Tụt nướu: Nguyên nhân, cách phòng ngừa, điều trị
Nội dung bài viết
Tụt nướu là một vấn đề răng miệng phổ biến. Hầu hết mọi người không biết họ bị tụt nướu vì nó xảy ra dần dần. Dấu hiệu đầu tiên của tình trạng tụt nướu thường là răng ê buốt, hoặc bạn có thể nhận thấy răng trông dài hơn bình thường. Tụt nướu là tình trạng cần phải điều trị. Nếu bạn nghĩ rằng nướu của mình đang bị tụt xuống, hãy gặp nha sĩ ngay. Có những phương pháp điều trị có thể giúp phục hồi nướu và ngăn ngừa tổn thương thêm. Bài viết sau sẽ cung cấp đầy đủ thông tin cần thiết cho bạn về tình trạng này.
1. Nguyên nhân
Có một số yếu tố có thể khiến nướu của bạn bị tụt bao gồm:
-
Các bệnh nha chu.
Khi mảng bám tích tụ trên răng, nó có thể gây ra viêm nướu và có thể dẫn đến viêm nha chu. Viêm nha chu tạo ra khoảng trống giữa nướu và răng, cộng với việc mất các sợi liên kết và xương xung quanh chân răng. Điều này có thể dẫn đến tụt nướu và tiêu xương.
Bệnh nha chu là nguyên nhân phổ biến gây tụt nướu. Bệnh nha chu gây mất xương nâng đỡ và mô xung quanh răng do phản ứng viêm. Tình trạng tụt nướu có xu hướng ảnh hưởng đến tất cả các răng.
-
Chăm sóc răng miệng không đầy đủ.
Đánh răng không đúng cách, không dùng chỉ nha khoa và súc miệng bằng nước súc miệng kháng khuẩn dễ khiến mảng bám chuyển thành vôi răng (cao răng). Đó một chất cứng bám trên và giữa các kẽ răng và chỉ có thể loại bỏ bằng phương pháp vệ sinh nha khoa chuyên nghiệp. Nó có thể dẫn đến tình trạng tụt nướu. Tuy nhiên, tụt nướu cũng có thể xảy ra ở những người vệ sinh răng miệng tốt.
-
Đánh răng quá mạnh, sai cách.
Sự mài mòn thực thể của nướu và viêm mô là những lý do chính gây ra tình trạng tụt lợi. Sự mài mòn của nướu do đánh răng mạnh hoặc sử dụng bàn chải cứng là một nguyên nhân phổ biến hơn nữa gây tụt nướu. Đánh răng quá kỹ gây tụt nướu ngay cả khi việc vệ sinh răng miệng có thể tốt.
Tụt nướu thường ảnh hưởng đến bên trái của miệng nhiều hơn. Điều này là do hầu hết mọi người sử dụng bàn chải đánh răng bằng tay phải và tạo áp lực nhiều hơn lên nướu bên trái. Nó cũng có xu hướng ảnh hưởng đến nướu các răng sau nhiều hơn răng trước.
-
Yếu tố di truyền.
Một số người cũng có thể dễ bị tụt nướu do yếu tố di truyền. Những yếu tố này bao gồm: vị trí của răng và độ dày của nướu. Một số người có thể dễ bị bệnh nướu răng hơn. Trên thực tế, các nghiên cứu cho thấy 30% dân số có thể dễ mắc bệnh nướu răng, bất kể họ chăm sóc răng miệng tốt như thế nào.Một số người dễ bị các nguyên nhân viêm của tụt nướu hơn do có nhiều mô mỏng hơn. Mô nướu mỏng hơn dễ gây viêm nhiễm hơn mảng bám.
- Các yếu tố vật lý khác bao gồm: xỏ khuyên môi hoặc lưỡi và tổn thương do điều trị nha khoa.
-
Tuổi tác
Tuổi tác là một yếu tố nguy cơ chính. Khoảng 88% người trên 65 tuổi bị tụt nướu ở ít nhất một chiếc răng.
- Bệnh tiểu đường cũng có thể làm tăng nguy cơ tụt nướu.
-
Thay đổi nội tiết tố.
Sự thay đổi nồng độ nội tiết tố nữ trong suốt cuộc đời của phụ nữ, chẳng hạn như ở tuổi dậy thì, mang thai và mãn kinh, có thể làm cho nướu răng nhạy cảm hơn và dễ bị tụt nướu hơn.
-
Sử dụng thuốc lá.
Người sử dụng thuốc lá dễ có mảng bám dính trên răng, khó loại bỏ và có thể gây tụt nướu.
-
Nghiến răng
Nghiến hoặc nghiến răng có thể tạo lực quá mạnh lên răng, khiến nướu bị tụt xuống.
-
Răng khấp khểnh hoặc khớp cắn lệch lạc.
