YouMed

Vacxin uốn ván: khi nào cần tiêm và đối tượng tiêm là gì?

Dược sĩ TRẦN VÂN THY
Tác giả: Dược sĩ Trần Vân Thy
Chuyên khoa: Dược

Uốn ván là một trong những nguyên nhân gây tử vong ở nhiều nước đang phát triển. Đặc biệt xảy ra ở những vùng nông thôn và nhiệt đới. Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới, mỗi năm có khoảng 500.000 trẻ chết do uốn ván sơ sinh ở các nước đang phát triển những năm cuối thể kỷ 20. Vậy ai được tiêm phòng vacxin uốn ván và khi nào nên tiêm phòng? Hãy cùng YouMed tìm hiểu về cách phòng ngừa uốn ván nhé!

Bệnh uốn ván là gì?

Uốn ván là một bệnh cấp tính do ngoại độc tố (tetanus exotoxin) của vi khuẩn uốn ván (Clostridium tetani) phát triển tại vết thương trong điều kiện yếm khí. Từ vết thương nhiễm trực khuẩn uốn ván, độc tố qua máu hoặc bạch huyết. Chúng vào các trục của dây thần kinh ngoại vi, bám vào các trung tâm thần kinh. Sau khoảng 3-21 ngày, độc tố bắt đầu ngắt mạch tín hiệu thần kinh và chặn đứng sự thư giãn cơ bắp. Điều này làm cơ bắp co thắt liên tục. Các triệu chứng là những cơn co cứng cơ kèm đau; đầu tiên là các cơ nhai, cơ mặt, cơ gáy và sau là cơ thân.

Thời gian ủ bệnh

Được tính từ khi có vết thương đến khi xuất hiện triệu chứng đầu tiên, thường là cứng hàm. Thời kỳ ủ bệnh thường từ 3 đến 21 ngày, cũng có thể từ 2 ngày đến 2 tháng. Hầu hết các trường hợp xảy ra trong vòng 8 ngày. Vết thương nhiễm bẩn càng nặng, thời gian ủ bệnh càng ngắn (< 7 ngày) thì bệnh cũng nặng hơn, tiên lượng xấu hơn.

Bệnh uốn ván là một bệnh cấp tính do ngoại độc tố của vi khuẩn uốn ván phát triển tại vết thương trong điều kiện yếm khí
Bệnh uốn ván là một bệnh cấp tính do ngoại độc tố của vi khuẩn uốn ván phát triển tại vết thương trong điều kiện yếm khí

Ca bệnh lâm sàng

  • Bệnh uốn ván ở người lớn và trẻ em: co cứng cơ nhai và các cơ mặt. Co cứng cơ gáy, cơ lưng, cơ bụng, đôi khi cả ở vùng bị thương. Tùy vào nhóm cơ co cứng mà người bệnh có các tư thế đặc biệt như: cong ưỡn người ra sau, cong người sang một bên, thẳng cứng người như tấm ván, gập người ra trước. Các cơn co giật toàn thân thường do bị kích thích bởi va chạm, ánh sáng chói, tiếng ồn…
  • Bệnh uốn ván sơ sinh: 2 ngày đầu trẻ đẻ ra bình thường. Bệnh xuất hiện từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 28 sau sinh. Trẻ bị cứng hàm nên không bú được, co cứng toàn thân, người ưỡn cong.
  • Ca bệnh xác định: dựa vào triệu chứng lâm sàng vì các xét nghiệm ít có giá trị.

Khi nào nên tiêm phòng vacxin uốn ván?

Tiêm vacxin uốn ván cho phụ nữ có thai

Theo khuyến cáo Bộ Y Tế, phụ nữ mang thai lần đầu cần sớm tiêm phòng uốn ván ngay khi biết tin có thai. Thời gian tiêm phòng vacxin uốn ván thường được khuyên là 3 tháng giữa thai kỳ. Tổng cộng 5 mũi nếu chưa từng được tiêm vacxin:

  • 2 mũi tiêm trước khi sinh:
    • Mũi 1: thường vào tháng thứ 4 hoặc thứ 5 của thai kỳ (tránh 3 tháng đầu).
    • Mũi 2: tiêm sau mũi đầu tối thiểu 1 tháng và trước ngày dự sinh tối thiểu 1 tháng.
  • Sau khi sinh, cần tiêm nhắc 3 mũi để tạo miễn dịch:
    • Mũi 3: Ít nhất 6 tháng sau mũi 2 hoặc kỳ có thai lần sau
    • Mũi 4: Ít nhất 1 năm sau mũi 3 hoặc kỳ có thai lần sau
    • Mũi 5: Ít nhất 1 năm sau mũi 4 hoặc kỳ có thai lần sau
  • Những lần có thai sau cần tiêm nhắc lại 1 liều trước sinh 1 tháng.
vacxin uốn ván
Theo khuyến cáo của Bộ Y Tế, phụ nữ mang thai lần đầu cần sớm tiêm phòng uốn ván ngay khi biết tin có thai

