YouMed

Bạn biết gì về Rối loạn khiếm khuyết cơ thể?

bác sĩ nguyễn trung nghĩa
Tác giả: ThS.BS Nguyễn Trung Nghĩa
Chuyên khoa: Tâm thần

Rối loạn khiếm khuyết cơ thể là một rối loạn tâm thần. Trong đó bạn không thể ngừng suy nghĩ về một hoặc nhiều khuyết điểm về ngoại hình của mình. Đó có thể là một khuyết điểm nhỏ mà người khác không thể thấy được. Nhưng bạn cảm thấy rất xấu hổ, ngại ngùng và lo lắng đến mức có thể tránh né xã hội. Hãy cùng tìm hiểu về chứng rối loạn này thông qua bài viết sau của ThS.BS chuyên khoa Tâm thần Nguyễn Trung Nghĩa.

Dấu hiệu nhận biết Rối loạn khiếm khuyết cơ thể là gì?

Khi bị rối loạn khiếm khuyết cơ thể, bạn thường chú ý đến ngoại hình của mình và liên tục nhìn vào gương, chải chuốt hoặc tìm cách trấn an bản thân, đôi khi trong nhiều giờ mỗi ngày. Khuyết điểm bạn nhận biết được và các hành vi lặp lại khiến bạn đau khổ. Ảnh hưởng đến các hoạt động thường ngày.

Bạn tìm kiếm nhiều mỹ phẩm để cố gắng “sửa chữa” khuyết điểm đó của mình. Sau đó, bạn có thể tạm thời hài lòng hoặc bớt đau khổ. Nhưng thường thì sự lo âu sẽ quay trở lại và bạn có thể tiếp tục tìm kiếm các cách khác để sửa chữa khuyết điểm của mình.

1. Các triệu chứng của bệnh

  • Bận tâm quá mức đến khuyết điểm về ngoại hình mà người khác không thể nhìn thấy hoặc chỉ biểu hiện rất nhỏ.
  • Có niềm tin mãnh liệt về khuyết điểm ngoại hình khiến bạn xấu xí hoặc dị dạng.
  • Tin rằng người khác chú ý đặc biệt đến ngoại hình của bạn theo cách tiêu cực hoặc chế giễu bạn.
  • Khó chống lại hoặc kiểm soát các hành vi nhằm khắc phục hoặc che giấu khuyết điểm. Chẳng hạn như thường xuyên kiểm tra gương, chải chuốt hoặc bóc da.
  • Cố gắng che giấu khuyết điểm bằng quần áo hoặc trang điểm.
  • Thường xuyên so sánh ngoại hình của mình với người khác.
  • Thường xuyên tìm kiếm sự trấn an về ngoại hình từ người khác.
  • Có khuynh hướng cầu toàn.
  • Ít thỏa mãn khi tìm kiếm các loại mỹ phẩm hoặc thẩm mỹ.
  • Tránh né xã hội.

Sự bận tâm về ngoại hình và những suy nghĩ quá mức và hành vi lặp lại có thể không mong muốn, khó kiểm soát và tốn thời gian. Gây ra sự đau khổ hoặc vấn đề lớn trong cuộc sống, công việc, học tập hoặc các lĩnh vực khác.

Xem thêm: Những điều cần biết về chứng Rối loạn phân ly

2. Các bộ phận cơ thể thường được chú ý

  • Mặt, chẳng hạn như mũi, da, nếp nhăn, mụn trứng cá và các nhược điểm khác.
  • Tóc, chẳng hạn như bề ngoài, mỏng và hói.
  • Da và tĩnh mạch.
  • Kích thước vú.
  • Kích thước và sự rắn chắc của cơ bắp.
  • Bộ phận sinh dục.

Sự bận tâm đến việc cơ thể của bạn quá nhỏ hoặc không đủ cơ bắp (rối loạn khiếm khuyết cơ bắp) xảy ra hầu như chỉ ở nam giới. Nhận thức về ngoại hình có thể thay đổi tùy lúc. Bạn có thể nhận ra rằng niềm tin của bạn là quá mức hoặc không đúng sự thật. Hoặc nghĩ rằng chúng có thể đúng hoặc hoàn toàn là sự thật. Bạn càng tin bao nhiêu, bạn càng gặp nhiều đau khổ và gián đoạn trong cuộc sống bấy nhiêu.

