Nghiến răng: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị
Nội dung bài viết
Mỗi sáng thức dậy, có rất nhiều người than phiền về tình trạng nhức mỏi hàm. Đi kèm theo đó là hàm răng dần mòn và gãy vỡ. Đây đều là những dấu hiệu cho thấy có thể bạn đang gặp phải bệnh lý nghiến răng. Nghiến răng là một hoạt động có khả năng gây quá tải hệ thống nhai. Hiện nay, nguyên nhân chủ yếu gây bệnh vẫn chưa được biết rõ. Tuy nhiên, bệnh thường đi kèm với tình trạng stress, rối loạn khớp cắn, dị ứng và liên quan đến tư thế ngủ. Không may, hiện nay có rất ít dữ liệu về nguyên nhân và ảnh hưởng của bệnh. Do đó, việc đánh giá và điều trị thận trọng là cách tốt nhất để đưa ra các chỉ định đúng.
Nghiến răng là gì?
1. Hoạt động chức năng và hoạt động cận chức năng
Các hoạt động của hệ thống nhai được chia làm 2 loại:
- Chức năng (nhai, nói, nuốt).
- Cận chức năng (mút môi, má; cắn móng tay; nghiến răng).
Các hoạt động chức năng là hoạt động cơ có kiểm soát. Nghĩa là chúng cho phép hệ thống nhai thực hiện chức năng cần thiết nhưng chỉ trong giới hạn gây hại ít nhất cho cấu trúc.
Hoạt động cận chức năng là những hoạt động có ý thức hoặc không có ý thức của hệ thống nhai. Chúng lặp đi lặp lại, có sự tiếp xúc trực tiếp, gián tiếp hoặc không tiếp xúc các răng mà không nhằm thực hiện chức năng.
2. Nghiến răng là một hoạt động cận chức năng có sự tiếp xúc các răng với nhau
Tật nghiến răng được định nghĩa là “hoạt động lặp đi lặp lại của cơ hàm, đặc trưng bởi sự siết chặt hoặc nghiến của răng và/hoặc bởi sự giằng và đẩy của hàm dưới”. Hoạt động này có thể tạo nên âm thanh ken két hoặc không.
Nghiến răng không thực hiện chức năng của hệ thống nhai và có thể gây chấn thương khớp cắn. Khớp cắn ảnh hưởng lên chức năng của cơ, qua đó tác động đến khớp thái dương hàm. Do đó, bất kỳ sự thay đổi nào trong khớp cắn đều ảnh hưởng đến cả cơ và khớp. Sai khớp cắn chính là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây tật nghiến răng. Hậu quả của nó có thể gây ra đau khớp thái dương hàm.
Phân loại
Tật nghiến răng có thể được phân loại theo một số tiêu chí sau.
1. Thời điểm xảy ra
- Nghiến răng lúc ngủ: Xuất hiện ở cả người lớn và trẻ em. Thường là hoạt động nghiến qua lại.
- Nghiến răng khi thức: Thường gặp ở người lớn, có liên quan với stress. Hoạt động chủ yếu là cắn chặt răng.
2. Theo nguyên nhân gây nghiến răng
Nguyên phát: Thường không có nguyên nhân rõ ràng.
Thứ phát: xuất hiện sau:
- Các bệnh lý (hôn mê, vàng da, bại não).
- Sử dụng một số thuốc (ví dụ: thuốc chống loạn thần, thuốc trợ tim mạch).
- Sử dụng chất gây nghiện (ví dụ: amphetamines, cocaine, thuốc lắc).
3. Theo loại hoạt động cơ
- Co cơ liên tục: Co thắt cơ kéo dài trên 2 giây.
- Co cơ biến thiên: Các cơn co thắt ngắn, lặp đi lặp lại của hệ cơ nhai với ba hoặc nhiều đợt hoạt động điện cơ liên tiếp; kéo dài trong khoảng từ 0,25 đến 2 giây.
- Kết hợp cả hai.
