YouMed

Ung thư ống mật: biểu hiện, chẩn đoán và điều trị

Bác sĩ PHAN VĂN GIÁO
Tác giả: Bác sĩ Phan Văn Giáo
Chuyên khoa: Ngoại tổng quát

Ung thư ống mật hay ung thư đường mật là ung thư hình thành trong các ống dẫn mật mang dịch mật vào ruột. Các ống dẫn mật kết nối gan với túi mật và ruột non. Đây là một dạng ung thư không phổ biến, chủ yếu xảy ra ở những người trên 50 tuổi. Tuy nhiên nó vẫn có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Trong bài viết sau, Bác sĩ Phan Văn Giáo sẽ cung cấp thêm thông tin về bệnh lý ung thư ống mật. Bạn đọc cùng theo dõi nhé!

Sơ lược về ống mật (đường mật)

Ống mật là một loạt các ống mỏng đi từ gan đến ruột non. Chức năng chính của nó là tạo đường để dịch mật từ gan và túi mật đi vào ruột non. Khi mật vào ruột non, nó giúp tiêu hóa chất béo trong thức ăn.

Ống mật ở những vị trí khác nhau có tên khác nhau. Trong gan nó bắt đầu như nhiều ống nhỏ từ các tế bào gan. Các ống nhỏ tiếp tục hợp nhất thành các ống dẫn lớn hơn và sau đó hình thành ống mật gan trái và phải. Tất cả các ống dẫn trong gan được gọi là ống mật trong gan.

Các ống gan trái và phải đi ra ngoài gan và kết hợp với nhau tạo thành ống gan chung. Từ đây đi xuống sẽ gặp túi mật (một cơ quan nhỏ lưu trữ mật) được nối với ống gan chung bằng một ống nhỏ gọi là ống túi mật. Khi gặp túi mật, ống dẫn mật từ đây được gọi là ống mật chủ. Ống mật chủ đi qua một phần của tuyến tụy trước khi nó kết hợp với ống tụy và đổ vào phần đầu tiên của ruột non (tá tràng) tại ống Vater.

Các loại ung thư ống mật theo vị trí

Các bác sĩ chia ung thư đường mật thành nhiều loại khác nhau dựa trên vị trí ống mật, bao gồm:

  • UT ống mật trong gan: khi ung thư xảy ra ở đường mật trong gan và đôi khi được phân loại là một loại ung thư gan.
  • UT ống mật Hilar: ung thư nơi ống dẫn gan trái và phải đã kết hợp và rời khỏi gan. Nó còn được gọi là khối u Klatskin. Những bệnh ung thư này được xếp cùng nhóm với UT ống mật ngoài gan.
  • UT ống mật xa: Những ung thư này được tìm thấy ở ống dẫn mật gần ruột non hơn.

Ung thư ống mật có những biểu hiện gì?

Ung thư ống mật thường không gây ra các dấu hiệu hoặc triệu chứng cho đến giai đoạn cuối của bệnh. Tuy nhiên đôi khi các triệu chứng có thể xuất hiện sớm hơn và có thể chẩn đoán sớm. Nếu ung thư được chẩn đoán ở giai đoạn sớm, việc điều trị sẽ có tiên lượng tốt hơn.

Cấu tạo đường mật
Cấu tạo đường mật

Khi bệnh gây ra các triệu chứng, thường là do ống mật bị tắc. Các triệu chứng biểu hiện như thế nào tùy thuộc vào khối u nằm trong các ống dẫn bên trong gan hay bên ngoài gan. Các triệu chứng bao gồm:

1. Vàng da

Bình thường, dịch mật được tạo ra bởi gan và thải vào ruột. Vàng da xảy ra khi gan không thể loại bỏ một chất màu vàng xanh gọi là bilirubin ở trong mật.

 Vàng da xảy ra khi gan không thể loại bỏ một chất màu vàng xanh gọi là bilirubin ở trong mật
Vàng da xảy ra khi gan không thể loại bỏ một chất màu vàng xanh gọi là bilirubin ở trong mật

Khi có khối u, gan sẽ ứ mật và chuyển ngược bilirubin vào máu và lắng đọng ở các bộ phận khác nhau của cơ thể gây ra hiện tượng vàng da vàng mắt.

Vàng da là triệu chứng phổ biến nhất của ung thư ống mật. Tuy nhiên hầu hết các trường hợp, vàng da không phải do ung thư. Tình trạng này thường do viêm gan hoặc sỏi kẹt đường mật.

2. Ngứa da

Bilirubin dư thừa trong da cũng có thể gây ngứa.

3. Phân nhạt/bạc màu

Bilirubin trong dịch mật góp phần tạo ra màu nâu của phân. Vì vậy nếu dịch mật không thể đến ruột, màu phân sẽ nhạt hơn, thậm chí bạc màu.

Nếu ung thư ngăn chặn sự giải phóng mật và dịch tụy vào ruột, cơ thể không thể tiêu hóa được thức ăn béo. Chất béo không được tiêu hóa cũng có thể làm phân có màu nhạt bất thường. Một số người đi ra phân thấy mỡ lềnh bềnh trong bồn cầu.

