Viêm nội tâm mạc nhiễm trùng: nguy cơ mắc phải và dự phòng
Nội dung bài viết
Viêm nội tâm mạc nhiễm trùng thường xảy ra khi vi khuẩn, nấm hoặc các vi sinh vật khác từ bộ phận khác của cơ thể như miệng lây lan qua đường máu và bám vào các khu vực bị tổn thương trong tim. Nếu không được điều trị nhanh chóng, viêm nội tâm mạc nhiễm trùng có thể phá hủy van tim và dẫn đến các biến chứng đe dọa tính mạng. Phương pháp điều trị viêm nội tâm mạc bao gồm kháng sinh và phẫu thuật trong một số trường hợp.
Viêm nội tâm mạc nhiễm trùng là bệnh gì?
Viêm nội tâm mạc nhiễm trùng là tình trạng nhiễm trùng nội tâm mạc. Có rất nhiều tác nhân có thể gây ra bệnh này. Ví dụ như vi khuẩn, nấm hoặc các vi sinh vật khác từ bộ phận khác của cơ thể như miệng lây lan qua đường máu. Nội tâm mạc là lớp màng trong của các buồng tim và van tim.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến phát triển viêm nội tâm mạc nhiễm trùng. Đôi khi, có thể bác sĩ không thể xác định được chính xác nguyên nhân gây ra tình trạng này. Tuy nhiên, những người có nguy cơ cao nhất bị viêm nội tâm mạc thường có van tim bị tổn thương, van tim nhân tạo hoặc các khuyết tật tim khác.
Triệu chứng
Viêm nội tâm mạc có thể phát triển chậm hoặc đột ngột. Điều này tùy thuộc vào loại vi trùng gây ra nhiễm trùng và bệnh lý tim mạch đang mắc phải. Các dấu hiệu và triệu chứng viêm nội tâm mạc nhiễm trùng có thể khác nhau ở mỗi người.
Dấu hiệu và triệu chứng phổ biến của viêm nội tâm mạc bao gồm:
- Triệu chứng giống cúm, chẳng hạn như sốt và ớn lạnh
- Xuất hiện âm thổi mới hoặc thay đổi âm thôi cũ ở tim
- Mệt mỏi
- Đau khớp và cơ
- Đổ mồ hôi đêm
- Hụt hơi
- Đau ngực khi hít thở
- Phù bàn chân, cẳng chân hoặc bụng
Viêm nội tâm mạc nhiễm trùng cũng có thể gây ra các triệu chứng ít phổ biến hơn. Bao gồm:
- Sụt cân không giải thích được
- Có máu vi thể hoặc đại thể trong nước
- Lá lách bị mềm. Lách là cơ quan nằm trong ổ bụng, tham gia vào chức năng miễn dịch
- Tổn thương Janeway. Là những chấm đỏ trên lòng bàn chân hoặc lòng bàn tay
- Nốt Osler. Những nốt đỏ, mềm dưới da ngón tay hoặc ngón chân
- Chấm xuất huyết. Những chấm nhỏ màu tím hoặc đỏ trên da, lòng trắng nhãn cầu hoặc bên trong miệng
Nguyên nhân
Viêm nội tâm mạc nhiễm trùng xảy ra khi vi trùng xâm nhập vào máu, di chuyển đến tim và gắn vào van tim bất thường hoặc mô tim bị tổn thương. Hầu hết các trường hợp do một số loại vi trùng gây ra. Tuy nhiên, nấm hoặc các vi sinh vật khác cũng có thể là nguyên nhân.
Thông thường, hệ thống miễn dịch tiêu diệt vi khuẩn có hại xâm nhập vào máu. Và dù vi khuẩn có đến tim, chúng có thể đi qua mà không gây nhiễm trùng. Tuy nhiên, vi khuẩn sống trong miệng, cổ họng hoặc các bộ phận khác của cơ thể như da hoặc ruột đôi khi có thể gây bệnh này trong những điều kiện thích hợp.
Các tác nhân gây viêm nội tâm mạc nhiễm trùng có thể xâm nhập vào máu thông qua:
- Những hoạt động tác động đến miệng hàng ngày. Các hoạt động như đánh răng có thể khiến nướu bị chảy máu, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập vào máu. Đặc biệt trong trường hợp không dùng chỉ nha khoa hoặc răng và nướu không khỏe mạnh.
- Nhiễm trùng hoặc tồn tại tình trạng y tế khác. Vi khuẩn có thể lây lan từ khu vực bị nhiễm trùng, chẳng hạn như vết loét trên da. Các tình trạng y tế khác, như bệnh nướu răng, nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục hoặc một số rối loạn đường ruột như bệnh viêm ruột, cũng có thể tạo cơ hội cho vi khuẩn xâm nhập vào máu.
- Ống thông, dẫn lưu. Vi khuẩn có thể xâm nhập vào cơ thông qua một ống dẫn lưu. Là một ống mỏng đôi khi bác sĩ sử dụng để tiêm hoặc loại bỏ dịch ra khỏi cơ thể bệnh nhân. Điều này dễ xảy ra hơn nếu đặt ống thông tiểu trong một thời gian dài.
