YouMed

Bấm huyệt hạ sốt như thế nào là đúng cách?

Bác sĩ PHẠM LÊ PHƯƠNG MAI
Tác giả: Bác sĩ Phạm Lê Phương Mai
Chuyên khoa: Y học cổ truyền

Trong các bệnh lý, sốt là dấu hiệu thường gặp và có thể phát hiện khách quan trên lâm sàng. Với sự tiến bộ y học, nhiều cách thức hạ sốt đã được ứng dụng rộng rãi; nhằm mục đích ngăn chặn các biến chứng của sốt, cũng như tạo sự thoải mái hơn cho người bệnh. Trong đó, liệu pháp bấm huyệt được nhiều người ưa chuộng bởi sự đơn giản mà hiệu quả. Vậy bấm huyệt hạ sốt như thế nào là đúng cách? Mời bạn cùng Bác sĩ Y học cổ truyền Phạm Lê Phương Mai tìm hiểu thêm thông tin về phương pháp này qua bài viết dưới đây.

Sốt theo quan điểm của Y học hiện đại

Theo Tây y, có nhiều nguyên nhân khiến cơ thể bị sốt, một số rối loạn thường gặp như: Nhiễm trùng do vi khuẩn, cảm cúm do virus, cảm lạnh do thời tiết, cảm nắng, tai biến mạch máu não, phổi,…1

Bên cạnh đó, một số yếu tố cũng có thể là nguyên nhân gây sốt như:1

  • Tổn thương trung tâm điều nhiệt, ung thư do u não, xuất huyết nội sọ,…
  • Bệnh lý huyết học, bệnh lý miễn dịch như viêm khớp dạng thấp,…
  • Bệnh lý chuyển hóa cấp như bệnh Gout,…
  • Một số nguyên nhân khác: Thuốc, tâm lý, chấn thương cơ học, mọc răng, tiêm phòng,…

Ngoài sốt, ta có thể gặp các dấu hiệu kèm theo như đổ mồ hôi, nhức đầu, đau nhức cơ thể, lạnh run, chán ăn, buồn ngủ, kém tập trung,…2

Xem thêm: Triệu chứng sốt: hiểu như thế nào cho đúng?

Sốt thường đi kèm với các triệu chứng mệt mỏi và buồn ngủ
Sốt thường đi kèm với các triệu chứng mệt mỏi và buồn ngủ

Sốt theo quan điểm của Y học cổ truyền

Theo y học cổ truyền, dấu hiệu sốt được mô tả trong chứng “phát nhiệt”. Thông thường nguyên nhân là do ngoại tà như phong, hàn, nhiệt…gây nên cảm cúm, cảm lạnh…Ngoài ra, còn có thể do các yếu tố khác như chấn thương, ôn dịch, độc…3

Quan niệm của đông y cho rằng: Muốn điều trị sốt hiệu quả thì bên cạnh giảm triệu chứng “thanh nhiệt”, cần phải chú trọng nâng cao chính khí của con người, đồng thời phải loại trừ tà khí xâm phạm. Bên cạnh các liệu pháp như châm cứu, thuốc đông y, xoa bóp bấm huyệt hạ sốt cũng dần được quan tâm hơn.

Bấm huyệt hạ sốt có hiệu quả?

Từ xa xưa, bấm huyệt được xem như phương pháp thúc đẩy khí huyết, tăng cường lưu thông kinh mạch, cân bằng âm dương, điều hòa tạng phủ, thư giãn tinh thần,… Chính vì vậy, liệu pháp này được dân gian ứng dụng hiệu quả với các tình trạng rối loạn thân nhiệt, đặc biệt là sốt.

Hơn nữa, bấm huyệt hạ sốt cũng là cách trị liệu ít rủi ro, động tác đơn giản, dễ thực hiện, hầu như không gây khó chịu cho cơ thể. Dưới sự hướng dẫn kỹ càng từ thầy thuốc, người dân có thể tự thực hiện nhiều lần nhằm nâng cao hiệu quả điều trị.

Phương pháp bấm huyệt hạ sốt

Chỉ định

Các trường hợp bị sốt hoặc có thân nhiệt cao hơn so với bình thường.

