YouMed

Viêm dạ dày ruột do virus: nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Thạc sĩ, Bác sĩ nội trú THÁI VIỆT NGUYÊN
Tác giả: ThS.BS Thái Việt Nguyên
Chuyên khoa: Nội tiêu hóa

Ẩm thực ngày càng trở thành một lĩnh vực quan trọng trong cuộc sống và cách chế biến những món ăn cũng từ đó phong phú hơn trước. Vì thế, những rối loạn về tiêu hóa cũng dần trở nên phổ biến. Một trong số đó là tiêu chảy và thường gặp là viêm dạ dày ruột do virus. Ngoài tiêu chảy, đâu là những triệu chứng để chẩn đoán và phương pháp điều trị tốt nhất là gì? Hãy cùng tìm hiểu bài viết dưới đây của ThS.BS chuyên khoa Tiêu hóa Thái Việt Nguyên nhé.

Viêm dạ dày ruột do virus là gì?

Viêm dạ dày ruột do virus là một bệnh nhiễm trùng hệ tiêu hóa thường gặp. Những biểu hiện như tiêu chảy, đau bụng, buồn nôn hay nôn, và đôi khi có thể có sốt. Cách lây lan viêm dạ dày ruột do virus thường là tiếp xúc với người bị nhiễm bệnh từ trước hay ăn phải thức ăn hay nước uống bị nhiễm bẩn. Nếu bạn có sức khỏe tốt, thì bệnh sẽ nhanh khỏi và hầu như không có biến chứng. Tuy nhiên, với những trẻ sơ sinh, người lớn tuổi và những người có rối loạn miễn dịch, viêm dạ dày ruột do virus có khả năng gây tử vong.

Chưa có phương pháp điều trị hiệu quả cho bệnh viêm dạ dày ruột do virus. Vì vậy, dự phòng vẫn là phương pháp hàng đầu. Ngoài việc tránh sử dụng thực phẩm và nước bị ô nhiễm, rửa tay kỹ và thường xuyên là cách tốt nhất để bảo vệ bạn và gia đình.

Tác nhân nào gây ra bệnh viêm dạ dày ruột?

Bạn rất dễ mắc bệnh viêm dạ dày ruột do virus thông qua thức ăn và nước uống không sạch. Cũng có khả năng lây bệnh nếu bạn dùng chung đồ, khăn hay thức ăn với người đang nhiễm bệnh.

Một số loại virus có khả năng cao gây viêm dạ dày ruột

  • Norovirus. Cả người lớn và trẻ em đều có thể mắc bệnh do Norovirus. Virus này là nguyên nhân phổ biến nhất gây bệnh liên quan tới hệ tiêu hóa trên thế giới. Nhiễm Norovirus có thể từ gia đình hay trong cộng đồng. Nó đặc biệt có khả năng lây lan mạnh trong môi trường kín, không gian hẹp. Đa số nhiễm bệnh từ nguồn thức ăn, nguồn nước, mặc dù vẫn có thể lây từ người sang người.
  • Rotavirus. Rotavirus là nguyên nhân phổ biến nhất trên toàn cầu về vấn đề viêm dạ dày ruột ở trẻ em. Trẻ em là những đối tượng thường xuyên đưa đồ vật hoặc tay vào miệng nên rất dễ mắc bệnh. Bệnh có thể diễn tiến nặng trên đối tượng trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Người lớn vẫn có khả năng mắc bệnh, tuy nhiên thường tự giới hạn hay không có triệu chứng. Tuy nhiên, người lớn có thể là nguồn lây bệnh cho trẻ em cách vô tình. Trên thế giới và Việt Nam hiện nay đã có vắc-xin phòng bệnh cho trẻ nhỏ.
  • Một số loài hải sản có vỏ, đặc biệt là còn sống hay chưa được nấu chín, cũng có thể là nguyên nhân khiến bạn và gia đình mắc bệnh. Tuy bệnh có thể lây truyền qua nguồn nước bị ô nhiễm, nhưng đa số các trường hợp virus được lây lan do thói quen không rửa tay sau khi đi vệ sinh của một số người.

Triệu chứng và dấu hiệu nhận biết bệnh

Viêm dạ dày ruột xảy ra khi virus tấn công vào hệ tiêu hóa. Và gây nên các triệu chứng, dấu hiệu sau:

  • Tiêu lỏng, thường sẽ là tiêu phân lỏng không dính máu. Nhưng nếu có máu trong phân của bạn thì có nghĩa là bạn đang bị nhiễm trùng nặng.
  • Đau bụng.
  • Đau cơ và nhức mỏi khắp người.
  • Sốt nhẹ.

