Bấm huyệt chữa chảy nước mũi như thế nào?
Nội dung bài viết
Chảy nước mũi là triệu chứng phổ biến thường gặp hàng ngày trong các bệnh lý thuộc chuyên khoa tai mũi họng. Chảy nước mũi thường gây ảnh hưởng đến cuộc sống người bệnh. Hiện nay có nhiều phương pháp giúp điều trị tình trạng này. Trong đó, chữa chảy nước mũi bằng phương pháp bấm huyệt nhận được nhiều sự quan tâm từ người bệnh. Vậy bấm huyệt chữa chảy nước mũi hiệu quả như thế nào, cách thực hiện ra sao? Bài viết sau đây của ThS.BS Y học cổ truyền Dư Thị Cẩm Quỳnh sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về liệu pháp này.
Nguyên nhân khiến bạn chảy nước mũi
Ngày nay, chảy nước mũi được xác định do rất nhiều nguyên nhân bệnh lý khác nhau. Có thể kể đến một số trường hợp có biểu hiện như sau:
- Viêm mũi xoang cấp: Chảy nước mũi có nhầy mủ, thường ở một bên. Niêm mạc mũi đỏ. Đôi khi nước mũi có mùi hôi hoặc có vị kim loại. Người bệnh đau mặt hoặc đau đầu khu trú và ban đỏ, có thể nhạy cảm đau toàn bộ vùng xoang hàm trên hoặc xoang trán.
- Viêm mũi dị ứng: Thường chảy nước mũi trong như nước, hắt hơi, chảy nước mắt, ngứa mắt, niêm mạc mũi nhợt nhạt. Các triệu chứng thường xảy ra theo mùa hoặc khi người bệnh có tiếp xúc với các tác nhân khởi phát dị ứng. Cơ địa người có viêm da dị ứng, hen suyễn, dị ứng thức ăn …dễ dàng gặp tình trạng này.
- Dị vật trong mũi: Chảy nước mũi có mùi hôi (đôi khi có lẫn vết máu), ở một bên, thường gặp ở trẻ em.
- Viêm mũi vận mạch: Thường chảy mũi trong như nước, thường tái phát, hắt hơi, niêm mạc mũi sưng và đỏ. Không xác định được tác nhân gây khởi phát (khác với viêm mũi dị ứng).
- Nhiễm trùng đường hô hấp trên do vi rút (Cúm mùa, cảm lạnh thông thường,…): Chảy nước mũi từ dạng nước đến nhầy, thường kèm theo đau họng, niêm mạc mũi đỏ. Thường có các triệu chứng toàn thân khác như cảm giác khó chịu, người uể oải, ớn lạnh, sốt nhẹ…1
Vì sao bấm huyệt có thể chữa chảy nước mũi?
Theo Y học cổ truyền, cơ thể con người có quan hệ mật thiết với vũ trụ thông qua học thuyết âm dương, ngũ hành. Trong cơ thể được chia thành ngũ tạng, lục phủ, ngũ quan, ngũ thể, hệ thống kinh lạc, tinh, khí, thần và các nhóm chức năng sinh lý tương ứng.
Cơ chế tác dụng của bấm huyệt theo Y học cổ truyền thông qua tác động vào huyệt vị, kinh lạc dựa trên nguyên lý của châm cứu có thể trừ được các bệnh từ bên ngoài xâm nhập vào (đây là nguyên nhân thường gặp của chảy nước mũi). Đồng thời, bấm huyệt điều hòa hoạt động của kinh lạc khắp toàn cơ thể, khí huyết và chức năng tạng phủ.
Theo Y học hiện đại, bấm huyệt giúp kích thích vi tuần hoàn tại chỗ, nuôi dưỡng niêm mạc mũi, giảm hình thành các hóa chất trung gian gây viêm.
Bấm huyệt chữa chảy nước mũi có hiệu quả?
Hiện nay chưa có nhiều nghiên cứu về hiệu quả của bấm huyệt chữa chảy nước mũi. Tuy nhiên, phương pháp bấm huyệt trị liệu đã được Bộ Y tế năm 2013 phê duyệt; trong quy trình khám bệnh, chữa bệnh và có hướng dẫn cụ thể trong các trường hợp chảy nước mũi có viêm mũi xoang, viêm mũi dị ứng,…
Xem thêm: Bấm huyệt chữa viêm xoang và những thông tin bạn cần biết
Cách bấm huyệt chữa chảy nước mũi
Chỉ định, chống chỉ định
Bấm huyệt được chỉ định trong các trường hợp: Chứng viêm mũi xoang mạn tính, viêm mũi dị ứng nhẹ và thông thường.
Chống chỉ định trong trường hợp sau:
- Bệnh nhân đang có tình trạng dị ứng nặng, khó thở, hen suyễn.
- Bệnh nhân đang mắc bệnh ngoài da, viêm nhiễm ở vùng đầu mặt.
- Bệnh nhân đang mắc bệnh ưa chảy máu.
- Bệnh nhân đang sốt cao, nhiễm trùng toàn thân.2
Cách tiến hành
Thực hiện xát, day, miết vùng mặt với các dầu xoa bóp được cấp phép.