Chống chỉ định

Đối với một số trường hợp, bệnh nhân không nên chỉ thực hiện phương pháp bấm huyệt hạ sốt tại nhà, mà nên đến cơ sở y tế gần nhất để được theo dõi và kiểm tra. Có thể kể đến như:1

  • Các tình trạng cấp cứu ngoại khoa, sốc, chấn thương nặng, xuất huyết các cơ quan,…
  • Có dấu hiệu rối loạn tri giác như lơ mơ, vật vã, li bì, nói sảng, tiêu tiểu không tự chủ,…
  • Sốt cao kéo dài trên 39 độ C, không đáp ứng với thuốc hạ sốt và các phương pháp phối hợp khác. Hoặc sốt rất cao từ 40 độ C trở lên.
  • Trẻ nhỏ có các biểu hiện bất thường như bỏ bú, co giật, khó thở, quấy khóc, li bì…

Cách bấm huyệt hạ sốt

Bấm huyệt là thủ thuật dùng ngón tay tạo áp lực lên vị trí huyệt. Cách này sẽ tác động lên hệ thống da, mạch máu, thần kinh, cơ quan thụ cảm… Ở từng vị trí, có thể thực hiện động tác bấm huyệt trong vòng khoảng 30 giây – 1 phút, lặp lại 2 – 3 lần mỗi ngày. Theo Y học cổ truyền, một số huyệt đạo trên cơ thể người có công dụng thanh nhiệt như:

Hợp cốc

Vị trí: Khi khép ngón tay cái và trỏ với nhau, huyệt nằm ở phần thịt cao nhất.

Tác dụng: Phát biểu, giải nhiệt, sơ tán phong tà, thông Phế khí, chữa chứng sốt không ra mồ hôi, giảm đau tại chỗ, trị liệt mặt,…4

Hợp cốc là một trong những vị trí bấm huyệt hạ sốt hiệu quả
Hợp cốc là một trong những vị trí bấm huyệt hạ sốt hiệu quả

Đại chùy

Vị trí: Chỗ lõm ở đầu mỏm gai đốt sống cổ thứ 7.

Tác dụng: Giảm sốt, giảm đau cổ gáy, loãng đờm, dịu ho, giảm mệt mỏi…4

Khúc trì

Vị trí: Khi gấp cẳng tay lại để trên ngực, huyệt nằm cuối nếp gấp khuỷu phía ngoài.

Tác dụng: Hạ sốt, giảm đau tại chỗ, phục hồi liệt chi trên,…5

Xích trạch

Vị trí: Nằm trên nếp gấp khuỷu tay, bờ ngoài tấm gân cơ nhị đầu.

Tác dụng: Thanh nhiệt thượng tiêu, trị viêm họng, ho suyễn, đau tại chỗ…

Thiếu thương

Vị trí: Điểm giao nhau giữa vùng tiếp giáp da gan và lưng bàn tay, phía ngoài ngón tay cái và đường ngang qua gốc móng tay cái.

Tác dụng: Hạ sốt, thông khí, giảm các triệu chứng như đau sưng tại chỗ, ho, viêm họng…5

Phong trì

Vị trí: Phần lõm giữa bờ ngoài cơ thang và bờ trong cơ ức đòn chũm, dưới đáy hộp sọ.

Tác dụng: Thanh nhiệt, khu phong, giải biểu, trị cảm mạo, đau cổ gáy, giảm chóng mặt5

Dũng tuyền

Vị trí: Chỗ lõm ở gan bàn chân hay điểm nối 2/5 trước và 3/5 sau của đoạn đầu ngón chân thứ 2 và bờ sau gót chân.

Tác dụng: Thanh nhiệt, giáng hỏa, khai khiếu, định thần…

Bấm huyệt Dũng tuyền có tác dụng thanh nhiệt và hỗ trợ hạ sốt hiệu quả
Bấm huyệt Dũng tuyền có tác dụng thanh nhiệt và hỗ trợ hạ sốt hiệu quả

Ngoại quan

Vị trí: Mặt sau cánh tay, trên lằn chỉ cổ tay 2 thốn, giữa xương trụ và xương quay.

Tác dụng: Thanh nhiệt, giải biểu, hóa đờm, thông kinh lạc…

Phế du

Vị trí: Từ giữa đốt sống lưng D3 – D4, đo ra mỗi bên 1.5 thốn ngón tay.

Tác dụng: Điều hòa phế khí, bổ hư tổn, thanh hư nhiệt,… Chữa các triệu chứng: Sốt, đau tại chỗ, ho, vẹo cổ…

Thập tuyên

Vị trí: Nằm ở đầu đốt cuối cùng của 10 xương ngón tay.

Tác dụng: Giảm sốt, trị say nắng, tê bàn tay, ngất…

Một số huyệt đạo khác

Bên cạnh đó, có thể phối hợp một số huyệt đạo khác như:

  • Kích thích ra mồ hôi: Phục lưu.
  • Trị nhức đầu: Thái dương.
  • Giảm nghẹt mũi: Nghinh hương.6
  • Giảm đờm: Phong long.

Lưu ý khi bấm huyệt hạ sốt

Có thể tự bấm huyệt tại nhà không?

