YouMed

Viêm tiểu phế quản điều trị thế nào cho đúng cách?

thạc sĩ bác sĩ trần thanh long
Tác giả: ThS.BS Trần Thanh Long
Chuyên khoa: Tai - Mũi - Họng

Viêm tiểu phế quản là bệnh chỉ xảy ra ở trẻ nhỏ, thường xuất hiện vào mùa lạnh. Bệnh rất dễ lây lan, trẻ em mắc bệnh và đã hết vẫn có khả năng nhiễm bệnh trở lại. Bài viết sau hi vọng sẽ cung cấp cho các bạn các thông tin về bệnh như triệu chứng, nguyên nhân và cách phòng tránh bệnh.

Viêm tiểu phế quản là gì?

Viêm tiểu phế quản là bệnh viêm nhiễm cấp tính của các cuống phổi nhỏ hay còn gọi là các tiểu phế quản. Các tiểu phế quản này rất nhỏ (đường kính < 2 mm) và mềm nên khi bị viêm sẽ dễ bị xẹp lại, không khí không đi vào được, làm tắc nghẽn đường thở. Do đó, trẻ sẽ bị khó thở, hoặc thở khò khè và nặng hơn nữa trẻ sẽ bị thiếu oxy để thở.

Đây là bệnh chỉ xảy ra ở trẻ nhỏ (trẻ dưới 24 tháng tuổi), thường gặp nhất là trẻ từ 3 – 6 tháng tuổi. Viêm tiểu phế quản có thể xảy ra quanh năm nhưng thường gặp nhất khi thay đổi thời tiết, như khi trời trở lạnh (ở các tỉnh phía Bắc), hoặc vào mùa mưa (các tỉnh phía Nam).

Nguyên nhân của bệnh

Viêm tiểu phế quản do virus tấn công đường dẫn khí nhỏ nhất trong phổi và gây nhiễm trùng, làm cho các tiểu phế quản sưng lên, viêm và phù nề. Chất nhầy do quá trình viêm tạo thành tích tụ ở đường dẫn khí làm cho không khí gặp khó khăn khi đi vào và đi ra.

Phần lớn các trường hợp viêm tiểu phế quản là do virus RSV gây ra. Loại virus này thường lây nhiễm ở trẻ em nhỏ hơn 2 tuổi. Ngoài RSV, một số virus khác cũng có thể gây viêm tiểu phế quản như virus gây ra cúm hay cảm lạnh thông thường. Trẻ em mắc bệnh và đã hết vẫn có khả năng mắc lại vì RSV có nhiều chủng.

Các virus rất dễ lây lan. Trẻ có thể mắc bệnh do lây qua đường không khí, ở chung với người bị bệnh đang ho, hắt hơi hoặc nói chuyện. Bệnh cũng lây qua đường tiếp xúc, khi trẻ chạm vào các đồ dùng của người bệnh, sau đó chạm vào mắt, mũi hay miệng.

Triệu chứng của viêm tiểu phế quản

Viêm tiểu phế quản thường có các triệu chứng ban đầu tương tự như cảm lạnh thông thường như sốt nhẹ, mệt mỏi, nhưng sau đó sẽ có ho, thở khò khè và đôi khi khó thở. Đối với trẻ sơ sinh, viêm tai giữa cũng là dấu hiệu của viêm tiểu phế quản. Các triệu chứng này có thể kéo dài trong vài ngày hoặc thậm chí vài tuần, vài tháng.

Triệu chứng của viêm tiểu phế quản

Hầu hết trẻ em sẽ cải thiện bệnh khi được chăm sóc tại nhà, một số rất ít phải nhập viện. Do trẻ nhỏ chưa biết bộc lộ cảm xúc, người thân trong gia đình cần theo dõi cẩn thận dấu hiệu nặng của bệnh của bé để dẫn bé đến bác sĩ để được thăm khám cẩn thận. Các dấu hiệu nặng bao gồm:

  • Nôn.
  • Khò khè.
  • Thở rất nhanh – hơn 60 lần một phút.
  • Thở mệt nhọc – ngực rút lõm khi hít thở.
  • Chậm chạp hoặc hôn mê.
  • Mất nước, ăn ít: Do phải thở quá nhanh, bé không uống đủ nước và ăn như bình thường.
  • Da tái xanh (do thiếu oxy), đặc biệt là ở môi và móng tay.

Trẻ cần phải nhập viện nếu có một trong những triệu chứng ở trên. Trong trường hợp nặng, trẻ bị suy hô hấp nặng cần được đặt nội khí quản (đặt một ống vào khí quản) để giúp trẻ thở cho đến khi nhiễm trùng được cải thiện.

Các phương pháp điều trị bệnh viêm tiểu phế quản

Phần lớn các trường hợp viêm tiểu phế quản có thể được kiểm soát tại nhà. Bạn cần cho trẻ uống đủ nước, tránh bị mất nước. Nếu trẻ bị nghẹt mũi, bạn hãy dùng dụng cụ để hút sạch chất nhầy hoặc nhỏ mũi bằng nước muối sinh lý.

Hãy đi khám bác sĩ để được chẩn đoán và kê toa. Thuốc hạ sốt như paracetamol, ibuprofen thường được sử dụng để giúp bé hạ sốt. Không được tự ý mua thuốc ho và thuốc cảm cho bé. Aspirin là thuốc chống chỉ định cho trẻ dưới 2 tuổi vì bé có nguy cơ mắc hội chứng Reye khi dùng thuốc. Vì tác nhân gây viêm tiểu phế quản là virus nên các kháng sinh không cho hiệu quả. Kháng sinh chỉ được dùng khi bé bị kèm với viêm phổi.

Trong trường hợp bệnh viêm tiểu phế quản nặng, trẻ có thể cần phải ở lại bệnh viện hoặc thở oxy
Trong trường hợp nặng, trẻ có thể cần phải ở lại bệnh viện hoặc thở oxy.

Cách làm giảm tiến triển bệnh

Bạn có thể giúp bé kiểm soát bệnh này nếu áp dụng các biện pháp sau:

  • Giữ ẩm không khí. Không khí có thể làm tình trạng khó thở thêm nặng nề. Bạn nên hạn chế sử dụng máy lạnh. Nếu không khí trong phòng của bé khô, hãy sử dụng máy tạo độ ẩm phun sương để làm ẩm không khí.
  • Đảm bảo trẻ ở môi trường không khói thuốc lá. Khói có thể làm triệu chứng của bệnh nặng thêm.
  • Giữ trẻ thẳng đứng. Trẻ sẽ dễ thở hơn ở tư thế đứng.
  • Tránh tình trạng mất nước: Hãy cho trẻ uống nước đầy đủ, hoặc nước ép trái cây để bổ sung khoáng chất.
  • Nhỏ mũi bằng nước muối sinh lý để thông mũi.
  • Sử dụng thuốc giảm đau. Các loại thuốc giảm đau không cần toa bác sĩ như paracetamol (Tylenol, những biệt dược khác) có thể giúp trẻ giảm đau họng.
  • Rửa tay thường xuyên để ngăn ngừa bệnh lây lan bệnh. Những dụng cụ, đồ chơi của trẻ nên được giặt sạch trước khi cho trẻ tiếp xúc để tránh lây nhiễm.

Viêm tiểu phế quản là bệnh lý phổ biến ở trẻ nhỏ dưới 2 tuổi. Sự hiểu biết và chăm sóc đúng cách của người lớn, của các bậc cha mẹ sẽ góp phần giúp trẻ phòng được bệnh, cũng như giúp trẻ hồi phục tốt hơn.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người