4 Nước tiểu đậm

Khi nồng độ bilirubin trong máu tăng cao, nó cũng có thể đi qua thận và làm cho nước tiểu sậm màu.

5. Đau bụng

Ở giai đoạn đầu hiếm khi gây đau bụng. Tuy nhiên khi các khối u lớn hơn có thể gây đau bụng, đặc biệt là vị trí hạ sườn bên phải.

6. Chán ăn, sụt cân

Những người bị ung thư ống mật có thể không cảm thấy đói và giảm cân nhanh chóng mà không rõ nguyên do.

7. Sốt

Một số trường hợp bị ung thư ống mật gây sốt.

8. Buồn nôn, nôn mửa

Đây không phải là những triệu chứng phổ biến. Tuy nhiên nó có thể xảy ra ở những người bị viêm đường mật do tắc nghẽn ống mật. Các triệu chứng này thường thấy kèm theo sốt.

Hãy lưu ý rằng ung thư ống mật là không phổ biến. Những triệu chứng này có nhiều khả năng được gây ra bởi nguyên nhân khác. Ví dụ, những người bị sỏi đường mật có nhiều triệu chứng như trên. Đau bụng ở hạ sườn phải cũng có nhiều nguyên nhân gây ra. Ngay cả vàng da cũng thường là do bệnh cảnh viêm gan gây ra.

Tuy nhiên, nếu bạn có bất kỳ triệu chứng nào trong số này. Điều quan trọng là phải đến gặp bác sĩ ngay lập tức để tìm ra nguyên nhân và điều trị nếu cần.

Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc ung thư ống mật?

Các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ ung thư đường mật bao gồm:

  • Viêm xơ chai đường mật nguyên phát: Bệnh này gây ra xơ cứng và sẹo ở đường mật.
  • Bệnh gan mãn tính: Sẹo ở gan do tiền sử bệnh gan mãn tính làm tăng nguy cơ ung thư đường mật.
  • Các vấn đề về ống mật xuất hiện khi sinh: Những người sinh ra với u nang ống mật, gây giãn nở và không đều ống dẫn mật, có nguy cơ mắc ung thư đường mật cao hơn.
  • Ký sinh trùng ở gan: Ở các khu vực Đông Nam Á, ung thư đường mật có liên quan đến nhiễm sán lá gan, có thể xảy ra khi ăn cá sống hoặc nấu chưa chín.
  • Lớn tuổi: Ung thư đường mật xảy ra phổ biến nhất ở người lớn trên 50 tuổi.
  • Hút thuốc: Hút thuốc có liên quan đến tăng nguy cơ ung thư đường mật.

Chẩn đoán ung thư ống mật cần những xét nghiệm gì?

Nếu bác sĩ nghi ngờ bệnh nhân bị ung thư ống mật, bác sỹ có thể yêu cầu một số xét nghiệm sau:

1. Xét nghiệm chức năng gan

Một số thông số trong xét nghiệm máu giúp đánh giá chức năng gan có thể cung cấp cho bác sỹ thông tin về nguyên nhân gây ra các triệu chứng.

2. Xét nghiệm chất chỉ điểm khối u trong ung thư ống mật

Kiểm tra mức độ kháng nguyên CA 19-9 trong máu giúp cung cấp củng cố chẩn đoán. CA 19-9 là một loại protein được sản xuất quá mức bởi các tế bào ung thư ống mật.

 CA 19-9 là một loại protein được sản xuất quá mức bởi các tế bào ung thư ống mật
CA 19-9 là một loại protein được sản xuất quá mức bởi các tế bào ung thư ống mật

Tuy nhiên, nồng độ CA 19-9 trong máu cao không có nghĩa là bạn bị ung thư ống mật. Kết quả này cũng có thể xảy ra trong các bệnh lý ống mật khác, chẳng hạn như viêm và tắc nghẽn ống mật.

3. Chụp mật tụy ngược dòng (ERCP)

Một ống dẫn dài có camera nhỏ gắn ở đầu ổng sẽ được đưa vào miệng, xuống cổ họng và qua đường tiêu hóa đến ruột non. Camera được sử dụng để kiểm tra khu vực ống mật kết nối với ruột non. Bác sĩ của bạn cũng có thể sử dụng quy trình này để tiêm thuốc nhuộm vào đường mật để giúp chúng hiển thị tốt hơn trên các xét nghiệm hình ảnh.

4. Các xét nghiệm hình ảnh

Các xét nghiệm hình ảnh có thể giúp bác sĩ của bạn xem bất kỳ bất thường nào trong các cơ quan nội tạng có thể chỉ ra ung thư ống mật. Các kỹ thuật được sử dụng để chẩn đoán bao gồm chụp cắt lớp vi tính (CTscan) và chụp cộng hưởng từ (MRI) kết hợp với chụp cộng hưởng từ mật tụy (MRCP). MRCP ngày càng được sử dụng như một giải pháp thay thế không xâm lấn cho ERCP. Nó cung cấp hình ảnh 3D mà không cần thuốc nhuộm để nâng cao hình ảnh.

