Vắc-xin sởi gồm những loại nào? Đặc điểm các loại vắc-xin sởi hiện nay
Nội dung bài viết
Hiện nay, vắc-xin sởi có mấy loại? Đặc điểm của từng loại vắc-xin là gì, có những điểm nào khác nhau? Những trường hợp nào cần được tạm hoãn tiêm phòng vắc-xin sởi? Một số tác dụng đáng lưu ý sau khi tiêm phòng là gì? Hãy cùng tìm hiểu chi tiết trong bài viết dưới đây của Dược sĩ Nguyễn Ngọc Cẩm Tiên nhé!
Vắc-xin sởi có mấy loại?
Hiện nay, trên thị trường có 3 loại vắc-xin phòng bệnh sởi:
- MVVAC: vắc-xin sởi đơn.
- MR: vắc-xin sởi phối hợp sẽ gồm 2 loại là vắc-xin sởi – rubella.
- MMR: vắc-xin sởi – quai bị – rubella.
Đặc điểm của các loại vắc-xin sởi khác nhau là gì?
1. Vắc-xin sởi đơn giá MVVAC1 2
Đầu tiên phải kể đến vắc-xin sởi đơn giá MVVAC có những đặc điểm như sau:
- Đây là vắc-xin sởi đơn hiện nay được sử dụng có tên MVVAC.
- MVVAC là vắc-xin vi rút sống, giảm độc lực được sản xuất theo công nghệ chuyển giao của viện Kitasato. (Nhật Bản) kết hợp cùng công nghệ hiện đại đạt chuyển GMP-WHO. Công nghệ này được Bộ Y tế cấp phép sử dụng từ cuối năm 2009 và đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng tại Việt Nam.
2. Vắc-xin sởi – rubella MR3
MR là vắc-xin sống, giảm độc lực.
Vắc-xin có thể giúp phòng chống đồng thời 2 bệnh là sởi và rubella. Do đó, khi tiêm phòng với vắc-xin phối hợp này sẽ giúp bảo vệ trẻ đồng thời khỏi 2 loại bệnh với hiệu quả bảo vệ lên tới 95%. Tuy nhiên, cũng như các loại vắc-xin khác thì vắc-xin MR không thể phòng bệnh tuyệt đối 100%. Điều này là do hiệu quả đáp ứng miễn dịch còn phụ thuộc vào các yếu tố:
- Độ tuổi tiêm.
- Loại vắc-xin.
- Đặc điểm miễn dịch.
- Tình trạng sức khỏe.
- Chất lượng và kỹ thuật tiêm vắc-xin tại cơ sở cung cấp.
Vắc-xin sởi – rubella nằm trong chương trình tiêm chủng mở rộng toàn quốc với mục tiêu bao gồm:
- Đối tượng tiêm phòng: toàn bộ trẻ em từ 1 – 14 tuổi.
- Mục đích: nhằm tạo nên miễn dịch chủ động để phòng bệnh. Ngoài ra, về cộng đồng, có thể giúp loại trừ bệnh sử. Đồng thời có thể khống chế bệnh rubella và hội chứng rubella bẩm sinh.
Lịch tiêm chủng vắc-xin MR:
- Thực hiện 2 mũi tiêm sởi đơn cho trẻ vào tháng thứ 9 và 18.
- Trường hợp đối với trẻ tiêm mũi phối hợp sởi – rubella sẽ tiêm 1 mũi duy nhất trong độ tuổi từ 1 – 14 tuổi.
3. Vắc-xin sởi – quai bị – rubella MMR II4
Vắc-xin MMR II là vắc-xin phối hợp có thể giúp phòng các bệnh sởi – quai bị – rubella. MMR II có bản chất là vắc-xin chứa vi rút sống giảm độc lực. Vắc-xin này giúp cơ thể tạo miễn dịch chủ động phòng ngừa cả 3 bệnh là sởi, quai bị và rubella bằng cách tạo kháng thể chống lại vi rút.
MMR II được chỉ định để phòng chống cả 3 bệnh là sởi, quai bị, rubella.
Đối tượng: tiêm cho trẻ > 12 tháng tuổi.
Lịch tiêm phòng vắc-xin:
- Thực hiện tiêm mũi vắc-xin sẽ đầu tiên khi trẻ khoảng 12 – 15 tháng tuổi. Hoặc có thể tiêm muộn hơn để tránh tương tác với kháng thể từ mẹ truyền sang con.
- Mũi tiêm nhắc lại vắc-xin phòng sởi MMR II khi trẻ được 4 – 6 tuổi. Hoặc có thể sớm hơn nếu có dịch xảy ra có tác dụng củng cố miễn dịch cho trẻ nếu con chưa đáp ứng với mũi tiêm trước.
Lưu ý khi tiêm vắc-xin sởi
Cần lưu ý không sử dụng vắc-xin này trong các trường hợp dưới đây:3 4
- Bệnh nhân bị dị ứng với bất cứ thành phần nào có trong công thức của vắc-xin.
