YouMed

Cảm cúm: nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

bác sĩ nguyễn lâm giang
Tác giả: Bác sĩ Nguyễn Lâm Giang
Chuyên khoa: Nội tổng quát

Cảm cúm hay bệnh cúm là một trong những bệnh lý khá phổ biến trong cuộc sống của chúng ta. Đây là một bệnh do virus gây nên và có khả năng lây lan rất nhanh. Virus gây bệnh cảm cúm thường tấn công hệ hô hấp và gây ra nhiều triệu chứng khá khó chịu. Vậy thì bệnh lý này có triệu chứng cụ thể ra sao, cách điều trị và phòng ngừa như thế nào? Tất cả những câu hỏi này sẽ được giải đáp qua bài viết sau đây.

Tổng quan về bệnh cảm cúm

1. Cảm cúm là gì?1 2

Cảm cúm, hay cúm, bệnh cúm là bệnh lý viêm nhiễm đường hô hấp do các virus cúm gây nên. Bệnh thường khởi phát đột ngột và kéo dài trong khoảng từ 7 đến 10 ngày.

Phần lớn các trường hợp bệnh cúm sẽ phục hồi hoàn toàn. Tuy nhiên, đối với người già, trẻ nhỏ và người suy giảm hệ thống miễn dịch thì khác. Bệnh cúm ở những đối tượng này có thể tiến triển nặng nề hơn, thậm chí dẫn đến tử vong do nhiều biến chứng.

Bên cạnh đó, nhiều chủng virus cúm nguy hiểm hiện nay xuất hiện ngày càng nhiều. Những chủng nguy hiểm này có khả năng lây lan rộng, dẫn đến tình trạng bùng dịch ở các địa phương. Chẳng hạn như H5N1, H1N1, H7N9,… Thực tế trong quá khứ, nhiều quốc gia và khu vực trên thế giới đã từng bùng phát dịch cảm cúm gây thiệt hại không hề nhỏ.

2. Mức độ phổ biến của tình trạng bị cảm cúm

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trên thế giới có khoảng 5 – 10% người lớn trưởng thành và 20-30% trẻ em bị bệnh cúm mỗi năm. Tỷ lệ tử vong do bệnh lý này ước tính khoảng 250.000 đến nửa triệu người. Ở nước ta, số ca mắc cúm mùa hàng năm được ghi nhận vào khoảng 1 đến 1,8 triệu người.2

Từ trước đến nay, đã có 6 đại dịch cúm lớn trên thế giới, bao gồm:3

  • 1889: Cúm Nga (H2N2).
  • 1918: Cúm Tây Ban Nha (H1N1).
  • 1957: Cúm Châu Á (H2N2).
  • 1968: Cúm Hồng Kông (H3N2).
  • 2009: Cúm lợn (cúm A [H1N1]pdm09).

3. Bệnh lây truyền như thế nào?4 5

Một số bạn đọc thường thắc mắc “Cảm cúm có lây không?”. Câu trả lời là có. Bệnh cúm là bệnh có khả năng lây truyền rất cao và tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát thành dịch.

Vậy thì bệnh cảm cúm lây như thế nào và bệnh cảm cúm lây qua đường nào? Virus cúm thường lây truyền từ người sang người chủ yếu qua 2 đường:

  • Dịch tiết đường hô hấp. Người bị bệnh cúm thường xuất hiện triệu chứng ho và hắt hơi. Khi đó, người bệnh sẽ tạo điều kiện phát tán virus ra môi trường bên ngoài. Virus cúm nhờ khả năng tồn tại bền vững nên có thể phát tán trong không khí với phạm vi trong vòng 2 mét. Chính vì vậy, người khỏe mạnh khi tiếp xúc gần với người bệnh sẽ có nguy cơ bị lây nhiễm bệnh cúm.
  • Lây truyền qua bề mặt tiếp xúc. Việc sử dụng chung đồ dùng cá nhân như khăn mặt, chén đũa, ly nước, bàn chải,… có thể tiềm ẩn nguy cơ lây bệnh. Bệnh nhân mắc bệnh cúm khi ho hoặc hắt hơi sẽ bắn dịch tiết ra ngoài và bám lên đồ vật. Người khỏe mạnh vô tình chạm phải những đồ vậy ấy và đưa tay trực tiếp lên mũi, miệng. Khi ấy, virus sẽ rất có nhiều khả năng xâm nhập vào cơ thể.
Người bệnh thường ho, hắt hơi làm phát tán virus cúm
Người bệnh thường ho, hắt hơi làm phát tán virus cúm

Cơ chế lây truyền nói trên giúp chúng ta biết được cảm cúm có lây được không. Cũng như tình trạng lây lan của bệnh cúm dễ dàng như thế nào. Đồng thời hiểu được bị cảm cúm có nên quan hệ không. Câu trả lời là không nên nhé – vì quan hệ là tiếp xúc gần.

