YouMed

Trứng cá đỏ (Rosacea): Nguyên nhân, triệu chứng và chẩn đoán

Bác sĩ VÕ THỊ NGỌC HIỀN
Tác giả: Bác sĩ Võ Thị Ngọc Hiền
Chuyên khoa: Da liễu

Trứng cá đỏ (Rosacea) là một bệnh lý lành tính ở da. Bệnh có các biểu hiện như đỏ da, châm chích hay nổi mụn đỏ, mụn mủ,… khiến nhiều người nhầm lẫn với mụn trứng cá. Trong bài viết này, YouMed sẽ giới thiệu đến bạn những thông tin cơ bản về trứng cá đỏ. Từ đó, giúp bạn nhận biết và phân biệt Rosacea với các bệnh lý khác trên da.

1. Trứng cá đỏ là gì?

Trứng cá đỏ là một bệnh lý mạn tính, do rối loạn các đơn vị nang lông tuyến bã ở da. Bệnh thường biểu hiện ở da mặt hơn là các vùng da khác của cơ thể. Bệnh xuất hiện với các triệu chứng như: nổi mẩn đỏ, châm chích, bỏng rát, mụn mủ,… Chính vì thế, trứng cá đỏ thường bị lầm tưởng với mụn trứng cá và các bệnh lý dị ứng khác.

Trứng cá đỏ không hiếm mà tương đối phổ biến trong dân số. Bệnh thường khởi phát các triệu chứng ở da sau 30 tuổi. Tuy nhiên cũng có thể xảy ra ở trẻ em, thanh thiếu niên hay người trẻ. Trứng cá đỏ gặp ở nữ nhiều hơn so với nam và ít gặp ở người có màu da sậm, tối màu.

Trứng cá đỏ là bệnh lý phổ biến và thường gặp trong đời sống

2. Nguyên nhân gây ra trứng cá đỏ?

Mặc dù chúng ta biết rằng bệnh lý Rosacea có sự rối loạn các đơn vị nang lông tuyến bã mạn tính. Tuy nhiên, nguyên nhân gây bệnh thật sự vẫn chưa được làm sáng tỏ. Có nhiều giả thuyết về nguyên nhân gây bệnh được đề ra như:

  • Môi trường

Giả thuyết cho rằng ban đầu da bị tổn thương do tiếp xúc trực tiếp với tia cực tím từ ánh nắng mặt trời trong một thời gian dài. Sau đó gây rối loạn chức năng các mạch máu ở da mặt. Biểu hiện, triệu chứng là đỏ da, giãn mạch máu lan tỏa khắp vùng mặt.

  • Thực phẩm

Chưa có nghiên cứu rõ ràng chứng minh thực phẩm có thể gây ra bệnh trứng cá đỏ. Tuy nhiên, quan sát thấy rằng bệnh sẽ trở nên nặng hơn khi uống rượu, các loại đồ uống nóng hay ăn các thức ăn có nhiều gia vị.

  • Thuốc

Sử dụng các thuốc có chứa thành phần corticoid hay thuốc điều trị huyết áp có tác dụng phụ là giãn mạch máu có thể khiến bệnh trở nên nặng hơn.

Ngoài ra, sử dụng các loại kem bôi, mỹ phẩm không rõ nguồn gốc làm giãn mạch máu vùng da mặt cũng làm tình trạng trứng cá đỏ bùng phát nặng.

  • Di truyền, chủng tộc

Chúng ta sẽ có nguy cơ mắc bệnh khi trong gia đình có người thân bị Rosacea . Rosacea có thể xảy ra với bất kỳ ai nhưng thường gặp hơn ở người da trắng hay người có da sáng màu, ít gặp ở người da đen hay người có da sậm màu.

