Hen suyễn: Nguyên nhân, khả năng chữa khỏi và hướng điều trị
Bệnh hen suyễn có thể gặp ở bất kỳ độ tuổi nào. Đối với một số người, hen suyễn là một vấn đề lớn cản trở cuộc sống hàng ngày. Nguyên nhân của bệnh là gì? Khi nào cần đi gặp bác sĩ? Bệnh có thể chữa khỏi được không? Điều trị và thay đổi lối sống như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết sau của Thạc sĩ, Bác sĩ Trần Thanh Long nhé!
Nội dung bài viết
Triệu chứng hen suyễn
Hen suyễn là tình trạng đường thở bị hẹp, sưng lên và tiết ra nhiều chất nhầy. Điều này làm người bệnh cảm thấy khó thở, ho, khò khè.
Đối với một số người, hen suyễn ít gây ảnh hưởng đến đời sống hàng ngày. Tuy nhiên, đối với những người khác, nó lại là một vấn đề lớn cản trở hoạt động hàng ngày. Thậm chí có thể dẫn đến một cơn hen suyễn cấp gây nguy hiểm đến tính mạng nếu không có thuốc kịp thời.
Các triệu chứng hen suyễn khác nhau tùy mỗi người. Có một số người chỉ có triệu chứng trong một số tình huống cụ thể như hen suyễn về đêm, hen suyễn khi gắng sức, dị ứng. Cũng có một số người có thể lên cơn hen bất cứ lúc nào mà không rõ lí do gì. Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh hen suyễn bao gồm:
- Khó thở;
- Có tiếng rít ở phổi, khò khè khi thở ra (tiếng ran rít khi thở là dấu hiệu phổ biến của bệnh hen suyễn ở trẻ em);
- Tức ngực hoặc đau;
- Khó ngủ do cảm thấy khó thở, thở khò khè.
Các dấu hiệu cho thấy rằng bệnh hen suyễn đang trở nên tồi tệ hơn bao gồm:
- Các triệu chứng xuất hiện với tần suất thường xuyên hơn;
- Tăng mức độ khó thở (được đo chính xác bằng máy đo lưu lượng đỉnh, một thiết bị kiểm tra phổi của bạn);
- Phải sử dụng thuốc cắt cơn thường xuyên hơn;
Khi các triệu chứng hen suyễn trở nên trầm trọng hơn, đừng tự cố gắng giải quyết vấn đề bằng cách uống thêm thuốc mà không hỏi ý kiến bác sĩ. Việc lạm dụng thuốc hen suyễn có thể gây ra tác dụng phụ và làm cho bệnh của bạn trở nên tồi tệ.
Nguyên nhân của hen suyễn
Các đối tượng có nguy cơ bị hen suyễn cao hơn bình thường bao gồm:
- Béo phì. Người bị béo phì có nguy cơ bị hen suyễn cao gấp 1,5 lần người bình thường.
- Trẻ không bú sữa mẹ. Việc cho trẻ bú sữa mẹ sẽ giúp làm giảm nguy cơ trẻ bị hen suyễn về sau.
- Sống trong môi trường ô nhiễm
- Người có cơ địa dễ bị dị ứng, có thể là dị ứng phấn hoa, lông chó, hoặc dị ứng thức ăn…
- Người hút thuốc lá hoặc tiếp xúc với khói thuốc.
Xem thêm: Các yếu tố môi trường liên quan đến suyễn
Các cơn hen có thể bùng phát khi nào?
Đối với một số người, các dấu hiệu và triệu chứng hen suyễn bùng phát lên trong một số tình huống nhất định như:
- Hen suyễn khi gắng sức. Các triệu chứng hen suyễn có thể xuất hiện sau khi bệnh nhân gắng sức khoảng 10 phút, đặc biệt là khi thời tiết lạnh và khô.
- Hen suyễn nghề nghiệp. cơn hen suyễn được kích hoạt bởi các chất kích thích nơi làm việc như khói hóa chất, khí, bụi.
- Hen suyễn do dị ứng. được kích hoạt bởi các chất trong không khí, như gàu, phấn hoa, bào tử nấm mốc, lông thú vật, chất thải của gián…
- Hen suyễn về đêm. Với những người bị hen suyễn về đêm, thời điểm lên cơn hen suyễn thường là khoảng 2 – 4 giờ sáng.
Tuy nhiên, cũng có một số người có thể lên cơn hen bất cứ lúc nào mà không rõ lí do gì.
Khi nào cần khẩn cấp đi gặp khám bác sĩ?
