Những điều bạn cần biết khi tiêm phòng vắc xin phế cầu khuẩn
Nội dung bài viết
Vắc xin phế cầu khuẩn là gì? Tại sao phải tiêm phòng vắc xin này? Hãy cùng YouMed làm rõ vấn đề này nhé!
Bệnh phế cầu bao gồm một nhóm các bệnh lý gây ra do vi khuẩn Streptococcus pneumoniae, thường được gọi là phế cầu. Có rất nhiều chủng vi khuẩn Streptococcus pneumoniae khác nhau, nhiều chủng thường trú trong mũi, họng và đường thở của người khỏe mạnh.
Phế cầu là một vi khuẩn thường gây bệnh ở trẻ nhỏ <5 tuổi như các bệnh lý hô hấp.
- Tùy vào vị trí tai – mũi – họng mà bệnh lí khác nhau.
- Đầu tiên là viêm họng, viêm mũi, viêm tai giữa.
- Nặng hơn là viêm phổi, viêm màng não, nhiễm trùng huyết.
- Vi khuẩn lây qua đường hô hấp nên có thể phát tán trong cộng đồng rất nhanh
1. Vắc xin phế cầu khuẩn là gì?
1.1. Định nghĩa
Có 2 loại vắc xin giúp ngăn ngừa bệnh phế cầu khuẩn:
- Vắc xin liên hợp phế cầu khuẩn (PCV13 hoặc Prevnar 13®): kết hợp protein với một phần của vi khuẩn để cải thiện khả năng bảo vệ mà vắc xin cung cấp.
- Vắc xin polysacarit phế cầu khuẩn (PPSV23 hoặc Pneumovax23 ®): được chế tạo trông giống bề mặt của một số vi khuẩn nhất định để giúp cơ thể xây dựng sự bảo vệ chống lại mầm bệnh đó.
1.2. Cách hoạt động
Cả hai loại vắc xin phế cầu đều kích thích cơ thể sản xuất kháng thể chống lại vi khuẩn phế cầu.
Kháng thể là các protein được cơ thể sản xuất để vô hiệu hóa hoặc tiêu diệt các sinh vật và độc tố mang mầm bệnh, đồng thời giúp bảo vệ cơ thể khỏi bị bệnh nếu bị nhiễm vi khuẩn.
Hiện đã xác định có > 90 chủng vi khuẩn phế cầu khác nhau, mặc dù hầu hết các chủng này không gây nhiễm trùng nghiêm trọng.
1.3. Các loại vắc xin phế cầu khuẩn
Tùy thuộc vào độ tuổi và sức khỏe sẽ tiêm phòng loại vắc xin khác nhau. Cụ thể
- Vắc xin liên hợp phế cầu khuẩn (PCV): bảo vệ chống lại 13 chủng vi khuẩn phế cầu khuẩn, được sử dụng để tiêm vắc xin cho trẻ <2 tuổi. Vắc xin này còn được biết đến với tên gọi Prevenar 13.
- Vắc xin polysacarit phế cầu khuẩn (PPV) (bảo vệ chống lại 23 chủng, có hiệu quả khoảng 50 đến 70% trong việc ngăn ngừa bệnh phế cầu khuẩn)
+ Được tiêm cho những người ≥ 65 tuổi và đối tượng nguy cơ
+ Trẻ có nguy cơ bị nhiễm phế cầu khuẩn có thể chủng ngừa PPV từ 2 tuổi trở đi.
+ Vắc xin PPV không hiệu quả nhiều ở trẻ dưới 2 tuổi.
2. Đối tượng nguy cơ cao mắc bệnh
Bệnh lý phế cầu thường gặp ở trẻ nhỏ <2 tuổi và người lớn tuổi, đặc biệt là người già >85 tuổi. Ngoài ra, nguy cơ nhiễm vi khuẩn phế cầu và mắc bệnh lý nặng cũng cao hơn ở trẻ <5 tuổi có các bệnh lý khác đi kèm. Đối tượng đó có thể là những người có hệ miễn dịch suy yếu, bệnh lý mạn tính (đái tháo đường), bệnh về gan, phổi, thận và tim,..
Do đó, CDC khuyến nghị tiêm vắc xin PCV13 cho:
- Tất cả trẻ em < 2 tuổi
- Người ≥ 2 tuổi với một số điều kiện y tế
- Người lớn ≥ 65 tuổi cũng có thể thảo luận với bác sĩ và quyết định tiêm phòng PCV13 hay không.
CDC khuyến nghị tiêm vắc xin PPSV23 cho:
- Tất cả người lớn ≥ 65 tuổi.