Tiêm vacxin uốn ván cho trẻ em

Cách ngừa uốn ván hiệu quả nhất ở trẻ là tiêm đầy đủ và ưu tiên dạng vacxin phối hợp. Dạng này vừa giúp phòng ngừa thêm nhiều bệnh khác, vừa giảm số mũi tiêm và giảm đau cho trẻ. Hiện Chương trình tiêm chủng mở rộng đã có vắc xin  “5 trong 1” (bạch hầu, uốn ván, ho gà, viêm gan B và viêm phổi, viêm não do vi khuẩn Hib) cho trẻ từ 2 – 4 tháng tuổi. Ví dụ một lịch tiêm: 3 liều vacxin “5 trong 1” vào lúc 2, 3, 4 tháng tuổi. Khi 18 tháng tuổi, tiêm nhắc lại bằng vắc xin bạch hầu-ho gà-uốn ván. Sau đó, từ 5-10 năm tiêm nhắc lại một liều.

Người lớn

Với người lớn, bạn cần đến gặp bác sĩ để được tư vấn ngay, nhất là khi vết thương sâu, bẩn hoặc khi chưa từng tiêm vacxin uốn ván. Trong trường hợp đã tiêm vacxin nhưng chưa được tiêm nhắc lại trong vòng 5 năm, cần tiêm mũi nhắc lại nếu vết thương có nguy cơ uốn ván.

Để dự phòng cho phụ nữ từ 15 – 35 tuổi tại các địa phương có nguy cơ cao cũng như người lớn nói chung: tối thiểu 3 liều, liều 2 cách liều 1 tối thiểu 1 tháng, liều 3 cách liều 2 tối thiểu 6 tháng.

Điều quan trọng là tiêm vacxin đủ liệu trình và đúng thời gian để duy trì tình trạng miễn dịch. Liệu trình cơ bản từ 3 – 4 mũi phụ thuộc vào khuyến cáo từng quốc gia. Sau đó tiêm nhắc lại mỗi 05 đến 10 năm vì vacxin uốn ván không tạo ra miễn dịch bền vững suốt đời.

Đường lan truyền, lây nhiễm

Nguồn truyền nhiễm

Vi khuẩn uốn ván có thể xuất hiện mọi nơi trên thế giới. Thường gặp ở nơi đông dân, vùng nông nghiệp; vùng có khí hậu nóng, đất giàu hữu cơ, chất thải súc vật; nơi có nguy cơ cao mà không được tiêm phòng đầy đủ. Bệnh xảy ra bất kỳ thời gian nào trong năm. Ổ mầm bệnh:

  • Trực khuẩn uốn ván: tồn tại trong ruột của súc vật, nhất là các gia súc ăn cỏ như ngựa, trâu, bò… và cả người. Tại đây, vi khuẩn không gây bệnh.
  • Bào tử uốn ván: có thể tìm thấy trong đất, đồ vật nhiễm phân súc vật hoặc phân người. Bào tử có mặt mọi nơi trong tự nhiên và gây nhiễm cho tất cả các loại vết thương.

Tuy nhiên, uốn ván không lây truyền trực tiếp từ người sang người. Đây là là bệnh duy nhất có thể phòng ngừa được bằng vacxin uốn ván từ nhiễm trùng chứ không lây nhiễm.

Phương thức lây truyền

Thông thường bào tử uốn ván xâm nhập vào cơ thể qua các vết thương sâu bị nhiễm đất bẩn, bụi đường, phân người hoặc phân súc vật. Vết thương có thể là vết bỏng, rách, vết thương nhẹ hay dập nát, hoặc tiêm chích nhiễm bẩn. Đôi khi có thể gặp sau phẫu thuật, nạo thai trong môi trường nhiễm khuẩn. Phần cơ thể hoại tử hoặc dị vật bẩn xâm nhập vào cơ thể cũng tạo môi trường yếm khí cho bào tử uốn ván phát triển.

Trẻ sơ sinh bị uốn ván sơ sinh do bào tử uốn ván xâm nhập qua dây rốn khi cắt rốn bằng dụng cụ bẩn; hoặc sau khi sinh, trẻ không được chăm sóc rốn sạch sẽ và băng đầu rốn bị cắt không vô khuẩn. Bệnh thường xảy ra ở trẻ bị đẻ rơi, đẻ tại nhà theo phong tục lạc hậu, nhất là ở vùng sâu, vùng xa.

Đối tượng nên tiêm vacxin uốn ván

vacxin uốn ván
Việc tiêm phòng vacxin uốn ván được khuyến cáo cho tất cả trẻ sơ sinh, trẻ em, trẻ vị thành niên và người lớn/người lớn tuổi

Theo Trung tâm tiêm chủng cho Trẻ em và Người lớn VNVC, việc tiêm phòng vacxin uốn ván được khuyến cáo cho tất cả trẻ sơ sinh, trẻ em, vị thành niên và người lớn/người lớn tuổi, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (có thai hay không). Người có nguy cơ cao là nông dân, người chăn nuôi gia súc, nghiện chích ma túy.

