10 dấu hiệu sắp có kinh nguyệt mà chị em nên biết
Nội dung bài viết
Bạn đã từng nghe về hội chứng tiền kinh nguyệt? Đó là những triệu chứng thường xuất hiên trong khoảng thời gian từ năm ngày đến hai tuần trước khi kỳ kinh bắt đầu. Hơn 90% phụ nữ đều trải qua hội chứng tiền kinh nguyệt với những mức độ khác nhau. Một số người trải qua các triệu chứng đủ nghiêm trọng để ảnh hưởng đến các hoạt động hàng ngày. Những triệu chứng tiền kinh nguyệt thường biến mất trong vòng vài ngày sau khi hành kinh. Dưới đây là 10 dấu hiệu phổ biến nhất cho bạn biết chu kỳ kinh nguyệt sắp bắt đầu.
1. Đau bụng kinh
Đau bụng kinh hay đau bụng kinh nguyên phát là một triệu chứng tiền kinh nguyệt phổ biến. Tình trạng đau quặn bụng dưới có thể bắt đầu vài ngày trước kỳ kinh nguyệt và kéo dài vài ngày hoặc lâu hơn sau khi bắt đầu. Mức độ đau có thể trải qua nhiều mức độ khác nhau. Từ đau âm ỉ, nhẹ đến đau dữ dội khiến bạn không thể tham gia các hoạt động thường ngày.
Bạn sẽ cảm thấy vùng bụng dưới bị co thắt. Và cảm giác đau thắt này cũng có thể lan ra phía lưng dưới và đùi trên của bạn.
Vậy tại sao lại có những cơn đau bụng kinh này? Rất đơn giản là các cơn co thắt tử cung gây ra những cơn đau bụng kinh. Những cơn co thắt này giúp làm bong lớp niêm mạc bên trong của tử cung (nội mạc tử cung) khi thai kỳ không diễn ra.
Việc sản xuất các lipid giống như hormone được gọi là prostaglandin kích hoạt các cơn co thắt này. Mặc dù những chất béo này gây ra viêm nhiễm nhưng chúng cũng giúp điều chỉnh quá trình rụng trứng và kinh nguyệt.
Một số tình trạng sức khỏe có thể khiến cơn đau bụng kinh nghiêm trọng hơn. Chúng bao gồm:
- Lạc nội mạc tử cung.
- Hẹp cổ tử cung.
- Bệnh tuyến cơ tử cung.
- Bệnh viêm vùng chậu.
- U xơ tử cung.
Đau bụng kinh liên quan đến các loại tình trạng này được gọi là đau bụng kinh thứ phát.
Xem thêm: Hội chứng tiền kinh nguyệt là gì? Nó kéo dài bao lâu?
2. Nổi mụn báo hiệu sắp có kinh nguyệt
Khoảng một nửa phụ nữ nhận thấy sự gia tăng mụn trứng cá khoảng một tuần trước khi kỳ kinh nguyệt bắt đầu.
Mụn liên quan đến kinh nguyệt thường bùng phát ở cằm và đường viền của hàm dưới. Tuy nhiên chúng có thể xuất hiện ở bất cứ đâu trên mặt, lưng hoặc các vùng khác trên cơ thể. Những nốt mụn này xảy ra do sự thay đổi nội tiết tố tự nhiên liên quan đến chu kỳ sinh sản nữ.
Lí giải cho hiện tượng này như sau. Trong một chu kì có trứng rụng mà bạn không có thai, nồng độ estrogen và progesterone suy giảm. Trong khi đó nội tiết tố androgen, chẳng hạn như testosterone, tăng nhẹ. Androgen trong hệ thống của bạn kích thích sản xuất bã nhờn, một loại dầu được sản xuất bởi tuyến bã nhờn của da.
Khi lượng bã nhờn tiết ra quá nhiều, mụn có thể nổi lên. Mụn trứng cá liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt thường biến mất vào gần cuối kỳ kinh nguyệt. Hoặc ngay sau đó khi mức độ estrogen và progesterone bắt đầu tăng cao.
3. Những thay đổi ở vòng 1
Trong nửa đầu của chu kỳ kinh nguyệt (bắt đầu vào ngày đầu tiên của kỳ kinh), nồng độ estrogen bắt đầu tăng lên. Điều này kích thích sự phát triển của các ống dẫn sữa trong vú của bạn.
Mức progesterone bắt đầu tăng vào giữa chu kỳ của bạn xung quanh ngày rụng trứng. Điều này làm cho các tuyến vú ở ngực của bạn to ra và sưng lên. Những thay đổi này khiến ngực của bạn có cảm giác đau nhức, sưng tấy ngay trước hoặc trong kỳ kinh nguyệt.
Triệu chứng này có thể nhẹ đối với một số người. Bạn thường cảm thấy vú của mình to ra. Hoặc cảm thấy vú trở nên rất nặng hoặc sưng đau vùng đầu ngực. Có thể gây khó chịu vô cùng.