Nguyên nhân cảm cúm

1. Các nguyên nhân gây bệnh cảm cúm là gì?1 2

Nguyên nhân gây bệnh cúm ở người đó chính là virus cúm (Influenza virus). Virus cúm xâm nhập và tấn công vào hệ hô hấp của người bệnh và gây nên các triệu chứng cảm cúm. Theo các thống kê chung, những chủng virus cúm có khả năng biến đổi liên tục. Vì vậy, tỷ lệ người bệnh bị nhiễm các chủng virus cúm mới có thể lên tới 90%.1

Ở nước ta, 3 chủng virus cúm A, B và C là những tác nhân chủ yếu gây nên bệnh cúm. Trong đó, 2 chủng phổ biến nhất ở người chính là A và B. Với tốc độ và mức độ lây nhiễm rất cao, bệnh cúm có thể khởi phát thành đại dịch nếu không được kiểm soát chặt chẽ.

2. Đối tượng nguy cơ mắc bệnh cúm

Phần này của bài viết sẽ giúp bạn đọc biết được những đối tượng nguy cơ cao mắc bệnh cúm. Cũng như giải thích được nhiều trường hợp vì sao hay bị cảm cúm hơn những người khác. Những đối tượng dễ mắc bệnh cúm bao gồm:5

  • Trẻ em dưới 5 tuổi. Đặc biệt, trẻ em dưới 2 tuổi là đối tượng có nguy cơ đặc biệt cao.
  • Người lớn trên 65 tuổi.
  • Những người đang mắc các bệnh lý mạn tính. Chẳng hạn như: đái tháo đường, COPD, tăng huyết áp,…
  • Phụ nữ đang mang thai, nhất là tam cá nguyệt thứ 2 và thứ 3.
  • Bệnh nhân suy giảm chức năng ho khạc. Điển hình như: nhược cơ hô hấp, động kinh, đột quỵ.
  • Bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch (HIV/AIDS hoặc sử dụng corticoid liều cao, thuốc ức chế miễn dịch,…).
  • Những người đang có các bệnh lý thuộc hệ hô hấp. Ví dụ: lao phổi, ung thư phổi, tràn dịch màng phổi, áp xe phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính,…
Trẻ nhỏ là một trong những đối tượng dễ mắc bệnh cúm
Trẻ nhỏ là một trong những đối tượng dễ mắc bệnh cúm

Triệu chứng cảm cúm

1. Diễn tiến của bệnh

Virus cúm khi xâm nhập vào cơ thể của người bệnh sẽ gây bệnh nhanh chóng. Theo đó, những dấu hiệu cảm cúm xảy ra rất sớm trong vài ngày đầu nhiễm bệnh. Những biểu hiện cảm cúm thông thường đau họng, chảy nước mũi, nghẹt mũi và hắt hơi. Chính những triệu chứng ở mũi làm cho người bệnh bị giảm khứu giác chứ không mất khứu giác hoàn toàn. Điều này giúp nhiều người hiểu rõ được vấn đề cảm cúm có bị mất khứu giác không.

2. Triệu chứng bệnh cúm

Ngoài ra, những dấu hiệu bị cảm cúm còn có thể bao gồm:5 6

  • Sốt từ vừa đến cao (> 38°C);
  • Đau đầu, đau hốc mắt, đau nhức cơ bắp.
  • Chóng mặt.
  • Cảm giác mệt mỏi, không còn sức lực.
  • Buồn nôn, nôn, chán ăn.
  • Tiêu chảy (thường gặp ở trẻ em).
  • Một số trường hợp cảm cúm bị đau tai, ù tai là do virus cúm gây tắc hoặc bán tắc vòi nhĩ.

Bệnh cúm thường có thời gian ủ bệnh trong khoảng 2 ngày. Sau khoảng 5 ngày, triệu chứng cảm cúm nhức đầu sổ mũi sẽ giảm dần. Tuy nhiên, ho sau khi cảm cúm có thể kéo dài hơn 1 tuần, thậm chí đến cả tháng.1

Một số triệu chứng thường gặp ở bệnh cảm cúm
Một số triệu chứng thường gặp ở bệnh cảm cúm

3. Tại sao cảm cúm lại chảy nước mũi?

Khi virus cúm xâm nhập vào đường hô hấp, mũi sẽ tiết ra chất nhầy. Chất nhầy này do phản xạ bảo vệ của đường hô hấp với các tác nhân lạ xâm nhập vào cơ thể. Vì vậy, người bị bệnh cúm thường bị chảy nước mũi hay sổ mũi. Nếu không có tình trạng bội nhiễm thì nước mũi do bệnh cúm sẽ trong. Còn trong những trường hợp bội nhiễm vi khuẩn, nước mũi sẽ có màu trắng đục, vàng, xanh,…

Bên cạnh đó, ho cũng là một phản xạ của đường hô hấp để tống dị vật, tác nhân lạ nhằm bảo vệ cơ thể. Đồng thời, ho cũng là một triệu chứng của tình trạng viêm nhiễm đường hô hấp do virus cúm. Nhiều trường hợp ho cảm cúm kéo dài sau khi khỏi bệnh là do trung tâm ho ở não chưa chấm dứt tín hiệu ho. Vì vậy, người bệnh thường ho khan và không có đờm kèm theo.

