U hạt vòng có phải bệnh lý nguy hiểm hay không?
Nội dung bài viết
U hạt vòng là một trong những bệnh lý phổ biến ảnh hưởng đến da. Bệnh bao gồm nhiều sang thương nổi gồ lên mặt da. Sang thương có màu đỏ hoặc làm đổi màu da. Chúng tạo ra hình vòng tròn, thường xuất hiện ở bàn tay, bàn chân. Vậy bệnh này có đặc điểm ra sao? Có phải là một căn bệnh nguy hiểm hay không? Tất cả sẽ được giải đáp qua bài viết sau đây của Bác sĩ Nguyễn Lâm Giang. Hãy cùng tham khảo với YouMed nhé các bạn!
1. U hạt vòng là bệnh lý như thế nào?
U hạt vòng là một bệnh lành tính ở da, có tính chất mạn tính. Bệnh thường không có những triệu chứng cụ thể. Chẳng hạn như: ngứa, đau, tê bì,… Sang thương bệnh tập trung chủ yếu ở lớp bì của da.
Dạng điển hình của bệnh: thương tổn căn bản là những sẩn nhỏ, xếp thành chuỗi hình vòng cung hoặc hình tròn. Nó thường xuất hiện ở mu bàn tay, cùi chỏ, đầu gối, bàn chân. Bên cạnh đó, bệnh còn có thể toàn thân, dưới da, viêm loét và dạng mảng.
Bệnh thường gặp ở giới nữ hơn so với giới nam (nữ có thể mắc bệnh gấp 2 lần nam). Đây là một bệnh thường xuất hiện rời rạc, lẻ tẻ, không liên quan nhiều đến vùng địa lý cũng như chủng tộc. Tuy nhiên, yếu tố gia đình đã được phát hiện như anh chị em sinh đôi, anh chị em ruột.
Dạng bệnh khu trú và dưới da thường xuất hiện ở trẻ em và thanh thiếu niên. Thể toàn thân thường xảy ra ở người trưởng thành, trung niên và người cao tuổi. Phần lớn các trường hợp u hạt vòng khu trú sẽ tự khỏi trong vòng 2 năm mà không cần điều trị.
>> Xem thêm: Nguyên nhân gây nám da do đâu?
2. Nguyên nhân của bệnh u hạt vòng
Theo nhiều nghiên cứu của các nhà khoa học, nguyên nhân gây bệnh u hạt vòng vẫn chưa được biết rõ. Tuy nhiên, các tổn thương da nhẹ và một vài loại thuốc nhất định có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Một số dạng u hạt vòng có thể xuất hiện ở cả người lớn và trẻ em.
Một số yếu tố có thể làm cho con người dễ mắc bệnh như:
- Động vật, côn trùng cắn.
- Viêm gan.
- Nhiễm khuẩn huyết.
- Áp xe lạnh ở da (lao da).
- Nấm da.
- Để da tiếp xúc thường xuyên với ánh nắng mặt trời.
- Các thương tích khác ở da như: trầy xướt, ghẻ, chốc, mày đay, dị ứng,…
3. Triệu chứng của bệnh
Những triệu chứng của bệnh u hạt vòng có thể không giống nhau giữa người này với người khác. Tùy thuộc vào dạng u hạt vòng mà người bệnh mắc phải, một số triệu chứng điển hình có thể kể đến như:
Khoanh vùng: Là dạng u hạt vòng thường gặp nhất. Bờ tổn thương có hình bán nguyệt hoặc hình tròn, đường kính có thể lên đến 5 cm. Bệnh thường xảy ra ở bàn tay, cổ tay, mắt cá chân hoặc bàn chân ở những người trẻ tuổi.
Toàn thân: 15% những bệnh nhân bị u hạt vòng sẽ bị tổn thương trên một phần lớn cơ thể. Vị trí bao gồm thân mình, hai tay và hai chân. Loại này có thể làm người bệnh có cảm giác ngứa nhẹ.
Dưới da: U hạt vòng thể dưới da thường xuất hiện ở trẻ em. Bệnh gây ra các khối chắc không đau, nằm ở dưới da. Các khối thường có đường kính không quá 3,5 cm. Chúng thường xuất hiện ở da đầu, bàn tay và cẳng chân.
