YouMed

Bạn có đang bị hôi chân?

bác sĩ hoàng thị việt trinh
Tác giả: Bác sĩ Hoàng Thị Việt Trinh

Bàn chân bạn có mùi hôi? Đây là một tình trạng bệnh lý rất phổ biến thường gặp ở nam và nữ. Tình trạng này xảy ra do mồ hôi tích tụ, khiến vi khuẩn phát triển trên da. Những vi khuẩn này gây ra mùi hôi. Nhiễm nấm như nấm da chân cũng có thể dẫn đến mùi hôi ở chân. Tin tốt lành là tình trạng hôi chân có thể được điều trị dễ dàng, nhanh chóng và ít tốn kém.

1. Nguyên nhân nào khiến chân có mùi hôi?

Nguyên nhân chính là do mồ hôi chân. Bản thân mồ hôi không mùi. Tuy nhiên, nó tạo ra một môi trường có lợi cho một số vi khuẩn phát triển, tạo ra các chất có mùi. Những vi khuẩn này hiện diện tự nhiên trên da chúng ta như một phần của hệ thực vật của con người. Phần trước của bàn chân tiết ra nhiều mồ hôi nhất.

Chân của bạn tiết ra rất nhiều mồ hôi. Chúng có nhiều tuyến mồ hôi hơn bất kỳ bộ phận nào khác trên cơ thể. Các tuyến này tiết ra mồ hôi suốt cả ngày để giúp làm mát cơ thể và giữ ẩm cho da.

Thực tế thì chân chúng ta đổ rất nhiều mồ hôi
Thực tế thì chân chúng ta đổ rất nhiều mồ hôi

Mọi người đều đổ mồ hôi chân, nhưng thanh thiếu niên và phụ nữ mang thai dễ bị đổ mồ hôi chân nhất. Lý do là vì cơ thể họ sản xuất ra các hormone khiến họ đổ mồ hôi nhiều hơn. Những người luôn đi cả ngày tại nơi làm việc, chịu nhiều căng thẳng hoặc mắc một bệnh lý nào đó có thể đổ mồ hôi chân nhiều hơn những người khác.

Thông thường, có một số vi khuẩn trên bàn chân của bạn. Những vi khuẩn này giúp phân hủy mồ hôi trên bàn chân khi nó tiết ra. Nếu vi khuẩn và mồ hôi tích tụ, mùi hôi có thể hình thành. Thêm vào đó, vi khuẩn có xu hướng hình thành nhiều hơn khi một người đổ mồ hôi trong giày, cởi giày ra và sau đó mang lại mà không để giày khô hoàn toàn.

Vệ sinh kém cũng có thể đóng một vai trò trong việc gây ra bệnh nhiễm khuẩn chân. Rửa chân không thường xuyên hoặc không thay tất ít nhất một lần một ngày có thể tạo điều kiện cho vi khuẩn bắt đầu phát triển trên bàn chân. Điều này có thể khiến mùi hôi chân trở nên trầm trọng hơn.

Mùi hôi trầm trọng hơn do các yếu tố làm tăng tiết mồ hôi, chẳng hạn như đi giày bít mũi. Các loại giày thể thao cũng thường được đệm dày bên trong, tạo môi trường hoàn hảo để giữ độ ẩm và tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi. Tất có thể góp phần làm tăng cường độ mùi bằng cách tăng diện tích bề mặt mà vi khuẩn có thể phát triển. Vì tất tiếp xúc trực tiếp với bàn chân nên thành phần của chúng có thể ảnh hưởng đến mùi hôi chân. Các chất liệu tổng hợp như polyester và nylon ít tạo sự thông thoáng cho bàn chân hơn cotton hoặc len, dẫn đến tăng tiết mồ hôi và mùi hôi. Nhiều loại tất tổng hợp được xử lý bằng hóa chất để giúp giảm mùi.

Đi giày bít mũi (ví dụ như giày ba lê hoặc giày bệt) mà không đi tất dẫn đến tích tụ mồ hôi, tế bào da chết, bụi bẩn và dầu, góp phần làm tăng số lượng vi khuẩn.

Việc mang giày  bít mũi có thể tăng nguy cơ bị hôi chân
Việc mang giày bít mũi có thể tăng nguy cơ bị hôi chân

2. Tính chất mùi

Vi khuẩn Brevibacteria được coi là nguyên nhân chính gây ra mùi hôi chân. Chúng ăn da chết trên bàn chân và chuyển đổi axit amin methionine thành methanethiol, một loại khí không màu có mùi đặc trưng của sulfuric. Da chết thúc đẩy quá trình này diễn ra, đặc biệt phổ biến ở lòng bàn chân và giữa các ngón chân.

Axit propionic – một sản phẩm phân hủy của quá trình chuyển hóa axit amin của vi khuẩn Propionibacteria ở các ống tuyến bã nhờn ở thanh thiếu niên và người lớn, cũng có trong nhiều mẫu mồ hôi chân.

Axit isovaleric (axit 3-metyl butanoic), một nguồn khác của mùi hôi chân, được tạo ra bởi Staphylococcus epidermidis, một loài vi khuẩn thường cư trú trên da người.

Các vi sinh vật liên quan khác bao gồm Micrococcaceae, Corynebacterium và Pityrosporum.