Phân biệt cảm cúm với Covid 19 và cảm lạnh

1. Phân biệt cảm cúm và Covid

Sự khác biệt về triệu chứng giữa cảm cúm và Covid sẽ được trình bày qua bảng sau:6 7

Dấu hiệu Cảm cúm COVID-19
Sốt Có thể sốt cao Sốt nhẹ hoặc vừa
Ho Ho khan hoặc có đàm Ban đầu ho khan, về sau ho có đàm
Tức ngực Không Thường gặp
Đau đầu Thường gặp Ít phổ biến hơn
Đau họng Thường gặp Ít phổ biến hơn
Nhức mỏi Thường gặp Ít phổ biến hơn
Mệt mỏi Mệt mỏi nhiều, mất sức lực Có thể mệt mỏi
Hắt hơi Thường gặp Không
Vị giác Bình thường hoặc giảm nhẹ Giảm nhiều hoặc mất hẳn
Khứu giác Bình thường hoặc giảm nhẹ Giảm nhiều hoặc mất hẳn

2. Phân biệt cảm lạnh và cảm cúm

Sự khác biệt giữa triệu chứng bệnh cúm và cảm lạnh sẽ được trình bày qua bảng sau:8

Triệu chứng Cảm lạnh Cúm
Sốt Ít gặp Cao (39-40°C)
Đau đầu Hiếm gặp Thường gặp
Đau cơ Nhẹ Nặng
Thời gian Nhẹ, một vài ngày Nhiều, có thể 3 tuần
Mệt mỏi nhiều Ít gặp Thường gặp
Tắc mũi Thường gặp Thường gặp
Hắt hơi Thường gặp Đôi khi
Chảy mũi Thường gặp Thường gặp
Đau họng Thường gặp Thường gặp
Ho / Đau ngực Nhẹ Trung bình – nặng

Như vậy, cảm lạnh khác cảm cúm ở khá nhiều điểm. Bên cạnh đó, chúng ta cần hiểu rõ về sự khác biệt giữa cảm và cúm. Vậy thì cảm và cúm khác nhau như thế nào? “Cảm” là danh từ chung nói về cả bệnh cảm lạnh và cảm cúm. Ngoài ra, một số trường hợp nhiễm virus đường hô hấp cũng được gọi chung là cảm. Chẳng hạn như: virus hợp bào hô hấp, Adenovirus. Trong khi “Cúm” là danh từ chỉ riêng bệnh lý nhiễm virus cúm – Influenza.4

3. Bị cảm cúm test nhanh Covid có dương tính không?

Nhiều bạn đọc thắc mắc “Bị cảm cúm test nhanh covid có dương tính không?” hoặc là “Bị cảm cúm test Covid có lên 2 vạch không?”. Bộ dụng cụ test nhanh Covid có một khay kết quả gồm 2 vạch: C và T.  Nếu kết quả lên 1 vạch C là âm tính, còn hiện cả 2 vạch C và T là dương tính với Covid-19.

Bộ test nhanh COVID-19
Bộ test nhanh COVID-19

Trên lý thuyết, bị cảm cúm test nhanh Covid sẽ không lên 2 vạch (âm tính). Que test chỉ cho kết quả dương tính khi người bệnh đã nhiễm Covid-19 với độ đặc hiệu trên 90%.9 Nếu kết quả test nhanh dương tính thì có thể có 2 trường hợp xảy ra:

  • Người đó đã nhiễm bệnh Covid 19.
  • Người đó không nhiễm Covid-19. Có thể chỉ bị bệnh cúm. Tuy nhiên, kết quả dương tính giả có thể do sai sót ở vị trí lấy mẫu, điều kiện bảo quản mẫu, thời gian đọc kết quả,…

Với độ đặc hiệu rất cao nên kết quả dương tính giả rất thấp. Vì vậy, bạn hãy yên tâm về vấn đề “Cảm cúm test nhanh có dương tính không?” nhé. Câu trả lời trên thực tế là có thể có nhưng với xác suất rất thấp.

Biến chứng của bệnh cảm cúm

Nếu không chữa cảm cúm nhanh chóng và kịp thời, bệnh cúm có thể gây ra nhiều biến chứng phức tạp, nguy hiểm. Vì vậy, chúng ta không nên quá xem nhẹ bệnh lý này. Đặc biệt là những đối tượng như người già, trẻ em, phụ nữ mang thai, người bị suy giảm miễn dịch. Đây là những đối tượng cần được theo dõi chặt chẽ trong vấn đề trị cảm cúm.

