Bệnh viêm não mô cầu AC tiêm mấy mũi vắc xin?
Nội dung bài viết
Bệnh viêm màng não do não mô cầu gây ra rất nguy hiểm và thường xuất hiện ở trẻ nhỏ. Bệnh diễn tiến nhanh chóng, có khả năng gây tử vong cao và di chứng để lại nặng nề. Vì vậy, cần phải khám sàng lọc để phát hiện sớm và chữa trị kịp thời. Một cách hiệu quả để phòng bệnh là tiêm vắc xin viêm màng não AC. Hãy cùng Youmed tìm hiểu một số thông tin liên quan đến vấn đề này qua bài viết sau đây.
Sơ lược về bệnh viêm não mô cầu AC
Định nghĩa
Bệnh viêm màng não do não mô cầu do tác nhân vi khuẩn Neisseria meningitidis gây ra. Chúng xâm nhập vào cơ thể gây ra nhiều bệnh cảnh khác nhau (riêng rẽ hoặc phối hợp). Các cơ quan chịu ảnh hưởng như:
- Đường hô hấp
- Máu
- Hệ thần kinh
- Xương khớp
- Màng tim
- Mắt
- Đường niệu và sinh dục
Đây là căn bệnh tuy ít gặp nhưng lây lan rất nhanh, có khả năng phát triển thành dịch. Bệnh dễ lây lan qua đường hô hấp, đặc biệt ở những nơi tập trung đông người.
Tuổi dễ mắc bệnh nhất là trẻ em từ 36 tháng đến 3 tuổi hoặc thanh thiếu niên từ 14 đến 20 tuổi. Bệnh hay xảy ra và lan rộng tại các khu tập thể đông đúc ở thành thị hơn là ở nông thôn. Các nhóm vi khuẩn thường gặp là A, B, C, Y và W-135. Trong đó, ở Việt Nam thường gặp chủng A, B, C. Bài viết hôm nay xin được đề cập đến viêm màng não do não mô cầu chủng AC và vắc xin viêm màng não AC.
Triệu chứng
Khi mắc bệnh thường khởi phát với triệu chứng như sau:
- Sốt cao từ 39 – 40 độ có kèm ho, rét run, lạnh người
- Mệt mỏi
- Đau họng
- Nhức đầu
- Nôn và buồn nôn
Trong các trường hợp diễn tiến nặng, có thể sẽ sốt li bì, co giật, thậm chí là hôn mê. Các biểu hiện của bệnh thường giống với sốt, cảm cúm thông thường nên mọi người thường hay chủ quan, tự chữa tại nhà mà không đến các địa chỉ y tế để thăm khám.
Ngoài ra, viêm màng não do mô cầu não xuất hiện các nốt phát ban sau 1 – 2 ngày kể từ khi sốt. Chúng lan nhanh với màu xanh tím hoặc đỏ thẫm, có đường kính 1 – 5mm. Đôi khi tụ lại thành đám và dẫn đến hoại tử da. Cơ thể người bệnh dễ rơi vào tình trạng nhiễm độc, nhiễm trùng, suy đa tạng và tử vong nhanh chóng sau 24 giờ.
Ai cũng có thể mắc bệnh viêm màng não do não mô cầu. Tuy nhiên người dưới 30 tuổi, đặc biệt là trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có nguy cơ cao hơn. Bệnh rất nguy hiểm, diễn biến nặng nhanh chóng. Bệnh có thể gây tử vong trong vòng 24 giờ nếu không được chăm sóc, điều trị tích cực. Trong khi đó, bệnh lây lan qua đường hô hấp nên khả năng lây nhiễm khi tiếp xúc với người bệnh là rất lớn. Đồng thời, bệnh có nguy cơ phát triển thành ổ dịch nếu không có biện pháp khống chế kịp thời. Hiện nay, biện pháp tốt nhất để phòng bệnh là tiêm vắc xin viêm màng não AC.
Tiêm phòng não mô cầu như thế nào?
Hiện nay, vắc xin viêm màng não AC chưa có trong Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia. Vì vậy, bạn nên chủ động đến những địa chỉ tiêm dịch vụ để được thực hiện các mũi tiêm theo lịch, bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình nhé!
Vắc xin viêm não mô cầu AC tiêm mấy mũi?
Những thông tin cơ bản về vắc xin viêm màng não AC như sau:
Lịch tiêm
- Người lớn và trẻ từ 2 tuổi trở lên: tiêm 1 liều 0,5ml
- Tái chủng: cân nhắc tiêm nhắc lại sau 2 – 4 năm, trung bình là 3 năm sau khi tiêm liều đầu tiên
Chống chỉ định
- Người đang mắc các bệnh nhiễm khuẩn cấp tính
- Người đang mắc các bệnh cấp tính hoặc bệnh mạn tính đang tiến triển
- Không tiêm cho người khi biết rõ đối tượng dị ứng, hoặc quá mẫn với vắc xin ở các lần tiêm trước đó
Lưu ý
- Không nên dùng vắc xin viêm màng não AC cho trẻ dưới 2 tuổi. Tuy nhiên, trong một số trường hợp trẻ có tiếp xúc với người bị nhiễm Meningococcus thì có thể cân nhắc chỉ định tiêm cho trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên.
- Thận trọng khi dùng vắc xin cho phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú. Chỉ dùng vắc xin trong các trường hợp thực sự cần thiết và sau khi đã tham khảo ý kiến của bác sỹ.
- Cũng giống như mọi loại vắc xin khác, phải luôn chuẩn bị sẵn adrenalin và các phương tiện y tế để đề phòng sốc phản vệ.
Phản ứng phụ sau tiêm
- Sốt nhẹ, đỏ tại vị trí xung quanh nơi tiêm
- Các phản ứng kiểu này thường nhẹ, tự khỏi trong một vài ngày mà không cần can thiệp y tế
- Tuy nhiên, nếu bạn thấy những triệu chứng nặng lên (ví dụ: sốt cao liên tục trên 39 độ, vết đỏ lan rộng ra nhiều,…) thì nên đến cơ sở y tế gần nhất để được xử lý kịp thời
Bảo quản
- Vắc xin cần được bảo quản ở nhiệt độ từ +2ºC đến +8ºC. Tránh ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp
- Không để vắc xin đông đá và nếu có thì phải loại bỏ.
Trên đây là những thông tin về bệnh cũng như vắc xin phòng bệnh. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào liên quan đến vắc xin và lịch tiêm chủng, hãy liên hệ với nhân viên y tế để được hướng dẫn cụ thể nhé!
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.