Nhân trần: Thảo dược thanh nhiệt, mát gan quen thuộc
Nội dung bài viết
Từ lâu, Nhân trần là dược liệu được sử dụng để điều trị bệnh trong Đông y. Đặc biệt, vị thuốc có khả năng thanh nhiệt, làm mát gan, giải khát rất hiệu quả. Bài viết sau của bác sĩ Phạm Lê Phương Mai sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về đặc điểm, công dụng và cách dùng của thảo dược này.
1. Giới thiệu về Nhân trần
- Tên khác: Chè nội, Hoắc hương núi, Tuyến hương lam, Chè cát…
- Tên khoa học: Herba Adenosmatis cacrulei.
- Họ: Hoa Mõm chó (Scrophulanaceae).
Một số loại Nhân trần thường thấy như sau:
- Hoắc hương núi, có tên khoa học là Adesnosma caeruleum R. Br. Loại thảo dược này thuộc họ Mõm chó. Loài này có đặc tính kháng viêm tốt, đồng thời có tác dụng tăng tiết mật.
- Bồ bồ: Tên khoa học là Adesnosma capitatum Benth. Dược liệu này cũng thuộc họ Mõm chó. Một số vùng thường gọi là cây Nhân trần đực hoặc cây Bồ bồ. Về tác dụng, Bồ bồ có công dụng giống Hoắc hương núi nhưng xét về tính tăng tiết mật thì kém hơn.
- Nhân trần cao (Nhân trần Trung Quốc): Loại này thuộc họ Cúc (Asteraceae) với tên khoa học là Artemisia capillaris Thunb. Thảo dược có tác dụng kháng khuẩn, giúp tiêu diệt vi khuẩn ngoài da và hạ sốt.
1.1. Đặc điểm sinh trưởng và thu hái
Loài Nhân trần phân bố ở vùng nhiệt đới trên thế giới như Ấn độ, Malaysia, Thái Lan, Trung Quốc… Tại Việt Nam, Nhân trần phân bố tập trung ở các tỉnh vùng núi phía Bắc như Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Cạn… Cây mọc hoang hay được trồng sản xuất.
Nhân trần là cây ưa ẩm, ưa sáng, thường mọc lẫn với các loại cây bụi nhỏ, cỏ thấp ven rừng.
Mùa hoa quả vào tháng 4 – 7.
1.2. Mô tả toàn cây
Nhân trần là cây thảo, mọc đứng, cao 40 – 70 cm, có khi đến 1 m. Thân tròn cứng, phủ đầy lông. Toàn thân và lá có mùi thơm.
Lá mọc đối, hình trái xoan, dài 4 – 6 cm, rộng 2 – 3 cm, đầu tù hoặc hơi nhọn, gốc tròn, mép khía răng đều, hai mặt lá đều có lông. Lá khi vò có mùi thơm. Cuống lá dài 0,5 – 1,2 cm.
Cụm hoa mọc ở đầu cành và kẽ lá thành chùm dạng bông, dài đến 30 cm. Hoa có màu lam tím, đài hình chuông xẻ 5 răng, có lông, thùy ngoài hình mác rộng và dài, thùy trong rất hẹp. Tràng chia 2 môi, môi trên hình tam giác, bằng hoặc hơi lõm ở đầu, môi dưới hơi dài hơn, chia 3 thùy dài bằng nhau; nhị 4.
Quả nang, dài bằng đài hoa, hình trứng, có mỏ ngắn, chứa nhiều hạt nhỏ màu vàng.
1.3. Bộ phận làm thuốc – bào chế
Toàn cây phần trên mặt đất của Nhân trần được sử dụng để làm thuốc. Người ta thu hái vào mùa hè lúc cây đang ra hoa rồi phơi hay sấy khô, bó thành từng bó, bảo quản nơi khô mát.
Khi dùng thì đem rửa sạch, loại bỏ tạp chất. Tiếp đến, chặt dược liệu thành từng đoạn 3 – 5 cm, phơi và sao qua cho khô.
1.4. Bảo quản
Bảo quản vị thuốc tránh nơi ẩm ướt và tránh ánh nắng mặt trời.
2. Thành phần hóa học
Nhiều nghiên cứu về Nhân trần trên thế thới đều cho thấy toàn thân cây có chứa tinh dầu với hàm lượng khoảng 1%. Trong đó chất paracymen là chủ yếu. Ngoài ra còn có limonen, pinen, cineol, anethol.
Ngoài 1% tinh dầu ra thì dược liệu còn có nhiều thành phần hoạt chất như hàm lượng lớn chất chống oxy hóa flavonoid, polyphenol và coumarin, góp phần mang lại nhiều giá trị y học cho Nhân trần.
3. Công dụng
3.1. Y học hiện đại
- Tác dụng tăng tiết mật: Nước sắc thuốc có tác dụng làm giảm trương lực cơ vòng Oddi của chó gây mê. Chất 6,7-dimethoxycoumarin có tác dụng lợi mật chủ yếu.
- Tăng cường chức năng thải trừ của gan.
- Kháng khuẩn: Giúp tiêu diệt các khuẩn gây viêm phổi, viêm não như tụ cầu vàng, mủ xanh, E.coli…
- Diệt giun: Thực hiện thí nghiệm trên giun đũa lợn thấy có kết quả tốt.
- Thành phần dầu bay hơi có tác dụng ức chế mạnh loại nấm gây bệnh ngoài da.
- Giảm mỡ máu, làm giãn mạch vành và hạ áp.
3.2. Y học cổ truyền
Vị đắng, tính bình, hơi hàn.