4. Mệt mỏi
Khi kỳ kinh nguyệt đến gần, cơ thể bạn chuyển từ trạng thái sẵn sàng để mang thai sang chuẩn bị hành kinh. Vì vậy mức độ nội tiết tố giảm mạnh và thường dẫn đến sự mệt mỏi. Ngoài ra thay đổi tâm trạng cũng có thể khiến bạn cảm thấy mệt mỏi. Chị em thường thấy mệt mỏi, ủ rũ toàn thân, ảnh hưởng đến công việc, sinh hoạt hàng ngày.
Một số phụ nữ còn than phiền rằng họ khó ngủ trong thời gian này của chu kỳ kinh nguyệt. Thiếu ngủ có thể làm trầm trọng thêm tình trạng mệt mỏi vào ban ngày.
5. Cảm thấy sưng, phù hơn
Nhiều chị em trải qua cảm giác vùng bụng của mình nặng nề hơn. Hoặc cảm giác như bạn không thể kéo quần jean của mình lên một vài ngày trước kỳ kinh. Đây cũng là một trong những triệu chứng tiền kinh nguyệt thường gặp.
Lí giải cho triệu chứng này khá đơn giản. Trong chu kì kinh nguyệt, sự thay đổi nồng độ estrogen và progesterone có thể khiến cơ thể bạn giữ lại nhiều nước và muối hơn bình thường. Vì vậy bạn có thể cảm thấy mình “mập mạp” hơn một chút.
Cân nặng cũng có thể tăng lên một chút, nhưng đây không thực sự là tăng cân. Triệu chứng này sẽ giảm dần từ hai đến ba ngày sau khi kỳ kinh bắt đầu. Thường thì tình trạng này tồi tệ nhất xảy ra vào ngày đầu tiên của chu kỳ.
6. Xuất hiện các vấn đề về ruột báo hiệu sắp có kinh nguyệt
Bạn biết không, ruột của bạn khá nhạy cảm với những thay đổi nội tiết tố. Do đó, bạn có thể gặp phải những thay đổi về vấn đề tiêu hóa trước và trong kỳ kinh nguyệt.
Các chất prostaglandin gây ra các cơn co thắt tử cung. Và chúng cũng có thể khiến các cơn co thắt diễn ra trong ruột. Bạn có thể thấy mình đi tiêu thường xuyên hơn trong kỳ kinh nguyệt. Bạn cũng có thể gặp:
- Bệnh tiêu chảy.
- Buồn nôn.
- Đầy hơi.
- Táo bón.
7. Đau đầu báo hiệu sắp có kinh nguyệt
Vì nội tiết tố trong cơ thể chịu trách nhiệm tạo ra phản ứng đau. Nên có thể hiểu được rằng mức độ nội tiết tố dao động có thể gây ra đau đầu và đau nửa đầu.
Serotonin là một chất dẫn truyền thần kinh thường gây ra chứng đau nửa đầu và đau đầu. Trong khi đó, estrogen có thể làm tăng nồng độ serotonin và số lượng các thụ thể serotonin trong não tại một số điểm nhất định trong chu kỳ kinh nguyệt. Sự tương tác giữa estrogen và serotonin có thể gây ra chứng đau nửa đầu ở một số chị em.
Hơn 50% phụ nữ bị chứng đau nửa đầu cho biết có mối liên quan giữa sự xuất hiện của chứng đau nửa đầu và kỳ kinh của họ. Chứng đau nửa đầu có thể xảy ra trước, trong hoặc ngay sau kỳ kinh nguyệt. Một số cũng bị đau nửa đầu vào thời điểm rụng trứng.
8. Thay đổi tâm trạng
Các triệu chứng cảm xúc của hội chứng tiền kinh nguyệt có thể nghiêm trọng hơn các triệu chứng thể chất đối với một số người. Bạn có thể gặp:
- Tâm trạng thay đổi, vui buồn thất thường.
- Trầm cảm.
- Cáu gắt.
- Lo âu.
Nếu bạn cảm thấy buồn hơn hoặc cáu kỉnh hơn bình thường, thì sự dao động estrogen và progesterone trong chu kì kinh nguyệt có thể là nguyên nhân. Estrogen có thể ảnh hưởng đến việc sản xuất serotonin và endorphin là chất mang lại cảm giác dễ chịu trong não. Vì vậy làm giảm cảm giác hạnh phúc, đồng thời gia tăng chứng lo âu, cáu kỉnh.
Đối với một số người, progesterone có thể có tác dụng êm dịu, bình tĩnh. Khi mức progesterone thấp, tác dụng này có thể giảm đi. Có thể dẫn đến những khoảng thời gian khóc không rõ lý do và quá mẫn cảm với cảm xúc.