Bệnh cúm có thể gây những biến chứng nguy hiểm ở đường hô hấp như viêm phổi, suy hô hấp. Cúm còn là khởi điểm của bệnh lý viêm tai giữa, viêm xoang, viêm đường tiết niệu… nếu không được chữa trị kịp thời.5 6

Phụ nữ mang thai nếu nhiễm cúm trong 3 tháng đầu thai kỳ sẽ có nguy cơ dị tật thai nhi, sảy thai hoặc thai chết lưu.1

Biến chứng nguy hiểm nhất của bệnh cúm (nếu bệnh cúm lâu ngày không khỏi) là hội chứng Reye (tổn thương gan và não). Hội chứng này thường gặp ở trẻ em trong độ tuổi từ 2 đến 16 tuổi. Mặc dù hội chứng Reye rất hiếm gặp nhưng có tỷ lệ tử vong cao.1

Điều trị cảm cúm tại nhà có được không?

Theo các chuyên gia y tế, phần lớn các trường hợp mắc bệnh cúm đều nhẹ và tự khỏi. Vì vậy, chúng ta có thể điều trị cảm cúm tại nhà.1

Tuy nhiên, đối với những trường hợp nặng như: sốt cao, suy hô hấp, ho kéo dài, khó thở,… bạn nên đến các cơ sở y tế càng sớm càng tốt. Trong những trường hợp này, có thể bạn đã bị bội nhiễm hoặc thậm chí nhầm lẫn Covid với cảm cúm.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Bạn nên đến gặp bác sĩ ngay nếu nghi ngờ mình mắc các loại virus cúm nguy hiểm như H5N1, H1N1, H7N9…. Hoặc các triệu chứng cúm ngày càng nặng và có nguy cơ bị biến chứng như bài viết đã trình bày ở trên.

Vậy nên khám cảm cúm ở đâu? Tốt hơn hết bạn nên đến khám tại các cơ sở y tế có chuyên khoa về Hô hấp. Tại đây, các bác sĩ chuyên về hô hấp sẽ chẩn đoán chính xác bệnh lý bạn đang mắc phải và có hướng điều trị phù hợp.

Cúm gia cầm với hai chủng H5N1 và H7N9 thường gây bệnh nhất ở người. Vậy triệu chứng khi mắc bệnh như thế nào? Cách điều trị và phòng ngừa ra sao? Mời bạn đọc tìm hiểu thêm qua bài viết: Cúm gia cầm có nguy hiểm với con người không?

Chẩn đoán bệnh cảm cúm như thế nào?

Việc chẩn đoán chính xác bệnh cảm cúm sẽ giúp các y bác sĩ đề ra những cách trị cảm cúm phù hợp nhất. Bệnh cúm có thể được chẩn đoán thông qua các triệu chứng đặc trưng. Chẳng hạn như: sốt, ho khan, sổ mũi, chảy nước mũi, hắt hơi, mệt mỏi,… Tuy nhiên, nhiều trường hợp dễ chẩn đoán nhầm với bệnh cúm.

Các xét nghiệm virus học như nuôi cấy virus, huyết thanh chẩn đoán có độ đặc hiệu cao nhưng khá đắt tiền và ít thực hiện. Trong một số trường hợp, chụp X-quang phổi có thể được các bác sĩ chỉ định để đánh giá mức độ tổn thương phổi do virus cúm gây ra.10

Cách trị cảm cúm

Mục tiêu chính của điều trị cúm là điều trị triệu chứng và điều trị giảm nhẹ. Hiện tại có nhiều cách chữa cảm cúm. Đối với các trường hợp nhẹ, người bệnh có thể tự điều trị tại nhà thông qua hướng dẫn của bác sĩ hoặc những chữa cảm cúm dân gian. Đối với những trường hợp nặng, bệnh nhân phải nhập viện để được điều trị tích cực và phòng nhiễm khuẩn thứ phát.

Người bệnh cảm cúm nhẹ thường có thể được điều trị tại nhà bằng nhiều phương pháp khác nhau
Người bệnh cảm cúm nhẹ thường có thể được điều trị tại nhà bằng nhiều phương pháp khác nhau

Cách chữa bệnh cảm cúm tại nhà giúp nhanh khỏi bệnh

Một trong những cách chữa cảm cúm nhanh nhất đó là tự điều trị cúm tại nhà. Bởi vì điều trị tại nhà sẽ hạn chế được việc đến bệnh viện, tiếp xúc đông người và dễ bị lây nhiễm chéo. Một số cách trị cảm cúm tại nhà được khuyến nghị như sau:11 12

1. Trị cảm cúm bằng gừng

Chữa cảm cúm bằng gừng là một trong những mẹo trị cảm cúm rất hiệu quả. Đầu tiên, bạn hãy chuẩn bị:

  • 1 củ gừng tươi.
  • 300 ml nước lọc
  • 1 muỗng cà phê mật ong.

