YouMed

Tỳ bà diệp: Chiếc lá thần kỳ trị ho, chữa nôn

Bác sĩ PHẠM LÊ PHƯƠNG MAI
Tác giả: Bác sĩ Phạm Lê Phương Mai
Chuyên khoa: Y học cổ truyền

Từ lâu, Tỳ bà diệp là dược liệu quý trong Đông y. Vị thuốc này có tác dụng trừ đờm, thanh phế, chống nôn, điều hòa tỳ vị, được dùng phổ biến trong các bài thuốc chữa ho, viêm đường hô hấp, cảm lạnh… Bài viết sau sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về đặc điểm, công dụng và cách dùng của loại thảo dược này. 

1. Giới thiệu về Tỳ bà diệp

  • Tên thường dùng: Tỳ bà diệp, Ba diệp, Nhót tây, Thanh trích tỳ bà diệp (rửa sạch rồi sao), Mật trích Tỳ bà diệp (tẩm nước mật hoặc nước đường sao), Tỳ bà lộ (cất lấy nước).
  • Tên khoa học: Folium Eriobotryae japonicae.
  • Họ khoa học: họ Hoa Hồng (Rosaceae).

1.1. Đặc điểm sinh trưởng và thu hái

Nguồn gốc của cây Tỳ bà ở Trung Quốc, Nhật Bản. Ở Việt Nam, cây được trồng và mọc hoang nhiều nơi, nhiều nhất ở vùng Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Nội. 

Lá hái vào tháng 4 – 5. Cần lau sạch lông, thái nhỏ, phơi hay sấy khô mà dùng.

1.2. Mô tả toàn cây

Tỳ bà – Nhót tây là một cây thuốc quý, cây cao 6 – 8m.

Lá mọc so le, phiến hình mác, nhọn, dai, dài 12 – 30cm, rộng 3 – 8cm, phía trên có răng cưa, mặt dưới có nhiều lông, màu xám hay vàng nhạt.

Hoa rất nhiều, gần như không có cuống, mọc thành chùm, đường kính 15 – 20mm, có lông màu hung đỏ.

Quả thịt, hơi hình cầu, hơi có lông, chín có màu vàng, dài 3 – 4cm. Đỉnh quả có hình mắt quanh mép mang đài tồn tại, thịt dày, có 4 hạch đơn, hơi dày, mỗi hạch mang 1 – 2 hạt không phôi nhũ.

Mùa quả chín vào tháng 4, tháng 5.

Tỳ bà là cây thảo dược quý được dùng nhiều trong Đông y
Tỳ bà là cây thảo dược quý được dùng nhiều trong Đông y

1.3. Bộ phận làm thuốc bào chế

Lấy lá bánh tẻ (tức dày, không già, không non). Lá tươi nặng được 40g, màu xanh lục hay hơi nâu hồng, không vụn nát, không lẫn lá úa rụng, không sâu là tốt.

Lá khô dài hình bầu dục tròn, dài 12 – 25cm, rộng 4 – 9cm. Hình dạng ngay thẳng, chóp nhọn, phần đáy hình nêm, phần trên rìa răng cưa. Mặt lá màu xanh tro, sắc cọ vàng hoặc sắc cọ đỏ, mặt trên bóng láng, măt dưới lông nhung sắc cọ. Gân lá hình lông chim, gân giữa lồi lên ở mặt dưới, cuống lá ngắn.

Tỳ bà diệp dày, chất cứng, giòn, dễ bẻ gãy, không mùi, vị hơi đắng.

Một số cách bào chế :

  • Đầu tiên, chải bỏ lông tơ, dùng nước rửa sạch, hơi ướt, cắt sợi, phơi khô. Hoặc dùng miếng vải chùi sạch lông (tránh ngứa họng, ho) rồi lấy nước Cam thảo lau chùi sạch, sau đó bôi mỡ sữa lên khắp lá mà nướng qua (Lôi Công Bào Chích Luận). 
  • Chích mật: Lấy Tỳ bà diệp sợi, thêm mật ong luyện chín và nước sôi lượng thích hợp, trộn đều, đậy kín cho ngấm qua. Bỏ vào trong chảo dùng lửa nhỏ sao đến khi không dính tay là được, lấy ra, để nguội (cứ 100 cân Tỳ bà diệp tơ, dùng mật ong luyện chín 26 cân).
  • Tẩm gừng sao vàng.
Lấy lá bánh tẻ, màu xanh lục hay hơi nâu hồng, không vụn nát, không úa
Lấy lá bánh tẻ, màu xanh lục hay hơi nâu hồng, không vụn nát, không úa

1.4. Bảo quản

Thu hái về cần chế biến ngay, nếu không 2 – 3 hôm bị úa, thối. Để nơi khô ráo, thoáng, tránh làm vụn nát. Bào chế rồi đậy kín, không nên để lâu.