Sau đó, day và ấn các huyệt sau:
- Huyệt tại chỗ gồm Bách hội, Thượng tinh, Thông thiên, Ấn đường, Toản trúc, Dương bạch, Cự liêu, Nghinh hương, Phong trì.
- Huyệt xa Hợp cốc, Nội đình.
- Tùy chứng bệnh có thể gia giảm thêm các huyệt có tác dụng tương ứng.2
Hàng ngày, người bệnh có thể kết hợp thêm phần xát mũi trong xoa bóp ngũ quan; giúp giảm triệu chứng chảy nước mũi hiệu quả. Cách thực hiện như sau:
- Dùng hai ngón tay trỏ và giữa xát mũi từ dưới lên, từ trên xuống, tức là từ huyệt Nghinh hương lên huyệt Tình minh. Xát từ 10 đến 20 lần, kết hợp với hít thở sâu khi đưa lên và thở ra hết khi đưa xuống.
- Dùng ngón tay trỏ xát lên cánh mũi bên kia rồi hít thở, làm từng bên mỗi bên 10 đến 20 lần.
- Vặt mũi qua lại, day chóp mũi.
- Dùng hai đầu của ngón tay trỏ day bấm vào huyệt Nghinh hương, thượng Nghinh hương kết hợp với hít sâu và thở ra hết.3
Quy trình điều trị trong bao lâu?
Thời gian bấm huyệt chữa chảy nước mũi tương tự với bấm huyệt trong các bệnh lý khác. Khoảng từ 20 đến 30 phút cho một lần, thường một lần trong ngày. Một liệu trình điều trị từ 15 đến 30 ngày, tùy theo mức độ và diễn biến của bệnh. Có thể điều trị nhiều liệu trình.2
Lưu ý, kiêng kỵ
Xoa bóp bấm huyệt vẫn xảy ra khả năng vựng châm giống như châm cứu. Người bệnh có thể cảm thấy hoa mắt, chóng mặt, vã mồ hôi, mạch nhanh, sắc mặt nhợt nhạt. Khi đó, cần dừng xoa bóp bấm huyệt ngay và tiến hành lau mồ hôi, ủ ấm, uống nước chè đường nóng, và nằm nghỉ tại chỗ. Theo dõi sát mạch, huyết áp của người bệnh.2
Không nên lạm dụng bấm huyệt với số lần và tần suất quá nhiều. Điều này sẽ gây nên tình trạng “lờn”, những lần sau bấm huyệt không hiệu quả.2
Ngoài ra, đối với nguyên nhân gây chảy nước mũi là dị vật ở mũi thì cần can thiệp cấp cứu nhanh nhất có thể. Đối với trường hợp chảy nước mũi do viêm mũi dị ứng, cần xác định các tác nhân gây dị ứng (ví dụ như lông chó mèo, bụi bặm,…) và tránh tiếp xúc để không tái phát dị ứng.1
Những phương pháp đông y khác điều trị chảy nước mũi
Bên cạnh bấm huyệt chữa chảy nước mũi, trong Đông y còn có các phương pháp như hào châm, nhĩ châm, cấy chỉ, thủy châm, xông mũi họng với các vị dược liệu và sử dụng các bài thuốc thang, tùy theo từng thể bệnh tương ứng mà điều trị hiệu quả chảy nước mũi. Cần có sự phối hợp giữa các phương pháp để đem lại kết quả tốt nhất.2
Xem thêm: Châm cứu chữa viêm mũi dị ứng và những lưu ý từ bác sĩ
Hy vọng bài viết trên đây đã giúp bạn hiểu rõ hơn về cách bấm huyệt chữa chảy nước mũi, cũng như những lưu ý khi thực hiện. Có thể thấy, liệu pháp này có thể mang lại nhiều hiệu quả. Song, người bệnh không nên tự ý bấm huyệt khi chưa được bác sĩ hướng dẫn. Tốt nhất cần đến gặp bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng để được xác định nguyên nhân, cũng như đưa ra phương pháp điều trị phù hợp.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Ngạt mũi và chảy nước mũi. https://www.msdmanuals.com/vi/chuy%C3%AAn-gia/tai-m%C5%A9i-h%E1%BB%8Dng/ph%C6%B0%C6%A1ng-ph%C3%A1p-ti%E1%BA%BFp-c%E1%BA%ADn-b%E1%BB%87nh-nh%C3%A2n-c%C3%B3-c%C3%A1c-tri%E1%BB%87u-ch%E1%BB%A9ng-%E1%BB%9F-m%C5%A9i-v%C3%A0-%E1%BB%9F-h%E1%BB%8Dng/ng%E1%BA%A1t-m%C5%A9i-v%C3%A0-ch%E1%BA%A3y-n%C6%B0%E1%BB%9Bc-m%C5%A9i
Ngày tham khảo: 06/12/2021
-
Bộ Y tế (2013). Quy trình khám bệnh, chữa bệnh bằng chuyên ngành Châm cứu.
Ngày tham khảo: 06/12/2021
-
Phạm Huy Hùng (2004). Phương pháp Dưỡng sinh. Nhà xuất bản Y học.
Ngày tham khảo: 06/12/2021