Cách tiến hành như sau:

  • Gừng: cạo sạch vỏ, thái thành từng lát mỏng.
  • Cho vài lát gừng vào nồi, đổ ngập nước, đun đến sôi và để khoảng 5 phút để gừng ngấm nước.
  • Cho thêm một muỗng cà phê mật ong vào nước gừng và uống 2-3 lần trong ngày.

2. Chữa cảm cúm bằng tỏi

Cách chữa cảm cúm cho trẻ bằng tỏi rất phổ biến từ trước đến nay. Tỏi đem bóc vỏ, giã nát rồi cho vào nồi. Cho thêm 200ml nước và đun nhỏ lửa trong khoảng 10 phút. Cho một ít đường vào và khuấy đều. Sau đó để nguội và cho bé uống 2-3 lần/ngày. Đây là một trong những mẹo chữa cảm cúm rất hiệu quả và dễ thực hiện.

Để tìm hiểu chi tiết hơn về công dụng của tỏi đối với bệnh cảm cúm, bạn đọc có thể tham khảo bài viết Tỏi và bệnh cảm cúm: Tăng cường khả năng miễn dịch để có thêm những thông tin bổ ích nhé!

3. Xông cảm cúm

Bị cảm cúm có nên xông không? Xông khi bị cảm cúm là một cách điều trị cảm cúm rất đơn giản và hiệu quả. Vậy thì xông cảm cúm cần những lá gì? Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, lá chanh, lá sả, tía tô, kinh giới, bạc hà, lá gừng, lá nghệ, lá tre, hương nhu, ngải cứu,… đều là những lá có thể dùng để nấu nồi xông.13

4. Hành tây trị cảm cúm

Hành tây giúp giảm triệu chứng sổ mũi, nghẹt mũi, hắt hơi, giải cảm. Bạn có thể dùng hành tây bằng cách:

  • Nấu cháo và cho thêm hành tây cắt nhỏ vào trộn đều, ăn khi còn nóng
  • Cắt nhỏ hành tây, nấu chín với nước sạch và uống khi còn nóng.

5. Chữa cảm cúm bằng mật ong

Mật ong thường được kết hợp với chanh, sả hoặc gừng, bột quế, hành tây,…Những hỗn hợp này có công dụng kháng khuẩn, kháng nấm, chống ký sinh trùng, kháng viêm. Và quan trọng nhất là công dụng chữa cảm cúm nhanh, hiệu quả.

6. Thảo dược trị cảm cúm

Một trong những cách trị cảm cúm nhanh tại nhà đó là dùng các loại thảo dược. Thảo dược nói chung là những loại cây mọc gần nhà, có công dụng chữa bệnh. Theo các chuyên gia về y học phương Đông, các loại thảo dược dùng để trị cảm cúm gồm có:

Thuốc trị cảm cúm

1. Hai nhóm thuốc chính

Ngoài những phương pháp chữa cảm cúm không cần thuốc, trong nhiều trường hợp, chúng ta cần phải sử dụng thuốc để hỗ trợ điều trị. Hai nhóm thuốc chính bao gồm: thuốc Tây y và thuốc Đông y trị cảm cúm.

Đối với thuốc Tây y, những loại thuốc thường được sử dụng bao gồm:14

Để giảm các triệu chứng cảm thông thường như nghẹt mũi, sổ mũi, hắt hơi, nhức đầu và sốt chúng ta nên dùng thuốc Tiffy Dey. Vậy thuốc Tiffy Dey là gì? Thuốc Tiffy Dey được dùng trong những trường hợp nào? Cần lưu ý gì về những tác dụng phụ có thể xảy ra trong quá trình dùng thuốc? Hãy cùng YouMed tìm hiểu nhé: Cảm cúm, ho, sổ mũi: Đừng lo, đã có Tiffy Dey

Đối với thuốc Đông y, có những bài thuốc nam trị cảm cúm rất hiệu quả. Ví dụ như bài thuốc trị cảm cúm:15

  • 25 g gừng sống thái lát;
  • Tỏi bóc vỏ đập dập 30 g;
  • 15 g hành ta;
  • 15 g đường đỏ;
  • Tất cả đem sắc nhỏ lửa 15 – 20 phút uống ấm ngày 1 thang.

2. Những lưu ý khi dùng thuốc

Phải cân nhắc với một số đối tượng đặc biệt như trẻ sơ sinh, phụ nữ mang thai và người có tiền sử dị ứng thuốc. Không dùng thuốc nhóm salicylate như aspirin để hạ sốt trong bệnh cúm vì có nguy cơ gây hội chứng Reye rất nguy hiểm. Riêng thuốc kháng virus chỉ nên sử dụng khi có chỉ định của bác sĩ, không nên tự ý sử dụng tùy tiện.5 14

Người bệnh cảm cúm nên ăn gì?