Khi các răng mọc không đều nhau, có thể tạo ra một lực quá lớn lên nướu và xương, khiến nướu bị tụt lại.
2. Các triệu chứng của tụt nướu
Nướu bị tụt có thể khiến răng nhạy cảm với nhiệt và lạnh. Nhiều người bị tụt nướu có thể không quan tâm đến chúng sớm và có thể không biết rằng nướu của họ đang bị tụt. Tuy nhiên, có thể gặp những điều sau:
- Nhạy cảm với lạnh và nóng do chân răng tiếp xúc với môi trường.
- Thân răng trở nên dài hơn.
- Vùng nướu giữa các răng biến mất, khiến khoảng cách giữa các răng trông rộng hơn.
- Có thể kèm theo răng lung lay, đau nhức.
- Quan trọng nhất, tụt nướu có thể là một triệu chứng của các vấn đề răng miệng tiềm ẩn; bao gồm cả bệnh nướu răng và có thể làm tăng nguy cơ sâu răng và mất răng.
- Chúng cũng có thể dẫn đến hôi miệng và chảy máu nướu răng.
Xem thêm bài viết: Các phương pháp làm trắng răng tại nhà: Nên và không nên!
3. Biến chứng của tụt nướu
CDA ước tính rằng các bệnh nha chu như tụt nướu là nguyên nhân gây ra khoảng 70% trường hợp mất răng ở người trưởng thành. Khi không có đủ mô nướu để giữ chân răng tại chỗ, răng rất dễ bị rụng. Trong một số trường hợp, nhiều răng lung lay được nha sĩ loại bỏ trước khi chúng rụng. Tụt nướu còn gây ảnh hưởng đến thẩm mỹ của bệnh nhân. Khi nướu bị tụt, các răng trông dài hơn, khoảng cách cách răng có vẻ rộng và thưa hơn.
4. Điều trị tụt nướu như thế nào?
4.1. Tình trạng nhẹ
-
Có thể được nha sĩ điều trị bằng cách làm sạch sâu vùng bị ảnh hưởng.
Trong quá trình làm sạch sâu – cạo vôi răng hoặc xử lý mặt chân răng; mảng bám và cao răng tích tụ trên răng và bề mặt chân răng bên dưới đường viền nướu được loại bỏ cẩn thận. Vùng chân răng lộ ra ngoài được làm nhẵn để vi khuẩn khó xâm nhập hơn.
- Bác sĩ có thể kê đơn thêm thuốc kháng sinh để loại bỏ bất kỳ vi khuẩn có hại nào còn sót lại. Các lựa chọn bao gồm: gel kháng sinh tại chỗ; chip sát trùng; nước súc miệng kháng khuẩn; chất ức chế enzym.
-
Chất làm giảm nhạy cảm, vecni và chất liên kết ngà răng.
Những sản phẩm này nhằm mục đích làm giảm độ nhạy cảm của chân răng bị lộ ra ngoài. Chất giải mẫn cảm điều trị các triệu chứng thần kinh và giúp giữ gìn vệ sinh răng miệng bằng cách giảm bớt việc chải răng nhạy cảm.
-
Phục hồi composite.
Nha sĩ sử dụng nhựa composite có màu răng để phủ lên bề mặt chân răng. Chúng cũng có thể đóng các khoảng trống đen giữa các răng nhưng với mức độ ít.
-
Sứ hoặc composite màu hồng.
Chất liệu này có màu hồng giống màu của nướu và có thể được áp dụng để lấp đầy những khoảng trống mà nướu bị tụt.
-
Các miếng dán nướu có thể tháo rời.
Loại này thường là acrylic hoặc silicone, và chúng thay thế một cách nhân tạo phần lớn mô nướu bị mất do tụt lợi.
-
Chỉnh nha.
Bao gồm các phương pháp điều trị từ từ di chuyển vị trí của răng trong một thời gian dài. Việc định vị lại này có thể điều chỉnh lại viền nướu và giúp cho việc giữ sạch răng dễ dàng hơn.
4.2. Tình trạng nặng
Nếu tình trạng tụt nướu của bạn không thể điều trị bằng cách làm sạch sâu vì tiêu xương nhiều và túi quá sâu. Bạn có thể phải phẫu thuật nướu để sửa chữa những tổn thương do tụt nướu gây ra.
Các loại phẫu thuật được sử dụng để điều trị tình trạng này gồm:
-
Phẫu thuật lật vạt, xử lý mặt chân răng.
Phẫu thuật vạt là phương pháp làm sạch mô sâu; được sử dụng nếu các phương pháp điều trị khác không thành công. Nó giúp loại bỏ vi khuẩn và cao răng tích tụ trong nướu. Đôi khi răng có thể tồn tại lâu hơn sau khi phẫu thuật vạt vì nướu khít sát hơn xung quanh chúng.