Tùy thuộc vào tác nhân gây bệnh, các triệu chứng có thể xuất hiện trong vòng một đến ba ngày sau khi bạn nhiễm bệnh và mức độ nặng nhẹ cũng rất dao động. Các triệu chứng thường chỉ kéo dài từ một hoặc hai ngày. Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp chúng có thể kéo dài tới 10 ngày.

Bởi vì các triệu chứng gần như tương tự nhau, nên rất khó để phân biệt tiêu chảy do virus hay tiêu chảy do các tác nhân vi khuẩn, chẳng hạn như Clostridium difficile, Salmonella và E. coli hoặc ký sinh trùng như giardia.

Thời điểm nên đi khám bệnh

1. Đối với người trưởng thành

  • Bạn tiêu chảy liên tục với lượng nhiều trong 24 giờ.
  • Bạn nôn liên tục trong vòng 2 ngày qua.
  • Hay bạn nôn ra máu.
  • Bạn có các dấu hiệu mất nước như khát nước nhiều, nước tiểu ít hay chuyển sang vàng sậm, chóng mặt,…
  • Đi tiêu ra máu.
  • Bạn sốt cao > 40°C.
viêm dạ dày ruột
Trẻ em là những đối tượng nhạy cảm khi mất nước nhiều

2. Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ

Nếu như con bạn trong độ tuổi sơ sinh và trẻ nhỏ, bạn hãy liên hệ với bác sĩ ngay, nếu:

  • Sốt từ 39°C trở lên.
  • Vẻ mặt trẻ lừ đừ hay khóc khó dỗ.
  • Đi tiêu ra phân lẫn máu.
  • Có dấu hiệu mất nước. Nếu trẻ có dấu hiệu mất nước, bạn cần theo dõi lượng nước trẻ uống và lượng nước tiểu của trẻ.
  • Nếu con bạn là trẻ sơ sinh, bé có thể nôn do nhiều nguyên nhân. Và một số trong đó cần có sự chăm sóc của nhân viên y tế.

Hãy gọi ngay cho bác sĩ, nếu trẻ sơ sinh có những dấu hiệu báo sau đây:

  • Nôn kéo dài trong vài giờ.
  • Không có tã ướt trong 6 giờ liên tục.
  • Tiêu phân có máu hoặc tiêu chảy nặng.
  • Khô miệng hay khóc nhiều nhưng không có nước mắt.
  • Ngủ bất thường, hay khó đánh thức bé dậy.

Yếu tố mắc bệnh và biến chứng của bệnh

1. Các yếu tố nguy cơ

Viêm dạ dày ruột là một trong những bệnh tiêu hóa thường gặp. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, mọi chủng tộc và nghề nghiệp. Tuy nhiên, dưới đây là một số yếu tố có khả năng làm tăng nguy cơ mắc bệnh, bao gồm:

  • Trẻ nhỏ. Trẻ em sinh hoạt tại các trung tâm trông nom trẻ, trường bán trú có thể có nguy cơ cao mắc bệnh vì trẻ cần có thời gian để phát triển hệ miễn dịch.
  • Người cao tuổi. Hệ miễn dịch của người lớn tuổi dần dần bị suy giảm. Đặc biệt là những người lớn tuổi sống trong nhà dưỡng lão, họ sống trong môi trường đông người kèm với hệ miễn dịch không còn đủ mạnh.
  • Học sinh bán trú, cư dân sống trong môi trường đông dân cư. Những nơi đông người được xem như là môi trường thuận lợi để lan truyền bệnh.
  • Những người có hệ miễn dịch bị suy giảm chức năng. Nếu khả năng chống lại nhiễm trùng của bạn bị suy giảm – ví dụ như hệ miễn dịch bị tổn hại do HIV/AIDS, hóa trị liệu hay một bệnh lý y khoa khác – thì bạn có nguy cơ mắc bệnh và có thể diễn tiến nặng.

2. Biến chứng

Biến chứng chính của bệnh viêm dạ dày ruột do virus là mất nước và điện giải. Mức độ mất nước và điện giải rất thay đổi, có thể nhẹ nhưng cũng có thể mất nước nặng. Nếu bạn có sức khỏe đủ tốt và uống đủ nước thì mất nước không phải là vấn đề.

Trẻ sơ sinh, người già và những người bị suy giảm miễn dịch có thể bị mất nước nặng. Những đối tượng này nên nhập viện kịp thời để được bù nước và điện giải. Mất nước và điện giải có thể gây tử vong, tuy nhiên hiếm trường hợp nào tử vong.

Chẩn đoán

Bác sĩ có thể chẩn đoán bệnh dựa vào các triệu chứng, khám lâm sàng và đôi khi dựa vào dịch tễ xung quanh bạn có những trường hợp mắc bệnh hay không. Xét nghiệm phân có thể giúp xác định tác nhân là Norovirus hay là Rotavirus, tuy nhiên lại không có xét nghiệm cho những tác nhân khác có thể gây bệnh viêm dạ dày ruột. Một số trường hợp, bạn có thể cần xét nghiệm phân để loại trừ vi khuẩn hay ký sinh trùng.

