Biến chứng bàn chân đái tháo đường: Triệu chứng, điều trị và cách chăm sóc
Nội dung bài viết
Khi bị đái tháo đường, sẽ có nhiều glucose (đường) bị tích tụ trong máu trong một thời gian dài. Nó có thể gây ra một số biến chứng nghiêm trọng, bao gồm vấn đề về biến chứng bàn chân đái tháo đường. Sau đây, YouMed sẽ mang đến cho bạn những thông tin về biến chứng nguy hiểm này.
Bệnh đái tháo đường tác động lên bàn chân như thế nào?
Đái tháo đường có thể gây ra 2 vấn đề chính lên bàn chân:
Bệnh thần kinh do đái tháo đường
Đái tháo đường không được kiểm soát có thể làm hỏng dây thần kinh. Do đường bị tích tụ nhiều ở các mạch máu nuôi thần kinh. Sẽ gây giảm tưới máu đến các dây thần kinh. Nếu bị tổn thương dây thần kinh ở chân và bàn chân, bạn có thể mất cảm giác nóng, lạnh hoặc đau ở vị trí đó. Sự mất cảm giác này được gọi là “bệnh thần kinh cảm giác do tiểu đường.” Thậm chí bạn có thể không cảm thấy vết thương hoặc đau ở bàn chân vì bệnh thần kinh. Do đó, vết thương có thể trở nên tồi tệ hơn và bị nhiễm trùng.
Bệnh mạch máu ngoại biên
Đái tháo đường cũng ảnh hưởng đến lưu lượng máu. Nếu lưu lượng máu không tốt, thời gian để lành vết thương lâu hơn. Lưu lượng máu giảm ở cánh tay và chân được gọi là “bệnh mạch máu ngoại biên”. Nếu bạn bị nhiễm trùng sẽ khó lành vì lưu lượng máu kém. Từ đó có nguy cơ bị loét hoặc hoại thư (cái chết của mô do thiếu máu).
Dấu hiệu của bàn chân đái tháo đường
Nếu bị mắc đái tháo đường, hãy gặp bác sĩ nếu bạn có bất kỳ vấn đề nào sau đây:
- Thay đổi màu da chân.
- Thay đổi nhiệt độ da chân.
- Sưng ở bàn chân hoặc mắt cá chân.
- Đau ở chân.
- Vết loét hở ở bàn chân chậm lành hoặc chảy nước.
- Móng chân mọc ngược hoặc móng chân bị nhiễm nấm hoặc xuất hiện vết chai.
- Các vết nứt khô trên da, đặc biệt là quanh gót chân.
- Mùi hôi chân không bình thường hoặc không biến mất dù đã rửa
Biến chứng lên bàn chân của bệnh đái tháo đường
Bàn chân là vị trí có thể xuất hiện biến chứng đái tháo đường. Do đó người bệnh tiểu đường cần quan tâm đến thông tin này.
Nhiễm trùng da và xương
Một vết cắt nhỏ hoặc vết thương có thể dẫn đến nhiễm trùng. Tổn thương thần kinh và mạch máu, cùng với các vấn đề về hệ thống miễn dịch, khiến vết thương càng trầm trọng. Nhiễm trùng có thể được điều trị bằng kháng sinh. Trường hợp nghiêm trọng có thể yêu cầu điều trị trong bệnh viện.
Áp xe
Đôi khi nhiễm trùng ăn vào xương hoặc mô và tạo ra một túi mủ gọi là áp xe. Phương pháp điều trị phổ biến là dẫn lưu áp xe. Nó có thể yêu cầu loại bỏ một số xương hoặc mô.
Hoại thư
Đái tháo đường ảnh hưởng đến các mạch máu cung cấp máu cho chân của bạn. Khi dòng máu bị giảm, mô có thể chết gây hoại thư. Điều trị thường là liệu pháp oxy hoặc phẫu thuật để loại bỏ phần bị ảnh hưởng.
