Vắc-xin phòng viêm gan B: Công dụng, liều dùng, chỉ định và tác dụng phụ
Nội dung bài viết
Hiện nay, bệnh viên gan B vẫn chưa có một loại thuốc đặc trị hay phác đồ điều trị dứt điểm. Vì vậy, việc tiêm vắc-xin phòng viêm gan B là giải pháp tốt nhất để bảo vệ sức khỏe. Vậy vắc-xin được chỉ định tiêm cho đối tượng nào? Liệu lượng và lịch tiêm đầy đủ như thế nào? Cần lưu ý những gì khi tiêm vắc-xin phòng viêm gan B?
Công dụng của vắc-xin tiêm phòng viêm gan B
- Vắc-xin phòng viêm gan B giúp ngăn ngừa bệnh viêm gan B và các hậu quả như xơ gan, ung thư gan.
- Khuyến cáo tiêm phòng cho tất cả người lớn và trẻ em có nguy cơ tiếp xúc với virus viêm gan B.
- Tuy nhiên, việc tiêm chủng rộng rãi vắc-xin phòng viêm gan B sẽ giúp kiểm soát viêm gan B trong cộng đồng. Đồng thời, có thể giúp giảm tỉ lệ viêm gan D – căn bệnh không thể xảy ra nếu không bị nhiễm viêm gan B.
Lưu ý: Vắc-xin phòng viêm gan B không phòng được các bệnh viêm gan do virus viêm gan A, viêm gan C
Trường hợp chỉ định và chống chỉ định của vắc-xin phòng viêm gan B
Chỉ định
Trường hợp chỉ định của vắc-xin phòng viêm gan B có những nhóm sau:
Nhóm người khỏe mạnh có nguy cơ cao
- Bác sĩ, phẫu thuật viên, nha sĩ, y tá, hộ lý
- Đối tượng là nhân viên y tế thường xuyên phải tiếp xúc với máu, dịch phẩm.
- Các nhân viên trong phòng thí nghiệm
- Đối tượng là nhân viên hoặc cư dân trong trại dưỡng lão, trại cứu tế…
- Các đối tượng đến vùng dịch
- Những người có nguy cơ trong quan hệ tình dục
- Nhân viên cứu hỏa, cảnh sát, quân nhân,…
- Hoặc gia đình có người bị nhiễm virus viêm gan B. Đặc biệt là các em bé sinh ra từ những bà mẹ có HBsAg (+) và HBeAg (+).
Nhóm bệnh nhân
- Bệnh nhân thường xuyên phải truyền máu có thể đã bị nhiễm virus viêm gan B
- Người bệnh bị suy giảm miễn dịch
- Các đối tượng phải chạy thận nhân tạo.
- Chỉ định tiêm phòng trên bệnh nhân ghép tạng.
Chống chỉ định
- Dị ứng với bất kỳ thành phần nào của vắc-xin.
- Đặc biệt những trường hợp có biểu hiện mẫn cảm với vắc-xin phòng viêm gan B ở lần tiêm trước
Liều lượng và cách tiêm phòng vắc-xin viêm gan B
Lộ trình tiêm vắc-xin phòng viêm gan B cho trẻ em
Trong trường hợp mẹ không nhiễm virus viêm gan B
Theo thông tư 38/2017/TT-BYT ban hành ngày 17/10/2017 về danh mục bệnh truyền nhiễm, phạm vi và đối tượng phải sử dụng vắc-xin, sinh phẩm y tế bắt buộc quy định cụ thể
- Sơ sinh được tiêm trong vòng 24 giờ đầu sau sinh hoặc sớm nhất có thể nếu trẻ phải trì hoãn tiêm
- Trường hợp liều thứ 2, 3, 4 có thể tiêm với vắc-xin phối hợp chứa thành phần viêm gan B (6 trong 1 hoặc 5 trong 1) bắt đầu tiêm khi trẻ đủ 2 tháng tuổi. Lưu ý khoảng cách tối thiểu giữa 2 liều là 28 ngày.