Những nguyên nhân nào gây ra?

Chưa có nguyên nhân nào được xác định gây ra rối loạn khiếm khuyết cơ thể. Điều đó có thể xuất phát từ sự kết hợp của nhiều vấn đề. Như tiền sử gia đình có rối loạn, bất thường ở não và những đánh giá hoặc trải nghiệm tiêu cực về cơ thể hoặc bản thân.

Các yếu tố nguy cơ

Rối loạn khiếm khuyết cơ thể thường bắt đầu trong những năm đầu của thời niên thiếu. Ảnh hưởng đến cả nam và nữ.

Một số yếu tố dường như làm tăng nguy cơ tiến triển hoặc thúc đẩy đến rối loạn khiếm khuyết cơ thể, bao gồm:

  • Có người thân bị rối loạn khiếm khuyết cơ thể hoặc rối loạn ám ảnh cưỡng chế.
  • Trải nghiệm tiêu cực trong cuộc sống. Chẳng hạn như bị trêu chọc, bỏ rơi hoặc lạm dụng trong thời thơ ấu.
  • Một số đặc điểm tính cách, chẳng hạn như cầu toàn.
  • Có một tình trạng tâm thần khác, chẳng hạn như lo âu hoặc trầm cảm.

rối loạn khiếm khuyết cơ thể
Áp lực xã hội hoặc kỳ vọng về cái đẹp là một trong các yếu tố nguy cơ dẫn đến rối loạn khiếm khuyết cơ thể

Hậu quả do bệnh mang lại

Các biện pháp phòng ngừa

Chưa có cách nào được biết có thể ngăn ngừa rối loạn khiếm khuyết cơ thể. Tuy nhiên, vì nó thường bắt đầu trong những năm đầu của tuổi thiếu niên, việc xác định rối loạn sớm và bắt đầu điều trị có thể có ích.

Điều trị duy trì lâu dài cũng có thể giúp ngăn ngừa tái phát các triệu chứng rối loạn khiếm khuyết cơ thể.

Chẩn đoán bệnh rối loạn khiếm khuyết

Chẩn đoán rối loạn khiếm khuyết cơ thể sau khi đã loại trừ các bệnh lý y khoa khác, thường dựa trên:

  • Đánh giá tâm lý, đánh giá các yếu tố nguy cơ và suy nghĩ, cảm xúc và hành vi liên quan đến hình ảnh tiêu cực của bản thân.
  • Tiền sử cá nhân, xã hội, gia đình và y khoa.
  • Các triệu chứng được liệt kê trong Cẩm nang Chẩn đoán và Thống kê Rối loạn Tâm thần DSM-5, được xuất bản bởi Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ.

Phương pháp điều trị

Điều trị rối loạn khiếm khuyết cơ thể bao gồm sự kết hợp giữa liệu pháp nhận thức hành vi và thuốc.

1. Liệu pháp nhận thức hành vi

Liệu pháp nhận thức hành vi đối với rối loạn khiếm khuyết cơ thể tập trung vào:

  • Học cách hiểu được tại sao những suy nghĩ, cảm xúc và hành vi tiêu cực duy trì theo thời gian.
  • Thử thách những suy nghĩ tiêu cực tự động về hình ảnh cơ thể bạn và học cách suy nghĩ linh hoạt hơn.
  • Học các cách khác nhau để quản lý sự thôi thúc hoặc hành vi lặp lại, giảm thiểu việc soi gương hoặc tìm kiếm sự trấn an.
  • Dạy cho bạn những hành vi khác để cải thiện sức khỏe tinh thần, chẳng hạn như giải quyết vấn đề tránh né xã hội.

Bạn và nhà trị liệu có thể thảo luận về mục tiêu trị liệu và phát triển một kế hoạch điều trị được cá nhân hóa để học hỏi và củng cố các kỹ năng ứng phó. Thành viên trong gia đình tham gia vào quá trình điều trị là một điều rất quan trọng, đặc biệt là đối với thanh thiếu niên.