90% trường hợp nghiến răng khi ngủ thuộc dạng co cơ biến thiên hoặc kết hợp. Trong khi đó, nghiến răng lúc thức chủ yếu là co cơ liên tục.
4. Theo quá trình xảy ra
- Từng xảy ra trong quá khứ.
- Mới xảy ra.
Thường khó phân biệt được 2 loại này.
5. Theo mức độ nghiêm trọng
- Nhẹ: ít xảy ra, không gây hại răng và ảnh hưởng tâm lý.
- Trung bình: xảy ra mỗi đêm, gây ảnh hưởng tâm lý nhẹ.
- Nặng: xảy ra hằng đêm, gây tổn hại răng, rối loạn thái dương hàm, gây chấn thương các cấu trúc khác và ảnh hưởng tâm lý nặng.
Nguyên nhân gây ra nghiến răng
Bệnh được cho là đa nguyên nhân, dù chưa biết rõ. Nghiến răng là một thói quen trong tiềm thức hay còn gọi là vô thức.
Các yếu tố có thể góp phần gây bệnh bao gồm:
1. Yếu tố tâm lý xã hội
- Stress
Các nghiên cứu báo cáo cho thấy yếu tố tâm lý có nguy cơ ảnh hưởng đáng kể đến bệnh, chủ yếu là lối sống căng thẳng. Bằng chứng về vấn đề này đang gia tăng nhưng vẫn chưa có kết luận. Căng thẳng cảm xúc được coi là yếu tố kích hoạt chính.
Nghiến răng ban đêm có thể là sự đáp ứng đối với căng thẳng ban ngày đã hoặc đang diễn ra. Căng thẳng có thể xảy ra ở những người làm việc nhiều, bị áp bức; sinh viên đang trong mùa thi. Căng thẳng đi kèm với lo âu, sự kìm nén có thể kích hoạt các hoạt động của não bộ. Điều này làm tăng kích thích thần kinh, có thể gây nên tất cả các phản ứng của nghiến răng.
- Tính cách: Những người mạnh mẽ, dễ kích động có khả năng mắc bệnh cao hơn.
- Tuổi: Nghiến răng thường gặp ở tuổi trẻ và thường biến mất khi lớn hơn.
2. Yếu tố di truyền
Những người có thành viên trong gia đình đang hoặc từng mắc bệnh nghiến răng khi ngủ có nguy cơ cũng bị bệnh này.
Nghiên cứu cho thấy rằng có thể có một mức độ liên quan đến di truyền trong việc phát triển tật nghiến răng. 21 – 50% những người bị nghiến răng ban đêm có thành viên trong gia đình từng mắc bệnh trước đây. Điều này cho thấy yếu tố di truyền có liên quan đến bệnh.
3. Các loại thuốc và chất kích thích
Một số tác dụng phụ của các loại thuốc và thuốc gây nghiện làm tăng nguy cơ nghiến răng như:
- Thuốc chủ vận và đối kháng dopamine.
- Thuốc chống trầm cảm ba vòng.
- Các chất ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc.
- Rượu, cocaine…
4. Yếu tố tại chỗ
Cản trở cắn khớp có thể là vấn đề gây bệnh. Chúng cản trở đường đi của vận động nhai bình thường. Nguyên nhân có thể ở một răng hoặc một nhóm răng.
Ví dụ: Khi răng khôn hàm trên mất, răng khôn hàm dưới mọc trồi. Lúc cắn lại, hàm dưới phải đưa ra trước nhiều hơn để đóng hàm. Điều này làm sai lệch vận động hàm bình thường.
5. Yếu tố toàn thân
Dị ứng: Do nhiễm ký sinh trùng đường ruột, rối loạn tiêu hóa hay dị ứng thức ăn. Đây là những nguyên nhân có thể của nghiến răng trầm trọng ở trẻ em (Marks, 1980).
Rối loạn dinh dưỡng, tiết niệu, nội tiết cũng là những yếu tố thuận lợi gây bệnh, phổ biến ở trẻ em hơn người lớn. Tình trạng thiếu vitamin, mất cân bằng enzym cũng có ảnh hưởng đến bệnh.
