Ăn trứng: Có thực sự làm tăng nguy cơ tim mạch?
Nội dung bài viết
Trứng từ lâu đã được biết đến như một loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao và dễ chế biến. Nhưng trong những năm gần đây, chúng có thực sự tốt như người ta vẫn nghĩ hay không là một vấn đề gây tranh cãi rất nhiều. Một số nghiên cứu đã phát hiện ra mối liên quan giữa việc ăn trứng với tăng nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch. Và mới đây, các nhà khoa học đã bất ngờ công bố một kết quả ủng hộ cho khẳng định này. Vậy thực hư như thế nào? Chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu thông qua bài viết ngày hôm nay.
1. Giá trị dinh dưỡng của trứng gà
Trứng là loại thức ăn có giá trị dinh dưỡng đặc biệt cao. Trong trứng có đầy đủ chất đạm, béo, vitamin, khoáng chất, các men và hóc-môn. Không những vậy, tỉ lệ các chất dinh dưỡng trong trứng còn rất cân đối.
Thành phần của trứng gồm có lòng đỏ và lòng trắng. Lòng đỏ là thành phần quan trọng nhất của trứng, trong đó tập trung các chất dinh dưỡng chủ yếu. Lòng trắng chiếm phần lớn là nước, có lượng chất đạm, béo và khoáng chất rất thấp.
Cụ thể hơn, chất đạm của trứng là nguồn acid amin rất tốt. Chúng có nhiều vai trò quan trọng trong cơ thể, đặc biệt là cần cho sự phát triển cả về cân nặng và chiều cao của trẻ.
Ngoài ra, trứng có nguồn chất béo rất quý. Đó là Lecithin, thường ít tìm thấy ở các loại thực phẩm khác. Nó tham gia cấu tạo tế bào (đặc biệt là mô não) và có tác dụng điều hoà lượng cholesterol. Trứng cũng có chứa lượng cholesterol đáng kể (khoảng 185mg cholesterol cho một lòng đỏ), là nguyên nhân chính gây nên tranh cãi về tác hại của chúng trong những năm gần đây.
Trứng cũng là nguồn vitamin và khoáng chất tốt. Các chất khoáng như sắt, kẽm, đồng, mangan, iốt…tập trung hầu hết ở trong lòng đỏ. Tại đây có cả các vitamin tan trong nước (B1, B6, B8) và vitamin tan trong dầu (vitamin A, D, K).
2. Tác dụng của trứng đối với sức khỏe
“Trứng là loại thực phẩm có tất cả những thành phần phù hợp để phát triển thành một sinh vật. Vì vậy nên rõ ràng là nó tập trung rất nhiều dưỡng chất” – trích lời Christopher Blesso, phó giáo sư về khoa học dinh dưỡng tại Đại học Connecticut ở Hoa Kỳ.
Và dưới đây là một số đặc điểm nổi trội đã được chứng minh:
- Là nguồn đạm động vật chất lượng: trong trứng có chứa các acid amin mà cơ thể không tự tổng hợp được với tỉ lệ cân đối. Chúng có vai trò hỗ trợ tăng khối lượng cơ bắp và cải thiện sức khỏe xương khớp.
- Ảnh hưởng trên nồng độ mỡ máu: sử dụng trứng vừa phải sẽ làm tăng HDL (loại cholesterol “tốt”, làm giảm nguy cơ mắc bệnh). Ngoài ra, omega-3 chứa trong một số sản phẩm trứng còn có thể giúp làm giảm triglycerid trong máu.
- Nguồn chất béo quý giá: trứng chứa nhiều choline, thường khó tìm thấy ở các loại thực phẩm thông thường. Chúng đóng vai trò thiết yếu trong cấu tạo màng tế bào và dẫn truyền tín hiệu ở não bộ.
- Chứa các chất chống oxi-hóa (bao gồm lutein và zeaxanthin) giúp làm giảm nguy cơ mắc các bệnh về mắt (như thoái hóa điểm vàng, đục thủy tinh thể,…)
- Làm gia tăng cảm giác hạnh phúc khi ăn uống, hỗ trợ giảm cân hiệu quả.
- Ngoài ra, chúng còn có mùi vị khá hấp dẫn và dễ chế biến.