4. Chẩn đoán bệnh
Bệnh u hạt vòng có thể được chẩn đoán thông qua:
Thăm khám: Các bác sĩ sẽ hỏi bệnh, khai thác tiền sử, thăm khám thực thể trên da để chẩn đoán sơ bộ về bệnh. Một tổn thương ít gây ngứa, ít gây đau, không viêm nhiễm thường gợi ý rất nhiều cho chẩn đoán.
Xét nghiệm: Một số xét nghiệm có thể được chỉ định bao gồm:
- Sinh thiết da (cũng giúp loại trừ u ác tính).
- Công thức máu.
- Soi da.
5. Điều trị
Trong đa số các trường hợp, các tổn thương sẽ tự biến mất trong vòng vài tháng. Bệnh hiếm khi kéo dài quá hai năm. Nếu cảm thấy khó chịu, ảnh hưởng đến thẩm mỹ, các bác sĩ sẽ điều trị như sau:
Điều trị tại chỗ
- Kem hoặc thuốc bôi có chứa corticosteroid như: Dexamethason, Betamethason, Triamcinolone.
- Tiêm kháng viêm corticosteroid. Nếu người bệnh có nhiều tổn thương da và các triệu chứng nặng hơn, các bác sĩ sẽ tiêm corticosteroid. Vị trí tiêm là trực tiếp vào các tổn thương nhằm làm cho chúng biến mất nhanh hơn.
- Đông lạnh các tổn thương. Đây là phương pháp áp nitơ lỏng vào vùng bị tổn thương. Phương pháp này có thể giúp loại bỏ các tổn thương và giúp cho da non phát triển tốt.
- Liệu pháp ánh sáng. Phương pháp điều trị bằng laser cũng có hiệu quả đối với nhiều bệnh nhân.
Điều trị toàn thân
Trong những trường hợp bệnh nặng, thương tổn xuất hiện toàn thân, bác sĩ sẽ kê toa cho người bệnh một số thuốc sau đây:
- Dapson (thuốc trị bệnh phong).
- Chloroquin hoặc Hydroxychloroquin (thuốc chống sốt rét).
- Thuốc kháng sinh: Ciprofloxacin, Doxycyclin, Rifamycin,…
- Các thuốc giảm ngứa (kháng histamin) như: Chlopheniramin, Loratadin, Fexofenadin,…
Một số lưu ý khi điều trị bệnh đó là:
- Theo dõi chức năng gan, thận, công thức máu.
- Soi đáy mắt.
- Phản ứng dị ứng thuốc như: ngứa, nổi mày đay, nổi sẩn ngứa,…
- Theo dõi huyết áp hàng ngày.
6. Diễn tiến và tiên lượng của bệnh
Bệnh u hạt vòng dạng khu trú thường tự khỏi mà không để lại bất kỳ một di chứng nào. Thương tổn của bệnh sẽ tự lành trong vòng vài tuần hoặc tồn tại lâu hơn. Tuy nhiên, chúng thường biến mất hẳn trong khoảng 2 năm.
40% các trường hợp bệnh có thể tái phát ngay tại vị trí tổn thương ban đầu. Tuy nhiên, 80% trong số đó sẽ tự lành. Riêng đối với u hạt vòng dạng loét có thể để lại sẹo lõm.
7. Phòng bệnh
Để phòng bệnh u hạt vòng, chúng ta cần phải:
- Hạn chế côn trùng cắn bằng kem bôi chống côn trùng.
- Che chắn kỹ khi đi dưới ánh nắng, đặc biệt là buổi trưa và chiều
- Ăn uống đầy đủ, bổ sung vitamin để tăng sức đề kháng.
- Điều trị tốt các bệnh về da, bệnh tiểu đường.
Trên đây là những thông tin về bệnh u hạt vòng mà YouMed muốn chia sẻ đến các bạn. Nếu các bạn có thêm thông tin về bệnh này như: chẩn đoán, điều trị, cách phòng bệnh,… thì hãy đóng góp cùng YouMed nhé!
>> Xem thêm: Thế nào là nốt ruồi ác tính?
Bác sĩ Nguyễn Lâm Giang
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.