Nhờ các động tác đơn giản và ít rủi ro, mà từ lâu, dân gian đã áp dụng thủ thuật bấm huyệt hạ sốt để điều trị tại nhà. Tuy nhiên, đây chỉ là phương pháp hỗ trợ tình trạng sốt. Chính vì vậy, người thực hiện cần được hướng dẫn từ thầy thuốc; đặc biệt nếu kiểm soát không thành công, xuất hiện dấu hiệu nặng bất thường khác thì phải đến cơ sở y tế sớm.

Bấm huyệt hạ sốt cho bé

Thực tế, bấm huyệt hạ sốt cho bé được ghi nhận với nhiều hiệu quả tích cực. Thế nhưng, đây là đối tượng nhạy cảm, thường da mỏng và các cơ quan dễ bị tổn thương. Chính vì vậy, nên có sự hướng dẫn kỹ càng từ người có chuyên môn cũng như theo dõi sát trong quá trình thực hiện. Nếu trẻ có bất kỳ khó chịu nào cần phải ngừng động tác ngay lập tức.

Xem thêm: Sốt ở trẻ dưới 5 tuổi: Tiếp cận và xử trí ban đầu

Kiêng cử khi bấm huyệt hạ sốt

Do thủ thuật chủ yếu sử dụng bàn tay, nên người thực hiện cần làm sạch tay; cắt gọn phần móng để tránh làm trầy xước da bệnh nhân.

Trong quá trình thực hiện, bạn nên cố gắng xác định chính xác huyệt đạo, để đạt lợi ích cao nhất. Ngoài ra, bạn cần điều chỉnh linh hoạt lực tay, tùy theo đối tượng và bộ phận cơ thể. Điều này giúp tránh những vết bầm tím, sưng đỏ da…6

Không nên thực hiện trên các vùng da đang lở loét, mụn mủ, bệnh da liễu…6

Lưu ý: Theo dõi các phản ứng của người bệnh trong và sau khi thực hiện thủ thuật, để điều chỉnh hợp lý.6

Các phương pháp hỗ trợ khác khi bị sốt

Để điều hòa thân nhiệt, ngoài bấm huyệt hạ sốt, ta nên kết hợp nhiều phương pháp khác nhau như:5

  • Mặc quần áo thoáng mát, mỏng để dễ thoát nhiệt.
  • Ngoài ra, nên đặt người bệnh nằm nơi thoáng khí, tránh bị gió lùa hay nằm phòng máy lạnh.
  • Quan trọng là người bệnh cần được bù điện giải, uống nhiều nước, trung bình khoảng 2 lít/ngày.
  • Lau mát bằng nước ấm, có thể sử dụng kèm thuốc hạ sốt theo đúng hướng dẫn của bác sĩ.
Người bệnh có thể sử dụng thuốc theo sự chỉ dẫn của bác sĩ để hạ sốt
Người bệnh có thể sử dụng thuốc theo sự chỉ dẫn của bác sĩ để hạ sốt

Có thể nói rằng, bấm huyệt hạ sốt dần được công nhận và ứng dụng rộng rãi trong thực tế. Đây là phương pháp hỗ trợ tạm thời, tạo sự dễ chịu cho người bệnh. Để đạt được những lợi ích cao nhất, ta cần phối hợp nhiều cách thức hạ sốt khác nhau dưới sự theo dõi, hướng dẫn chặt chẽ từ người có chuyên môn y tế. Hy vọng bài viết trên đã cung cấp cho bạn thêm thông tin về cách bấm huyệt hạ sốt. Nếu có bất kỳ thắc mắc hay câu hỏi cần tư vấn thì hãy liên hệ với chúng tôi nhé!

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Các nguyên nhân gây sốt ở trẻhttps://suckhoedoisong.vn/cac-nguyen-nhan-gay-sot-o-tre-169188040.htm

    Ngày tham khảo: 04/10/2021

  2. Bộ môn Nội, Đại học Y dược thành phố Hồ Chí Minh. Triệu chứng học nội khoa. NXB Y học (2012)

    Ngày tham khảo: 04/10/2021

  3. Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam (2011). Giáo trình châm cứu

    Ngày tham khảo: 04/10/2021

  4. Kết hợp thuốc uống và bấm huyệt để hạ sốt do cảm phong nhiệthttps://suckhoedoisong.vn/ket-hop-thuoc-uong-va-bam-huyet-de-ha-sot-do-cam-phong-nhiet-16921082915175739.htm

    Ngày tham khảo: 04/10/2021

  5. Day, ấn huyệt thế nào để hạ sốt?https://nld.com.vn/suc-khoe/day-an-huyet-the-nao-de-ha-sot-20190228112020477.htm

    Ngày tham khảo: 04/10/2021

  6. Bộ Y tế. Hướng dẫn quy trình kỹ thuật chuyên ngành y học cổ truyền.

    Ngày tham khảo: 04/10/2021

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người