3. Phương pháp điều trị tại nhà cho bàn chân có mùi

Những mẹo này có thể giúp giảm mùi hôi chân của bạn. Điều quan trọng là đảm bảo thực hiện chúng thường xuyên.

  • Dùng xà phòng có tính tẩy rửa nhẹ và bàn chải để chà rửa chân ít nhất một lần mỗi ngày. Thời gian tốt nhất để làm điều này là khi bạn tắm buổi sáng hoặc buổi tối. Điều quan trọng là phải lau khô chân hoàn toàn sau khi rửa. Đặc biệt chú ý giữa các ngón chân của bạn. Bất kỳ sự ẩm ướt nào cũng có thể dễ dàng khiến vi khuẩn phát triển.
  • Thường xuyên cắt móng chân để chúng ngắn lại. Đảm bảo làm sạch chúng thường xuyên.
Hãy vệ sinh và cắt móng chân thường xuyên
Hãy vệ sinh và cắt móng chân thường xuyên
  • Loại bỏ da chết trên bàn chân của bạn. Da chết bị sũng nước và mềm khi bị ẩm ướt, là nơi vi khuẩn thích sống.
  • Thay tất của bạn ít nhất một lần một ngày. Nếu đang ở trong một môi trường nóng, tập thể dục hoặc trong bất kỳ tình huống nào khác mà chân có thể đổ mồ hôi, bạn nên thay tất thường xuyên hơn.

Bạn nên có hai đôi giày thay phiên đi mỗi ngày. Điều này cho phép mỗi đôi khô hoàn toàn khỏi mồ hôi hoặc hơi ẩm trong cả ngày trước khi được mặc lại. Bạn có thể tháo phần lót trong giày để giúp giày khô trở lại. Giày ướt tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển trên chân bạn nhanh chóng hơn.

Hãy chọn những đôi tất có khả năng hút ẩm. Chúng bao gồm tất mềm làm từ sợi tự nhiên hoặc tất thể thao.

>> Đọc thêm bài viết: Biến chứng bàn chân đái tháo đường: Triệu chứng, điều trị và cách chăm sóc.

  • Đi dép hở mũi khi thời tiết ấm và đi chân trần trong nhà khi thích hợp để chân luôn khô ráo.
Hãy cân nhắc việc mang giày dép hở mũi
Hãy cân nhắc việc mang giày dép hở mũi
  • Tránh đi giày chật hoặc giày đang bị ẩm ướt.
  • Sử dụng chất khử trùng. Xịt chất khử trùng gia dụng thông thường vào giày và đế lót giày, sau đó để khô. Cũng có thể hữu ích khi để chúng khô dưới ánh nắng mặt trời.
  • Nếu cần nhanh chóng giảm bớt mùi hôi chân của mình, bạn có thể thoa chất chống mồ hôi hoặc xịt khử mùi lên chân.
  • Hãy thử các loại xà phòng kháng nấm và kháng khuẩn khác nhau cho đến khi bạn tìm thấy loại phù hợp nhất với mình.
  • Thử các loại tinh dầu. Một nghiên cứu cho thấy rằng tỷ lệ 1:1 của dầu bách xù và benzoin bôi lên chân giúp loại bỏ vi khuẩn gây mùi. Các loại tinh dầu khác có hoạt tính kháng khuẩn cũng có thể hữu ích. Tinh dầu có thể khá mạnh và gây kích ứng da. Dù vậy, da chân của bạn cũng dày nên điều này không đáng lo ngại. Thử dầu trên một vùng da nhỏ trước. Nếu cảm thấy nóng rát, hãy pha loãng trong nước trước khi xoa lên chân.

Các phương pháp điều trị tại nhà thông thường sẽ làm tốt công việc giúp giảm bớt hoặc loại bỏ mùi hôi chân của bạn. Tuy nhiên, nếu các phương pháp điều trị tại nhà không giúp giảm bớt tình trạng hoặc nếu mùi hôi nghiêm trọng hơn, bạn nên đến gặp bác sĩ. Họ có thể kê đơn thuốc chống mồ hôi và xà phòng rửa chân mạnh hơn. Đồng thời, họ sẽ đưa ra lời khuyên về các phương pháp điều trị y tế cho chứng đổ mồ hôi quá nhiều của bạn.

Tóm lại, mặc dù hôi chân là một tình trạng phổ biến, nhưng nó có thể khiến bạn cảm thấy mất tự tin. Tin tốt là tình trạng này điều trị khá đơn giản. Với sự chú ý, chăm sóc chân hằng ngày, bạn có thể giảm hoặc loại bỏ mùi hôi chân của mình trong vòng một tuần. Điều quan trọng là làm cho việc chăm sóc chân trở thành một phần trong thói quen vệ sinh của bạn.

Các phương pháp điều trị tại nhà thường rất hiệu quả. Nhưng trong những trường hợp nghiêm trọng, bác sĩ có thể chỉ định các phương pháp điều trị mạnh hơn. Trong một số trường hợp, có thể cần can thiệp y tế để điều trị nhiễm trùng do vi khuẩn hoặc nấm bằng thuốc diệt nấm hoặc kháng khuẩn tại chỗ.

Bác sĩ Hoàng Thị Việt Trinh

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người