Một cơn hen đột ngột chuyển biến nặng có thể đe dọa tính mạng. Với bệnh nhân hen, bác sĩ thường sẽ khuyên bệnh nhân cần nghỉ ngơi và sử dụng thuốc hít có tác dụng tức thời khi có các triệu chứng khó thở nặng. Tuy nhiên có một số trường hợp mà người bệnh cần lập tức đi đến bệnh viện như:
- Triệu chứng không cải thiện ngay cả khi đã sử dụng thuốc cắt cơn tức thời (như albuterol/salbutamol, fenoterol);
- Triệu chứng khó thở, khò khè ngày càng trầm trọng đi nhanh chóng;
- Khó thở ngay cả khi chỉ vận động rất nhẹ nhàng ở mức tối thiểu.
Hen suyễn có chữa khỏi được không?
Hen suyễn là một bệnh mạn tính, chưa thể được điều trị khỏi hẳn hoàn toàn. Tuy nhiên, các triệu chứng của bệnh có thể được kiểm soát tốt. Vì bệnh hen suyễn thường thay đổi theo thời gian, điều quan trọng là bạn phải thường xuyên thăm khám bác sĩ để theo dõi các dấu hiệu và triệu chứng của mình. Từ đó có hướng điều chỉnh điều trị khi cần thiết.
Điều trị hen suyễn
Mặc dù chưa có biện pháp gì để điều trị dứt điểm bệnh hen suyễn. Tuy nhiên bạn vẫn có thể “sống chung với lũ” và ngăn chặn các đợt tấn công của cơn hen cấp.
- Tiêm vắc-xin phòng bệnh cúm, viêm phổi.
- Xác định nguyên nhân gây ra các đợt hen cấp, ví dụ như phấn hoa, nấm mốc, không khí lạnh… Từ đó tìm cách tránh xa những tác nhân này.
- Uống thuốc đều đặn the o lời dặn của bác sĩ. Thuốc điều trị hen suyễn có 2 loại: thuốc kiểm soát lâu dài và thuốc tác động tức thời. Với thuốc kiểm soát lâu dài, người bệnh cần phải sử dụng mỗi ngày, kể cả khi không có triệu chứng gì. Các thuốc kiểm soát lâu dài thường được sử dụng bao gồm: Pulmicort, Rhinocort, Singulair (montelukast),… Thuốc tác động tức thời được sử dụng khi có biểu hiện của cơn hen cấp, bao gồm các thuốc như Ventolin, ProAir HFA…
Lời khuyên cho người hen suyễn
Ngoài việc uống thuốc, lối sinh hoạt lành mạnh cũng hỗ trợ điều trị bệnh hen suyễn. Bạn có thể tự thay đổi một số lối sống để duy trì sức khỏe và giảm khả năng lên cơn hen:
- Giảm thiểu bụi trong nhà. Bụi có thể là tác nhân gây ra cơn hen, đặc biệt là các cơn hen về đêm. Vì vậy, hãy thường xuyên giặt chăn, gối, nệm của bạn. Tránh sử dụng thảm trong nhà. Sử dụng các loại rèm cửa có thể dễ dàng giặt giũ để giảm thiểu bụi.
- Ngăn chặn bào tử nấm mốc trong nhà. Bằng cách làm sạch và giữ khô ráo các khu vực ẩm ướt trong nhà như bồn tắm, nhà bếp, tường nhà.
- Vệ sinh nhà cửa thường xuyên. Hãy vệ sinh nhà cửa ít nhất một lần mỗi tuần. Bạn có thể đeo khẩu trang khi làm hoặc thuê người khác dọn dẹp để tránh tiếp xúc với bụi.
- Đeo khẩu trang khi ra đường và khi thời tiết trở lạnh.
- Tập thể dục thường xuyên. Tập thể dục giúp củng cố sức khỏe của phổi và tim mạch. Tuy nhiên, người bị hen suyễn cần tập thể dục nhẹ nhàng vừa sức, tuyệt đối không tập gắng sức. Khi thời tiết lạnh khô, có thể tập trong nhà hoặc đeo khẩu trang để tránh hít không khí lạnh vào phổi.
- Kiểm soát cơn ợ nóng, ợ chua và trào ngược dạ dày, thực quản. Các cơn trào ngược dạ dày thực quản sẽ làm nặng thêm triệu chứng hen suyễn. Vì vậy người bị hen suyễn cũng cần chú trọng điều trị cải thiện các bệnh dạ dày.
Xem thêm: Bệnh hen suyễn ở trẻ em: Những điều cha mẹ cần biết
Nếu có người nhà bị hen suyễn, bạn cũng cần học cách sử dụng bình xịt cắt cơn hen để hỗ trợ người thân ngay khi có vấn đề.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Asthmahttps://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/asthma/symptoms-causes/syc-20369653
Ngày tham khảo: 30/09/2019