Người bị bệnh cúm nên ăn những món ăn giàu dinh dưỡng, nếu là những món ăn giải cảm cúm thì càng tốt. Một số món ăn được các chuyên gia y tế khuyến nghị bao gồm:11 12

Người cảm cúm không nên ăn gì? Đó là: Những loại thức ăn cứng, thức ăn nhanh hoặc thức ăn chứa nhiều dầu mỡ.

Ngoài ra, một số loại nước uống trị cảm cúm mà người bệnh có thể kết hợp với chế độ ăn giải cảm nói trên như:

  • Chanh mật ong.
  • Nước chanh sả.
  • Trà gừng.
  • Trà bạc hà,…

Những lưu ý quan trọng cho người bệnh cảm cúm và người chăm sóc

1. Đối với bệnh nhân

Người bệnh nên xây dựng chế độ ăn lành mạnh. Cần lưu ý:

  • Cung cấp đủ nước cho cơ thể.
  • Ăn thực phẩm mềm, dễ tiêu.
  • Ăn thực phẩm nhiều kẽm.
  • Hạn chế quan hệ vợ chồng khi bị cảm cúm.
  • Không nên lạm dụng truyền nước khi bị cảm cúm mà tuân theo chỉ định của bác sĩ.

2. Đối với người chăm sóc bệnh nhân

Người chăm sóc bệnh nhân cúm cần chú ý một số vấn đề sau:

  • Vệ sinh cá nhân sạch sẽ, rửa tay sạch với xà phòng trước và ngay sau tiếp xúc với người bệnh.
  • Thường xuyên vệ sinh mũi, họng bằng nước muối.
  • Chích ngừa cảm cúm hàng năm.
  • Sử dụng các phương tiện phòng hộ cá nhân khi chăm sóc bệnh nhân. Chẳng hạn như: khẩu trang y tế, găng tay,…
  • Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.

Cách phòng ngừa bệnh cảm cúm

Để chủ động phòng bệnh cúm, người dân nên thực hiện các biện pháp:

  • Vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi.
  • Vệ sinh mũi, họng bằng nước muối thường xuyên.
  • Luôn giữ ấm cơ thể, ăn uống chất dinh dưỡng.
  • Tập thể dục thể thao nâng cao sức đề kháng.
  • Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân mắc cúm hoặc nghi ngờ mắc bệnh cúm.
  • Tiêm vắc xin phòng bệnh cúm mùa hàng năm.
Tiêm phòng vắc xin cúm giúp phòng ngừa cúm mùa
Tiêm phòng vắc xin cúm giúp phòng ngừa cúm mùa

1. Dinh dưỡng và chế độ ăn lành mạnh

Một chế độ ăn uống lành mạnh bao gồm nhiều loại trái cây, rau quả, ngũ cốc nguyên hạt, thịt nạc, cá, gia cầm, trứng, và các loại hạt giúp bạn tăng cường đề kháng của cơ thể để tránh xa căn bệnh cảm cúm trong mùa lạnh. Đặc biệt cần chú ý ăn đúng giờ và không bỏ bữa. Đồ ăn nên được hâm nóng trước khi ăn.

Một chế độ ăn uống lành mạnh giúp bạn tăng cường đề kháng của cơ thể
Một chế độ ăn uống lành mạnh giúp bạn tăng cường đề kháng của cơ thể

2. Ngủ đủ giấc và đúng giờ

Ngủ đủ giấc và nghỉ ngơi hợp lý là một phần rất quan trọng của hệ thống miễn dịch khỏe mạnh. Không ngủ đủ sẽ khiến cơ thể mệt mỏi, giảm hoạt động bình thường của hệ thống miễn dịch. Người lớn cần ngủ ít nhất 6 – 7 giờ mỗi ngày.

Ngoài việc ngủ đủ giấc bạn còn cần chú ý ngủ đúng giờ. Ngủ sau 11 giờ đêm sẽ làm chức năng thải độc của gan bị suy yếu.

Ngủ đủ giấc và nghỉ ngơi hợp lý là một phần rất quan trọng của hệ thống miễn dịch khỏe mạnh
Ngủ đủ giấc và nghỉ ngơi hợp lý là một phần rất quan trọng của hệ thống miễn dịch khỏe mạnh

3. Vệ sinh cá nhân sạch sẽ để phòng tránh cảm cúm

Vệ sinh cá nhân giữ cho hệ thống miễn dịch của bạn không bị áp đảo bởi vi rút, vi khuẩn có hại và từ đó giúp bạn giảm nguy cơ mắc cảm cúm.