Quy kinh Can, Vị, Đởm và Tỳ.
Tác dụng: Thanh nhiệt, lợi tiểu tiện, giảm vàng da, mát gan…
Chủ trị: Trong y học cổ truyền, Nhân trần dùng chữa vàng da, sốt nóng, tiểu tiện không thông và giúp phục hồi sức khỏe cho phụ nữ sau sinh.
Còn nhiều vị thuốc cổ truyền có tác dụng thanh nhiệt cho cơ thể, trong đó có Lô căn. Bạn có thể tìm hiểu thêm: Lô căn: Thảo dược thanh nhiệt, giải khát dân dã.
3.3. Cách dùng và liều dùng
Tùy thuộc vào mục đích sử dụng mà có thể dùng dược liệu Nhân trần theo nhiều cách khác nhau. Có thể dùng dưới dạng thuốc sắc hoặc pha trà uống. Liều dùng mỗi ngày là 8 – 20g.
4. Một số bài thuốc kinh nghiệm
4.1. Trị viêm gan cấp
Nhân trần 18 – 24 g, Chi tử 12 g, Đại hoàng 6 – 8 g, sắc uống (Nhân trần cao thang – Thương hàn luận).
Hoặc Nhân trần 30 – 45 g sắc uống ngày 3 lần. Hoàng Ngọc Thành dùng trị viêm gan cấp 32 ca đều khỏi, thuốc có tác dụng hạ sốt, hết vàng da, gan nhỏ nhanh, thời gian điều trị 3 – 15 ngày, phần lớn trong 7 ngày khỏi (Tạp chí Trung y dược Phúc Kiến 1959,7:42).
4.2. Trị viêm gan vàng da, tiểu ít
Nhân trần 16 g, Bạch truật 12 g, Trạch tả 12 g, Bạch linh, Trư linh đều 12 g, Quế chi 6 g, sắc uống (Nhân trần ngũ linh tán – Kim quỹ yếu lược).
Hoặc Nhân trần 30 g, Mã đề kim 25 g, sắc uống (Trung Quốc dân gian bách bệnh lương phương).
4.3. Trị viêm túi mật
Nhân trần cao, Bồ công anh, Quảng uất kim đều 40 g, Khương hoàng 16 g, sắc uống.
4.4. Trị mỡ máu cao
Nhân trần 30 g, Sơn tra 20 g, Sinh mạch nha 15 g. Sắc uống (Trung Quốc dân gian bách bệnh lương phương).
4.5. Chữa say nắng, nhức đầu, sốt nóng
Nhân trần, Hành trắng mỗi vị lượng bằng nhau (khoảng 1 nắm). Tất cả đem sắc lấy nước uống (Nam dược thần hiệu).
4.6. Hạ sốt, làm ra mồ hôi
Nhân trần 16 g, Hoạt thạch 20 g, Hoàng cầm 12 g, Thạch xương bồ 8 g, Mộc thông 8 g, Hoắc hương 6 g, Xuyên bối mẫu 8 g, Xạ can 6 g, Liên kiều 6 g, Bạc hà 6 g, Bạch đậu khấu 6 g. Sắc lấy nước uống.
5. Kiêng kỵ
- Không nên kết hợp Nhân trần với Cam thảo. Lý do là vì Nhân trần có tính chất đào thải nước còn Cam thảo lại giữ nước. Do đó, khi kết hợp hai thảo dược này với nhau, chúng có thể gây tương tác thuốc, không chỉ làm giảm hiệu quả điều trị mà còn tăng tác dụng phụ ngoài ý muốn.
- Phụ nữ mang thai và đang cho con bú nếu không có vấn đề về gan thì tốt nhất không nên dùng Nhân trần. Khi uống nhiều dược liệu này có thể làm xuất tiết các tuyến trong cơ thể, dẫn đến mẹ bị mất sữa hoàn toàn hoặc chỉ có rất ít.
- Ngoài ra, bạn không nên uống trà Nhân trần hằng ngày. Nguyên nhân là vì vị thuốc có tác dụng lợi tiểu nên dẫn đến đào thải nhiều nước và các chất dinh dưỡng ra ngoài. Từ đó, bạn dễ bị mất nước, mệt mỏi, thiếu tập trung. Hơn nữa, nếu gan, mật không có vấn đề thì việc uống trà Nhân trần hằng ngày sẽ khiến các cơ quan này phải tăng bài tiết, dẫn đến dễ tổn thương, mất cân bằng và dễ sinh bệnh.
Nhân trần là một vị thuốc cổ truyền được sử dụng từ rất lâu trong dân gian. Nhờ có nhiều tác dụng quý mà dược liệu này được dùng nhiều trong các bài thuốc chữa bệnh cũng như cuộc sống hằng ngày. Tuy nhiên, để có thể phát huy hết công dụng của vị thuốc đối với sức khỏe, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ để kiểm soát rủi ro và những tác dụng không mong muốn. Hãy chia sẻ bài viết nếu thấy hữu ích.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
- Đỗ Huy Bích, Đặng Quang Chung, Bùi Xuân Chương, Nguyễn Thượng Dong, Đỗ Trung Đàm, Phạm Văn Hiền, Vũ Ngọc Lộ, Phạm Duy Mai, Phạm Kim Mãn, Đoàn Thị Nhu, Nguyễn Tập, Trần Toàn. Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam. Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội.
- Đỗ Tất Lợi (2006). Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam. Nhà xuất bản Y học.
- Hoàng Duy Tân (2006). Đông dược học. Nhà xuất bản Đồng Nai.