2. Thành phần hóa học

  • Trong lá có một chất saponin, vitamin B, chừng 2,8mg trong 1g lá.
  • Theo Arrhur và Hui (J. Chem. Soc., 1954 và C.A., 1955), trong Tỳ bà diệp có chứa axit ursolic C20H48O3, axit oleanic và caryophylin.
  • Trong hạt có amydalin và HCN.

3. Công dụng

3.1. Y học hiện đại

  • Chữa ho.
  • Nôn mửa.
  • Giúp sự tiêu hóa.
  • Phụ nữ có thai nôn mửa.
  • Rửa vết thương.

>> Tìm hiểu thêm về dược liệu giúp chữa ho từ cây cải: Bạch giới tử: Thảo dược quý vị cay chữa ho.

3.2. Y học cổ truyền

Vị đắng, tính bình.

Quy kinh Phế, Vị.

Chủ trị:

  • Chữa ho, nhiều đờm, nôn khan, miệng khát.
  • Trị tức ngực, ho suyễn do nhiệt (tẩm mật).
  • Đau dạ dày, trị nôn (tẩm gừng), điều hòa Tỳ Vị.
Tỳ bà diệp là vị thuốc chữa ho hiệu quả
Tỳ bà diệp là vị thuốc chữa ho hiệu quả

3.3. Cách dùng và liều dùng

Tùy thuộc vào mục đích sử dụng mà có thể dùng vị thuốc Tỳ bà diệp theo nhiều cách khác nhau. Dùng riêng hoặc kết hợp với các vị thuốc khác đều được. Trong đó, dược liệu được dùng phổ biến nhất ở dạng thuốc sắc. Mỗi ngày dùng 6 – 12g, thuốc sắc có thể dùng tới 15 – 20g.

Lưu ý: Khi dùng Tỳ bà diệp phải chải sạch lông. Muốn dùng chống nôn thì tẩm gừng, nướng. Chữa ho lâu ngày thì tẩm mật ong, nướng.

Kiêng kỵ: 

  • Người bị ho và nôn mửa do lạnh không nên dùng Tỳ bà diệp.
  • Cơ thể suy nhược, bệnh lâu ngày, tay chân lạnh, lạnh bụng.
  • Dị ứng với thành phần của dược liệu.

4. Một số bài thuốc kinh nghiệm

4.1. Chữa ho, viêm phế quản mạn tính do phong nhiệt

Tỳ bà diệp 20g, Khoản đông hoa 10g, Cam thảo 5g, nước 600ml. Sắc còn 200ml. Chia 3 lần uống trong ngày.

Hoặc Tỳ bà diệp 12g, Cam thảo 4g, Hoàng bá 4g, Hoàng liên 4g, Nhân sâm 4g, Tang bạch bì 8g. Sắc uống (Tỳ Bà Thanh Phế Ẩm gia vị – Ngoại Khoa Đại Thành).

4.2. Trị Tỳ Vị hư yếu, nôn ói

Bán hạ 4g, Mao căn 80g, Nhân sâm 4g, Phục linh 20g, Sinh khương 7 lát, Tỳ bà diệp 8g. Sắc uống (Tỳ Bà Diệp ẩm – Loại Chứng Phổ Tế Bản Sự Phương).

Tỳ bà diệp là một vị thuốc cổ truyền được sử dụng từ rất lâu trong dân gian. Nhờ có nhiều tác dụng quý mà dược liệu này được dùng nhiều trong các bài thuốc chữa bệnh cũng như cuộc sống hằng ngày. Tuy nhiên, để có thể phát huy hết công dụng của vị thuốc đối với sức khỏe, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ để kiểm soát rủi ro và những tác dụng không mong muốn. Hãy chia sẻ bài viết nếu thấy hữu ích.

Bác sĩ Phạm Lê Phương Mai

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  • Đỗ Tất Lợi (2006). Những cây thuốc và vị thuốc VIệt Nam. Nhà xuất bản Y học
  • Hoàng Duy Tân ( 2006). Đông dược học. Nhà xuất bản Đồng Nai

 

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người