5. Sinh thiết

Nếu khu vực nghi ngờ nằm ​​rất gần nơi ống mật kết nối với ruột non, bác sĩ có thể lấy mẫu sinh thiết trong quá trình ERCP. Nếu khu vực nghi ngờ nằm ​​trong hoặc gần gan, bác sĩ có thể lấy mẫu mô bằng cách đâm một cây kim dài qua da vào khu vực nghi ngờ.

Ung thư ống mật có thể phòng ngừa bằng cách nào?

Không có cách nào để ngăn ngừa ung thư ống mật. Tuy nhiên bạn vẫn có thể giảm nguy cơ mắc bệnh nếu:

Bỏ thuốc lá: Hút thuốc lá có liên quan đến việc tăng nguy cơ ung thư. Nếu bạn hút thuốc, hãy cố gắng ngừng hút. Hãy nói chuyện với bác sỹ để giúp bạn có những phương pháp cai thuốc, bao gồm tham gia các nhóm trung tâm hỗ trợ, thuốc, liệu pháp thay thế nicotine.

Giảm nguy cơ mắc bệnh gan: Bệnh gan mãn tính có liên quan đến tăng nguy cơ ung thư đường mật. Một số nguyên nhân gây ra bệnh gan bạn có thể ngăn ngừa được. Ví dụ, để giảm nguy cơ bị viêm gan (xơ gan), hãy uống rượu ở mức độ vừa phải, nếu có, duy trì cân nặng hợp lý và sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sỹ tránh làm hại gan.

Ung thư ống mật được điều trị như thế nào?

Phương pháp ung thư ống mật có thể bao gồm:

1. Phẫu thuật ung thư ống mật

Khi có thể, các bác sĩ sẽ cố gắng loại bỏ càng nhiều ung thư càng tốt. Đối với khối ung rất nhỏ, cần cắt bỏ một phần ống mật và nối các đầu tận. Đối với ung thư ống mật tiến triển hơn, mô gan, mô tụy hoặc các hạch bạch huyết lân cận cũng có thể cần cắt bỏ.

Phẫu thuật ung thư ống mật
Phẫu thuật ung thư ống mật

2. Ghép gan

Phẫu thuật cắt bỏ gan và thay bằng một lá gan từ người hiến tặng (ghép gan) có thể là một lựa chọn trong một số trường hợp nhất định đối với những người bị ung thư biểu mô đường mật. Đối với nhiều người, ghép gan là một phương pháp chữa hoàn toàn ung thư ống mật. Tuy nhiên nguy cơ ung thư vẫn có thể sẽ tái phát sau khi ghép gan.

3. Hóa trị liệu

Hóa trị sử dụng thuốc để tiêu diệt tế bào ung thư. Hóa trị có thể được sử dụng trước khi ghép gan. Nó cũng có thể áp dụng cho những người ung thư ống mật giai đoạn cuối để giúp làm chậm bệnh và giảm các triệu chứng.

4. Xạ trị

Xạ trị sử dụng các nguồn năng lượng cao như photon (tia X) và proton, để tiêu diệt các tế bào ung thư.

5. Dẫn lưu đường mật

Dẫn lưu đường mật là một thủ thuật để khôi phục dòng chảy của mật. Nó có thể là phẫu thuật bắc cầu để định lại đường mật xung quanh ung thư hoặc đặt stent để giữ ống mật mở đang bị hẹp lại do ung thư. Dẫn lưu đường mật giúp làm giảm triệu chứng của ung thư ống mật.

6. Chăm sóc giảm nhẹ

Chăm sóc giảm nhẹ là chăm sóc y tế chuyên biệt tập trung vào việc giảm đau và các triệu chứng gây khó chịu cho bệnh nhân. Chăm sóc giảm nhẹ không giống như chăm sóc cuối đời. Nó được thực hiện bởi đội ngũ bác sĩ, y tá, nhân viên và các chuyên gia được đào tạo chuyên biệt.

Những đội ngũ này tạo ra nhằm mục đích cải thiện chất lượng cuộc sống cho những người mắc bệnh ung thư.

Các chuyên gia chăm sóc giảm nhẹ làm việc với bệnh nhân, gia đình của bệnh nhân và bác sĩ đang điều trị để cung cấp thêm một phần chăm sóc hỗ trợ liên tục.

Khi chăm sóc giảm nhẹ được thực hiện cùng với các phương pháp điều trị thích hợp khác – thậm chí ngay sau khi được chẩn đoán. Phần lớn trải nghiệm những người bị ung thư cảm thấy tốt hơn về cả tâm lý và cả thể xác, giúp bệnh nhân sống lâu hơn.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Bile Duct Cancer (Cholangiocarcinoma) Treatment (PDQ®)–Patient Versionhttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK65851/

    Ngày tham khảo: 30/10/2020

  2. What Is Bile Duct Cancer?https://www.cancer.org/cancer/bile-duct-cancer/about/what-is-bile-duct-cancer.html

    Ngày tham khảo: 30/10/2020

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người