Các loại thực phẩm, môi trường hoặc yếu tố di truyền là một trong những nguyên nhân chính tạo ra trứng cá đỏ

3. Triệu chứng của trứng cá đỏ?

Trứng cá đỏ biểu hiện qua các triệu chứng sau đây:

  • Vị trí

Các triệu chứng của bệnh trứng cá đỏ thường chỉ biểu hiện ở da mặt và tập trung giữa mặt như trán, mũi, má, cằm.

Bệnh cũng có thể ảnh hưởng đến vùng mi mắt, và hiếm biểu hiện ở các vùng khác của cơ thể.

  • Đỏ và khô da

Triệu chứng đầu tiên thường gặp của bệnh Rosacea là tình trạng đỏ bừng mặt.

Tại vùng bị đỏ da, có thể nhìn thấy nhiều mạch máu nhỏ hiện rõ trên bề mặt da và da trở nên khô ráp.

  • Châm chích, bỏng rát

Triệu chứng này thường đi kèm với đỏ da mặt. Người bệnh cảm giác vùng da đỏ châm chích, bỏng rát hay ngứa. Xuất hiện nhiều hơn khi sử dụng mỹ phẩm dưỡng da hoặc trang điểm. Chính điểm này khiến cho người bệnh lầm tưởng mình bị dị ứng với các loại mỹ phẩm chăm sóc da.

  • Mụn đỏ, mụn mủ

Ngoài triệu chứng đỏ da, người bệnh có thể bị nổi nhiều mụn đỏ hay mụn mủ ở vùng da mặt.

Các mụn này xuất hiện có thể bị chẩn đoán lầm với bệnh mụn trứng cá, tuy nhiên trong trường hợp bị trứng cá đỏ sẽ không xuất hiện các mụn đầu đen hay nhân mụn ẩn như trong mụn trứng cá.

  • Kích ứng mắt

Một vài trường hợp Rosacea ảnh hưởng đến mắt với dấu hiệu mạch máu bị giãn và hiện rõ trên lòng trắng của mắt khiến cho mắt bị đỏ.

Người bệnh thường xuyên cảm giác khô mắt, ngứa mắt, chảy nước mắt, sưng mí mắt và sợ ánh sáng.

Trong trường hợp nặng mà không được điều trị, người bệnh có thể bị giảm thị lực hay thậm chí mù lòa.

  • Diễn tiến

Khi bệnh tiến triển thì da vùng bị bệnh sẽ dày lên dẫn đến biến dạng vùng mũi, trán, cằm hay mi mắt.

Bệnh trứng cá đỏ thường biểu hiện ở da mặt và tập trung giữa mặt như trán, mũi, má, cằm

4. Chẩn đoán trứng cá đỏ?

Để chẩn đoán bệnh Rosacea, chúng ta dựa vào các yếu tố gợi ý, triệu chứng và các xét nghiệm.

  • Yếu tố gợi ý

Trong gia đình có người bị Rosacea gợi ý bệnh do di truyền.

Bệnh khởi phát sau 30 tuổi và xuất hiện ở nữ hay bệnh bùng phát sau khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời hoặc do rượu, các đồ uống nóng,…

  • Triệu chứng

Đỏ da là biểu hiện thường gặp và xuất hiện chủ yếu khi bị trứng cá đỏ. Ngoài ra người bệnh có các dấu hiệu khác như châm chích, khô da, giãn mạch máu hay kích ứng mắt.

  • Xét nghiệm

Chẩn đoán bệnh Rosacea thường dựa vào triệu chứng và gợi ý là chính.

Các xét nghiệm như cạo vảy da nhằm tìm sự hiện diện của vi trùng để loại trừ mắc bệnh da khác.

Chẩn đoán bệnh Rosacea dựa vào các yếu tố gợi ý, triệu chứng và các xét nghiệm
Khi có các triệu chứng kể trên, bạn cần lưu ý để phân biệt với các bệnh lý da khác để có biện pháp chăm sóc và điều trị phù hợp bạn nhé!

Bác sĩ Võ Thị Ngọc Hiền

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

Trứng cá đỏ, Bài giảng da liễu, Đại học Y dược TPHCM

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người