YouMed

Y học thường thức: Cách xử trí và phòng ngừa khi bị khô môi

Bác sĩ VÕ THỊ NGỌC HIỀN
Tác giả: Bác sĩ Võ Thị Ngọc Hiền
Chuyên khoa: Da liễu

Khô môi là tình trạng rất thường gặp với nhiều người. Dường như khô môi xảy ra ít nhất một lần đối với mỗi người, thậm chí một vài cá nhân gặp phải tình trạng này rất thường xuyên. Khô môi gây nhiều khó chịu như cảm giác khô, đau rát và có thể bị chảy máu. Tuy rằng có thể được điều trị đơn giản nhưng vẫn còn nhiều người chưa có cách xử trí, chăm sóc đúng đắn khiến cho tình trạng này chậm hồi phục và trở nên nặng hơn. Qua bài viết này, YouMed sẽ chia sẻ đến các bạn cách xử trí hiệu quả cũng như biện pháp phòng tránh khô môi xảy ra nhé!

1. Tại sao lại bị khô môi?

Thường ngày chúng ta vẫn chăm sóc cho làn da nhưng lại không chú ý mấy đến đôi môi. Bờ môi có lớp sừng rất mỏng và ít melanin nên chúng rất dễ bị tổn thương bởi các yếu tố từ môi trường.

Khi bị khô, các đường rãnh trên bờ môi trông rõ nét, bong vảy. Viền môi không còn rõ nét và có thể bị chảy máu, chảy dịch trong trường hợp nặng.

khô môi
Môi nứt nẻ không chỉ gây mất thẩm mỹ mà còn khiến bạn cảm thấy đau rát

Bởi vì môi không có tuyến dầu như phần da còn lại nên nó rất dễ gặp phải tình trạng khô và nứt nẻ. Các nguyên nhân cụ thể bao gồm:

  • Môi trường lạnh hoặc khô: Những người thường xuyên sống ở vùng có khí hậu lạnh, độ ẩm thấp, gió nhiều sẽ khiến cho môi bị mất nước nhanh. Lúc này nếu không được cấp ẩm tốt sẽ làm cho môi trở nên khô và nứt nẻ nặng.
  • Thuốc: Sử dụng vitamin A đường uống có thể gây ra tác dụng phụ là khô môi.
  • Thiếu vi lượng: Chế độ dinh dưỡng thiếu các dưỡng chất như vitamin B12, B6, sắt, acid folic cũng có thể gây ra khô môi.
  • Thói quen: Liếm môi hay bóc da môi thường xuyên là thói quen không tốt dễ dẫn đến bị viêm môi.

2. Xử trí khô môi?

Khi môi bị khô và nứt nẻ, ngoài các biện pháp ngăn ngừa tình trạng môi càng thêm khô thì phương pháp giúp môi mau chóng hồi phục bao gồm:

  • Lột nhẹ: Có thể sử dụng đường hay sản phẩm tẩy tế bào chết cho môi để tẩy lớp vảy bong ra nhẹ nhàng. Chú ý không mạnh tay để tránh chảy máu và nên sử dụng dưỡng ẩm ngay sau đó.
  • Dưỡng ẩm: Sử dụng các sản phẩm giữ độ ẩm cho môi như mật ong, dầu dừa…nhiều lần trong ngày và trước khi đi ngủ. Lưu ý, không nên tiếp tục sử dụng và chuyển sang sản phẩm dưỡng ẩm khác khi có triệu chứng ngứa, dị ứng đối với bất cứ loại dầu dưỡng nào.
  • Bỏ các thói quen: Ngừng liếm môi hay bóc vảy vì nó không giúp làm giảm khô môi mà có thể làm nặng hơn tình trạng này.
  • Khám chuyên khoa: Trường hợp không thuyên giảm với những cách chăm sóc thông thường hoặc khô môi trở nên nặng hơn thì người bệnh cần nhanh chóng đến khám chuyên khoa để được thăm khám và điều trị đúng đắn.
Chữa trị dứt điểm nứt môi chảy máu bằng son/kem dưỡng

3. Phòng ngừa khô môi?

Triệu chứng này ít nhiều gây khó chịu và ảnh hưởng đến thẩm mỹ. Đây là tình trạng đơn giản và có thể phòng tránh một cách dễ dàng bằng những biện pháp sau:

  • Không liếm môi: Thói quen liếm môi không làm cho môi hết khô mà còn có thể gây khô nhiều hơn. Bởi vì sau khi liếm môi, nước bọt sẽ bay hơi nhanh chóng nên nó không giúp giữ ẩm mà làm cho môi khô ngay sau đó.
  • Không dùng son có mùi vị: Điều thú vị ở đây là khi bạn sử dụng son môi có mùi thơm hoặc vị sẽ kích thích bạn liếm môi nhiều hơn và hành động này dẫn đến khô môi.
  • Dùng kem chống nắng: Da môi rất mỏng manh nên vì thế cũng cần bảo vệ khỏi tác hại của ánh nắng mặt trời. Mặc khác, môi rất ít melanin là thành phần giúp bảo vệ khỏi tác hại của tia cực tím nên việc chống nắng cho môi là hết sức cần thiết. Sử dụng kem chống nắng sẽ giúp môi hạn chế bị mất nước và bỏng nắng.
  • Dưỡng ẩm: Ngoài việc nên dưỡng ẩm hàng ngày cho đôi môi thì chúng ta cũng cần có một chế độ chăm sóc đặc biệt hơn khi thời tiết trở nên lạnh và khô. Sử dụng khăn choàng hoặc khẩu trang để làm ấm một phần cho môi và ngăn chặn môi bị mất nước. Đồng thời, sử dụng các sản phẩm dưỡng có kết cấu đặc hơn khi vào mùa khô sẽ giúp dưỡng ẩm hiệu quả cho môi.
  • Uống nhiều nước: Chỉ sử dụng sản phẩm dưỡng cho môi không thôi có vẻ chưa đủ. Chúng ta nên cung cấp đủ lượng nước cho cơ thể để hiệu quả dưỡng ẩm được tốt hơn.
Liếm môi không làm môi mềm hơn mà ngược lại càng khiến môi khô hơn

Đôi môi cũng mỏng manh và cần được bảo vệ như làn da của bạn. Các bạn hãy áp dụng những bí quyết phòng tránh đơn giản mà cực kì hiệu quả từ YouMed nhé!

>> Ung thư môi là một trong những bệnh lý nằm trong nhóm biểu hiện bệnh ung thư miệng, tuy không phải là bệnh thường gặp nhưng đang có xu hướng gia tăng. Cùng tìm hiểu về ung thư môi qua bài viết:  Ung thư môi và những điều bạn cần biết

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. https://www.healthline.com/health/how-to-get-rid-of-chapped-lips

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người