Biến dạng bàn chân
Tổn thương thần kinh có thể làm suy yếu các cơ ở bàn chân. Lực tì đè lên bàn chân không cân đối gây ra biến dạng bàn chân. Và biến dạng là một trong những biến chứng bàn chân đái tháo đường nguy hiểm.
Bàn chân Charcot
Bệnh tiểu đường có thể làm suy yếu xương ở bàn chân đến mức chúng bị gãy. Tổn thương thần kinh có thể làm giảm cảm giác và bạn có thể không nhận ra điều đó. Bạn tiếp tục đi trên xương gãy và bàn chân của bạn sẽ thay đổi hình dạng.
Cắt cụt chi
Các vấn đề về lưu lượng máu và dây thần kinh khiến những người mắc bệnh dễ bị chấn thương bàn chân và không nhận ra nó cho đến khi nhiễm trùng. Khi nhiễm trùng không thể chữa lành. Nó tạo ra áp xe hoặc nếu lưu lượng máu thấp dẫn đến hoại thư. Và lúc này thường phải cắt cụt chi.
Lời khuyên cho việc chăm sóc bàn chân đái tháo đường
Chăm sóc chân đúng cách có thể ngăn ngừa các vấn đề này hoặc điều trị chúng trước khi chúng gây ra các biến chứng nghiêm trọng. Dưới đây là một số lời khuyên để chăm sóc chân tốt:
Kiểm soát tốt lượng đường trong máu
Làm theo lời khuyên của bác sĩ về dinh dưỡng, tập thể dục và thuốc. Giữ mức đường trong máu trong phạm vi được đề nghị bởi bác sĩ.
Vệ sinh bàn chân
- Rửa chân trong nước ấm mỗi ngày, sử dụng xà phòng nhẹ. Kiểm tra nhiệt độ của nước bằng khuỷu tay vì tổn thương thần kinh cũng có thể ảnh hưởng đến cảm giác ở tay. Đừng ngâm chân. Lau khô chân, đặc biệt là giữa kẽ các ngón chân.
- Kiểm tra bàn chân mỗi ngày để xem vết loét, mụn nước, đỏ, vết chai hoặc bất kỳ vấn đề nào khác.
- Nếu da trên bàn chân khô, hãy giữ ẩm bằng cách thoa kem dưỡng ẩm sau khi rửa và lau khô chân. Không bôi kem dưỡng da giữa kẽ các ngón chân.
- Kiểm tra móng chân một lần một tuần. Cắt móng chân với một cái bấm móng tay thẳng. Không làm tù các góc của móng chân hoặc cắt xuống hai bên móng. Sau khi cắt, làm mịn móng chân bằng giũa móng. Luôn luôn mang giày kín hoặc dép, không đi chân trần.
Chú ý các hoạt động thường nhật
- Mang giày vừa vặn. Mua giày làm bằng vải hoặc da. Nếu bàn chân bị dị tật, có thể cần phải đặt riêng loại giày phù hợp với cỡ chân.
- Cử động ngón chân và di chuyển mắt cá chân nhiều lần trong ngày. Không bắt chéo chân trong thời gian dài.
- Nếu bạn hút thuốc, hãy dừng lại. Hút thuốc có thể làm cho vấn đề với lưu lượng máu tồi tệ hơn.Nếu vấn đề về chân trở nên tồi tệ hơn hoặc không lành, hãy liên hệ với bác sĩ.
Biến chứng bàn chân đái tháo đường rất thường gặp nhưng lại chưa được người bệnh quan tâm đúng mức. Và rõ ràng, đây là biến chứng ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng cuốc sống. Khám bàn chân đái tháo đường mỗi tháng mỗi khi tái khám đái tháo đường giúp hạn chế nguy cơ rất nhiều.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Diabetic Foot Problemshttps://www.webmd.com/diabetes/foot-problems#3
Ngày tham khảo: 15/12/2019