- Bên cạnh đó, liều cuối cùng nên nhắc khi trẻ 18 tháng tuổi với vắc-xin 6 trong 1 (trước 24 tháng tuổi).
>> Bạn đã biết các thông tin về loại vắc xin phòng viêm gan B hiệu quả chưa? Cùng tìm hiểu vắc-xin phòng viêm gan B Engerix.
Trường hợp mẹ bị nhiễm virus viêm gan B trong giai đoạn mang thai
- Tình trạng lây nhiễm từ mẹ sang con này rất hiếm thường không quá 2%. Thường lây nhiễm xảy ra chủ yếu trong quá trình sinh nở.
- Vì thế, nếu người mẹ bị nhiễm bệnh thì cần tiêm vắc-xin và huyết thanh kháng viêm gan B cho trẻ trong vòng 24 giờ sau sinh. Lưu ý tốt nhất là 12 giờ để đảm bảo trẻ không bị lây bệnh.
- Thời điểm tiêm càng trễ, hiệu lực của vắc-xin càng giảm
+ Trong 24 giờ đầu sẽ phòng được 85 – 90% sự lây truyền từ mẹ sang con
+ Ngày hôm sau (48 giờ), hiệu lực vắc-xin giảm 50 – 57% mỗi ngày.
Mẹ mang virus viêm gan B có thể theo 2 phác đồ tiêm chủng cho trẻ như sau:
Phác đồ 1: 0-1-2-12
- Tiêm cho trẻ sơ sinh trong vòng 24 giờ, tốt nhất là 12 giờ sau sinh. Cần tiêm phối hợp cùng huyết thanh nhằm kháng viêm gan B
- Khi trẻ đủ 1 tháng tuổi: tiêm liều 2
- Khi trẻ được đủ 2 tháng tuổi: thực hiện tiêm liều 3
- Thực hiện tiêm liều thứ 4 cách liều thứ 3 là 12 tháng.
Phác đồ 2: 0-1-6-18
- Tiêm cho trẻ sơ sinh trong vòng 24 giờ, tốt nhất là 12 giờ sau sinh. Cần tiêm phối hợp cùng huyết thanh nhằm kháng viêm gan B.
- Khi trẻ đủ 1 tháng tuổi: tiêm liều 2
- Khi trẻ được 6 tháng tuổi: thực hiện tiêm liều 3
- Thực hiện liều tiêm thứ 4 khi trẻ được 18 tháng tuổi.
Lưu ý do vắc xin viêm gan B không tạo đáp ứng miễn dịch suốt đời vì lượng kháng thể sẽ giảm dần theo thời gian. Do vậy, sau 5 năm cần cho trẻ xét nghiệm kháng thể kháng lại virus viêm gan B. Nếu kháng thể< 10mUI/ml cần thực hiện tiêm nhắc lại 1 liều vắc-xin viêm gan B để đảm bảo hiệu quả phòng bệnh.
Lộ trình tiêm vắc-xin phòng viêm gan B cho người lớn
- Xét nghiệm trước khi tiêm
+ Làm các xét nghiệm đánh giá HBsAg và anti-HBs (HBsAb) để biết đã bị nhiễm bệnh hay trong cơ thể đã có kháng thể kháng virus viêm gan B hay chưa.
+ Trường hợp kết quả HBsAg (+) thì việc tiêm ngừa sẽ không còn hiệu quả.
+ Nếu HBsAb (+) tức đã có kháng thể kháng virus viêm gan B. Do vậy, khi đó không cần thiết phải tiêm vắc-xin nữa.
+ Một trường hợp nếu cho kết quả (-), tức là chưa mắc bệnh. Vì thế cần tiêm vắc-xin để phòng bệnh. - Phác đồ tiêm: có thể chọn 1 trong 2 phác đồ
+ 0 – 1 – 6: liều thứ 2 cách mũi đầu tiên 1 tháng và liều thứ 3 cách liều thứ 2 là 5 tháng (cách liều đầu 6 tháng nếu tiêm đúng lịch).