3. Vậy tiếng xấu từ đâu mà ra?
Cholesterol là chất béo được sinh ra tại gan và ruột. Ngoài ra, chúng cũng được tìm thấy trong các sản phẩm từ động vật (như thịt bò, tôm, trứng, phô mai và bơ…). Cholesterol có mặt ở khắp nơi trong cơ thể và là cấu trúc quan trọng hình thành nên màng tế bào. Nó cũng cần thiết để tổng hợp vitamin D, hormon estrogen và testosterone.
Cholesterol thường được biết đến như kẻ thù của hệ tim mạch. Cũng chính vì vậy mà hàm lượng cao chất này
Các nhà nghiên cứu chưa chắc chắn rằng tiêu thụ cholesterol có ảnh hưởng xấu đến chúng ta hay không. Vì vậy, các hướng dẫn về dinh dưỡng ở Anh và Mỹ cũng đã không còn cấm sử dụng cholesterol. Thay vào đó, họ nhấn mạnh về việc hạn chế sử dụng chất béo bão hòa. Chúng có nhiều trong bơ thực vật margarines, các loại thực phẩm chiên thời gian dài, …
4. Các nhà khoa học nói gì?
Một nghiên cứu được công bố đầu năm nay đã đưa ra một kết luận chấn động mà theo đó:
- Cứ mỗi 300mg cholesterol (tương đương 2 lòng đỏ trứng gà) được tiêu thụ, bất kể là từ loại thực phẩm nào, thì nguy cơ mắc bệnh tim mạch tăng 17% và nguy cơ tử vong vì mọi nguyên nhân tăng 18%.
- Cứ dùng thêm mỗi 1/2 quả trứng một ngày sẽ làm tăng 6% nguy cơ bị bệnh tim và 8% nguy cơ tử vong.
Tuy nhiên, dù cho đây là một trong những nghiên cứu lớn nhất tìm cách giải thích mối liên quan giữa trứng và bệnh tim. Nhưng nó chỉ có tính chất tham khảo và không hề đưa ra mối liên hệ về nguyên nhân – hệ quả.
Và nghiên cứu này cũng mâu thuẫn với các kết quả đã thu được trong quá khứ. Khi mà một nghiên cứu công bố năm 2018, phân tích khoảng nửa triệu người ở Trung Quốc, đã phát hiện điều hoàn toàn đối lập: “ăn trứng giúp làm giảm nguy cơ bị bệnh tim”.
5. Ngừng ăn trứng: Nên hay không?
Nhìn chung, chúng ta nên hạn chế những thực phẩm giàu cholesterol trong chế độ ăn uống hàng ngày (ví dụ như trứng, thịt đỏ). Điều đó cũng không có nghĩa là loại bỏ chúng hoàn toàn. Bởi vì trứng và thịt là nguồn cung cấp dinh dưỡng rất quan trọng cho cơ thể (bao gồm các acid amin, choline và khoáng chất).
Thay vào đó, hãy sử dụng lòng trắng trứng hoặc cả quả trứng nhưng ở mức độ vừa phải. Theo đại học Havard, Mỹ thì một quả trứng một ngày là an toàn cho phần lớn mọi người. Nhưng ngay cả khi như vậy thì việc ăn trứng mỗi ngày cũng không phải là điều nên làm. Một chế độ ăn đa dạng và hoạt động thể lực hợp lý sẽ giúp ích nhiều hơn cho sức khỏe của bạn.
Nếu có bất kỳ vấn đề gì về sức khỏe, hãy đến bác sĩ để được tư vấn kỹ lưỡng hơn trước khi quyết định.
Tuy các nhà nghiên cứu vẫn còn một chặng đường dài trên hành trình tìm hiểu trứng ảnh hưởng đến chúng ta ra sao. Nhưng đại đa số các nghiên cứu lại cho thấy các lợi ích mà trứng mang lại là không nhỏ. Vì thế, loại bỏ hoàn toàn chúng trong chế độ ăn hàng ngày là điều không nên làm. Thay vào đó, hãy sử dụng ở mức độ vừa phải hoặc chỉ dùng lòng trắng trứng.
Một quả trứng mỗi ngày sẽ là an toàn cho số đông mọi người. Tuy nhiên vẫn có một số trường hợp ngoại lệ. Nếu có vấn đề gì về sức khỏe, hãy đến bác sĩ để được tư vấn kỹ lưỡng nhất bạn nhé!
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.