- Người từ 2 – 64 tuổi với một số điều kiện y tế
- Người lớn từ 19 – 64 tuổi có hút thuốc lá
3. Lịch tiêm phòng
Trẻ được sinh sau ngày 1 tháng 1 năm 2020
Có 2 liều vắc xin phế cầu tại 2 thời điểm:
- 12 tuần
- 1 năm
Trẻ được sinh ra trước ngày 1 tháng 1 năm 2020
Trẻ sẽ tiếp tục được tiêm 3 liều tại các thời điểm:
- 8 tuần
- 16 tuần
- Tăng cường sau 1 năm.
Người lớn tuổi ≥ 65 tuổi
- Chỉ cần tiêm vắc xin phế cầu 1 lần duy nhất
- Không được tiêm vắc xin này hàng năm như bệnh cúm
Người có tình trạng sức khỏe bình thường
- Có thể chỉ cần tiêm vắc xin phế cầu hoặc tiêm vắc xin một lần duy nhất cứ sau 5 năm. Cần hỏi ý kiến bác sĩ.
4. Chống chỉ định tiêm chủng
- Phụ nữ có thai hoặc phụ nữ đang cho con bú.
- Dị ứng với bất cứ thành phần nào trong công thức của vắc xin phế cầu
- Bất kì đối tượng nào đang trong tình trạng sức khỏe không được ổn định tại thời điểm tiêm phòng.
5. Tác dụng phụ sau tiêm chủng vắc xin
Tác dụng phụ phổ biến nhất vẫn là phản ứng tại nơi tiêm: đỏ, sưng tấy và đau nơi tiêm.
5.1. Vaccine liên hợp phế cầu khuẩn
- Ớn lạnh
- Đau đầu
- Sốt (có thể)
- Cảm thấy khó chịu, mệt mỏi
- Giảm vị giác nên cảm giác ăn không ngon
Trẻ nhỏ được tiêm vắc xin liên hợp phế cầu cùng lúc với vắc xin cúm bất hoạt có thể có nguy cơ cao bị co giật, sốt. Bạn hãy thông tin cho bác sĩ nếu con của bạn đã được tiêm phòng cúm trước đó.
5.2. Vắc xin Polysacarit phế cầu
Một số tác dụng phụ của vắc xin polysacarit phế cầu bao gồm:
- Cơ thể bị sốt
- Xuất hiện tình trạng đau cơ
Những triệu chứng thường tự biến mất trong vòng khoảng 2 ngày.
6. Lưu ý khi tiêm chủng vắc xin phế cầu
Sau khi tiêm chủng sẽ có một vài trường hợp sẽ bị ngất xỉu. Do đó, nên ngồi hoặc nằm trong khoảng 15 phút có thể giúp phòng ngừa tình trạng ngất xỉu và chấn thương do ngã.
Bạn hãy thông báo cho bác sĩ nếu bạn hoặc con bạn xuất hiện các triệu chứng:
- Chóng mặt
- Thay đổi thị lực
- Cảm giác có tiếng chuông reo trong tai.
Thông thường, sốt sau tiêm là phản ứng rất bình thường, bạn hãy chăm sóc tình trạng sốt sau tiêm cẩn thận. Ngoài ra, có một vài trường hợp bị đau dữ dội ở vai và gặp khó khăn khi di chuyển cánh tay nơi bác sĩ đã tiêm. Tuy nhiên, điều này rất hiếm khi xảy ra.
Bất kỳ loại thuốc nào cũng có thể gây ra phản ứng dị ứng nghiêm trọng. Do đó, hãy gọi ngay cho bác sĩ và đến bệnh viện gần nhất để cấp cứu nếu xảy ra tình trạng nghiêm trọng.
Hiện tại, vẫn chưa có bằng chứng cho thấy PPSV23 có hại cho phụ nữ mang thai hoặc em bé. Tuy nhiên, phụ nữ cần tiêm vắc xin trước khi mang thai để tránh những nguy cơ không cần thiết.
Bài phân tích phía trên là những thông tin về vắc xin phế cầu khuẩn. Bạn hãy tìm hiểu thật kĩ và nhận tư vấn từ bác sĩ để quyết định tiêm phòng cho bạn hoặc người thân của bạn nhé!
Dược sĩ Nguyễn Ngọc Cẩm Tiên
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
Pneumococcal Vaccination: What Everyone Should Know https://www.cdc.gov/vaccines/vpd/pneumo/public/index.html Ngày truy cập 05.05.2020 Pneumococcal vaccination in adults https://www.uptodate.com/contents/pneumococcal-vaccination-in-adults#H4173277198 Ngày truy cập 05.05.2020 Pneumococcal https://www.vaccines.gov/diseases/pneumonia Ngày truy cập 05.05.2020