+ 0 – 1 – 2 – 12: tiêm 3 liều liên tiếp cách nhau 1 tháng và liều thứ 4 cách liều thứ 3 là 1 năm.
>> Để biết thêm về chi phí tiêm phòng hãy cùng tìm hiểu giá tiêm phòng viêm gan b cho người lớn
Lịch tiêm chủng nhanh
Chỉ định cho các trường hợp cần hiệu quả bảo vệ nhanh như bị kim tiêm nghi ngờ nhiễm virus hoặc chuẩn bị đi vào vùng có tỷ lệ mắc bệnh viêm gan B cao….
- Mũi 1: Lần tiêm đầu tiên
- Sau 7 ngày: mũi 2
- Sau 21 ngày: mũi 3
- Thực hiện tiêm mũi 4: nhắc lại sau mũi đầu tiên 12 tháng.
Thận trọng khi sử dụng vắc-xin phòng viêm gan B
Lưu ý các đối tượng bị sốt hoặc nhiễm trùng cấp tính nên dừng tiêm vắc-xin phòng viêm gan B. Tuy nhiên, không chống chỉ định tiêm phòng vắc xin với các trường hợp nhiễm trùng nhẹ.
Khả năng đáp ứng miễn dịch của vắc-xin phòng viêm gan B phụ thuộc vào nhiều yếu tố
- Độ tuổi: Nam >40 tuổi đáp ứng miễn dịch kém hơn
- Bị béo phì
- Đái tháo đường
- Thói quen hút thuốc lá
- Đường tiêm không thích hợp: Như tiêm ở mông hay tiêm trong da
- Đối tượng bị nhiễm HIV/AIDS.
Với các trường hợp trên thường có đáp ứng miễn dịch kém hơn. Vì thế nên cân nhắc liều tiêm bổ sung.
Các vắc xin tiêm phòng viêm gan B được khuyến cáo không nên tiêm cho phụ nữ có thai. Tuy nhiên, đối với những phụ nữ có thai mà có nguy cơ cao bị nhiễm virus viêm gan B vẫn có thể tiêm được. Vắc-xin này không chống chỉ định tiêm cho phụ nữ đang cho con bú.
Tác dụng không mong muốn của vắc-xin phòng viêm gan B
Tác dụng phụ thường gặp khi tiêm vắc xin viêm gan B:
- Có thể xuất hiện đau thoáng qua, chai cứng da, hồng ban tại vị trí tiêm
Tác dụng không mong muốn hiếm gặp:
- Sau khi tiêm có thể xuất hiện tình trạng mệt mỏi, khó chịu, sốt, triệu chứng như mẫn cảm
- Nhức đầu, chóng mặt, dị cảm
- Buồn nôn, nôn, đau bụng, tiêu chảy
- Thay đổi kết quả xét nghiệm chức năng gan
- Đau cơ, đau khớp
- Ngứa, nổi mề đay, phát ban.
Bài viết là thông tin mà bạn đọc cần lưu ý về vắc-xin phòng viêm gan B. Hãy luôn trang bị cho mình kiến thức về sức khỏe cùng YouMed và tiêm phòng vắc-xin đầy đủ để đảm bảo an toàn cho bản thân, gia đình và xã hội. Nếu bạn có thắc mắc gì sau khi đọc bài viết hãy liên hệ cho bác sĩ để được tư vấn chính xác nhé!
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Tiêm chủng vaccine viêm gan Bhttps://www.hepb.org/prevention-and-diagnosis/vaccination/
Ngày tham khảo: 19/04/2021
-
Lịch tiêm chủng https://www.immunize.org/technically-speaking/20161027.asp
Ngày tham khảo: 19/04/2021
-
Vaccin viêm gan Bhttps://www.healthline.com/health/hepatitis-b-vaccine-side-effects
Ngày tham khảo: 19/04/2021
-
Vaccin viêm gan B có an toànhttps://www.cdc.gov/vaccinesafety/vaccines/hepatitis-b-vaccine.html
Ngày tham khảo: 19/04/2021