Các rối loạn thần kinh trung ương có thể liên quan đến bệnh:
- Chứng bại não.
- Bệnh Down.
- Động kinh.
- Bệnh Huntington.
- Bệnh Leigh.
- Nhiễm khuẩn màng não.
- Bệnh Parkinson.
- Stress sau chấn thương.
- Hội chứng Rett.
6. Yếu tố nghề nghiệp
Một số nghề nghiệp có đòi hỏi đặc biệt có thể gây nên nghiến răng hay cắn chặt răng. Ví dụ: Nghệ sĩ piano cắn chặt răng lúc giữ đàn khi chơi; công nhân khuân vác cắn chặt răng để gồng sức; nghệ sĩ biểu diễn xiếc dùng răng để giữ người trên không trung…
7. Yếu tố bản năng
Một số nghiên cứu cho rằng các thói quen này thuộc về bản năng, là hoạt động tập tính của loài có vú. Mục đích của nó là để duy trì sự sắc bén của hàm răng.
Nghiến răng là một bệnh lý răng miệng thường gặp. Bạn có thể tìm hiểu các bệnh lý khác trong bài viết: 21 vấn đề và bệnh răng miệng thường gặp.
Dấu hiệu và triệu chứng
Một số dấu hiệu và triệu chứng giúp bạn nhận biết bệnh nghiến răng:
- Nghiến hoặc siết chặt răng, đi kèm đó với là âm thanh đặc biệt, thậm chí có thể lớn đến mức đánh thức người ngủ cùng.
- Đau khớp thái dương hàm.
- Đau, mỏi cơ nhai và cơ vùng cổ.
- Nhức đầu (đặc biệt vùng thái dương sau khi thức dậy buổi sáng).
- Răng nhạy cảm, di động quá mức, mòn bất thường.
- Gãy vỡ miếng trám/men răng.
- Tụt nướu.
- Có vết hằn lõm trên lưỡi.
- Đường nhai trắng hiện rõ trên mặt trong má.
- Xuất hiện các gồ xương ở hàm trên và dưới.
- Tăng hoạt động cơ (ghi nhận bởi đồ thị đa ký giấc ngủ).
- Phì đại cơ.
- Giảm chất lượng giấc ngủ, hay thấy mệt mỏi.
- Giảm lưu lượng nước bọt.
- Giới hạn há miệng.
Hậu quả của nghiến răng
Nghiến răng mức độ nặng có thể gây ra những tình trạng sau:
- Phá hủy răng, xương hàm.
- Đau nhức đầu.
- Đau vùng đầu mặt.
- Rối loạn khớp thái dương hàm (nghe tiếng click khi há đóng miệng ở vùng trước tai).
Chẩn đoán nghiến răng
Việc chẩn đoán bệnh nghiến răng phải dựa vào cả khai thác các triệu chứng và thăm khám lâm sàng. Một số phương pháp hỗ trợ khác cũng cần thiết để đánh giá chính xác bệnh.
1. Khai thác bệnh sử, trả lời bảng câu hỏi
Bác sĩ sẽ đưa ra một số câu hỏi cũng như ghi nhận các thông tin liên quan đến vấn đề nghiến răng:
- Các thông tin về tình trạng sức khỏe của bạn và vấn đề liên quan đến nghiến răng.
- Bất kỳ triệu chứng nào bạn gặp phải, kể cả không liên quan đến bệnh: bắt đầu khi nào, tần suất, mức độ và yếu tố cải thiện triệu chứng.
- Các thông tin cá nhân bao gồm những căng thẳng và thay đổi trong cuộc sống diễn ra gần đây.
- Tất cả các loại thuốc bạn đã sử dụng kể cả thuốc không kê đơn, vitamin, thảo dược hoặc các loại thuốc bổ sung dưỡng chất khác. Cần nói rõ liều cũng như cách sử dụng.
2. Thăm khám lâm sàng
- Quan sát trong miệng: Đánh giá tình trạng răng, nướu và các mô mềm khác. Phát hiện và ghi nhận tình trạng bất thường có thể liên quan đến bệnh.