9. Đau lưng dưới
Các cơn co thắt tử cung và bụng được kích hoạt bởi việc giải phóng các prostaglandin cũng có thể gây ra các cơn co thắt cơ ở lưng dưới.
Vì vậy bạn có thể cảm giác đau nhức hoặc co kéo vùng lưng dưới. Một số chị em có thể bị đau lưng dưới đáng kể trong kỳ kinh nguyệt. Những người khác cảm thấy khó chịu nhẹ hoặc chỉ là cảm giác khó chịu ở lưng.
10. Khó ngủ
Các triệu chứng tiền kinh nguyệt như đau bụng kinh, đau đầu và thay đổi tâm trạng đều có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ. Chúng khiến bạn khó đi vào giấc ngủ hoặc khó duy trì giấc ngủ hơn.
Rất thú vị rằng, nhiệt độ cơ thể của bạn sẽ tăng khoảng nửa độ sau khi rụng trứng. Và điều này được duy trì ở mức cao cho đến khi bạn bắt đầu hành kinh hoặc ngay sau đó. Nghe có vẻ không nhiều, nhưng nhiệt độ cơ thể mát hơn có liên quan đến giấc ngủ ngon hơn. Nửa độ đó có thể làm giảm khả năng nghỉ ngơi, thoải mái của bạn.
11. Làm gì khi bị các triệu chứng tiền kinh nguyệt
Việc điều trị hay giải quyết các triệu chứng tiền kinh nguyệt sẽ phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng.
Nếu có các triệu chứng nghiêm trọng, bạn có thể bị rối loạn tiền kinh nguyệt. Đây là một dạng hội chứng tiền kinh nguyệt nghiêm trọng hơn. Lúc này, sự chăm sóc của bác sĩ có thể là cách điều trị tốt nhất cho bạn. Nếu bạn bị chứng đau nửa đầu nghiêm trọng, sự thăm khám của bác sĩ có thể sẽ làm các triệu chứng thuyên giảm.
Các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn, chẳng hạn như hội chứng ruột kích thích hoặc lạc nội mạc tử cung, cũng có thể khiến hội chứng tiền kinh nguyệt trở nên nghiêm trọng hơn. Lúc này bạn cần sự trợ giúp của bác sĩ.
Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể kê toa thuốc tránh thai để điều chỉnh hormone của bạn. Thuốc tránh thai chứa nhiều loại estrogen và progesterone tổng hợp ở mức độ khác nhau.
Thuốc tránh thai ngăn cơ thể bạn rụng trứng tự nhiên bằng cách cung cấp lượng hormone phù hợp và ổn định trong ba tuần. Tiếp theo là một tuần dùng thuốc giả dược hoặc thuốc không chứa hormone. Khi bạn dùng thuốc giả dược, nồng độ nội tiết tố của bạn giảm xuống để bạn có thể hành kinh.
Bởi vì thuốc tránh thai cung cấp một lượng hormone ổn định. Cơ thể của bạn có thể không gặp phải mức thấp nhất hoặc mức cao nhất của hormone để gây ra hội chứng tiền kinh nguyệt.
12. Mách bạn mẹo nhỏ làm giảm triệu chứng tiền kinh nguyệt tại nhà
Dưới đây là một số mẹo nhỏ có thể làm giảm triệu chứng tiền kinh nguyệt tại nhà mà bạn có thể tham khảo:
- Giảm lượng muối ăn vào.
- Uống thuốc giảm đau không cần kê đơn, chẳng hạn như ibuprofen hoặc acetaminophen.
- Dùng một chai nước nóng hoặc miếng đệm ấm chườm lên bụng để giảm sự co thắt.
- Tập thể dục vừa phải để cải thiện tâm trạng và có khả năng giảm sự co thắt.
- Chia thành các bữa ăn nhỏ trong ngày để lượng đường trong máu của bạn duy trì ổn định. Lượng đường trong máu thấp có thể gây ra tâm trạng kém.
- Ngồi thiền hoặc tập yoga có thể cải thiện tâm trạng.
- Uống bổ sung canxi. Một nghiên cứu được báo cáo trên Tạp chí Sản khoa & Phụ khoa cho thấy rằng việc bổ sung canxi rất hữu ích để điều chỉnh chứng trầm cảm, lo lắng và sự giữ nước.
Rõ ràng, các triệu chứng tiền kinh nguyệt rất thường gặp ở chị em phụ nữ. Bài viết đã trao đổi với bạn đọc 10 dấu hiệu thường gặp trước chu kì của chị em. Khi nắm bắt được những dấu hiệu này, chị em sẽ chuẩn bị sẵn tâm lí cũng như những đồ dùng cần thiết để vượt qua một chu kì nhẹ nhàng, thoải mái nhất.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
10 Signs Your Period Is About to Starthttps://www.healthline.com/health/womens-health/period-signs
Ngày tham khảo: 24/09/2020