Ngoài ra, tác nhân còn có thể xâm nhập thông qua:
- Kim được sử dụng để xăm và xỏ lỗ trên cơ thể. Vi khuẩn có thể gây viêm nội tâm mạc cũng có thể xâm nhập vào máu thông qua kim được sử dụng để xăm mình hoặc xỏ lỗ trên cơ thể.
- Sử dụng ma túy bất hợp pháp qua đường tĩnh mạch (IV). Bơm kim tiêm bị nhiễm là mối lo ngại đặc biệt đối với những người sử dụng thuốc tiêm tĩnh mạch (IV) bất hợp pháp. Chẳng hạn như heroin hoặc cocaine. Thông thường, những người sử dụng các loại ma túy này không được tiếp cận với bơm kim tiêm sạch, chưa sử dụng.
- Một số thủ tục nha khoa. Một số thủ thuật nha khoa có thể tổn thương nướu, cho phép vi khuẩn xâm nhập vào máu.
Vi khuẩn có thể dễ dàng bám vào niêm mạc của tim (nội tâm mạc) hơn nếu bề mặt của niêm mạc này thô ráp. Có nhiều khả năng bị viêm nội tâm mạc nếu van tim bị tổn thương, bị hư hại. Tuy nhiên, viêm nội tâm mạc đôi khi xảy ra ở những người khỏe mạnh trước đó.
Các yếu tố nguy cơ
Nếu tim khỏe mạnh, khả năng bị viêm nội tâm mạc nhiễm trùng sẽ ít hơn. Tuy nhiên vẫn có khả năng xảy ra. Các vi trùng thường bám và sinh sôi trên các van tim bị tổn thương hoặc van tim nhân tạo.
Những người có nguy cơ cao:
- Van tim nhân tạo. Vi trùng có nhiều khả năng gắn vào van tim nhân tạo hơn là van tim bình thường.
- Dị tật tim bẩm sinh.
- Tiền sử viêm nội tâm mạc nhiễm trùng. Viêm nội tâm mạc có thể làm hỏng mô tim và van, làm tăng nguy cơ nhiễm trùng tim trong tương lai.
- Van tim bị hỏng.
- Tiền sử sử dụng ma túy bất hợp pháp qua đường tĩnh mạch (IV). Kim tiêm được sử dụng để tiêm thuốc có thể bị nhiễm vi khuẩn gây viêm nội tâm mạc.
Biến chứng viêm nội tâm mạc nhiễm trùng
Bệnh có thể gây ra một số biến chứng nghiêm trọng, bao gồm:
- Các vấn đề về tim, như tổn thương van tim và suy tim
- Đột quỵ
- Co giật
- Liệt một phần hoặc toàn bộ cơ thể
- Hình thành các áp-xe phát triển trong tim, não, phổi và các cơ quan khác
- Thuyên tắc phổi
- Tổn thương thận
- Lách to
Phòng ngừa
Bạn có thể giúp ngăn ngừa viêm nội tâm mạc bằng một số cách, bao gồm:
- Chú ý đến sức khỏe răng miệng. Chải răng và dùng chỉ nha khoa cho răng và nướu thường xuyên và khám răng định kỳ.
- Tránh các thủ thuật có thể dẫn đến nhiễm trùng da, chẳng hạn như xỏ lỗ trên cơ thể hoặc xăm mình.
Kháng sinh dự phòng
Một số thủ thuật nha khoa và y khoa có thể tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập vào máu. Đối với một số người có nguy cơ cao, dùng kháng sinh trước khi làm các thủ thuật có thể giúp ích.
Nếu bạn có nguy cơ bị viêm nội tâm mạc nhiễm trùng, hãy cho bác sĩ và nha sĩ biết trước khi thực hiện bất kỳ thủ thuật nha khoa nào. Bác sĩ sẽ quyết định xem bạn có cần dùng kháng sinh trước thủ thuật nha khoa hay không.
Điều quan trọng vẫn là chăm sóc răng miệng thông qua đánh răng và dùng chỉ nha khoa. Ngoài ra, khám răng thường xuyên là một phần quan trọng để duy trì sức khỏe răng miệng tốt.
Viêm nội tâm mạc nhiễm trùng có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm. Nắm được những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh là cần thiết để giúp nhận diện sớm bệnh này. Mặc dù có nhiều nguyên nhân khác có thể gây ra các dấu hiệu và triệu chứng tương tự, nhưng ta sẽ không biết chắc chắn cho đến khi được bác sĩ đánh giá. Vì vậy, nếu bạn xuất hiện các dấu hiệu hoặc triệu chứng của viêm nội tâm nhiễm trùng, hãy đến khám bác sĩ càng sớm càng tốt. Đặc biệt nếu bạn có các yếu tố nguy cơ như khuyết tật tim hoặc tiền căn viêm nội tâm mạc trước đó.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/endocarditis/symptoms-causes/syc-20352576