lực tác động vào thường xuyên làm tình trạng thoái hóa khớp diễn ra nhanh hơn. Hậu quả của thoái hoá khớp là hình thành gai cột sống.
Triệu chứng gai cột sống thường gặp
1. Đau nhức vùng lưng, cột sống
Đau vùng lưng là một trong những triệu chứng thường gặp nhất khiến bệnh nhân đến khám. Cơn đau thường xuất hiện tại vị trí cột sống hoạt động nhiều như cột sống cổ và thắt lưng.
Gai cột sống vùng thắt lưng đau khi có các vận động như gập cúi người, đứng ngồi quá lâu. Gai cột sống cổ đau nhiều khi xoay cổ, hay gập cúi.
Khi người bệnh đi đứng cơn đau dễ xuất hiện. Nhất là khi khuân vác các vật nặng cơn đau trở nên nghiêm trọng hơn.
Tình trạng đau lan từ cột sống lan xuống lưng và chân khi bị gia cột sống thắt lưng. Đau do sự cọ xát giữa các xương hoặc gai cột sống chèn vào dây thần kinh và cơ.
2. Cảm giác tê bì, yếu tay chân
Nhiều người bệnh than phiền cảm giác tê tay chân. Thậm chí cảm giác sức cơ yếu đi, vận động khó. Nguyên nhân là do gai cột sống đã chèn vào dây thần kinh cảm giác hoặc vận động.
Tuỳ vào vị trí gai cột sống mà cảm giác có một chút sự khác biệt. Nếu gai cột sống ở vùng cột sống cổ thường cảm giác tê và ngứa ở cánh tay, đau vai gáy. Nếu gai cột sống vùng thắt lưng lại gây ảnh hưởng vùng hai chi dưới nhiều hơn. Cảm giác như rát bỏng, đau cơ đùi, cẳng chân, bàn chân và ngón chân.
3. Rối loạn tiểu tiện
Rối loạn tiểu tiện là triệu chứng gai cột sống hiếm gặp nhưng khá nặng. Rối loạn tiểu tiện xảy ra khi gai xương ở khu vực thắt lưng phát triển nhiều và chèn ép quá mức vào khu vực lưng dưới. Khu vực này chứa các thần kinh kiểm soát chức năng của bàng quang và ruột xuất phát từ cột sống.
Do đó khi các gai xương phát triển về kích thước làm hẹp ống sống gây nguy cơ chèn ép vào các thần kinh này. Gây ra tình trạng người bệnh không thể tự chủ trong vấn đề đi tiêu và đại tiện.
Quá trình chẩn đoán triệu chứng gai cột sống lưng cổ
Để chẩn đoán chính xác gai cột sống, tốt nhất nên được đánh giá bởi bác sĩ chuyên khoa. Trước hết bác sĩ hỏi bạn qua các triệu chứng gai cột sống gặp phải trong thời gian bệnh. Sau đó kết hợp triệu chứng và thăm khám vùng cột sống để đưa ra chẩn đoán.
Để chẩn đoán chắc chắn và kiểm tra các tổn thương xung quanh, bác sĩ có thể yêu cầu làm thêm một số xét nghiệm khác:
- X-quang cột sống: xét nghiệm này cho thấy hình ảnh gai cột sống và mức độ thoái hoá của các đốt sống. Hình ảnh đĩa đêm, sự thay đổi sụn khớp, thiếu xương giúp đánh giá độ thoái hoá.
- Chụp cắt lớp vi tính (CT scan): trong trường hợp tổn thương gai cột sống không rõ ràng, không chắc chắn vùng tổn thương xung quanh. CT Scan cho thấy được hình ảnh chi tiết của cột sống và mức độ tổn thương đến các tổ chức lân cận. CT Scan cũng giúp bác sĩ đưa ra phương pháp tối ưu. Nhất là trước khi quyết định có điều trị phẫu thuật hay không.
- Xét nghiệm máu: khi bác sĩ nghi ngờ tình trạng thoái hoá cột sống không phải tự nhiên. Xét nghiệm còn giúp tìm các nguyên nhân khác hoặc các nguyên nhân gây đau cột sống.
- Đo điện cơ: mục đích kiểm tra tốc độ dẫn truyền thần kinh từ tay chân đến não bộ và ngược lại. Từ đó xác định được có tổn thương do gai cột sống chèn ép thần kinh hay không và mức độ tổn thương thần kinh tương ứng.
Khi có triệu chứng bệnh gai cột sống nên khám ở chuyên khoa nào?
Gai cột sống không chỉ đem đến sự phiền phức khi đau nhức, tê bì kéo dài mà còn gây nhiều biến chứng nặng nề cho người bệnh nếu không sớm điều trị. Do đó khi có bất kỳ triệu chứng gai cột sống như:
- Đau vai gáy lan lên vùng cổ, cánh tay.
- Đau vùng thắt lưng, mông lan xuống vùng cẳng chân, bàn chân.
Tốt nhất bạn nên đến sớm đến các trung tâm y tế để khám và điều trị bệnh.
Sẽ tốt hơn nếu bạn điều trị ở bác sĩ chuyên khoa. Khoa ngoại thần kinh hoặc khoa chấn thương chỉnh hình là hai khoa tốt nhất để bạn đến khám các vấn đề về cột sống. Nơi khám chuyên khoa giúp người bệnh phát hiện sớm và điều trị hiệu quả, tránh biến chứng về sau.
Ngoài việc điều trị bằng thuốc, bác sĩ chuyên khoa sẽ hướng dẫn cho người bệnh gai cột sống một số phương pháp vật lý trị liệu và tập luyện thể thao khác nhằm tăng hiệu quả điều trị.
Sớm phát hiện bệnh ngay từ những triệu chứng gai cột sống ban đầu rát cần thiết. Giúp người bệnh giảm nhiều chi phí trong điều trị và hạn chế biến chứng của bệnh gai cột sống. Người bệnh cần tuân thủ hướng dẫn điều trị của bác sĩ bao gồm thuốc và chế độ tập luyện để phục hồi nhanh hơn. Trong cuộc sống hằng ngày người bệnh cần tránh khuân vác các vật quá năng, không nên đứng ngồi quá lâu để tránh bệnh tái phát trong quá trình điều trị.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Bone Spurshttps://www.webmd.com/pain-management/what-are-bone-spurs#1-2
Ngày tham khảo: 28/07/2021
-
Bone Spurs: What You Should Know About Osteophytosishttps://www.healthline.com/health/bone-spurs-osteophytosis#outlook
Ngày tham khảo: 28/07/2021
-
Dấu hiệu nhận biết bệnh gai cột sốnghttps://suckhoedoisong.vn/dau-hieu-nhan-biet-benh-gai-cot-song-n23570.html
Ngày tham khảo: 28/07/2021
-
Bệnh gai cột sống và biến chứnghttps://suckhoedoisong.vn/benh-gai-cot-song-va-bien-chung-16978839.htm
Ngày tham khảo: 28/07/2021