Phương pháp điều trị

Vẫn chưa có điều trị đặc hiệu cho bệnh do virus gây ra. Kháng sinh không có tác động lên virus và việc lạm dụng kháng sinh có thể gây ra tình trạng đa kháng thuốc của vi khuẩn, sẽ gây ra tình trạng không có thuốc điều trị nếu bạn thực sự nhiễm bệnh do vi khuẩn gây ra. Điều trị bệnh thường là bù nước và điện giải tại nhà và tái khám nếu có bất thường.

Đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ

Dưới đây sẽ là phần dành cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ – đối tượng dễ mắc bệnh nhất. Ưu tiên hàng đầu trong việc điều trị là bù đủ nước và điện giải cho trẻ.

  • Bạn có thể giúp trẻ bù nước bằng đường uống nếu không có chỉ định đặc biệt từ bác sĩ. Hãy nhờ sự giúp đỡ của bác sĩ về cách bù nước cho trẻ. Bác sĩ sẽ chỉ cho bạn một loại dung dịch là Oresol và sẽ hướng dẫn bạn sử dụng đúng.
  • Hãy cho trẻ ăn những thức ăn mềm, dễ tiêu hóa và đừng ép trẻ ăn quá nhiều.
  • Hạn chế cho trẻ ăn một số thực phẩm nhất định. Đặc biệt là những thức ăn chứa nhiều đường như kem, kẹo và nước ngọt. Những thực phẩm này có thể làm tình trạng tiêu chảy của trẻ trở nên trầm trọng hơn.
  • Hãy để trẻ nghỉ ngơi vì việc tiêu chảy nhiều và nhiễm bệnh có thể khiến trẻ yếu và mệt.
  • Đừng cho trẻ uống các thuốc chống tiêu chảy nếu không có chỉ định của bác sĩ.  Việc tự ý cho trẻ uống loại thuốc này có thể làm giảm khả năng đào thải virus.
  • Khi trẻ vừa nôn hay tiêu chảy xong, hãy để trẻ nghỉ ngơi trong khoảng 20 phút. Sau đó, bạn có thể cho trẻ uống một ít nước hoặc một ít sữa.

Biện pháp phòng ngừa

Cách tốt nhất để ngăn ngừa sự lây lan của bệnh là thực hiện những biện pháp phòng ngừa sau:

  • Đưa trẻ của bạn đi tiêm chủng. Rotavirus – tác nhân gây bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ – nhưng đã có vắc-xin phòng ngừa, đặc biệt là cho trẻ dưới 1 tuổi.
  • Rửa tay thường xuyên.
  • Sử dụng các vật dụng cá nhân riêng biệt, tránh dùng chung dụng cụ ăn uống, ly nước và đĩa. Đặc biệt là sử dụng khăn riêng trong phòng tắm.
  • Giữ khoảng cách. Tránh tiếp xúc gần với những người có biểu hiện mắc bệnh, nếu có thể.
  • Khử trùng các bề mặt như bàn, ghế, tay nắm cửa, …

Cách thức rửa tay đúng cách cho bạn và trẻ

  • Rửa tay thường xuyên.
  • Và đảm bảo rằng trẻ của bạn cũng được rửa tay kỹ và sạch.
  • Nếu trẻ đã lớn, bạn có thể dạy trẻ cách rửa tay, đặc biệt là sau khi đi vệ sinh. Tốt nhất là nên rửa tay với xà phòng ít nhất trong vòng 20 giây.
  • Một số vùng cần chú ý như đầu ngón tay, móng tay và phần mu bàn tay.
  • Nếu như không thể rửa tay bằng nước, bạn có thể rửa tay bằng dung dịch rửa tay có chứa cồn, tuy nhiên rửa tay bằng dung dịch rửa tay nhanh chỉ mang tính tạm thời.
viêm dạ dày ruột do virus
Hãy cho trẻ uống vắc-xin chống Rotavirus

Để có một sức khỏe thật khỏe mạnh, ngoài việc ăn uống đủ chất, hãy đảm bảo rằng bạn và gia đình không mắc những căn bệnh dễ lây qua đường tiêu hóa. Đặc biệt là trẻ nhỏ, đối tượng rất dễ mắc bệnh và cũng rất dễ trở nặng. Hãy cùng YouMed bảo vệ bạn và gia đình khỏi những bệnh đường tiêu hóa qua việc rửa tay thường xuyên và ăn chín uống sôi nhé.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Viral gastroenteritis (stomach flu)https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/viral-gastroenteritis/symptoms-causes/syc-20378847

    Ngày tham khảo: 27/08/2020

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người