- Quan sát trên mẫu hàm: Đánh giá vị trí mòn răng.
- Định lượng mòn răng bằng hình chụp: Ghi nhận lại chính xác các vị trí mòn răng.
3. Các phương pháp hỗ trợ chẩn đoán nghiến răng khác
- Sử dụng một số khí cụ trong miệng để định lượng mòn răng (máng nhai, BruxChecker (khí cụ màu ghi dấu vị trí nghiến)…).
- Điện cơ đồ nhai: Ghi nhận mức độ hoạt động của cơ nhai.
- Đo đa ký giấc ngủ: Xét nghiệm chuyên sâu về giấc ngủ có các kênh đo điện não đồ, điện cơ, điện tim… Từ đó, có thể đánh giá những rối loạn hoạt động, cũng như các bất thường về hành vi khi ngủ.
Điều trị nghiến răng
Bệnh nghiến răng có thể gặp ở rất nhiều người. Tuy nhiên, nếu bệnh ở mức độ nhẹ, không ảnh hưởng cuộc sống thì có thể không cần điều trị. Việc điều trị nghiến răng là cần thiết khi xuất hiện những biểu hiện sau:
- Đau và co cứng ở cơ hàm.
- Khi có sự mài mòn của răng dẫn đến mất hình thái khớp cắn và làm phẳng bề mặt răng.
- Gãy răng và gãy vỡ các phục hồi: miếng trám xoang I, II, mão răng, cầu răng.
- Tiếng ồn lớn khó chịu trong khi ngủ gây đánh thức người khác.
- Há miệng hạn chế.
- Đau ở vùng trước tai.
- Khi nghe tiếng “click” và thấy đau ở khớp thái dương hàm.
- Đau đầu do đau cơ vùng thái dương.
Do tính chất đa yếu tố của nghiến răng, việc điều trị bệnh cần tiếp cận từ nhiều hướng.
Bước 1: Loại bỏ các yếu tố nguy cơ gây bệnh
- Các thuốc gây tác dụng phụ dẫn đến nghiến răng cần thay đổi.
- Ngưng sử dụng thuốc lá, cà phê, các chất kích thích gây nghiện…
- Điều trị các bệnh lý toàn thân có liên quan đến nghiến răng.
Bước 2: Thảo luận và trao đổi với bệnh nhân, giúp bệnh nhân hiểu rõ tình trạng cũng như tính chất bệnh.
Bước 3: Tiến hành các điều trị.
1. Điều trị giấc ngủ, điều trị tâm lý
Nghiến răng liên quan đến giấc ngủ. Bạn cần thăm khám các chuyên gia giấc ngủ để được tư vấn và kiểm tra mức độ nghiến. Trong một số trường hợp, nghiến răng có thể đi kèm với ngưng thở khi ngủ. Nghiến răng ban đêm có thể được giảm bớt bằng cách ngủ nằm ngửa mà không có gối.
Nghiến răng liên quan đến tâm lý: Các chuyên gia tâm lý/bác sĩ sẽ giúp bạn giải tỏa căng thẳng, lo lắng bằng các liệu pháp tâm lý khác nhau.
- Đưa ra các lời khuyên tâm lý, các bài tập thư giãn (thiền, yoga, thôi miên..).
- Liệu pháp nhận thức hành vi: Giúp bệnh nhân nhận thức được hành vi gây hại và tự kiểm soát stress bằng nhận thức. Bác sĩ cũng sẽ hướng dẫn bạn tự luyện tập các vị trí của hàm dưới và tư thế nuốt. Đồng thời, bác sĩ sẽ kiểm tra và củng cố sự rèn luyện thường xuyên của bạn.
- Phản hồi sinh học: Nếu bạn gặp khó khăn trong việc thay đổi thói quen, có thể dùng phương pháp phản hồi sinh học (biofeedback). Phương pháp này sử dụng những quy trình giám sát và các thiết bị để hướng dẫn bạn cách kiểm soát hoạt động của cơ hàm.