Trẻ em và người lớn suy giảm miễn dịch hoặc nhiễm HIV: vẫn chỉ định tiêm TT (vacxin giải độc tố uốn ván) như người bình thường. Tuy nhiên, sự đáp ứng miễn dịch sau tiêm có thể không đầy đủ.

Đối với người bị thương có nguy cơ mắc uốn ván:

  • Đã được tiêm TT đầy đủ:
    • Vết thương nhẹ, không nhiễm bẩn và liều cuối cùng cách > 10 năm: tiêm nhắc lại 1 liều TT;
    • Vết thương nặng hoặc nhiễm bẩn và trong vòng 5 năm chưa được tiêm TT: tiêm nhắc lại 1 liều TT ngay trong ngày bị thương.
  • Chưa được gây miễn dịch đầy đủ bằng TT: phải tiêm 1 liều TT càng sớm càng tốt sau khi bị thương. Nếu vết thương nặng hoặc nhiễm bẩn thì cần tiêm thêm TIG.
  • Chưa được gây miễn dịch cơ bản, chưa đủ 3 liều TT hoặc không rõ tiền sử tiêm TT và vết thương nặng hoặc nhiễm bẩn: chỉ định tiêm TIG hoặc SAT theo liều quy định. Có thể tiêm cùng lúc, nhưng phải dùng bơm kim tiêm riêng và tiêm ở vị trí khác nhau.

Cách phòng ngừa

Biện pháp dự phòng uốn ván

  • Trong công tác tuyên truyền giáo dục sức khoẻ, cung cấp những thông tin cần thiết về:
    • Bệnh uốn ván và uốn ván sơ sinh;
    • Sự nguy hiểm của các vết thương hở do đâm chọc và vết thương kín;
    • Tính quan trọng của việc tiêm chủng chủ động hoặc thụ động sau khi bị thương;
    • Sự cần thiết phải thực hiện vô khuẩn sản khoa.
  • Tiêm TT để chủ động phòng uốn ván cho mẹ và uốn ván sơ sinh cho con
  • Gây miễn dịch rộng rãi bằng TT, nhất là các đối tượng nguy cơ cao, kể cả người khỏi bệnh.
  • Trẻ dưới 7 tuổi thường được tiêm vacxin phối hợp bạch hầu – ho gà – uốn ván. Trẻ trên 7 tuổi chống chỉ định vacxin ho gà, chỉ tiêm vacxin phối hợp bạch hầu-uốn ván.
  • Để duy trì khả năng miễn dịch, cần tiêm nhắc lại TT mỗi 10 năm 1 lần.
  • Cần tránh để tổn thương, nhất là các vết thương sâu, kín, bẩn như giẫm đinh, gai,,..
  • Vệ sinh môi trường sạch sẽ; làm sạch chất thải, bùn; thông cống rãnh, tránh ứ đọng vi khuẩn và bào tử uốn ván phát triển.
Trong sinh hoạt cần tránh để tổn thương, nhất là các tổn thương sâu, kín, bẩn như giẫm phải đinh, gai... Vệ sinh môi trường sạch sẽ
Trong sinh hoạt cần tránh để tổn thương, nhất là các tổn thương sâu, kín, bẩn như giẫm phải đinh, gai… Vệ sinh môi trường sạch sẽ

Biện pháp chống dịch

Cần thực hiện các biện pháp chống dịch này ngay khi xảy ra uốn ván sơ sinh:

  • Tiêm vacxin phòng uốn ván cho tất cả phụ nữ tuổi sinh đẻ (có thai hoặc không) kể cả mẹ đứa trẻ, tối thiểu là trong thôn/bản hoặc toàn xã nếu thuộc nơi nguy cơ cao.
  • Trao đổi với người đỡ đẻ về vấn đề đẻ sạch.
  • Tuyên truyền giáo dục trong cộng đồng về phòng bệnh UVSS

Không cần phải cách ly bệnh nhân, xử lý môi trường, xử lý người tiếp xúc.

Phòng ngừa uốn ván rất cần thiết để bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình. Hiện nay tại các trung tâm tiêm chủng, có nhiều chương trình tiêm chủng trọn gói cho các đối tượng khác nhau. Có thể kể đến gói cho trẻ em, trẻ tiền học đường, vị thành niên; người trưởng thành và cả cho phụ nữ chuẩn bị mang thai. Bạn có thể liên hệ tư vấn tại các trung tâm tiêm chủng cho trẻ em và người lớn tại địa phương.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. https://vnvc.vn/chan-doan-va-dieu-tri-benh-uon-van/
  2. https://vncdc.gov.vn/benh-uon-van-nd14517.html
  3. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/tetanus/symptoms-causes/syc-20351625
  4. https://suckhoedoisong.vn/nen-tiem-vac-xin-uon-van-bao-lau-sau-khi-bi-thuong-n184431.html

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người