Sử dụng xà phòng và nước ấm để rửa sạch tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Khi rửa tay, chà sạch cả bàn tay, lòng bàn tay, các ngón tay kỹ càng trong ít nhất 15 giây.

Không nên tắm khuya, sau khi tắm phải lau khô người và không nên bước ra khỏi nhà tắm ngay
Không nên tắm khuya, sau khi tắm phải lau khô người và không nên bước ra khỏi nhà tắm ngay

Cho dù trời lạnh cũng vẫn nên tắm hằng ngày và nên tắm nước ấm. Đặc biệt không được tắm khuya. Sau khi tắm phải lau khô người và không nên bước ra khỏi nhà tắm ngay. Việc thay đổi nhiệt độ đột ngột sẽ dễ khiến bạn bị đột quỵ.

4. Tập thể dục và giảm bớt căng thẳng

Sự kích hoạt hormone stress mãn tính trong cơ thể sẽ làm suy yếu hệ thống miễn dịch. Tập thể dục thường xuyên để tăng cường hệ thống miễn dịch và giảm stress.

Tập thể dục thường xuyên để tăng cường hệ thống miễn dịch và giảm stress
Tập thể dục thường xuyên để tăng cường hệ thống miễn dịch và giảm stress

5. Tiếp xúc đầy đủ với ánh sáng mặt trời

Thời tiết lạnh có thể khiến bạn chỉ muốn ở nhà đắp chăn ngủ cả ngày. Nhưng nếu không tiếp xúc với ánh sáng mặt trời thì hệ miễn dịch sẽ giảm sút. Khi tiếp xúc với ánh sáng mặt trời, cơ thể sẽ tổng hợp vitamin D đóng vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh hệ thống miễn dịch.

Hãy tiếp xúc mới ánh sáng mặt trời nhiều hơn và virus cảm cúm sẽ nhanh chóng tan biến.

Khi tiếp xúc với ánh sáng mặt trời cơ thể sẽ tổng hợp vitamin D đóng vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh hệ thống miễn dịch
Khi tiếp xúc với ánh sáng mặt trời cơ thể sẽ tổng hợp vitamin D đóng vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh hệ thống miễn dịch

6. Che mũi và miệng ở những nơi đông người

Đeo khẩu trang để che mũi và miệng khi đi ra đường để tránh hít phải bụi và khí lạnh. Ngoài ra cũng nên đeo khẩu trang khi đến những nơi đông người có nguy cơ lây nhiễm virus cảm cúm cao như bệnh viện.

Thường xuyên đeo khẩu trang ở nơi công cộng để phòng ngừa cúm
Thường xuyên đeo khẩu trang ở nơi công cộng để phòng ngừa cúm

Với những thông tin mà bài viết đã cung cấp, hy vọng bạn đọc sẽ có một cái nhìn toàn diện hơn về bệnh cảm cúm. Thông qua sự hiểu biết tường tận, rõ ràng ấy, các bạn sẽ tự đề ra cho mình những cách sinh hoạt, làm việc, ăn uống khoa học. Mục đích là để tăng cường sức khỏe, hạn chế nguy cơ mắc bệnh cúm. Cũng như cách phát hiện sớm bệnh cúm để có những phương pháp điều trị thích hợp, kịp thời.

Câu hỏi thường gặp

Bị cảm cúm có nên tắm không?

Người bị cảm cúm có thể tắm bình thường. Tuy nhiên, nên tắm với nước ấm, hạn chế tắm với nước lạnh.

Cảm cúm có bị mất khứu giác không?

Cảm cúm chỉ gây giảm chứ không làm mất khứu giác hoàn toàn như bệnh COVID-19.

Cảm cúm có lây được không?

Cảm cúm là một bệnh lý rất dễ lây truyền và lây với tốc độ nhanh chóng.

Cảm cúm có nên nằm điều hoà không?

Theo các chuyên gia tâm lý và bác sĩ chuyên khoa, người bị cảm cúm vẫn được nằm điều hòa. Tuy nhiên, cần điều chỉnh nhiệt độ của máy điều hòa sao cho cơ thể cảm thấy dễ chịu nhất.

Bị cảm cúm có nên tập thể dục không?

Bạn có thể tập thể dục khi đang bị bệnh cúm nếu chỉ sốt nhẹ, đau tai, nghẹt mũi và đau họng ở mức độ nhẹ.

Có nên tiêm phòng cảm cúm không?

Nên tiêm phòng cảm cúm vì tiêm vắc xin có thể giúp phòng ngừa bệnh cúm rất hiệu quả. Các vắc xin cúm là an toàn và có hiệu quả phòng các thể nhẹ và nặng của cúm, tỷ lệ bảo vệ tương đối cao 70-90%. Tuy nhiên, hiệu quả bảo vệ của vắc xin cúm còn phụ thuộc nhiều yếu tố. Vì vậy, bên cạnh việc tiêm vắc xin, mỗi cá nhân nên chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa bệnh.16

Bị cảm cúm có nên xông hơi không?