- Đối tượng là phụ nữ mang thai. Lưu ý, phụ nữ sau khi tiêm cũng cần tránh mang thai sau 1 tháng.
- Các trường hợp đã từng bị dị ứng với neomycin trước đó.
- Người bệnh đang sốt hoặc đang bị viêm đường hô hấp.
- Không tiêm phòng vắc-xin trên bệnh nhân bị lao tiến triển mà chưa điều trị hoặc được điều trị bằng thuốc ức chế miễn dịch.
- Bị rối loạn về máu, bạch cầu hay u nang hạch bạch huyết.
- Đối tượng bị suy giảm miễn dịch kể cả AIDS. Có thể xuất hiện các triệu chứng lâm sàng về nhiễm virus gây suy giảm miễn dịch.
- Gia đình có người bị suy giảm miễn dịch bẩm sinh.
Các trường hợp tạm hoãn tiêm vắc-xin sởi
Những đối tượng sau cần hoãn tiên vắc-xin sởi:3
- Các trường hợp bị mắc bệnh nhiễm trùng hoặc các bệnh cấp tính.
- Đánh giá tình trạng sốt của trẻ. Không thực hiện tiêm phòng nếu trẻ sốt trên 37,5°C hoặc hạ thân nhiệt dưới 35,5°C.
- Đối tượng vừa sử dụng các sản phẩm globulin miễn dịch hoặc truyền máu, huyết tương trong 3 tháng gần đây.
- Không tiêm cho trẻ đang hoặc vừa kết thúc điều trị corticoid trong vòng 2 tuần.
- Tạm hoãn tiêm phòng cho các trường hợp mắc bạch cầu cấp, bị thiếu máu nặng hoặc mắc các bệnh máu nghiêm trọng khác.
- Các trường hợp tạm hoãn khác theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Lưu ý, các trường hợp dưới đây không nằm trong diện bị chống chỉ định tiêm phòng vắc-xin:3
- Đối tượng bị dị tật nhưng không suy chức năng các cơ quan.
- Trẻ suy dinh dưỡng.
- Hoặc trẻ mắc HIV chưa diễn tiến tới AIDS.
Các phản ứng có thể gặp sau khi tiêm vắc-xin
Tác dụng phụ thường gặp
Sau khi tiêm phòng vắc-xin nhìn chung có thể sẽ trải qua các phản ứng phụ như sau:3
- Phản ứng đau nhẹ tại chỗ tiêm trong vòng 24 giờ. Tuy nhiên, triệu chứng hầu như tự khỏi trong vòng 2 – 3 ngày mà không cần bất cứ can thiệp y tế nào.
- Có thể bị sốt nhẹ sau tiêm trong ~ 1 – 2 ngày.
- Mặc dù ít gặp những có trường hợp bị nổi phát ban bắt đầu từ 7 – 10 ngày sau tiêm và kéo dài khoảng 2 ngày.
- Cần cảnh báo cho bệnh nhân về tình trạng viêm não sau khi tiêm phòng.
- Có báo cáo về trường hợp bị viêm tuyến mang tai, buồn nôn, nôn và tiêu chảy.
- Có thể bị đau cơ, đau khớp thoáng qua và không mạn tính.
Tác dụng phụ nghiêm trọng
Lưu ý đến một số tác dụng phụ nghiêm trọng sau đây mặc dù rất hiếm gặp sau tiêm:3
- Các phản ứng quá mẫn như mề đay.
- Tình trạng co thắt khí phế quản.
- Người bệnh có thể bị giảm tiểu cầu.
- Trường hợp sốc phản vệ hoặc phản ứng của hệ thần kinh trung ương.
Tóm lại, để phòng bệnh sởi có thể thực hiện tiêm phòng các loại vắc-xin sởi kể trên theo tư vấn và chỉ định của bác sĩ. Cần lưu ý đến các trường hợp tạm hoãn tiêm phòng cũng như chú ý đến các dụng phụ có thể xảy ra sau khi tiêm phòng. Nếu có bất cứ triệu chứng nào bất thường cần gọi cho bác sĩ để được hỗ trợ và xử trí kịp thời nhé!
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Vắc xin sởi MVVachttps://vnvc.vn/vac-xin-mvvac/
Ngày tham khảo: 16/04/2023
-
Vắc xin phòng sởi MVVac (Việt Nam)http://namdinhcdc.com/vac-xin-trong-tcmr/vac-xin-phong-soi-mvvac-viet-nam-238908
Ngày tham khảo: 16/04/2023
-
Vắc xin Sởi - Rubellahttps://vncdc.gov.vn/phan-3-vac-xin-soi-rubella-nd13577.html
Ngày tham khảo: 16/04/2023
-
Measles, Mumps, and Rubella (MMR) Vaccination: What Everyone Should Knowhttps://www.cdc.gov/vaccines/vpd/mmr/public/index.html
Ngày tham khảo: 16/04/2023