4 sai lầm cần tránh khi chăm sóc trẻ bị sốt
Nội dung bài viết
Sốt là triệu chứng rất thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Tuy nhiên không phải bậc phụ huynh nào cũng biết cách chăm sóc trẻ bị sốt đúng cách. Ngoài những sai lầm thường mắc phải về thời điểm và cách dùng thuốc hạ sốt cho trẻ, việc lau mát và pha dung dịch bù nước và điện giải cũng cần được lưu ý. Hãy cùng YouMed tìm hiểu vấn đề này nhé!
Uống thuốc hạ sốt quá sớm
Không nên cho trẻ bị sốt uống thuốc hạ sốt khi nhiệt độ vẫn dưới 38,5 độ. Nhiệt độ ở khoảng 37,5-38,5 độ C là mức độ sốt nhẹ, an toàn với trẻ và mang tính kích thích miễn dịch nên chỉ cần cởi bớt quần áo, cho bé uống nhiều nước hoặc bú mẹ nhiều hơn.
Pha dung dịch bù nước và điện giải sai tỉ lệ
Việc bù nước và điện giải là rất quan trọng cho trẻ bị sốt. Tuy nhiên đã có trường hợp trẻ bị ngộ độc muối, rối loạn điên giải khi uống phải dung dịch Oresol pha quá đặc. Khi pha quá đặc, người lớn uống thấy mặn có thể nhổ ra ngay nhưng trẻ nhỏ thì vẫn uống bình thường nên phụ huynh khó phát hiện.
Vì vậy cần đọc kỹ hướng dẫn cách pha của gói thuốc về lượng nước phù hợp. Cụ thể, nếu gói bột hướng dẫn pha với 200ml, cần pha đủ 200ml nước; hướng dẫn pha với 500ml, phải pha đủ với 500ml nước hoặc pha 1 lít phải đủ 1.000ml mới đạt nồng độ thẩm thấu phù hợp cho trẻ. Lưu ý là không nên chia gói bột điện giải ra làm nhiều phần. Pha như vậy sẽ làm sai lệch tỷ lệ các chất có trong gói thuốc.
>> Nếu bạn nghi ngờ mình bị sốt xuất huyết, hãy đến khám tại các bệnh viện và phòng khám uy tín. Do thời gian khám bệnh có hạn, YouMed sẽ cung cấp cho bạn một số “bí kíp” để chuẩn bị thật tốt trước khi đi khám bệnh sốt xuất huyết.
Ly dung dịch điện giải sau khi pha chỉ nên dùng trong vòng 24 giờ. Dung dịch đã pha quá 24 giờ dù không uống hết cũng nên bỏ đi
Nên dùng nước đun sôi để nguội để khuấy tan hoàn toàn gói bột trong nước.
Không pha gói bột điện giải trong nước khoáng, bởi vì trong các loại nước khoáng đã có sẵn các thành phần muối làm sai lệch nồng độ của thuốc.
Dùng thuốc hạ sốt sai cách
Có 2 loại thuốc phổ biến dùng để hạ sốt hiện nay là paracetamol và ibuprofen. Tuy nhiên không nên dùng ibuprofen để hạ sốt khi chưa biết nguyên nhân gây sốt ở trẻ. Nếu trẻ bị sốt xuất huyết, việc dùng ibuprofen sẽ làm tình trạng xuất huyết nặng thêm. Tốt nhất vẫn nên dùng paracetamol để hạ sốt ở trẻ.
Phụ huynh cũng nên tuân thủ khoảng cách liều của thuốc hạ sốt. Với paracetamol, dùng 4-6 tiếng 1 lần, trong khi ibuprofen là 6-8 tiếng.
Không tự ý dùng xen kẽ 2 loại thuốc này vì liều lượng 2 loại khác nhau. Paracetamol dùng 10-15mg/kg cân nặng, còn ibuprofen là 10mg/kg. Việc uống xen kẽ cũng dễ khiến phụ huynh nhầm khoảng thời gian uống tiếp theo, có thể gây tác dụng phụ.
Cũng không được xin bác sĩ kê đơn thuốc động kinh, thuốc an thần để đề phòng co giật khi trẻ bị sốt vì không đem lại hiệu quả mà còn gây nhiều tác dụng phụ. Tại thời điểm co giật, cha mẹ cần bế nghiêng người trẻ, giữ đầu thẳng để các đờm dãi chảy ra ngoài, tránh trường hợp trẻ bị sặc.
Chườm đá lạnh cho trẻ
Chườm lạnh có thể khiến trẻ dễ nhiễm lạnh và viêm phổi, làm bệnh trầm trọng thêm. Thay vào đó khi trẻ bị sốt, cha mẹ có thể dùng khăn ấm lau toàn thân cho trẻ. Đặc biệt nên lau nhiều ở trán, 2 hốc nách và bẹn. Hạn chế lau ở ngực vì tăng nguy cơ nhiễm lạnh và viêm phổi.
==> Bệnh sốt xuất huyết nếu không phát hiện và chăm sóc có thể dẫn đến chết người. Cần nhận biết các dấu hiệu của sốt xuất huyết và tăng cường sức khỏe người bênh.
Cứ cách 2-3 phút thay khăn một lần để lau cho trẻ hạ nhiệt. Phụ huynh phải thường xuyên theo dõi nhiệt độ nước, tránh để nước nguội lạnh.
Trẻ bị sốt có thể gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng đối với trẻ nếu các bậc phụ huynh không có cách chăm sóc đúng cách. Bài viết trên giới thiệu đến các bạn 4 sai lầm thường gặp mà các bạn cần tránh khi trẻ bị sốt để bạn có cách xử lý hiệu quả, an toàn đối với trẻ.