Câu trả lời là có. Xông hơi khi bị cảm cúm có tác dụng thư giãn cơ thể. Đồng thời, các loại lá xông còn giúp tiêu diệt các loại vi sinh vật gây bệnh, trong đó có virus cúm.

Mẹ bị cảm cúm có nên cho con bú?

Mẹ khi bị cảm cúm vẫn nên cho con bú vì sữa mẹ là thức ăn tốt cho trẻ. Mẹ có thể cho con bú trực tiếp nhưng cần phải phòng tránh những nguy cơ gây bệnh cho con. Đồng thời cần chú ý những thuốc bà mẹ đang sử dụng có tiết qua sữa gây ảnh hưởng tới em bé hay không.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Bệnh cúm mùa: nguyên nhân, biểu hiện, cách điều trị và phòng ngừahttps://tytphuongphuocbinh.medinet.gov.vn/giao-duc-suc-khoe/benh-cum-mua-cmobile8157-68469.aspx

    Ngày tham khảo: 04/02/2023

  2. Lo ngại các chủng cúm thường xuyên biến đổihttps://moh.gov.vn/web/dich-benh/thong-tin-chung/-/asset_publisher/3hfjhpWJ5jW5/content/lo-ngai-cac-chung-cum-thuong-xuyen-bien-oi?inheritRedirect=false

    Ngày tham khảo: 04/02/2023

  3. A brief outline of respiratory viral disease outbreaks: 1889–till date on the public health perspectiveshttps://link.springer.com/article/10.1007/s13337-020-00628-5

    Ngày tham khảo: 04/02/2023

  4. Influenza (Seasonal)https://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/influenza-(seasonal)

    Ngày tham khảo: 04/02/2023

  5. Flu (Influenza)https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/4335-influenza-flu

    Ngày tham khảo: 04/02/2023

  6. Influenza (flu)https://www.betterhealth.vic.gov.au/health/conditionsandtreatments/flu-influenza

    Ngày tham khảo: 04/02/2023

  7. New coronavirus vs. Fluhttps://www.medicalnewstoday.com/articles/coronavirus-vs-flu

    Ngày tham khảo: 04/02/2023

  8. Flu or Cold Symptoms?https://www.webmd.com/cold-and-flu/flu-cold-symptoms

    Ngày tham khảo: 04/02/2023

  9. Lựa chọn các xét nghiệm SARS-CoV-2 hiện nay: Nhanh, tin cậy, đặc hiệu và nhạy để ứng phó Covid-19http://bvydhue.com.vn/c186/t186-1215/lua-chon-cac-xet-nghiem-sars-cov-2-hien-nay-nhanh-tin-cay-dac-hieu-va-nhay-de-ung-pho-covid-19.html

    Ngày tham khảo: 04/02/2023

  10. Influenzahttps://www.msdmanuals.com/professional/infectious-diseases/respiratory-viruses/influenza#v1018884

    Ngày tham khảo: 04/02/2023

  11. 8 thực phẩm rẻ tiền rất tốt cho người bị cảm cúmhttps://suckhoedoisong.vn/8-thuc-pham-re-tien-rat-tot-cho-nguoi-bi-cam-cum-169221212162556482.htm

    Ngày tham khảo: 04/02/2023

  12. Khi có triệu chứng cảm cúm đừng bỏ qua những thực phẩm và đồ uống dễ chế biến nàyhttps://suckhoedoisong.vn/khi-co-trieu-chung-cam-cum-dung-bo-qua-nhung-thuc-pham-va-do-uong-de-che-bien-nay-169221026210528351.htm

    Ngày tham khảo: 04/02/2023

  13. Bài thuốc xông chữa cảm cúmhttps://moh.gov.vn/tin-tong-hop/-/asset_publisher/k206Q9qkZOqn/content/bai-thuoc-xong-chua-cam-cum?inheritRedirect=false

    Ngày tham khảo: 04/02/2023

  14. 9 điều cần ghi nhớ khi uống thuốc cảm cúmhttps://suckhoedoisong.vn/9-dieu-can-ghi-nho-khi-uong-thuoc-cam-cum-169211024164359459.htm

    Ngày tham khảo: 04/02/2023

  15. Một số bài thuốc nam thường dùng để dự phòng, nâng cao thể trạng giúp ngăn ngừa và điều trị bệnh viêm đường hô hấp do vi rút gây rahttp://cdcthaibinh.vn/tin-tuc/tin-the-gioi/mot-so-bai-thuoc-nam-thuong-dung-de-du-phong-nang-cao-the-tr.html

    Ngày tham khảo: 04/02/2023

  16. ​BỆNH CÚMhttps://vncdc.gov.vn/benh-cum-nd14502.html

    Ngày tham khảo: 04/02/2023

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người