2. Thuốc

Không có loại thuốc nào được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) phê duyệt để điều trị rối loạn khiếm khuyết cơ thể. Tuy nhiên, các loại thuốc dùng để điều trị các rối loạn tâm thần khác – như trầm cảm và rối loạn ám ảnh cưỡng chế – có thể có hiệu quả.

  • Thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI). Vì rối loạn khiếm khuyết cơ thể một phần là do serotonin trong não, nên SSRI được chỉ định. SSRI có hiệu quả đối với rối loạn khiếm khuyết cơ thể hơn các thuốc chống trầm cảm khác. Có thể giúp kiểm soát suy nghĩ tiêu cực và các hành vi lặp lại.
  • Các loại thuốc khác. Trong một số trường hợp, có thể sử dụng các loại thuốc khác ngoài SSRI, tùy thuộc vào triệu chứng của bạn.
thuoc-dieu-tri-roi-loan-khiem-khuyet-co-the
Thuốc điều trị rối loạn khiếm khuyết cơ thể

3. Nhập viện

Trong một số trường hợp, rối loạn khiếm khuyết cơ thể có thể nghiêm trọng đến mức phải nhập viện. Thường khi bạn không thể làm được các công việc sinh hoạt hàng ngày hoặc ngay khi bạn có nguy cơ làm hại chính mình.

4. Thay đổi lối sống

Bám sát kế hoạch điều trị

Đừng bỏ qua các buổi trị liệu, ngay cả khi bạn không muốn đi. Ngay cả khi bạn cảm thấy khỏe, hãy tiếp tục dùng thuốc. Nếu ngưng thuốc, các triệu chứng có thể quay trở lại. Bạn cũng có thể gặp các triệu chứng giống như cai rượu do ngừng thuốc quá đột ngột.

Tìm hiểu về bệnh của bạn

Giúp tiếp thêm động lực và thúc đẩy bạn bám sát kế hoạch điều trị.

Chú ý đến các dấu hiệu cảnh báo

Hỏi bác sĩ hoặc nhà trị liệu về những thứ có thể kích hoạt các triệu chứng của bạn. Lập kế hoạch để biết phải làm gì nếu các triệu chứng quay trở lại. Liên hệ với bác sĩ hoặc nhà trị liệu nếu nhận thấy bất kỳ thay đổi nào về triệu chứng hoặc cảm giác.

Thực hành các kỹ năng đã học

Thường xuyên thực hành các kỹ năng bạn đã học được trong quá trình trị liệu để chúng trở thành thói quen.

Không dùng thuốc và rượu

Rượu và thuốc kích thích có thể làm nặng thêm các triệu chứng hoặc tương tác với thuốc.

Chủ động

Hoạt động thể chất có thể giúp kiểm soát nhiều triệu chứng như trầm cảm, căng thẳng và lo lắng. Đi bộ, chạy bộ, bơi lội, làm vườn hoặc tham gia các hình thức hoạt động thể chất khác mà bạn thích. Tuy nhiên, tránh tập thể dục quá mức như một cách để sửa chữa khuyết điểm.

Chứng rối loạn khiếm khuyết cơ thể nếu không được điều trị, có thể trở nên tồi tệ hơn theo thời gian. Từ đó dẫn đến lo lắng, trầm cảm nặng, thậm chí là suy nghĩ và hành vi tự tử. Ngại ngùng và xấu hổ về ngoại hình có thể khiến bạn không tìm kiếm việc điều trị. Bác sĩ Tâm thần sẽ giúp bạn có được phương pháp điều trị tốt nhất và không bao giờ phán xét bạn. Nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nào, đừng ngại ngần, hãy liên hệ để được khám và điều trị sớm nhất.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Body dysmorphic disorder (Symptoms & causes)https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/body-dysmorphic-disorder/symptoms-causes/syc-20353938

    Ngày tham khảo: 04/09/2020

  2. Body dysmorphic disorder (Diagnosis & treatment)https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/body-dysmorphic-disorder/diagnosis-treatment/drc-20353944

    Ngày tham khảo: 04/09/2020

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người