2. Điều trị thuốc
Hiện nay, việc điều trị bằng thuốc cho thấy không hoặc ít hiệu quả và vẫn đang được nghiên cứu thêm. Một số thuốc được sử dụng hỗ trợ cho điều trị nghiến răng gồm:
- Thuốc giãn cơ: Bác sĩ có thể đề nghị dùng thuốc giãn cơ trước khi đi ngủ, trong một khoảng thời gian ngắn.
- Tiêm Botox: Botox là một dạng độc tố của botulinum, được tiêm vào cơ giúp làm giảm triệu chứng đau cơ. Độc tố botulinum gây tê liệt cơ do ức chế giải phóng acetylcholine tại các điểm nối cơ thần kinh. Tiêm botox được sử dụng trên lý thuyết rằng: dung dịch độc tố loãng sẽ làm tê liệt một phần cơ bắp. Từ đó, nó làm giảm khả năng co của cơ trong khi vẫn duy trì đủ chức năng cho phép các hoạt động bình thường như nói và ăn.
- Thuốc giúp kiểm soát lo lắng, stress hoặc chống trầm cảm: Bác sĩ có thể khuyên bạn sử dụng một số loại thuốc chống trầm cảm hoặc thuốc chống lo lắng trong thời gian ngắn để giúp kiểm soát stress hoặc các vấn đề cảm xúc khác.
3. Điều trị nha khoa
Điều trị nha khoa có thể không làm ngưng nghiến răng. Các điều trị này nhằm cải thiện tình trạng mòn răng và ngăn ngừa sự phá hủy trầm trọng.
- Điều chỉnh khớp cắn: Nếu có bất kỳ cản trở khớp cắn nào, nó cần được loại bỏ bằng điều chỉnh (mài bớt/thêm vào). Tuy nhiên, trước khi thực hiện, bạn phải đảm bảo cơ được thư giãn. Mục đích để bạn có thể thực hiện được các chuyển động sinh lý bình thường.
- Máng nhai: Là một máng bằng nhựa che phủ bề mặt răng hàm trên và hàm dưới. Máng được thiết kế riêng cho từng người, có thể tháo lắp dễ dàng. Chức năng của máng là hướng dẫn chuyển động của hàm dưới. Đồng thời, nó cũng giúp thư giãn cơ, giảm đau cơ. Sử dụng máng nhai sẽ giúp ngăn sự mòn răng do nghiến, ngăn tổn thương đến các cấu trúc nha chu. Việc sử dụng máng nhai giúp làm giảm nghiến răng vào ban đêm.
- Chỉnh nha: Răng chen chúc, lệch lạc làm ảnh hưởng đến khớp cắn. Việc chỉnh nha làm thay đổi khớp cắn có thể giảm tình trạng nghiến răng.
- Phục hồi khớp cắn: Nghiến răng làm phá vỡ bề mặt men răng hoặc phục hồi, khiến răng nhạy cảm. Có thể trám, bọc mão lại các vị trí bị ảnh hưởng bởi nghiến răng.
Nghiến răng là thói quen cận chức năng, chiếm tỷ lệ lớn trong dân số. Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh có thể dễ thấy. Tuy nhiên, cơ chế và nguyên nhân thật sự vẫn chưa rõ ràng. Hiện tại, vẫn chưa có phương pháp nào điều trị triệt để bệnh. Các hướng điều trị chủ yếu nhằm giảm sự gây hại, giảm ảnh hưởng của nghiến răng lên hệ thống nhai. Việc duy trì lối sống tốt, kiểm tra sức khỏe thường xuyên giúp phát hiện và ngăn chặn sớm sự phá hủy của bệnh.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Sleep bruxism: Current knowledge and contemporary managementhttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC5026093/
Ngày tham khảo: 15/05/2020
-
Bruxism: A Literature Reviewhttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4295445/
Ngày tham khảo: 15/05/2020
-
Bruxism: Conceptual discussion and reviewhttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4439689/
Ngày tham khảo: 15/05/2020