Trong quy trình này, nha sĩ hoặc bác sĩ nha chu sẽ lật mô nướu bị ảnh hưởng, loại bỏ vi khuẩn có hại khỏi túi. Sau đó đặt lại vị trí mô nướu vào vị trí trên chân răng. Do đó loại bỏ túi hoặc giảm kích thước của chúng.
-
Phẫu thuật tái tạo.
Nếu xương nâng đỡ răng của bạn đã bị phá hủy do tụt nướu, một quy trình tái tạo xương và mô bị mất có thể được khuyến nghị thực hiện. Như khi giảm độ sâu của túi, nha sĩ sẽ lật mô nướu và loại bỏ vi khuẩn. Một vật liệu tái tạo, chẳng hạn như màng, mô ghép hoặc protein kích thích mô. Sau đó sẽ được đặt vào vùng mất xương để thúc đẩy cơ thể bạn tái tạo xương và mô một cách tự nhiên ở khu vực đó. Sau khi vật liệu tái tạo được đặt vào vị trí, mô nướu được đặt lại để bảo vệ vật liệu trên chân răng. Điều quan trọng cần lưu ý là quá trình này không thể thành công về lâu dài nếu không được chăm sóc sức khỏe răng miệng đúng cách.
-
Ghép mô mềm.
Có một số loại thủ thuật ghép mô nướu, nhưng loại được sử dụng phổ biến nhất được gọi là ghép mô liên kết. Trong thủ thuật này, một vạt da được cắt ở vòm miệng và mô từ dưới vạt đó, được gọi là mô liên kết dưới biểu mô, được lấy ra. Sau đó khâu lại với mô nướu bao quanh chân răng lộ ra ngoài. Sau khi mô liên kết đã được lấy ra khỏi vạt, mảnh ghép được khâu lại. Trong một loại ghép khác, được gọi là ghép nướu tự do, mô được lấy trực tiếp từ vòm miệng. Đôi khi, nếu bạn có đủ mô nướu bao quanh các răng bị ảnh hưởng, nha sĩ có thể ghép nướu từ các vùng gần răng và không loại bỏ mô khỏi vòm miệng.
Hiện nay nhờ sự phát triển của các vật liệu sinh học và kỹ thuật tiên tiến, có một số vật liệu tổng hợp hỗ trợ thay thế mô ghép. Tuy nhiên giá thành chúng tương đối cao.
5. Ngăn ngừa tụt nướu
Các cách để ngăn ngừa bao gồm:
- Cách tốt nhất để ngăn ngừa tụt nướu là chăm sóc răng miệng thật tốt.
Đánh răng và dùng chỉ nha khoa mỗi ngày và đến gặp nha sĩ hoặc bác sĩ nha khoa ít nhất hai lần một năm, hoặc theo khuyến cáo. Nếu bạn bị tụt nướu, nha sĩ có thể yêu cầu bạn tái khám thường xuyên hơn. Luôn sử dụng bàn chải đánh răng lông mềm và yêu cầu nha sĩ chỉ cho bạn cách chải răng thích hợp. Bạn có thể tham khảo thêm bài viết sau: Chỉ nha khoa và tăm nước: Dụng cụ nào tốt hơn?
- Nếu khớp cắn lệch hoặc nghiến răng là nguyên nhân gây ra tình trạng này, hãy nói chuyện với nha sĩ về cách khắc phục vấn đề.
- Bỏ hút thuốc lá.
- Chế độ ăn uống cân bằng và lành mạnh.
- Theo dõi những thay đổi có thể xảy ra trong miệng của bạn.
- Có lẽ một trong những cách tốt nhất để ngăn ngừa tụt nướu là thăm khám nha sĩ thường xuyên để được làm sạch và kiểm tra định kỳ. Ngay cả khi bạn không gặp bất kỳ triệu chứng nào, nha sĩ có thể xác định các dấu hiệu ban đầu của bệnh nướu răng.
Triển vọng phục hồi về giai đoạn đầu của bệnh nướu răng có thể tốt nhưng chỉ khi vấn đề được điều trị sớm. Bạn cũng không cần phải đợi nha sĩ phát hiện ra dấu hiệu tụt nướu. Nếu có gì đó trong miệng của bạn không giống hoặc không ổn, hãy gọi cho nha sĩ ngay lập tức. Bạn có thể điều trị viêm nướu trước khi nó tiến triển thành tụt nướu.
Bác sĩ Trương Mỹ Linh
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
1/ Kristeen Cherney, “Receding Gums”, đăng nhập ngày 17-09-2018 tại http://www.healthline.com 2/ Markus MacGill , “Everything you need to know about receding gums”, đăng nhập ngày 21-08-2018 tại website http://www.medicalnewstoday.com 3/ Webmd team, “Receding Gums”, đăng nhập tại website http://www.webmd.com